Chương 38: Sửa tấm da
“Công tử là chủ nhân của Thanh Hoan cô nương, chỉ cần ngài lên tiếng đồng ý thì nàng ấy sẽ không thể từ chối.” Ông lão chèo thuyền thấy công tử do dự thì tiến thêm một bước và ép hỏi, “Ta nói câu không dễ nghe nhưng thấy chi phí ăn mặc của ngài cũng không dư dả, nếu Thanh Hoan cô nương gả tới nhà ta thì ta đồng ý lấy ra hai thỏi bạc. Tuy nhiêu đó không nhiều nhưng cũng đủ cho công tử qua được một đoạn thời gian……”
Ta nghe ông ta nói thế thì đã sớm tức đến run cả người. Công tử là cành vàng lá ngọc, hiện giờ dù có nghèo túng cũng đâu tới lượt một kẻ hương dã như ông ta bình phẩm?
Vì thế ta lập tức muốn phá khoang thuyền chạy vào nhưng lại nghe thấy tiếng công tử vang lên khiến ta nguôi giận.
“Ta không phải chủ của Thanh Hoan. Tuy nàng ấy chăm sóc cho ta nhưng ta chưa bao giờ đối xử với nàng ấy như nô tỳ. Thế nên việc hôn sự phải để tự Thanh Hoan làm chủ.”
Giọng ngài ấy rất nhẹ, giống như sợ bị ta nghe thấy. Nhưng ta lại cảm giác từng chữ kia như sấm bên tai, nện vào trái tim không tồn tại của ta. Nếu ta thật sự có trái tim hẳn giờ phút này nó đã nhảy ra khỏi lồng ngực.
Ta ngẫm nghĩ từng câu từng chữ, môi lưỡi tràn đầy ngọt ngào vì thế ta không nhịn được bật cười và dọa hai người trong khoang giật mình.
“Thanh Hoan?” Công tử và ông lão chèo thuyền vén rèm lên thì thấy ta. Một người thì kinh ngạc, một người lại lộ vẻ xấu hổ. Ông lão kia cũng coi như biết điều, thấy thế ông vội cáo từ và đi ra khỏi khoang chỉ để lại ta và công tử nhìn nhau.
“Ngươi nghe thấy rồi à?” Lát sau công tử mỉm cười nói, “Nên trách ai đây? Chỉ có thể trách lúc ấy ông nội đã vẽ Thanh Hoan quá xinh đẹp nên mới khó tránh ong bướm vờn quanh làm ta khó xử.”
“Công tử cũng cảm thấy Thanh Hoan xinh đẹp sao?” Ánh trăng chiếu lên mặt khoang thuyền và in bóng hai chúng ta. Ta không dám nhìn thẳng ngài ấy mà chỉ dám nhìn cái bóng kia rồi hỏi ra một câu nhỏ xíu.
“Đương nhiên,” công tử cười đáp rồi lại hả một tiếng mới nhìn lên cổ ta và nhíu mày, “Sao chỗ này lại bị rách?”
Ta sờ sờ cổ và phát hiện chỗ cằm có một cái lỗ nhỏ, là mũi đao của tên quan binh khốn kiếp kia cắt qua. Chẳng qua ta không cảm giác được đau đớn nên không phát hiện ra.
“Vào đây ta giúp ngươi sửa lại.”
Công tử nói xong là đi vào khoang thuyền và lấy từ tay nải một tấm da trâu bằng bàn tay gần như trong suốt. Sau đó ngài ấy còn lấy ra bút vẽ và mực rồi kéo ta ngồi xuống bên cạnh bàn con sau đó thắp nến.
“Ngẩng đầu lên.” Công tử vừa nói vừa vén tay áo to rộng, đôi mắt phản chiếu ánh nến lập lòe.
Ta ngoan ngoãn ngẩng đầu để lộ cổ. Hai tay ta rũ bên người nắm chặt, cố ép bản thân giữ đầu óc tỉnh táo. Nhưng lúc công tử sửa xong chỗ bị rách, ngòi bút xẹt qua cổ ta vẫn không nhịn được run lên khiến cái bút trượt ra ngoài vẽ một đường trên cổ.
“Không……”
Ta hoảng hốt xin lỗi nhưng công tử lại cướp lời, “Là ta không tốt, luôn làm kém hơn ông nội……”
Ngài ấy nói xong thì lấy khăn chấm nước nhẹ lau cổ cho ta. Ta động đậy cổ, nhìn ngài ấy rũ mắt và nói nhỏ, “Công tử đừng mãi tự trách, ngài như thế Thanh Hoan sẽ đau lòng.”
Công tử ngước mắt nhìn ta một lúc, trong mắt giống như có cảm xúc mềm mại nào đó. Nhưng tiếp theo ngài ấy rũ mắt, “Được, về sau ta sẽ không như thế nữa.”
Lúc nói lời này tiếng chuông chùa bên bờ sông vang lên. Ta đang tự trách vì nhắc tới chuyện thương tâm của công tử lại nghe thấy tiếng chuông hồn hậu kia thế là vội nói sang chuyện khác, “Công tử thường đọc câu thơ gì ấy nhỉ? Có thuyền còn có cả tiếng chuông chùa ấy?”
