Chương 70: Vị trí
Thuyền nhỏ lắc lư vài cái, nắng sớm từ khe cửa sổ tiến vào lập lòe trên khuôn mặt của Đằng Ngọc. A Thân nương đó thấy được giọt nước trong suốt nơi khóe mắt nàng thế là luống cuống tay chân lấy khăn và dùng sức rũ ra mới dùng hai tay đưa cho nàng.
Đằng Ngọc nhìn thấy bộ dạng hắn trịnh trọng thì không nhịn được cười và đón lấy khăn lau lau khóe mắt. Sau đó nàng trải nó ra lòng bàn tay và nhìn một chữ “Xa” được thêu trên đó rồi nhẹ vuốt ve.
A Thân bị hành động của nàng dọa sợ đến nín thở, khóe mắt lại thấy nàng mỉm cười nhìn mình thế là càng thêm luống cuống không biết có nên lấy lại cái khăn hay không.
Đằng Ngọc nhịn cười và nhét cái khăn vào cổ tay áo, “Vậy coi như ngươi đưa cho ta.” Nói xong thấy hắn vẫn đờ ra không nói được gì nàng mới hỏi, “Ngươi sẽ không nhỏ mọn tới mức luyến tiếc chứ?”
“Đương nhiên…… đương nhiên ta không tiếc,” hắn nói lắp, “Ngài muốn cái gì ta đều sẽ cho ngài.”
Bộ dạng hắn co quắp khiến Đằng Ngọc không nhịn được muốn trêu hắn một chút thế là nàng dịch qua chỗ hắn và hỏi, “Ngươi cũng có thể đưa ta những ngôi sao trên trời hả?”
A Thân thấy nàng dán đến thì vội vén góc áo đang xõa trên đệm mềm nhưng lại bị nàng chặn trước và đè mép áo của hắn lại.
“Cho, cho được.” Hắn vừa giật vạt áo vừa đỏ mặt lắp bắp.
Đằng Ngọc cười và dịch người, tay cầm sừng trâu gõ gõ lên khoang thuyền, miệng cảm thán: “Đồ ngốc.”
A Thân thấy nỗi lòng của nàng đã bình thản hơn thì cũng yên lòng. Đợi một lát hắn mới nhẹ giọng nói, “Ta nghe nói Tôn Thiếu Khanh từng viết một quyển binh thư……”
Đằng Ngọc gật đầu, “Lúc ca ca còn nhỏ rất thích nghe kể chuyện đánh giặc. Nghe nói khi huynh ấy đầy năm đã chọn ôm thẻ tre của cuốn《 quân chính 》và không buông tay. Sau này biết chữ huynh ấy bắt đầu đọc cái gì mà《 lão tử binh lục 》, 《 thượng thư binh kỷ 》. Đó toàn là những cuốn điển tịch tối nghĩa mà trẻ con căn bản không hiểu. Sau đó cha nuôi mang theo ba chúng ta đi du ngoạn khắp nơi. Ta thường thấy huynh ấy chui vào núi sâu quan sát địa thế, thăm dò tình huống thì cũng tò mò không biết huynh ấy đang làm gì. Lúc đó anh cả nói: Địa hình có thông suốt, tắc nghẽn, dốc đứng, nhỏ hẹp, rộng mở và phân nhánh, là người nắm giữ trọng trách thì cần phải quan sát cả sáu loại địa hình này.”
Nàng lắc đầu, “Lúc ấy ta nghe nhưng không hiểu gì, cũng không biết huynh ấy ngày đêm bôn ba nơi núi rừng hẻo lánh làm gì. Nhưng sau khi về nhà ta mới hiểu huynh ấy làm tất cả đều vì sách, một cuốn binh thư.”
“Sau khi trở về anh cả đóng cửa từ chối tiếp khách và dốc lòng nghiên cứu. Huynh ấy phân loại những tư liệu và những ghi chép tâm đắc của mình thành từng phần và chắt lọc những phần tinh túy nhất. Mỗi ngày huynh ấy đều mất ăn mất ngủ mà đứng bên bàn để viết. Lúc không hiểu huynh ấy sẽ tới doanh trại xin binh lính giúp đỡ. Xuân qua rồi thu tới, lạnh rồi lại nóng nhưng với huynh ấy những thứ đó chỉ được đo bằng độ dày của thẻ tre.”
“Có một lần vào cuối năm, trong nhà khách khứa náo nhiệt vô cùng. Anh cả lại không thích sự náo nhiệt đó nên trong ngày đông giá rét một mình huynh ấy chạy ra ngoài thành, vào trong núi hoang viết binh thư. Sơn động kia rộng lớn bằng phẳng, trong đó còn có nước suối róc rách, khi vào đông kết thành băng. Ta nhớ rõ có lần ta mang theo đồ ăn và đồ dùng tới đó thăm huynh ấy thì thấy anh cả đang ngồi trên mặt băng suy ngẫm. Chung quanh ngoài chim chóc thì không có chút tiếng người nào. Khi đó Quý Quỳ đã nói với ta nàng thích ca ca, nhưng một khắc kia nhìn thấy huynh ấy ta biết tấm lòng của nàng ấy phải uổng phí rồi.”
