Chương 64
Dân tị nạn tụ tập ngoài thôn Thu Diệp ngày một nhiều, gần như ngày nào cũng có người tới. Thôn trưởng vội tới độ chân không chạm đất, viết đến muốn gãy tay. Ông ấy căn bản không thể ngờ được sẽ có ngày mình viết đến mỏi tay. Phải biết rằng ngay cả lúc cày bừa năm xưa ông cũng chưa từng thấy mỏi tay bao giờ.
“Con cảm thấy không thích hợp, từ lúc nhà cuối hẻm tới đây đám người tị nạn tiếp theo đều muốn mua đất và nhập hộ khẩu.” Diệp Trường Thiên nói với thôn trưởng, “Những người đó tụ tập mà tới, tất cả đều có xe ô tô! Những người tới hôm nay còn có nhà xe! Ba, thứ đó bao nhiêu tiền ba biết không? Sau khi thiên tai mà vẫn có nhà xe lái tới đây, lốp xe còn là mới đó! Nhất định là trên đường đi bọn họ không ngừng đổi lốp xe rồi cứ thế chạy tới đây.”
“Cái này thì lạ gì, thời nào chả có nhiều kẻ lắm tiền.”
“Ba!”
Thôn trưởng nhìn đứa con trai vẫn hừng hực sức trẻ thì hơi kinh ngạc. Con ông đã 35 tuổi, không còn là đứa nhỏ 15 tuổi ngây ngô non nớt nữa, lúc anh trừng mắt người làm bố như ông cũng cảm thấy áp lực.
“Thằng nhóc thối này……” thôn trưởng mắng con, “Mày tưởng bố mày là thằng ngốc à? Ba không ngốc! Nhưng kể cả thế thì chúng ta làm gì bây giờ? Bọn họ cho nhiều như vậy, ba nhận chỗ vật tư đó sẽ giúp đám nhỏ trong thôn được ăn tốt hơn chút. Hiện tại trẻ con là khổ nhất, Tiểu Nguyệt nhà chúng ta cũng thế, vì không được ăn đủ dinh dưỡng nên không lớn nổi. Mỗi ngày ba đều rầu đến không ngủ được, mấy thứ kia dù ba không nhận bọn họ cũng tìm được cách ở lại. Người của Diệp Sơn đã nói không được đuổi người tị nạn, vậy vì sao không thỏa mãn yêu cầu của những kẻ đó rồi nhận lấy số vật tư kia?”
“Nhưng khế đất và sổ hộ khẩu ——”
“Đúng vậy, đó là ba viết, nếu bọn họ đã muốn ba viết thì ắt sau này sẽ dùng được. Trường Thiên, chúng ta không quản nổi nhiều thế đâu, chỉ có thể tính trước mắt thôi.” Ông nói với con trai, “Chỉ cần người của thôn chúng ta không bị thiệt là được.”
Diệp Trường Thiên hé miệng: “Ba, con cảm thấy rất bất an.”
“Sợ cái gì?! Nơi này là thôn Thu Diệp, bên cạnh còn có Diệp Sơn đó! Chúng ta là thôn gần Diệp Sơn nhất thì có gì mà sợ? Chỗ khác có thể xảy ra chuyện chứ chỗ này không thể, Diệp Sơn sẽ bảo vệ chúng ta.” Thôn trưởng tính toán đâu ra đó, “Mày nghe ba, đừng quản việc này, mà cũng không quản được. Những kẻ đó ắt có chỗ dựa sau lưng, chúng ta không ngăn được, chỉ cần sống tốt phần mình thôi!”
Người trong thôn ngày càng nhiều, phía sau lều nhà Kiều Thanh Thanh đã có một hộ gia đình khác chuyển tới.
Thiệu Thịnh An gặp ông chồng của nhà kia hai lần thì cau mày nói: “Anh cảm thấy rất quen.”
Có một ngày anh đột nhiên nhớ ra: “Đó chính là Trịnh Bằng Vận, tổng giám đốc công ty XXX của Hoa Thành. Thanh Thanh, ông ta là một trong 10 người giàu nhất Hoa Thành, công ty của anh từng có vài lần hợp tác với công ty của ông ta.”
“Em cũng gặp em trai của Cục trưởng Vương, ở một mảnh đất hoang ở miệng giếng khoan số 3.” Kiều Thanh Thanh cũng nói.