“Chùa Hàn Sơn ngoài thành Cô Tô, tiếng chuông đêm văng vẳng thuyền khách.” Ngài ấy đáp.
“À.” Ta không giỏi văn nên không biết phải nói thêm cái gì.
Công tử nhìn thấu tâm sự của ta, lại sợ ta xấu hổ nên vừa cầm bút giúp ta vẽ lại cổ vừa cười nói, “Ta cũng nhớ ra một câu thơ khác: Ái đạo hoạ my thâm thiển nhập thời vô, tiếu vấn uyên ương lưỡng tự chẩm sinh thư.” (Hỏi yêu: “Kẻ mày đậm nhạt hợp thời không?”, Cười hỏi: “Viết thế nào hai chữ uyên ương?” – Bài Nam Kha Tử của Âu Dương Tu – thivien.net)
“A?” Ta nghe thấy hai chữ uyên ương thì tinh thần lại lâng lâng và nhìn về phía công tử thì thấy ngài ấy tay cầm bút, mắt nhìn ta, trong đó có thương xót.
“Thanh Hoan, tội nghiệp ngươi,” ngài ấy nói và nhẹ nhàng hé miệng, “Không thể giống những cô nương chân chính khác, không thể tìm được người trong lòng để có thể cùng nhau qua tháng ngày. Ngươi chỉ có thể ngồi đây để một kẻ như ta dùng bút vẽ lên vết thương.”
Thuyền nhỏ đúng lúc lắc lư, ta muốn duỗi tay đỡ ngài ấy nhưng công tử lại duỗi tay đỡ cái bàn và cười khổ, “Năm ấy ông nội làm ra mấy người các ngươi để bảo vệ ta. Nhưng nếu các ngươi đã có thần thức thì vì sao lại không có duyên với tình yêu nam nữ trên thế gian này chứ? (Hãy đọc truyện này tại trang runghophach.com) Thế nên vừa rồi lúc lão nhà đò hỏi ta đã giúp ngươi từ chối, nhưng trong lòng vẫn vì ngươi mà khổ sở.”
Nói xong thấy thần sắc của ta lại thay đổi thế là ngài ấy vội giải thích, “Không phải ta bảo ngươi phải gả cho Tiểu Ly. Ta cũng nhìn ra là ngươi không thích hắn. Ta đang nghĩ tới sau này.”
“Thanh Hoan về sau, về sau đều chỉ có công tử thôi,” rốt cuộc ta cũng không nghe nổi nữa và đứng dậy, đầu suýt thì va vào khoang thuyền, “Chỉ cần ở lại bên cạnh công tử Thanh Hoan đã vui vẻ rồi. So với công tử thì những người khác chỉ như rác cỏ, Thanh Hoan chẳng thèm để mắt tới ai.”
Tằng tằng nói xong một loạt ta mới phát hiện mình lỡ lời thế là vội che miệng nhìn công tử. Ngài ấy cũng bị lời này của ta làm cho sửng sốt, ánh mắt nhìn ta bất động.
Con thuyền lắc lư khiến ánh nến nhảy lên lập lòe, khói tỏa trong không khí khiến khuôn mặt của công tử cũng trở nên mông lung.
Không biết qua bao lâu gió mới ngừng, tiếng chuông chùa cũng yếu đi, giống như xa xôi nơi chân trời.
Rốt cuộc ta cũng hoàn hồn và cố lấy lại bình tĩnh. Ta cảm tạ công tử rồi hành lễ và bước ra ngoài, chân như dẫm lên bông, cả người không khác gì du hồn.
Hỉ Ninh chặn ta ở boong thuyền, trong tay bưng một cái bát đựng thuốc bổ của công tử, “Thanh Hoan,” hắn đứng phía sau gọi ta, “Đưa thuốc cho công tử này.”
Ta xua tay, đầu cũng không quay lại nói, “Ngươi đi vào hầu hạ công tử đi.”
Hỉ Ninh gãi đầu, “Quái, ngày xưa ta muốn hầu hạ thì ngươi không đồng ý, sao hôm nay lại đẩy thế?”
Ta không nói gì mà chỉ nhìn ánh trăng đang lên, trong lòng thầm nói: Xong rồi.
Nhưng tới ngày thứ hai cảnh tượng xấu hổ trong dự đoán của ta lại không đến. Lúc ánh bình minh hé lộ ta trốn phía sau Tư An và Hỉ Ninh, trong lòng lo sợ bất an nhìn công tử vén rèm khoang thuyền đi ra ngoài. Lúc ấy ta chỉ muốn nhảy khỏi thuyền cho rồi.
“Thanh Hoan.”
Công tử gọi ta thế là ta lập tức căng thẳng, suýt thì nhảy lên, “Vâng.”
Công tử nghe ta sợ tới độ gần như hét lên thì cười nói, “Sao sáng nay ngươi không vào hầu hạ ta? Ta suýt thì đi giày trái ấy.”
