You dont have javascript enabled! Please enable it! Trở về năm 1995 - Chương 2 - Rừng hổ phách

Trở về năm 1995 – Chương 2

Chương 2: Chuyện cũ

Giản Lê bị bệnh.

Thật ra cũng không phải bệnh nặng lắm. Vốn đó chỉ là một loại u nang thường thấy và ở đời trước, mãi tới khi cô qua đời cái u ấy cũng chưa từng gây rắc rối gì.

Nhưng một năm kia…… cũng chính là đầu mùa xuân năm nay, Vương Mộng Mai cảm thấy cô quá gầy và hoài nghi có phải u kia có vấn đề gì hay không nên mang cô tới bệnh viện khám.

Không biết có phải vì bệnh nhân nhiều hay không mà bác sĩ không nghe rõ và cuối cùng không kiên nhẫn ném cho mẹ con cô một đơn thuốc. Sau đó Giản Lê uống hai tháng và bắt đầu béo lên như bị bơm hơi.

Ngay từ đầu mọi người còn nghĩ là do ăn nhiều, nhưng về sau cái béo kia trở thành sưng to. Chờ đến khi Vương Mộng Mai lại mang cô đi khám lại, bác sĩ khác mới nói là thuốc không đúng lắm.

Đó là thuốc kích thích tăng trưởng, lượng thuốc còn lớn. Và dù bác sĩ đã nhanh chóng điều chỉnh đơn thuốc thì Giản Lê vẫn rất khó gầy đi.

Toàn bộ tuổi dậy thì của Giản Lê đều ở trong tình trạng mập mạp và bị người khác nhạo báng. Cô gái nhỏ vốn thanh tú xinh đẹp bỗng tăng lên 180 cân.

Tính cách của Giản Lê cũng xảy ra vấn đề.

Thành tích từ giữa trượt xuống gần cuối……

Giản Lê không biết nên nói cái gì.

Đời trước, lúc cô chết vẫn đang miệt mài bán sức lao động cho một công ty phần mềm. Lúc đang hấp hối cô đã nghĩ nếu có kiếp sau cô sẽ không bao giờ đi làm nữa, cũng không giảm béo nữa. Nhưng bây giờ sống lại cô mới nhận ra từ giờ tới lúc có thể an tâm nhàn nhã còn xa lắm.

Nhưng……

Giản Lê nhìn mình trong gương và cười.

Trên khuôn mặt mập mạp của cô lộ ra hai lúm đồng tiền. Hiện tượng tăng cân bắt đầu từ béo bụng, rồi chân, cánh tay và cuối cùng mới là mặt. Khuôn mặt cô vốn thanh tú đáng yêu với ngũ quan cân xứng nên vẫn còn để lại nét dù cô đã béo hơn trước nhiều.

Giản Lê tìm vui trong đau khổ và nghĩ: Hiện tại nếu chỉ nhìn mặt thì cô vẫn có thể được coi là đáng yêu. Hơn nữa cô mới học lớp 8 đã cao 1m65 vì thế có vẻ gầy hơn một chút so với những người khác cũng béo phì.

Giản Lê nhìn bản thân trong gương và cười cười sau đó rơi nước mắt.

Thật tốt.

Hết thảy vẫn còn kịp.

Khi cô đang vui vẻ nhìn phòng nhỏ của mình thì bỗng nghe thấy âm thanh ở bên ngoài.

Nhà cô ở tầng một, bên ngoài có một cái sân chừng 5-6 mét vuông. Nói là sân nhưng thật ra chỉ là một mảnh đất trống, các nhà đều dựng rào tre, bên trong để mấy thứ linh tinh.

Nhà Giản Lê không chất đồ vớ vẩn bởi Vương Mộng Mai chính là kẻ cuồng dọn dẹp, trong mắt không thể chứa cái gì không sạch sẽ nên trên mảnh sân này ngoài xe đạp thì ngày thường cũng không có gì khác.

Lúc này Giản Lê đang căng tai nghe ngóng đoạn đối thoại qua cái sân vắng.

“Anh Phong, đêm nay cùng ăn cơm nhé.”

“Không được, không được, đứa nhỏ ở nhà.”

“Vậy anh sang nhà em, để em bảo vợ rang ít lạc rồi chúng ta uống hai chén.”

“Vậy……”

Vừa nghe cha mình do dự muốn đi là Giản Lê đã vội thò đầu ra ngoài cửa và cách tấm lưới phòng trộm gọi to: “Ba!”

Vừa nghe thấy tiếng con gái là Giản Phong đã không rảnh nói nhiều mà thuận tiện đáp: “Để hôm khác đi.”

Người nọ thấy thực sự không mời được nên hậm hực nói: “Vậy lúc nào anh rảnh em sẽ tới nhà anh chơi.”