“Anh có cảm giác nơi này chuẩn bị có thay đổi lớn. Em nói nơi đây sẽ biến thành xã khu mới, hẳn đây chính là tín hiệu dự báo.” Những kẻ có quyền thế tới đây cắm rễ trước chứng tỏ có vấn đề.
“Đúng, có lẽ thế…… đội quân tị nạn hẳn sắp tới rồi.”
“Bác sĩ Kiều?”
Bên ngoài lều có người gọi tên thế là Kiều Thanh Thanh vội ho một tiếng và đáp: “Tôi đây,” sau đó vén rèm ra ngoài.
Mẹ Thiệu cười tủm tỉm nói: “Hầy, bác sĩ Kiều – thật dễ nghe, con dâu mẹ cũng là bác sĩ rồi.”
Ba Thiệu cũng cảm thấy vinh dự: “Phần mộ của nhà họ Thiệu chúng ta đúng là có khói bốc lên đó, đáng tiếc là không về quê được nữa chứ không thì phải tới vái lạy ông bà tổ tiên để khoe khoang một chút.”
Kiều Tụng Chi cũng mang theo ý cười nói: “Thịnh An cũng rất xuất sắc, năm đó hai đứa nó kết hôn tôi còn đi cúng tế cha mẹ và nói với họ Thanh Thanh chuẩn bị kết hôn, hai vợ chồng là thanh mai trúc mã. Tôi còn khen thằng bé cực kỳ đẹp trai, lại cao lớn.”
Phụ huynh trong nhà thay nhau khen con còn Thiệu Thịnh An thì vui vẻ chơi với anh trai đồng thời dựng lỗ tai nghe ngóng bên ngoài.
Người tới tìm Kiều Thanh Thanh là người của thôn Thu Diệp. Từ khi cô cùng bà đỡ hỗ trợ Diệp Phương sinh con thì danh tiếng đã lan khắp cả thôn. Lúc ấy Diệp Phương gào khóc hai ngày không sinh được khiến người trong thôn đều thổn thức và cảm thấy cô ấy chắc không sinh nổi. Cuối cùng nhờ Kiều Thanh Thanh hỗ trợ đứa trẻ mới có thể thuận lợi ra đời. Tới giờ thằng bé đã được một tháng. Tuy Diệp Phương không còn nhưng…… Aizzz, cũng chẳng còn cách nào, bị rong huyết thì ngoài tới bệnh viện chả còn biện pháp khác.
Sau đó bà đỡ cũng nói bác sĩ Kiều châm cứu rất giỏi lại có thuốc tốt vì thế thanh danh của cô cứ vậy đồn xa. Mấy ngày nay thường có người trong thôn tới tìm cô hỏi khám bệnh. Nếu bệnh tình không nguy hiểm cô sẽ châm cứu, nếu nặng hơn mọi người cũng đồng ý bỏ phí mua thuốc. Dưới sự bảo bọc của Diệp Sơn nên thôn này không bị tổn thất quá nhiều. Diệp Sơn lại thường xuyên phát vật tư nên lâu dần đa phần các nhà ở đây đều có tích lũy.
“Đứa nhỏ ngã sao? Để tôi đi xem.” Kiều Thanh Thanh định quay về lều lấy hòm thuốc nhưng Thiệu Thịnh An đã đưa hòm thuốc cho cô.
“Vậy chúng ta cùng đi thôi.” Kiều Thanh Thanh hé miệng cười nói.
Sau khi khám bệnh xong và trở về thì trời đã tối đen. Trên đường về nhà họ gặp một đám người đang cãi nhau, một thiếu niên hét to: “Chị tao không thèm để ý tới mày đâu! Đồ cóc ghẻ đòi ăn thịt thiên nga!”
“Lâm Đức Tuấn! Nếu không phải tao nể mặt chị mày thì tao đã cho mày ra bã rồi!”
“Tới đây! Ai sợ con có ghẻ như mày?!”
“Lâm Đức Tuấn!”
Nghe thấy cái tên này, Kiều Thanh Thanh lập tức dừng bước.
“Lâm…… Là con ông ta sao?”
