Chương 36: Phiêu bạt
Dao khắc ư? Ta lẩm bẩm trong lòng: Ngài ấy muốn thứ bỏ đi ấy làm gì? Hiện tại đừng nói cầm dao, ngay cả một cây bút ngài ấy cũng không nắm được.
“Ta muốn khắc một bức tượng Quan Âm cho họ. Ta muốn cầu cho hồn của họ được về quê cũ.” Công tử thấy ta bất động thì cắn răng nói, “Ngươi không đi thì ta tự đi…… Nghe thấy không……”
Công tử vẫn mang theo chút tính tình trẻ con, dù sao ngài ấy cũng chưa tới tuổi vấn tóc.
Ta thở dài và thấy Tư An nhẹ nhàng gật đầu nên chỉ đành đứng lên đi tới hang động lấy dao khắc và đưa cho công tử.
Công tử được Tư An đỡ đứng lên. Gió núi xẹt qua thổi rơi cái áo ta khoác trên vai ngài ấy thế là ta vội đi qua nhặt lên và khoác cho công tử. Nhân cơ hội này ta đưa một tay qua đỡ công tử rồi cùng Tư An che chở ngài ấy đi vách đá phía tây của núi Quan Âm.
Chỉ mới khắc được đôi mắt trên vách đá mà công tử đã mất hơn nửa sức lực. Ngài nhẹ ho một tiếng, ngực phập phồng nhưng vẫn dùng một tay khác đỡ vách đá. Mũi dao theo con mắt kia vạch ra một đường. Sức kia quá mạnh nên mũi dao văng khỏi mặt đá, cả người công tử gục xuống, trán đập vào vách đá.
Ta sợ tới mức hét lên và vội tiến đến đỡ ngài ấy dậy. Vừa mới nâng mặt công tử lên ta đã thấy máu đỏ thẫm theo mũi ngài ấy rơi xuống, chảy vào cổ áo.
“Công tử, ngài……”
Ta xé tay áo của cái áo khoác khó lắm mình mới khâu xong và ấn lên miệng vết thương của công tử để cầm máu. Vừa áp xuống ta đã cảm thấy ướt nóng dính qua vải thô. Nhưng công tử lại như không biết đau đớn, cứ thế dại ra nhìn chằm chằm máu chảy từ mũi mình và nở nụ cười.
“Tứ thúc nói không sai, ta quả nhiên chính là thứ vô dụng, chẳng làm được trò trống gì.” Công tử nhếch miệng thế là máu rơi vào miệng ngài ấy khiến răng cũng bị nhuộm đỏ, “Ta không biết dẫn binh, không làm nổi hoàng đế, lại hại bao nhiêu người phải chết vì mình. Thế mà tới một pho tượng Quan Âm ta cũng không khắc nổi cho họ……”
Hắn ngồi thừ dưới đất, cả người dựa vào Tư An mà run rẩy, tay của ta gần như không thể ấn lên vết thương giúp ngài ấy cầm máu được.
“Trẫm……” Vì một từ này mà ngài ấy lại bật cười, khóe miệng dính máu, tay che ngực vừa ho vừa cười, “Ta có ông nội và cha dạy bảo, có phụ tá đi theo hỗ trợ, nhưng lúc này đây ta còn mặt mũi nào để sống tạm bợ trên thế gian này……”
“Bệ hạ……”
“Công tử……”
Gió thổi qua thác nước màu trắng khiến vạn đóa bọt nước bắn ra như bông tuyết. Bọt nước bay tới, ta thì cố lau những giọt nước dính trên mặt nhưng vẫn không thể thấy rõ khuôn mặt công tử.
“Công tử.”
Ta gọi ngài ấy, trong lòng sợ hãi vô cùng. Ta sợ công tử sẽ dùng con dao này tự cắt cổ mình. Nhưng bàn tay ta đang duỗi ra muốn túm lấy tay áo công tử lại bị Tư An đè lại. Ông ấy kéo tay ta ra và nói, “Thanh Hoan, công tử đã ngất xỉu rồi.”
Đêm đó ta ở trong căn nhà tranh dưới chân núi canh công tử một đêm. Sợ ngài ấy tự làm hại mình nên ta giấu hết những thứ nguy hiểm. Thậm chí ta còn lặng lẽ cầm thắt lưng của ngài ấy mang đi. Ta ngồi canh ở bên giường, mắt cũng không dám chớp vì sợ vừa chớp thì người sẽ biến mất.
Tư An bưng thuốc vào thấy lưng ta thẳng tắp, sắc mặt nghiêm nghị thì lắc đầu cười, “Công tử sẽ không tự làm hại mình đâu. Nếu ngài ấy là kẻ yếu đuối như thế thì đã sớm ở lại Phụng Thiên Điện rực lửa kia.”
“Đúng vậy……” Ta thoáng thở nhẹ, cả người mềm nhũn dựa vào giường.
“Nhưng Thanh Hoan này,” Tư An đặt cái khay trên mặt đất và cầm bát thuốc thổi nguội, “Ngươi còn nhớ rõ Thái Tổ đã nói gì không?”
