Chương 145
“Anh cũng muốn làm!” Thiệu Thịnh Phi mang Đại Bảo trở về thấy Thiệu Thịnh An đang băm cá thì lập tức muốn nhào vào làm cùng. Thiệu Thịnh An cũng cảm thấy mỏi tay nên đưa thớt và dao cho anh mình còn bản thân thì đi xử lý đống cá đã băm xong. Anh bận tới độ mồ hôi túa ra, Kiều Thanh Thanh ngồi trên ghế nhỏ quạt gió cho anh. Nơi chân trời có ánh sáng rải xuống mặt đất, còn ở đây là cảnh yên bình hiếm có.
Cách đó không xa đám Tống Tam Hà cũng đang làm cơm chiều.
Ao trong doanh địa của họ ngày càng lớn, bên trong là nước lấy từ bờ biển. Cá họ bắt được đều thả trong đó nuôi. Đáng tiếc thời tiết ngày một nắng, dù cẩn thận chăm sóc thì hôm nay vẫn có hai con bị chết. Tống Tam Hà nói: “Anh thấy nhà Thiệu Thịnh An làm cá khô, vậy chúng ta cũng làm thử xem, phơi khô dễ dự trữ hơn.” Mấy ngày nay họ vẫn luôn bận rộn bắt cá nên lúc này cũng nên để thời gian xử lý cho ổn thỏa.
“Thơm quá, mỗi lần nhà họ nấu cơm đều thơm nức.” Một cô nhóc tò mò nhìn về phía nhà Kiều Thanh Thanh.
Một người khác cũng nói: “Hình như họ đang nấu cơm, tốt thật.”
“Tôi ngửi được mùi thịt kho tàu, mọi người có ngửi được không?”
“Chắc là mùi từ doanh địa của đám nhà giàu bên kia. Nơi ấy cứ tới giờ cơm là thơm nức. Người với người sao mà khác nhau quá!”
“Đừng so với người khác, cứ sống tốt phần mình là được.” Tống Tam Hà mở miệng cắt đứt bàn luận và bắt đầu phân chia công việc cho mọi người.
“Chúng ta không có muối. Anh Ba, vốn em còn nghĩ tới việc phơi nước biển lấy muối nhưng nước này cũng không quá mặn.” Lưu Chấn buồn rầu nói. Vùng biển kia giống nước sông hơn là nước biển.
Tống Tam Hà nhìn về phía nhà Kiều Thanh Thanh và nghĩ: “Ngày mai anh sẽ tới nhà họ xem có thể đổi chút muối không.”
Ở một doanh địa khác gần đó không khí cũng cực kỳ vui vẻ. Bọn họ kết bè tới đây, trong đội ngũ có một người nghe nói trước kia là giáo viên địa lý. Chính bà ấy đã giúp phân biệt địa hình địa lý và đưa họ tới nơi này. Lúc nhìn thấy biển rộng cả đám đều hoan hô và chạy tới múc nước uống.
“Cô Trần đúng là giỏi, may có cô!”
Cô giáo Trần hé miệng ngượng ngùng cười: “Đây là kết quả mọi người cùng nhau nỗ lực, chúng ta cùng đoàn kết giúp đỡ nhau mới tới được nơi này. Mọi người đều có công lao.”
“Ấy cô Trần quá khiêm tốn rồi.”
“Ngày tháng cuối cùng cũng tốt hơn!”
“Hôm nay bắt ít cá ăn đã, tôi thấy đã chảy nước miếng!”
Bọn họ không có được may mắn trải qua cảnh tượng cá thành đàn mấy ngày trước thế nên hôm nay bắt được năm con cá họ đã cảm thấy cực kỳ vui mừng.
“Nơi này nhiều cá thật. Những người kia tới trước nên có vẻ đã bắt được rất nhiều cá. Ngày mai chúng ta cũng đi bắt nhé!”
Ban ngày mặt trời treo cao, ban đêm lung linh ánh sao. Ánh trăng cũng ló ra mang lại vẻ đẹp mỹ lệ cho cảnh đêm. Mọi người lại sinh ra hy vọng với tương lai phía trước.
Làm được nửa số cá viên thì trời tốt nên cả nhà Kiều Thanh Thanh đi ăn cơm tối.
Mỗi người cầm một cái bát lớn được rưới thêm nước thịt. Cơm và đồ ăn ngấm vào nhau mang theo mùi thơm nồng. Mọi người ăn uống thỏa thích cùng canh giá đỗ thanh đạm ngon miệng. Ai muốn thêm canh cứ múc thoải mái.
Ăn cơm xong Thiệu Thịnh An nhớ thương cá viên còn chưa làm hết nên không nghỉ ngơi mà làm tiếp.
Băm xong cá bọn họ bỏ thêm gừng để khử mùi tanh, lại thêm muối, bột, lòng trắng trứng rồi quấy đều và nặn thành viên.
“Dễ nặn lắm, không hề khó.” Kiều Thanh Thanh thử làm thì thấy rất dễ.