Kiều Thanh Thanh khẽ gật đầu và nhìn về phía Lâm Đức Tuấn với ánh mắt rất lạnh nhạt. Lâm Đức Tuấn và một anh chàng cao to khác đang xô đẩy nhau, bạn bè hai bên vội chạy tới ngăn cản. Cách đó không xa có một cô gái xinh đẹp mặc váy trắng đi tới gọi: “Đức Tuấn! Đừng đánh nhau nữa!”
Đó là Lâm Vi Ni, đứa con gái đầu của Lâm Minh Dũng và Vu Mạn Thục, nhỏ hơn cô 7 tuổi.
Lâm Vi Ni năm nay 21 tuổi, dáng người thon gầy, tóc dài bay bay, dáng vẻ thướt tha yểu điệu. Anh chàng đang đánh nhau với Lâm Đức Tuấn thấy thế thì lập tức thu lại nắm đấm và sửa sang quần áo.
“Vi, Vi Ni, anh không cố ý đánh nhau với em trai em đâu.”
Lâm Vi Ni đi qua và nhíu mày: “Trương Cường, nể mặt em anh về trước đi, để em dẫn em trai về nhà. Hiện tại đã tối rồi mà còn ở bên ngoài thì không an toàn lắm.”
“Chị! Em ——”
“Thôi đừng nói nữa…… Được chứ Trương Cường?”
Trương Cường ngượng ngùng gật đầu rồi kéo bạn bè của mình về.
“Em nói xem em có ngốc không? Về nhà đi, mẹ đang tìm em đó.” Lâm Vi Ni lôi kéo đứa em trai vẫn đang hậm hực về nhà. Ánh đèn pin của họ ngày một xa, bóng dáng cũng nhanh chóng hòa vào màn đêm.
“Hóa ra bọn họ tới sớm thế này.” Kiều Thanh Thanh thu lại tầm mắt và nói, “Chúng ta đi thôi.”
“Thanh Thanh, em có tính toán gì không?” Trong đầu Thiệu Thịnh An hiện lên bộ dạng đau khổ tiều tụy lúc cấp ba của vợ mình. Đó đều là do hai chị em nhà kia ban cho. Trước lúc ấy anh chưa từng nghĩ lòng người lại đáng sợ đến vậy. Vì sao hai kẻ này lại có thể ác độc với người chị cùng cha khác mẹ chưa từng gặp mặt của họ như thế.
Vào một ngày bình thường hai chị em nhà kia tới trường hẹn Thanh Thanh ra ngoài gặp mặt. Lúc ấy Thanh Thanh biết chị em cùng cha khác mẹ tới thăm mình thì rất kinh ngạc, cũng mờ mịt. Anh được giáo viên nhờ đi lấy bài thi nên không đi với cô, ai biết lúc gặp lại thì thấy cô mang vẻ mặt hoảng hốt ngồi ở bồn hoa.
Mấy ngày sau tinh thần của cô luôn uể oải, thường thất thần. Dưới sự kiên trì của anh cô mới nói ra sự thật. Hóa ra ngày đó hai chị em nhà kia không tới nhận người thân mà tới khoe mẽ. Bọn họ nói rất nhiều lời khó nghe, nói Thanh Thanh là kẻ không ai muốn, có mẹ sinh nhưng không có cha thương. Hai đứa còn khoe khoang cha đối xử tốt với bọn họ thế nào rồi mắng Thanh Thanh là thứ bỏ đi, là kẻ đáng thương, còn rủa cô thi đại học không tốt, sau này phải đi quét đường cái……
Lúc ấy Thiệu Thịnh An trợn mắt há hốc mồm nhưng Thanh Thanh sẽ không nói dối thế nên có thể khẳng định hai chị em nhà kia thực sự đã nói thế.
Nhưng vì sao?
Thiệu Thịnh An và Kiều Thanh Thanh từng không nghĩ ra. Thậm chí cô còn rơi vào mê mang, mãi một thời gian cứ mơ hồ, không hề có tâm tư học hành. Cuộc sống của cô quá đơn giản, tuy cha mẹ ly hôn nhưng từ khi cô có nhận thức Lâm Minh Dũng thường bận công việc, ít khi làm bạn bên cạnh nên tình cảm của hai người cũng không quá sâu đậm. Sau khi ly hôn cô theo mẹ và cũng không cảm thấy quá khổ sở. Kiều Tụng Chi không muốn con gái còn nhỏ đã học cách căm hận vì thế bà chưa từng nói xấu chồng cũ.