Nàng cười và lắc đầu, ánh mắt nhìn xa xăm, “Anh cả là người trong lòng đã tràn đầy, không thể chứa thêm thứ gì nữa.”
A Thân rũ mắt, “Lúc ta ở Kỷ quốc cũng biết việc Tôn tiểu tướng quân của Mẫn quốc đang viết binh thư. May mà ta đã tìm đọc được mấy chương……”
Đằng Ngọc nghiêng đầu, “Ngươi cảm thấy quyển sách này thế nào?”
A Thân cười, “Lúc ấy ta nghĩ thật may mắn vì sách này mới viết được một nửa, nếu viết xong thì quân ta phải kháng địch thế nào?”
Đằng Ngọc biết lời này của hắn là nửa đùa nửa thật vì thế nói, “Nhưng cuốn sách này sắp được viết xong rồi, tuy phần sau không phải do anh cả viết.”
A Thân suy nghĩ một lát mới ngẩng đầu, “Là…… Tôn Khởi?”
Đằng Ngọc nghĩ một lát mới nhẹ gật đầu một cái, “Anh hai hẳn cũng hâm mộ anh cả. Lúc ta còn nhỏ vẫn nhớ huynh ấy và ta thường đi theo phía sau anh cả giống hai cái đuôi nhỏ không vứt được. Nhưng ta luôn mặt dày ăn vạ bắt anh cả chơi với mình, còn anh hai lại khác. Ta cảm thấy huynh ấy luôn noi theo anh cả.”
“Noi theo?”
“Noi theo,” Đằng Ngọc kiên định lặp lại một lần, “Anh cả thích làm gì thì anh hai cũng đi làm việc đó như tập võ, viết sách……” Nàng ngừng lại, “Thậm chí huynh ấy còn từng cùng anh cả lên chiến trường. Nhưng huynh ấy luôn làm không tốt, hoặc nói đúng hơn là không tốt bằng anh cả. Rất kỳ quái là ta cảm thấy anh hai không phải người ngốc nghếch, ngày thường lúc chơi với nhau ta thấy huynh ấy nhiều mưu mô lắm. Cũng có thể vì bắt đầu việc học quá muộn chăng?”
A Thân nhìn nàng, “Anh hai của ngài cũng từng lên chiến trường ư?”
“Một lần,” Đằng Ngọc hé miệng, “Sau đó huynh ấy không đi nữa.”
“Hắn bị thương ư?”
Đằng Ngọc gật đầu sau đó lại lắc lắc đầu, “Vết thương trên người không quá nặng, nhưng vết thương lòng thì khó chữa. Đó là lần đầu tiên huynh ấy lên chiến trường chém giết vì thế không tránh khỏi hốt hoảng và bị quân địch bắt. Anh hai bị quân của Kỷ quốc nhốt trong chuồng lợn một ngày một đêm. Lúc anh cả đánh vào doanh địch và tìm được huynh ấy thì anh hai đang bị mấy tên lính đè xuống bắt liếm đồ dơ bẩn.”
“Có nỗi ám ảnh ấy nên sau đó anh hai không lên chiến trường nữa. Đoạn thời gian đó huynh ấy mang tinh thần sa sút và luôn ngồi một mình bên Hạnh Trì ngây người. Ta sợ huynh ấy khổ sở nên thường đến ngồi cùng huynh ấy bên Hạnh Trì. Hai con rồng cũng có vẻ cảm nhận được suy nghĩ của chủ nhân nên luôn dựa bên chân, cả người nửa chìm nửa nổi.”
“Khi đó vẫn là hai con rồng à?” A Thân đột nhiên hỏi câu này.
Đằng Ngọc “A” một tiếng và nghi hoặc nói, “Lúc ấy còn chưa phát sinh chuyện chúng nó cắn nuốt lẫn nhau, A Thân, sao ngươi lại để ý tới việc này thế?”
A Thân cười đáp, “Ta chỉ tiện thì hỏi thôi.” Rồi hắn hỏi tiếp, “Đằng Ngọc, khoảng thời gian ngài ở bên cạnh Tôn Khởi trong lúc hắn dưỡng thương có nghe hắn nhắc tới Tôn Thiếu Khanh hay không?”
“Có nhắc tới. Huynh ấy nói trong trận này mọi người chỉ nhớ rõ vị thiếu tướng quân xả thân cứu em trai, nhưng chẳng ai biết hắn bị đánh, bị tra tấn, bị bức ăn đồ bẩn trong chuồng lợn cũng cắn răng không tiết lộ quân cơ.”
“Nhưng lời này không phải vì oán ghét anh cả nên mới nói mà là một câu tự trào phúng. Nói xong huynh ấy còn dặn ta không được nói với anh cả để tránh huynh ấy thêm phiền não. (Truyện này của trang RHP) Anh hai còn chỉ vào hai con rồng kia và nói rồng sinh chín con, mỗi người một sở trưởng. Huynh ấy và anh cả tuy không phải anh em ruột nhưng có một ngày huynh ấy sẽ tìm được vị trí của mình.”
“Hắn…… tìm được rồi đúng không?”