Thiệu Thịnh An cũng thế, tay nặn vừa nhanh vừa đều. Kiều Tụng Chi và mẹ Thiệu cũng tới hỗ trợ, ba Thiệu rửa bát xong thì sai Thiệu Thịnh Phi đi nấu nước để lát nữa luộc cá viên.
Cá viên được cho vào nồi nước sôi, chỉ lát sau đã nổi lên từng viên trắng mượt nhìn cực kỳ khả quan. Ba Thiệu vừa vớt cá viên vừa vui vẻ nói: “Cá viên này nhìn ngon quá, thoạt nhìn còn rất dai.”
“Con, con, con, cho con ăn thử một miếng nhé ba?” Thiệu Thịnh Phi duỗi cổ, mặt thèm nhỏ dãi.
Ba Thiệu múc một bát để anh đưa cho mọi người cùng nếm thử.
Thiệu Thịnh Phi nhịn nóng mà ăn một viên sau đó vội vàng chạy tới chỗ Thiệu Thịnh An và mọi người. Thấy ai cũng vội thế là anh đút cho từng người một.
“Ăn ngon không? Ăn ngon hả?”
“Ăn ngon, ăn ngon!”
“Á, ngon thật ấy, vừa dai vừa giòn, đồ mình tự làm đúng là khác hẳn.”
“So với đồ đi mua ngon hơn nhiều.”
Kiều Thanh Thanh khen không dứt miệng sau đó cười nói với chồng: “Thịnh An lần đầu tiên làm cá viên mà đã ngon thế này vậy sau này có thể mở quán được đó.”
Nghe thấy mọi người cười thế là Thiệu Thịnh An vừa vui vừa ngượng, mặt cũng đỏ lên.
Trong khoảng thời gian ngắn doanh địa tràn ngập tiếng cười vui.
Cá viên được nấu chín và thu vào trong không gian, về sau muốn ăn chỉ cần lấy ra là được.
Lần này làm cá viên thành công lớn nên Kiều Thanh Thanh quyết định ngày mai sẽ tiếp tục làm. Kiều Tụng Chi cũng nói cá viên ăn ngon, không có xương, mùi vị cũng tuyệt hảo: “Cá khô thì từng này là đủ, chỗ cá bắt được sau này làm thành cá viên đi, mọi người cùng làm nên cũng không mệt lắm.”
Mấy ngày hôm trước thu hoạch tốt nên số thịt cá tích lại cũng đủ làm 2-3 thùng cá viên lớn.
Sáng sớm hôm sau Thiệu Thịnh An dẫn theo Thiệu Thịnh Phi bắt đầu làm việc. Bọn họ đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu bao gồm cát, đất sét, bùn đất bình thường và một ít bùn Kiều Thanh Thanh lợi dụng không gian mang về. Mấy thứ này chỗ nào cũng có, đi đường thì cộm chân, đạp xe thì xóc nảy nhưng lại là thứ tốt giúp tạo hình. Giường ấp được xây xong nhưng vẫn còn thừa nguyên liệu nên bọn họ dùng để gia cố chân lều và sửa sang lại doanh địa.
Bên kia làm việc hăng hái còn bên này Kiều Thanh Thanh bận rộn làm cá viên. Lần này thịt cá do ba Thiệu băm. Kiều Thanh Thanh nhận ra sức lực của Thiệu Thịnh Phi được di truyền từ ông, mà chồng cô cũng rất khỏe mạnh.
Mọi người cùng hợp lực nên chỉ trong buổi sáng đã làm được rất nhiều.
Trong lúc ấy cô thấy không ít người sống sót tới khu vực này. Phản ứng đầu tiên của họ khi tới đây là kích động sau đó lao về phía biển. Cảm nhận được niềm vui của họ nên Kiều Tụng Chi cũng thấy vui lây và nói với con gái: “Nơi này đúng là tốt, thật hy vọng mọi người đều có thể tìm tới đây.”
Kiều Thanh Thanh ngẩng đầu nhìn ánh mặt trời chói chang nóng bỏng cách lều che nắng. Thời tiết ngày càng nóng hơn, cô hơi lo thiên tai sẽ lặp lại một vòng. Nếu lúc này lại rơi vào cảnh nóng nực hoặc cực lạnh như trước thì quả thực không ổn. (Hãy đọc truyện này tại trang Rừng Hổ Phách) Nhưng cô không nói ra suy nghĩ này để tránh mẹ lo lắng phiền não. Cô chỉ mỉm cười và tiếp tục nặn cá viên, miệng nói: “Chắc chắn sẽ có nhiều người tới đây hơn, thời tiết nóng thế này khu vực hoang dã ngoài kia chắc chắn không có đủ nước. Mọi người lần theo dấu vết của nước thì sẽ tới đây thôi.”
Có chuyện để làm nên thời gian trôi qua rất nhanh, một ngày này cứ thế qua đi. Dưới ánh mặt trời giường ấp mới làm buổi sáng tới lúc này đã nửa khô. Thiệu Thịnh An còn bỏ ít củi vào đốt và lợi dụng nhiệt để hong cho khô hẳn.