Giản Phong vội vàng vào nhà và buông hộp cơm trong tay rồi lau mồ hôi, miệng cười hiền từ: “Chỉ còn một ít mì xào. Nếu con thấy mì bị nở mềm thì ba sẽ bỏ vào nồi xào lại một chút.”

Giản Lê cầm lấy đũa nếm một miếng: “Cũng tạm.”

So ra kém đồ do mẹ cô nấu nhưng cũng ăn được.

Giản Phong lại tìm hai cái bát để đựng cháo bắp Vương Mộng Mai đã nấu chín trước khi ra ngoài. Ông để phần cho vợ một bát rồi hai cha con ăn với mì xào.

Giản Phong vừa ăn vừa gắp thịt ba chỉ cháy cạnh trong mì xào và bỏ vào bát con gái. Đồ ăn ở nhà ăn ngày càng kém, mì xào cũng chắp vá tạm bợ. Sợi mì vón cục, trước khi mua Giản Phong còn phải ngửi ngửi vì sợ đồ này là đồ thừa.

Giản Lê vừa ăn mì vừa ăn cháo bắp và hỏi: “Ba, vừa rồi là chú Tiểu Bằng tới tìm à?”

Giản Phong: “Đúng vậy.”

Giản Lê tức khắc ngừng ăn thịt, vẻ mặt hung ác.

Triệu Hiểu Bằng chính là kẻ bán xe cũ cho cha cô ở đời trước.

“Chú ấy tìm ba làm gì?”

Giản Phong hơi kỳ quái vì hôm nay con gái nói nhiều nhưng vẫn nói thật: “Không biết, có lẽ chú ấy định hỏi về lịch chia ca của tháng sau chăng?”

Ở nhà máy, Giản Phong là lãnh đạo nhỏ và quản một tổ. Triệu Hiểu Bằng là người bạn chơi từ bé của ông và vừa lúc cũng làm cùng tổ nên ngày thường người này hay hỏi về lịch chia ca.

Giản Lê: “Không phải chú ấy muốn hỏi vay tiền chứ?”

Làm gì có chuyện khéo thế. Hôm nay vừa phát lương là Triệu Hiểu Bằng đã vội vàng chọn thời gian tới tìm ba cô uống rượu. Ngày thường mấy người bạn chơi từ nhỏ với ông toàn tới nhà họ ăn uống hoặc hẹn ông ra ngoài ăn nhưng cuối cùng đều là ba cô trả tiền.

Vì chuyện này mà ba mẹ cô cãi nhau vô số lần, nhưng ba cô vẫn không đổi được tật xấu ấy.

Giản Phong nghe con gái hỏi thì cũng hơi đoán được vị và trong lòng thầm buồn cười.

Ông gắp thịt cho con và nói: “Cũng chưa chắc.”

Dù có phải thì ông cũng thấy không cần thiết phải nói quá nhiều với Giản Lê. Đây đều là việc của người lớn, trẻ con nghe làm gì.

Giản Lê hừ hừ một câu: “Chú ấy chắc chắn tới vay tiền.”

Ba cô là người hiền lành và Triệu Hiểu Bằng cũng nắm chắc tính tình của ông nên đời trước mới lừa nhà họ một vố lớn như thế.

Giản Lê vừa nhớ tới chuyện này đã tức giận và nghiến răng ăn thịt.

Giản Phong thấy bộ dạng con gái thì buồn cười: “Đừng tức giận, hiện tại túi quần ba không có nổi hai đồng, chú ấy có muốn vay cũng không được.”

Ai bảo Triệu Hiểu Bằng tới chậm nên ông đã cho Lưu Hướng Đông vay trước rồi.

Triệu Hiểu Bằng muốn mượn cũng không cơ hội. Hơn nữa sau khi hai vợ chồng cãi nhau, vợ ông đã thu sạch tiền lương, chỉ để lại cho ông hơn một đồng.

Giản Phong nghĩ tới đây thì tâm tình mới hơi tốt hơn chút đã lại hạ xuống.

Sao ông lại không biết điểm yếu lớn nhất của mình chính là mềm lòng chứ?

Ông, Vương Lợi Minh, Triệu Hiểu Bằng, Hứa Kiến Quốc và Lưu Hướng Đông là năm người bạn lớn lên bên nhau từ nhỏ. Có thể nói đó là tình nghĩa mặc quần thủng đút. Sau này từng người lập gia đình cũng không cách xa mà vẫn thi thoảng túm tụm lại cùng uống rượu.

Vương Lợi Minh là người đầu tiên nghỉ việc và sau đó vì không tìm được việc nên tới phương nam làm công. Hiện tại trong nhà anh ta chỉ có vợ và một đứa con gái hơn 4 tuổi.

Lưu Hướng Đông là người thứ hai nghỉ việc nhưng trong nhà có mẹ già và hai đứa con trai song sinh, vợ cũng không có công việc. Lưu Hướng Đông phải gánh vác cả gia đình này nên thực sự không đi đâu được vì thế đành xin việc trong một xưởng nhỏ của thành phố.