Cũng vì thế nên với Kiều Thanh Thanh thì cha là một danh xưng xa xôi nào đó. Lúc bạn học chuyển lời nói em trai và em gái cô tới thăm cô mới biết hóa ra mình còn có em. Lòng cô không mang thù hận nên đương nhiên cũng không có mâu thuẫn với hai kẻ kia. Cô mang theo tò mò và chút quen thuộc của huyết thống thân cận để gặp hai kẻ kia nhưng không ngờ lại nhận về một sọt ác ý.
Nhờ có Thiệu Thịnh An ở bên cạnh khuyên bảo cô mới dần nghĩ thông.
Cô chẳng cần đi phân tích phỏng đoán mục đích của hai chị em Lâm Vi Ni làm gì. Cô chỉ cần hiểu rõ một điều rằng bản thân không được để bọn họ ảnh hưởng. Nếu đã không có tình cảm thì chẳng cần thương tâm làm gì. Bọn họ muốn cô không được tốt thì cô lại càng phải cố gắng sống thật tốt, phải thi được kết quả cao.
“Em không có tính toán gì.” Kiều Thanh Thanh kéo tay anh tiếp tục đi. Đời trước hai chị em họ cũng chẳng có kết cục tốt. Lúc trước họ khoe khoang Lâm Minh Dũng yêu thương họ thế nào thì tương lai cả hai cố mà nuốt trôi cái yêu thương ấy, cô chả thèm quan tâm!
Biết một nhà Lâm Minh Dũng cũng đã tới thôn thế là Kiều Thanh Thanh cũng nói với mẹ một tiếng để tránh trường hợp hai bên chạm mặt mà bà không được chuẩn bị tinh thần.
“Ông ta cũng tới đây ư?” Kiều Tụng Chi nhíu mày và nhớ tới chuyện con gái trải qua đời trước thì hận đến ngứa răng.
“Mẹ, đừng vì một kẻ như thế mà bực tức hại thân thể. Con quên không nói với mẹ là con đã trộm vàng bạc châu báu của ông ta rồi.” Cô vừa cười vừa kể lại chuyện mình tới Ngự Lung Loan đào vàng của Lâm Minh Dũng hai năm trước. “Đời này ông ta muốn làm ra sự nghiệp hẳn sẽ khó hơn đời trước nhiều.”
Cho dù là đời trước thì kỳ thực Lâm Minh Dũng cũng chẳng thành công làm được gì. Tới năm mạt thế thứ 10 ông ta cũng chỉ là một lãnh đạo nhỏ của bộ phận hậu cần. Để có thể bò lên trên ông ta hy sinh con dâu và con gái, còn định lợi dụng đứa con gái đã bị hủy dung như cô chứng tỏ ông ta đã chẳng thể làm được gì nhiều. Đời này không còn đống vàng kia có khi chức lãnh đạo nhỏ ấy ông ta cũng chẳng với tới.
Kiều Tụng Chi cảm thấy rất hả giận nhưng cũng thấy kỳ quái: “Vợ ông ta lại ngồi yên để mặc ông ta bán con gái thế à?”
“Lúc ấy con không thấy Vu Mạn Thục, hỏi thăm tin tức thì người khác nói ông ta là người góa vợ.”
Kiều Tụng Chi sửng sốt và nhớ tới người phụ nữ nhìn thì dịu dàng nhưng mắt lại chứa sắc bén kia. Năm xưa Vu Mạn Thục xoa bụng nói mình đã có thai, vì sức khỏe nên không thể phá thai được.
“Chỉ có thể khiến chị chịu thiệt.” Vu Mạn Thục nhìn bà nói xin lỗi nhưng ánh mắt lại mang thương hại. Nói là xin lỗi nhưng bà ta lại như nhìn từ trên cao xuống.
Bà lắc đầu nói: “Mặc kệ chuyện nhà họ đi, chỉ cần không chọc tới chúng ta thì ai thèm quan tâm!”
Kiều Thanh Thanh ôm lấy bà và cười nói: “Không thèm quản mấy kẻ đó, chúng ta sống tốt phần mình là được.”