Lời này của A Thân khiến tim Đằng Ngọc nhảy dựng lên. Nàng cố nén hoảng loạn và nhíu mày nói, “Sau khi anh cả bị thương, anh hai giúp huynh ấy viết tiếp binh thư. Lúc sắp viết xong thì phụ vương tới Tôn phủ tự mình duyệt. Sau khi xem xong ông ấy khen anh hai chính là nhân tài hiếm có và phong huynh ấy làm tả tư mã phụ tránh huấn luyện binh. Lần này vốn anh hai sẽ tự mình xuất chinh trong cuộc chiến ở Dự Chương nhưng cha nuôi sợ huynh ấy không có nhiều kinh nghiệm và dẫm vào vết xe đổ lý luận suông nên để huynh ấy lại bảo vệ kinh đô. Ông muốn huynh ấy tích lũy kinh nghiệm luyện binh rồi lại lên sa trường cũng không muộn.”
Nói đến đây Đằng Ngọc hít một hơi thật sâu và ngừng một lát mới nhìn về phía A Thân, “Ngươi nói thật với ta đi, có phải ngươi đang nghi ngờ anh hai của ta không?”
A Thân nhìn nàng một lát mới chậm rãi nói, “Ta không có chứng cứ.”
Đằng Ngọc nhíu mày, “Nhưng trong lòng ngươi nghi ngờ huynh ấy có phải không?”
A Thân lắc đầu, nhưng động tác này lại không có ý phủ nhận, “Đằng Ngọc, anh hai của ngài và con rồng hắn nuôi,” hắn nhíu mày và nghiêm túc gọt giũa những lời muốn nói, “Ta luôn cảm thấy quan hệ giữa họ không đơn giản như chúng ta nhìn thấy từ bên ngoài.”
“Có ý gì?” Đằng Ngọc cắn môi dưới và đột nhiên buông ra sau đó vội giải thích, “Anh hai cũng chỉ ngẫu nhiên thấy hai con rồng ở khe nước nên lòng sinh thương tiếc và nhận nuôi chúng nó.”
A Thân cười với nàng, trong nụ cười này không có bất kỳ cảm xúc nào, “Rồng là linh vật, đâu thể giống con chó con mèo mà cứ ai cho ăn sẽ thành chủ?”
Đằng Ngọc run lên, “Ý của ngươi là anh hai và con rồng kia có quan hệ sâu xa hơn chúng ta tưởng ư?”
A Thân cúi đầu nhìn vệt sáng đong đưa trên boong thuyền và ngừng một lát mới nhẹ giọng nói, “Năm ta 11 tuổi cha có chiêu đãi một đội sứ giả từ tộc Bách Bộc. Trong đồ dùng tùy thân của họ ta phát hiện một cái nắp đồng.”
“Tộc Bách Bộc cách Kỷ quốc mấy trăm dặm nên bọn họ mang theo đồ đựng cũng không kỳ quái.”
“Đúng là không kỳ quái, nhưng đồ án trên đó lại kỳ quái,” hắn nhíu mày nhớ lại, “Trên cái nắp đồng ấy có hoa văn miêu tả hình dạng 10 con rồng ăn thịt người, cực kỳ sinh động: Bốn con rồng ở vòng ngoài cắn hai chân người, chỉ còn đầu lộ ra ngoài, sáu con rồng gần giữa thì nuốt đầu và thân người, chỉ lộ đôi chân đong đưa ở bên ngoài.”
Hắn nhíu mày càng chặt hơn, “Hình vẽ này cùng hình ảnh ta thấy hôm qua giống hệt nhau. Quý Quỳ cũng bị con rồng kia nuốt đầu và thân, chỉ còn đôi chân lộ ra ngoài lắc lư cạnh râu rồng, hoàn toàn không có sức phản kháng.”
Đằng Ngọc cố nén hơi lạnh dâng lên trong lòng, “Lúc ấy ngươi có hỏi bọn họ về ý nghĩa của hình vẽ trên cái nắp kia không?”
Ánh mắt của A Thân ở trong bóng đêm không thể điều chỉnh được tiêu điểm, “Thời cổ Trung Nguyên thờ rồng, và cảm thấy rồng là loài tượng trưng cho sự xuất chúng, xứng với hình ảnh trời cao. Ta cũng từng thấy tranh lụa trong lăng mộ có vẽ hình xe do rồng kéo với ngụ ý chủ nhân ngôi mộ sẽ theo rồng lên trời. Mẫn quốc coi rồng là thần vật nên lúc nhìn thấy hoa văn rồng ăn thịt người ta đã rất kinh ngạc. Khi đó ta tò mò hỏi thăm tộc trưởng của Bách Bộc và mong ông ấy giải thích nghi vấn cho ta.”
“Ông ấy nói sao?”
A Thân than nhẹ một hơi, “Ông ấy thấy ta tuổi nhỏ nên thuận miệng có lệ hai câu, nói là rồng ở Trung Nguyên các ngươi là giả, còn rồng ở tộc Bách Bộc chúng ta mới là thật. Sau đó ta hỏi tiếp nhưng ông ấy không nói gì nữa.”