Ta lập tức rùng mình và nghe tiếng thác nước rít gào bên ngoài cửa sổ. Tiếng động này cực kỳ giống tiếng luyện binh năm đó, tiếng người tiếng ngựa rung động mặt đất.
“Thái Tổ nói,” ta bỗng nhiên không dám nhìn khuôn mặt dưới đèn của Tư An. Già nua và sống động hòa vào nhau trên gương mặt ấy. Có lẽ chỉ có ta mới có thể nhìn ra vẻ quỷ dị giấu ở bên trong, “Ngài ấy nói…… Lòng rung động sẽ sinh ra chờ mong, thí dụ như Tần Vương đã động lòng với thứ không nên động lòng rồi mang theo ý nghĩ xằng bậy……”
“Thanh Hoan,” Tư An quay mặt đi không nhìn ta nữa, “Vậy hẳn ngươi cũng hiểu vì sao Thái Tổ lại phó thác công tử cho ba chúng ta.”
Ông ấy cúi người rồi ôm eo công tử đỡ ngài ấy dậy rồi lau mồ hôi trên trán công tử, “Thanh Hoan, đừng động lòng.”
Tư An nói lời này nhưng ta chỉ nghe được một nửa bởi vì ta hiểu mình có thể động lòng với công tử nhưng hoàn toàn không thể sinh ra ý nghĩ xằng bậy. Mặc dù ngài ấy đã không còn là đế vương đứng đầu thiên hạ nhưng cũng không phải là người ta có thể độc chiếm.
Chuyện này ta hiểu. Thế nên tới ngày thứ hai khi công tử kéo thân thể bệnh tật lên vách núi ta cũng không e dè mà đi theo ngài ấy. Thậm chí lúc công tử cầm dao khắc chuẩn bị khắc tiếp tượng Quan Âm ta đã quỳ ở bên cạnh và vươn hai tay nắm lấy tay giúp ngài ấy khắc.
“Thanh Hoan.”
Công tử nhìn ta, trong mắt là vẻ thông suốt. Sự bình tĩnh này khiến lòng ta như tro tàn nhưng ta lại giả vờ không thèm để ý mà cười nói, “Công tử, để Thanh Hoan hỗ trợ ngài khắc tượng Quan Âm nhé?”
“Cảm ơn ngươi, Thanh Hoan.” Ngài ấy nói cực kỳ chân thành còn ta chạm vào những ngón tay khớp xương lởm chởm và tự vẽ ra bộ dạng ta và ngài ấy tay trong tay. May mà ta không thể đỏ mặt nếu không tâm sự này chỉ sợ khó mà giấu được.
“Tập trung nào.”
Giống như nhận ra bộ dạng thất thần của ta nên công tử nhắc nhở. Ta sợ quá vội thẳng lưng và dựa theo chỉ thị của công tử mà ra sức, lúc nhanh lúc chậm, khi nặng khi nhẹ. Trên mặt đá cứng rắn lạnh như băng là hình hài Bồ Tát từ bi dần hiện ra.
Đó là giữa hè năm Vĩnh Nhạc thứ hai.
***
Ta rất thích núi sư tử. Chỗ này có cây cổ thụ Lăng Tiêu, có rừng cây che lấp mặt trời, tiếng chim kêu vượn hót. Nơi này xanh um tươi tốt, nhìn ra xa vẫn là rừng núi đen, lại xa chút nữa là đỉnh núi có một tầng tuyết mỏng. Nếu nhìn không kỹ sẽ tưởng đó là cái đèn trắng xanh trong cung điện nhưng bị úp ngược.
Giữa sườn núi có một ngôi chùa thấp thoáng trong cảnh rừng núi xanh đậm. Tường của ngôi chùa là màu vàng hơi đỏ, cột màu than chì, trong sân có mấy cây bồ đề cực lớn. Tuy đã vào thu nhưng cây kia vẫn um tùm bóng râm, lá cây san sát như nước chảy. Chúng nó không quản ngày đêm chảy xuôi một cách bình thản bên người ta.
Công tử thích nhất là ngồi dưới tàng cây. Bóng cây loang lổ để lại những cái bóng bất đồng trên mặt ngài ấy.
So với mấy năm trước công tử lại cao hơn không ít, cả người thẳng tắp, ngực rộng, đỉnh đầu mới cạo lại mọc tóc mới xanh rì. Ngài ấy ngồi dưới gốc bồ đề, thân khoác áo tu màu trắng, thật giống một vị Phật.
Ta đứng trong bếp nhìn Phật của mình, trong lòng mang theo si mê. Đặc biệt khi nghe ngài ấy than nhẹ “Bồ đề rửa sạch duyên hoa mộng, thế gian vạn vật đều là không”.
Lời này có ý gì thì ta không hiểu lắm nhưng ta chỉ cảm thấy những từ ấy như nước chảy mây trôi tuôn ra từ công tử tạo thành sức mạnh khiến lòng người run rẩy.