Cả nhà họ dần quen với cuộc sống ở thôn Thu Diệp. Kiều Thanh Thanh cũng dần có chút thanh danh trong thôn dựa vào tài chữa bệnh. Nơi này thiếu thuốc, dù Diệp Sơn có bác sĩ nhưng không phải ai cũng có thể lên núi vì phải trải qua tầng tầng cảnh vệ. Trong số người tị nạn cũng có bác sĩ nhưng người muốn chữa bệnh thì không có thuốc, kẻ có thuốc lại hét giá cao. Mấy năm nay thiên tai liên tiếp, thuốc ngày càng khan hiếm vì thế người ta đều tích thuốc cho bản thân và người nhà, làm gì có ai chịu bỏ ra chữa cho kẻ khác?
Bởi vậy tuy ngày càng có nhiều người tị nạn tới thôn Thu Diệp nhưng lúc bị bệnh bọn họ chỉ có thể cắn răng tự vượt qua.
Kiều Thanh Thanh có thuốc, nghe nói còn có nhân sâm vì thế cô đúng là chói lóa. Rất nhiều người trong thôn muốn tới chỗ cô nhờ khám bệnh. Nhưng không phải lần nào cô cũng kê thuốc, dù có dùng cô cũng chỉ kê thuốc bột nghiền nát hoặc nước thuốc. Lý do của cô là dự trữ có hạn và cũng chẳng ai nghi ngờ. Cả nhà bác sĩ Kiều chỉ có một xe ba bánh chở hành lý, bọn họ lại đi bộ tới đây thì sao có thể mang theo nhiều đồ? Mấy năm nay ai bị bệnh cũng phải cắn răng vượt qua nên sức đề kháng đã tăng lên rất nhiều vì thế chỉ cần chút thuốc bột giúp bọn họ hồi phục nhanh cũng đã là rất tốt.
Kiều Thanh Thanh đa phần chữa cảm nắng cho mọi người, bởi vậy cô dùng nước Hoắc Hương pha loãng. Một bình lớn bán ba ngày.
Tiền thù lao cũng nhiều loại phong phú, người hào phóng trả bằng gạo, còn thù lao thường thấy nhất là một bó củi, một cái quần hoặc áo không vá, hoặc một cái cốc tráng men. Cô còn nhận được một cái ghế tre trúc, là thù lao sau khi cô bó xương cho một đứa nhỏ.
Có người tị nạn ở bên ngoài nghe tiếng tới hỏi thăm xem cô có thể bán cho ông ta một hộp sâm hay không. Kiều Thanh Thanh bán một hộp nhưng yêu cầu trả bằng vàng và ông ta đồng ý ngay.
Sau đó ngẫu nhiên sẽ có người tới làm buôn bán chứ không phải xem bệnh, thậm chí có người còn hỏi cô có nha phiến không.
“……” Tuy Kiều Thanh Thanh tích trữ nhiều thứ nhưng quả thật không có thứ này.
Người nọ hơi thất vọng nhưng cuối cùng cũng mua một hộp sâm Mỹ.
Kiều Thanh Thanh cũng không có nhiều sâm để bán vì thế sau ba lần cô nói mình không còn hàng nữa, thậm chí người ta có ra giá cao là một chiếc xe cô cũng không nhả ra.
“Thật sự là không còn. Nhà tôi ở trong lều, liếc mắt một cái là thấy hết. Chúng tôi chỉ có một cái xe ba bánh, nay có xe ô tô ai chả thích. Nhưng thật sự không còn!”
Sau vài lần chẳng còn ai tới tìm cô hỏi mua đồ nữa, Kiều Thanh Thanh thì an tâm làm “Bác sĩ Kiều” rồi giúp mọi người trong thôn chữa bệnh đồng thời mài giũa y thuật của mình.
Thôn Thu Diệp có không ít phụ nữ mang thai. Bà đỡ nói tuổi mình đã lớn, lực bất tòng tâm nên thường nhờ Kiều Thanh Thanh tới hợp tác đỡ đẻ. Bà ấy cũng nói thẳng: “Mọi người đều rảnh nên cứ rúc trong nhà sinh con. Thật ra A Phương còn coi như tốt, ít nhất đứa nhỏ còn sống, mấy năm nay bà… đã phải chứng kiến ba trường hợp chết cả mẹ lẫn con rồi, aizzz! Thôn trưởng đã nói thời buổi này sinh con chỉ bị tội nên để người trong thôn kiềm chế một chút nhưng vợ chồng người ta làm gì vào ban đêm người ngoài đâu có quản được. Nhà hôm nay chúng ta tới đã sinh một đứa lúc nước lũ dâng. Năm trước lại sinh một đứa, lần ấy là sức khỏe bị ảnh hưởng rồi. Nhưng cháu xem, năm nay lại sinh, thật không muốn sống nữa mà.”