Muốn tiết kiệm xăng dầu thì phải nỗ lực bỏ sức lao động ra. Từ tối hôm đó bọn họ có thể ấp trứng ở đây nhưng cứ hai tiếng phải xoay trứng một lần. Tới đêm Kiều Thanh Thanh đặt đồng hồ báo thức và cả nhà chia nhau chăm sóc đống trứng.
Kiều Tụng Chi và mấy người khác hoàn toàn không kêu mệt, ngược lại càng thêm sục sôi.
Mẹ Thiệu còn nói: “Trước kia lúc Thịnh An và Phi Phi mới sinh tôi còn đi tiểu nhiều hơn bây giờ!”
Kiều Tụng Chi nghe xong cũng cười ha ha và kể lúc Kiều Thanh Thanh còn nhỏ bà cũng phải dậy 7-8 lần vào ban đêm: “Quấy khóc suốt, mệt chết đi được!”
Kiều Thanh Thanh: “……”
Thiệu Thịnh An: “……”
Thiệu Thịnh Phi đưa đồng hồ báo thức cho Thiệu Thịnh An: “Em đặt đồng hồ cho anh, ca của anh là 4 giờ sáng!”
Sau khi làm xong giường ấm trứng Thiệu Thịnh An và Thiệu Thịnh Phi tiếp tục bắt cá. Tống Tam Hà và người bên kia đã tìm được địa điểm bắt cá mới, chỉ có điều hơi xa. Bọn họ hào phóng nói cho Thiệu Thịnh An địa điểm cụ thể. Mọi người đều quen biết nên không cần thiết phải bủn xỉn làm gì, hơn nữa kể cả bọn họ không nói thì chỉ cần đi dọc bờ biển là tìm được. Trong nhà có xe ba bánh nên Thiệu Thịnh An và anh trai đạp xe ba bánh qua. Bên Tống Tam Hà có người dùng dây mây dệt túi lưới. Dây mây này là mọi người đào được và định dùng làm đồ ăn nhưng vì quá dai và cứng nên không tiêu hóa được, nấu cũng không mềm. Lúc sau nó được dùng làm túi đựng cá mới coi như có đất dụng võ. Nhưng thứ ấy ngấm nước rồi sẽ rất nặng nên Thiệu Thịnh An bảo họ đặt túi lên xe anh sẽ mang qua đó giúp.
Ba Thiệu dùng hai thùng nước bùn Thiệu Thịnh An mang về để đổ thêm lên mảnh đất đã xới. Tuy nhiên hiện tại chưa thể gieo giống vì thế ông lại đi loanh quanh nhặt gỗ mang về phơi khô làm củi đốt.
“Ba chồng con đúng là không ngơi tay lúc nào.” Kiều Tụng Chi nhìn ba Thiệu chống gậy đi khắp nơi thì thở dài và nhìn mẹ Thiệu đang ở lều vịt, “Mẹ chồng con cũng thế.”
Mẹ Thiệu ở vịt lều canh giường ấp trứng. Nhiệt độ nơi này cần phải duy trì ổn định, không được quá cao cũng không được quá thấp. Đồng thời bà còn phải để ý tới độ ẩm không khí. Để tạo không gian tiện cho việc khống chế độ ẩm và nhiệt độ nên Thiệu Thịnh An trồng 4 cây gậy trúc chung quanh cái giường ấp sau đó chăng vải bạt lên để tạo thành một không gian kín. Mẹ Thiệu còn chưa thể di chuyển nhiều nên ngồi đó chăm sóc đống trứng. Cứ hai tiếng bà lại xốc vải bạt lên xoay trứng một lần. Bà còn sai chồng sửa bình cô ca thành dụng cụ tưới nước. Lúc nào cảm thấy không khí quá khô bà sẽ phun một ít nước. Bà quả thực không rời một khắc, cực kỳ tỉ mỉ.
“Mẹ, trong đó nóng lắm, mẹ ra ngoài đi.”
Mẹ Thiệu lắc đầu nói mình không nóng.
Giường đất được vây kín nên hơi nóng bị khống chế trong không gian nhỏ ấy, đã vậy còn thêm khói nên dù mẹ Thiệu chỉ ngồi bên cạnh nhóm lửa cũng nóng chết đi được. Lúc này đúng ngày hè vì thế người bà đã sớm toát mồ hôi ướt đẫm.
“A Hà, em ra ngoài đi, để chị canh cho.” Kiều Tụng Chi tiến lên đỡ bà thông gia.
“Ai u, chị cứ kệ em. Em không nóng thật mà! Cứ để em làm đi, đằng nào em cũng đang rỗi.” Mẹ Thiệu kiên trì không di chuyển nên Kiều Tụng Chi cũng không có cách nào đành phải đi rót nước cho bà uống.
Chờ tới giữa trưa ba Thiệu xách theo một thùng đựng đầy gỗ vụn quay về mẹ Thiệu mới rời cái giường ấp trứng và hỏi: “Đã giữa trưa rồi mà sao anh em Thịnh An với Phi Phi còn chưa về nhỉ?”
Kiều Thanh Thanh đáp: “Thịnh An nói với con có lẽ họ sẽ đi xa một chút, giữa trưa chắc không về ăn cơm. Cả hai có mang lương khô rồi, mẹ đừng lo.”