Nhưng hôm nay vọng tưởng của ta lại bị chen ngang. Xuyên qua cửa sổ ta thoáng thấy Hỉ Ninh hoảng loạn chạy xuyên qua cửa, đi tới bên cạnh công tử, thần sắc lo lắng thì thầm gì đó. Sắc mặt công tử dần nghiêm túc, lát sau ngài ấy đứng lên đi vào bếp gọi ta và Tư An ra.
“Lúc Hỉ Ninh xuống núi múc nước đã thấy mấy quan binh trong tay cầm một bức vẽ và đang gọi các thôn dân ra nhận mặt.” Nói xong ngài ấy miễn cưỡng cười với mấy người chúng ta, “Lại phải đổi một chỗ khác rồi. Hiện tại phải thu dọn đồ đạc, sớm đi cũng đỡ phiền tới tăng ni trong chùa.”
Từ khi tàn quân của Phạm tướng quân bị tiêu diệt, chúng ta bắt đầu cuộc sống lang bạt kỳ hồ không cố định. May mắn thì có thể sống ở đâu đó nửa năm, còn nếu ngắn thì chỉ một hai tháng. Thật ra không phải lần nào cũng có quan binh tới tìm, chỉ là công tử lương thiện, chỉ cần phát hiện chút gió thổi cỏ lay là ngài ấy sẽ quyết đoán bỏ đi vì sợ liên lụy đến người khác. Ngài ấy luôn nói đã có quá nhiều người vì một kẻ vô dụng như mình mà mất mạng nên thà chết cũng không muốn thấy kẻ khác phải hy sinh nữa.
Nhưng lúc này nếu Hỉ Ninh đã nhìn thấy quan binh cầm bức vẽ thì chứng tỏ đám chó săn kia đã tìm được tới nơi này.
Ta ngước mắt nhìn sân nhỏ chúng ta ở thời gian qua. Ta thực sự thích nơi này, thích cuộc sống thong dong điềm đạm, trong sáng không nhiễm bụi trần này. Giống như trên thế giới này chỉ có công tử và ba người chúng ta.
Nhưng ta còn chưa chờ được lá cây bồ đề rụng xuống thì đã phải rời đi.
Nghĩ đến đây ta hơi nắm chặt tay và nhìn về phía Tư An, “Ông và Hỉ Ninh hộ tống công tử đi trước đi. Ta sẽ ở lại thu dọn đồ và hành lý, một giờ sau chúng ta gặp nhau ở bến tàu ngoài thành.”
Tình thế khẩn cấp nên phương án của ta là hợp lý nhất. Vì thế ba người họ dặn dò ta vài câu đã đi ngay. (Hãy đọc thử truyện Người bên lầu tựa ngọc của trang RHP) Ta ở lại nhà bếp thu dọn chỗ hành lý ít ỏi đến đáng thương của chúng ta sau đó ngồi trên giường, hai chân khoanh lại, đôi mắt xuyên qua cửa sổ nửa khép để nhìn động tĩnh bên ngoài.
Quả nhiên không đến một nén nhang bên ngoài đã vang lên tiếng ồn ào. Lát sau có mấy bóng người chạy vào trong sân. Sau khi đứng yên một lát bọn chúng khẽ khom lưng lặng lẽ bao vây nơi này.
Ta cười và nhếch khóe môi tiếp đón những kẻ bên ngoài, “Các vị quan gia, sao làm người không thích lại cứ thích làm kẻ trộm gà đánh chó vậy hả? Nếu các ngươi không mặc một thân áo quan thì ta còn tưởng các ngươi là chó cơ đấy.”
“Leng keng” một tiếng, cửa bị phá tung. Ba tên quan binh mặc áo đen như từ trên trời giáng xuống vây lấy ta. Kẻ cầm đầu híp mắt nhìn ta chăm chú rồi nhếch miệng nói, “Phật môn thanh tịnh lại có một cô nương xinh đẹp thế này ắt hẳn có kỳ quái.” Hắn bước gần ta, dùng mũi của thanh Tú Xuân Đao kéo cằm ta lên, “Tiểu nha đầu, nói xem rốt cuộc ngươi là ai?”
Ta nhìn hắn cười, mày mắt đong đưa. Hắn bị má lúm đồng tiền của ta hấp dẫn thế là ngây ra. Sau đó ánh mắt hắn trầm xuống, khóe miệng nhếch lên hỏi, “Ngươi đang cười cái gì?”
“Ta không hiểu ngươi đang nói gì,” ta vẫn nở nụ cười sau đó nhướng mày, ánh mắt lấp lánh, “Ta chỉ nghe được tiếng người, không nghe được tiếng chó sủa. Nhưng công tử nhà ta thường nói chó sủa có hay cũng không phải chó ngoan, người giỏi ăn nói chưa chắc đã là người tốt. Chứng tỏ mấy kẻ các ngươi dù có sủa rõ to thì cũng chưa chắc đã ra gì.”