Kiều Thanh Thanh phối hợp với bà đỡ vài lần nên cũng học được ít kiến thức đỡ đẻ. Bà đỡ cũng vui vẻ dạy cho cô: “Đây là một môn học tốt, là bà ngoại dạy cho mẹ bà rồi mẹ bà lại dạy cho bà. Trước kia mọi người đều sinh con như thế, sau này ngày tháng tốt hơn nên chính phủ không cho người ta đẻ ở nhà nữa. Tay nghề của bà bị bỏ phí nhiều năm, chẳng ngờ đến ngoài 70 tuổi rồi còn phải quay lại làm bà đỡ. Cháu còn trẻ, lại là bác sĩ vì thế học được đỡ đẻ cũng tốt.”
Thiệu Thịnh An vừa vui cho sự nghiệp của vợ vừa phiền lòng vì bản thân vẫn chưa tìm thấy công việc. Anh tự hỏi thì thấy trong thôn hẳn không có nhu cầu sửa mạch điện hoặc đồ điện nhưng ắt Diệp Sơn có.
Trên Diệp Sơn có máy phát điện năng lượng mặt trời nên nơi ấy vào ban đêm luôn sáng đèn. Nếu trên núi có điện thì khẳng định có thiết bị điện. Mà một khi đã vận hành thiết bị ắt sẽ cần bảo trì.
Vì thế nhân lúc quân nhân của Diệp Sơn xuống phát vật tư anh đã tới hỏi thăm: “Các anh có tuyển nhân công khoa điện không?”
Quân nhân kia đánh giá anh và hỏi: “Anh là kỹ sư điện khí à?”
“Tôi không phải kỹ sư nhưng tôi biết sửa đường điện, nối dây điện, những nội dung khó hơn tôi cũng có thể học.”
“Lúc trước trên núi có tuyển một đám chuyên gia nên hiện tại không thiếu người. Anh đăng ký trước, nếu có yêu cầu chúng tôi sẽ gọi anh tới phỏng vấn.”
Thiệu Thịnh An rất vui và đáp: “Được.”
Anh viết tên và quê quán của mình lên cuốn sổ, kèm theo đó là bằng cấp và địa chỉ.
Năm miệng giếng trong thôn nhanh chóng đào xong. (Truyện này của trang Rừng Hổ Phách) Hiện tại nước chính là tài nguyên quý giá vì thế Diệp Sơn để lại năm người trông coi. Người đứng đầu là ban trưởng họ Ngô thương lượng với thôn trưởng để ông ấy sắp xếp việc múc nước chứ đừng để thôn dân ùa tới một cách vô tổ chức. Đương nhiên càng không thể để kẻ nào đó bá chiếm giếng nước khiến những người khác không có nước dùng.
“Việc này tôi sẽ có sắp xếp, hiện tại có nước mọi người đều vui vẻ, hẳn sẽ không ai dám quấy rối đâu.” Thôn trưởng bất đắc dĩ nói, “Nhưng nếu là người ngoài thôn thì tôi không quản được, cái này phải nhờ vào các anh.”
Ngô ban trưởng gật đầu: “Tôi đã thống kê số lượng người một cách đại khái, người tị nạn gấp đôi người trong thôn…… Vậy người của thôn dùng 3 miệng giếng, còn bên ngoài dùng hai, ông thấy sao?”
Thôn trưởng vui vẻ đồng ý. Thế đạo này không tốt, tuy người ngoài tới chiếm lấy tài nguyên của người trong thôn nhưng chỉ cần Diệp sơn có thể bảo vệ họ và lợi ích của họ thì hai bên vẫn có thể hòa bình ở chung.