Sắc mặt ngài ấy vẫn như thường, giống như đã quên chuyện tối qua, hoặc hoàn toàn không để mấy lời lỗ mãng của ta ở trong lòng. Ta thở ra một hơi và vội vàng chạy tới bên cạnh công tử sau đó dạo một vòng rồi vuốt phẳng nếp nhăn trước ngực, sau lưng, lại cởi đai lưng lộn xộn và buộc lại chỉnh tề.
Hỉ Ninh đứng ở bên cạnh nhìn thấy thế thì cười, “Thanh Hoan, tối qua và sáng nay ngươi như hai người khác nhau vậy. Ta không nhận ra ngươi nữa.”
Ta trừng mắt nhìn hắn thế là Hỉ Ninh lè lưỡi đi đến mép thuyền, tay che trán nhìn về nơi xa. Hắn thấy nơi xa, phía sau đám sương mù có một tòa thành vuông vức thì quay đầu vui vẻ nói với công tử, “Phía trước là Chương Đài phải không? Nghe nói nơi này dân sinh giàu có, là nơi tốt để an thân.”
Công tử cũng đi đến đầu thuyền nhìn tòa thành và ngọn núi trồng đầy liễu ở ngoài thành. Lúc này mới vào thu, Chương Đài lại ở phía nam nên liễu nơi đây vẫn xanh. Từng mảng xanh mượt như sương khói vòng quanh núi khiến cả ngọn núi như treo trên không.
Trên mặt công tử là ý cười, “Chỉ mong có thể ở lại đây lâu một chút.”
“Nếu công tử thích thì chúng ta sẽ ở lại đây đến thiên hoang địa lão.” Ta đi đến bên cạnh ngài ấy và nói một cách chân thành.
“Thiên hoang địa lão?” Công tử quay đầu nhìn ta, thấy ta không biết phải nói tiếp thế nào thì đáp, “Được.”
Lúc ấy ta còn không biết cái gì gọi là một lời thành sấm. Nghe công tử đồng ý thế là lòng ta cực kỳ vui vẻ, chỉ thúc giục nhà đò mau lên. Ta muốn đến nơi kia thật nhanh, đó là nơi công tử đồng ý cho ta cái gọi là “Vĩnh viễn”.
Chương Đài, ta thầm hứa ở trong lòng: Lúc này ta sẽ không bao giờ phải rời khỏi đây nữa.
Lúc thuyền gần tới bến tàu ta thu dọn hành lý chuẩn bị rời đi thì bỗng nghe thấy có người gọi ta từ phía sau. Vừa quay đầu lại ta thấy ông lão chèo thuyền vẫy tay, phía sau là Tiểu Ly đang nhìn ta. Vừa thấy ta nhìn qua hắn đã đỏ mặt giả vờ vớt mái chèo trong nước.
Ta thấy công tử và mọi người đã đi xa mới ở lại, đi vào khoang thuyền hỏi: “Ông lão, công tử đã từ chối rồi, sao ông còn muốn hỏi mãi làm gì?”
Ông ấy nghe ta gọi mình là ông lão thì lắp bắp kinh hãi, sau đó cố gắng nở nụ cười và ôn hòa nói, “Công tử chỉ nói không thể thay cô nương làm chủ, nên ta mới muốn hỏi ý cô nương xem sao.”
Nói xong ông ấy lại ho nhẹ hai tiếng và nhỏ giọng nói, “Công tử là người có học thức lễ độ nên người thô lỗ như chúng ta không thể so được. Nhưng nếu nói tới kiếm ăn thì cô nương đi theo một……” Ông ấy muốn tìm từ nào đó uyển chuyển một chút nhưng trong đầu trống trơn, từ ngữ ít ỏi. Cuối cùng ông ấy chỉ có thể nói ra mấy chữ “thư sinh yếu ớt”.
Rồi ông ấy lại cười và nói tiếp, nếp nhăn trên mặt thật sâu, “Công tử là người tay không thể nâng, vai không thể nhấc, cô nương phải hầu hạ một người như thế cả đời mà không thấy tủi thân à?”
“Hơn nữa,” ông ấy không để ý tới việc ta đã nghiến răng mà tiếp tục nói, “Nhà chúng ta tuy không coi là giàu có nhưng cũng có mấy con thuyền, ăn mặc ở hoàn toàn không phải lo. Công tử thì không như thế, đến phí đi thuyền cũng phải mặc cả với ta. Vốn ta tưởng ngài ấy xuất thân phú quý nay sa sút, sợ ngài ấy mất mặt nên mới miễn cưỡng nhượng bộ một chút.”
Ông ấy cười, trong mắt là vẻ khinh thường mà ta nhạy bén nhận ra, “Cô nương, những việc này liên quan tới tương lai, ngươi phải cân nhắc cho kỹ rồi hẵng quyết định.”
“Gọi Tiểu Ly vào đây,” ta ngồi cạnh bàn con, chân bắt chéo nhìn ông lão lái đò, mặt mày cong cong, “Có vài lời ta vẫn nên nói trước mặt hắn mới tốt.”