Bên khu tị nạn Ngô ban trưởng đưa ra thời gian biểu múc nước. Lúc mặt trời lên giếng sẽ đóng, khoảng thời gian từ lúc mặt trời lặn tới khi nó lên mới là lúc để múc nước. Mỗi hộ chỉ có thể múc một lần một ngày, người lớn hay trẻ con cũng chỉ có thể lấy hai lít nước mỗi ngày. Còn trình tự múc nước Ngô ban trưởng sắp xếp rút thăm.
Thôn trưởng bên này cũng đưa ra thời gian biểu múc nước. Quy cách múc nước là Ngô ban trưởng đưa ra, chỉ có thứ tự múc nước là ông có thể quyết định. Sau khi rút thăm nhà Kiều Thanh Thanh được phân múc nước lúc 3-4 giờ sáng.
“Chúng ta sẽ phân hai nhóm.” Thiệu Thịnh An nói, “Anh mang các mẹ đi múc nước trước, Thanh Thanh mang ba và anh trai đi.”
Kiều Thanh Thanh không có ý kiến gì với sự sắp xếp này. Tới giờ múc nước Thiệu Thịnh An và hai bà mẹ đi trước, tới 3 rưỡi mới về và mang theo nửa thùng nước.
“Nơi đó có dụng cụ đựng nước. Nước múc lên sẽ chứa vào thùng sau đó có người dùng chai đong đủ hai lít. Mỗi người sẽ được một chai đó, ba người nhà mình được ba chai, hơn một chút cũng không được.” Thiệu Thịnh An giải thích, “Như vậy cũng tốt, Ngô ban trưởng cũng canh ở đó nên đội ngũ rất có trật tự, không cần cãi nhau hoặc tranh nhau.”
“Vậy chúng ta cũng đi thôi!” Ba Thiệu nói.
Sau khi có giếng không khí của thôn rõ ràng vui vẻ hơn nhiều.
Tuy mỗi người chỉ được 2 lít nước một ngày nhưng ở thời tiết này thì đây đã là đãi ngộ cực kỳ xa xỉ! Phải biết rằng lúc Diệp Sơn phát vật tư một ngày mới có một lọ nước 350ml, còn chẳng đủ để nấu cơm khiến cơm khô rang. Nấu cơm xong còn đủ hai hớp là hết. Mà thời tiết này ai cũng đổ mồ hôi đầm đìa, vì khát mà cổ người ta như bốc cháy, hận không thể liếm mồ hôi của mình.
Mọi người đều vui vẻ như ăn tết.
Nhà Kiều Thanh Thanh không thiếu nước, số nước máy cô tích trữ đủ để nhà họ ăn uống 15 năm là ít. Vào mùa mưa cô cũng hứng lượng nước mưa lớn dùng cho sinh hoạt. Nước giếng múc lên cô đun sôi với thuốc rồi dùng làm thuốc giải nhiệt. Trước khi bỏ thêm cây kim ngân để nấu cô nếm thử một chút.
“Không tốt à?” Thấy cô nhíu mày nên Thiệu Thịnh An hỏi.
“Hơi chua xót.” Kiều Thanh Thanh nói, “Không sao, nấu với cây kim ngân là sẽ không còn vị này nữa, để em thêm ít đường phèn.”
Cô không cho nhiều cây kim ngân mà chỉ cho thêm một dúm, cuối cùng thả một miếng đường phèn. Nấu hơn một tiếng cây kim ngân biến thành trong suốt. Sau khi để nguội cô bỏ vào một cái bình và đưa cho Thiệu Thịnh An để anh đưa tới cho Ngô ban trưởng: “Anh mang theo cái bát.”
Thiệu Thịnh An cười và gật đầu: “Anh và anh cả cùng đi.”
Một giờ sau anh em Thiệu Thịnh An trở lại, ấm nước đã trống không.
“Ban đầu Ngô ban trưởng không chịu uống, anh khuyên mãi ông ấy mới đồng ý. Bọn họ cũng mệt mỏi, cứ phải đứng đó mãi không nhúc nhích.”
“Mặt trời sắp lên rồi, tới khi ấy bọn họ sẽ khóa giếng lại và về nghỉ ngơi.”
“Đúng rồi, anh còn gặp thôn trưởng và con trai thế là anh đưa hết phần nước kim ngân còn lại cho họ.”
Kiều Thanh Thanh cười nói: “Vậy cũng tốt, dù không gặp được em cũng định mang qua cho họ một ít.”