Còn Giản Phong, Triệu Hiểu Bằng và Hứa Kiến Quốc thì tạm tạm vì vẫn chưa nghỉ việc nhưng họ đều giãy giụa trong ranh giới nghèo khổ bởi vì hiện tại nhà máy chỉ trả được một nửa lương.

Vì Giản Phong làm tổ trưởng nên một tháng kiếm được hơn 200 đồng, còn Triệu Hiểu Bằng thì một tháng chỉ được chừng 130 -140 đồng.

Năm người họ có điểm chung là vợ đều không có việc làm, cả nhà đều dựa vào số tiền lương ít ỏi của họ để sống. Quả thực vất vả.

Mà trong số đó thì Lưu Hướng Đông là vất vả nhất vì anh ta còn có mẹ già và hai đứa con song sinh. Tiền ăn uống, tiêu dùng của cả nhà đều dựa vào mình anh ta. Mà bản thân anh ta đã nghỉ việc nên sau khi đi xin làm lại thì phải bắt đầu từ con số không. Chẳng có tay nghề nên có đi tới nhà máy tư cũng chỉ có thể làm mấy công việc lặt vặt, tiền lương chỉ như trứng chọi đá, còn chẳng đủ nuôi vợ con chứ đừng nói tới mẹ già.

“Trước kia mẹ của chú Đông Tử rất tốt với ba vì thế ba không thể trơ mắt nhìn bà ấy đi tới cuối lại không có tiền điều trị. (Hãy đọc truyện này tại trang RHP) Con cũng biết, khi còn nhỏ ba đói bụng lại không có cơm ăn, ngày ngày đi ăn trực quanh xóm. Bà Lưu khi ấy có cái màn thầu cũng bẻ làm đôi đưa cho ba. Đồ ba ăn là moi từ miệng chú Đông Tử mà có……”

Có lẽ nghe con gái hỏi nên rốt cuộc Giản Phong cũng tìm được đối tượng thổ lộ nỗi lòng. Ông lại kể về sự hỗ trợ của mọi người trong nhà máy với mình.

Giản Lê yên lặng ăn cơm và không hề cắt lời.

Đời trước cô cảm thấy ba mình bị đổ vì một chữ “tình nghĩa” nhưng nghĩ lại thì có lẽ cô cũng hơi hiểu ông ấy.

Từ nhỏ ba cô đã lớn lên trong khu tập thể của xưởng dệt bông. Ông nội cô chính là công nhân đi theo xưởng dệt bông từ Đông Bắc chuyển tới đây và ba cô là con cháu của xưởng dệt.

Nhưng ông nội qua đời sớm, bà nội cô lúc ấy mới hơn 30 tuổi nên không muốn làm quả phụ và mang theo ba cô gả cho kẻ khác.

Giản Phong theo mẹ đẻ tới nhà cha dượng, sau đó mẹ ông lại sinh ba đứa em cùng mẹ khác cha, trong đó có hai trai và một gái. Bản thân cha dượng cũng có một đứa con trai riêng nên Giản Phong lập tức trở thành người ngoài. Việc lớn bé trong nhà ông phải làm hết nhưng ăn mặc lại kém nhất.

Chờ qua thời gian khó khăn ấy, cha dượng của ông dựa vào một người họ hàng từ hải ngoại và phất lên trông thấy. Ông ta sắp xếp cho mấy đứa con của mình, đứa thì đi học đại học, đứa vào trường trung cấp, còn Giản Phong thì bị đuổi ra khỏi nhà dù mấy năm nay ông làm việc vất vả nhất.

Lý do họ cũng đã nghĩ sẵn.

Cha đẻ của Giản Phong đã chết và để lại một suất trong xưởng dệt nên ông có thể về nhận công việc ấy.

Lúc ấy Giản Phong mới 13-14 tuổi, cũng chẳng được tới trường mấy ngày, cũng chưa đủ tuổi đi làm. Nhưng cả nhà cha dượng phát tài vì thế chẳng ai quan tâm một thiếu niên choai choai như Giản Phong.

Giản Phong cứ thế trở về khu tập thể, mẹ đẻ cũng không tham căn nhà cũ mà cha ông để lại. Vì thế ông được thừa hưởng căn nhà hơn 30 m2 đó.

Nhiều năm sau Giản Phong vẫn luôn sống trong căn nhà đó, ngày ngày sống nhờ lòng tốt của hàng xóm. Nhà ai có chút thịt đều sẽ gọi ông tới ăn cùng. Mỗi lần mẹ Lưu Hướng Đông làm quần áo đều nhớ dùng vải lẻ làm mấy cái dây quần cho Giản Phong.

Triệu Hiểu Bằng ngày ngày gọi ông ra ngoài đào tổ chim, bắt ốc, bắt ếch xanh.

Vương Lợi Minh dạy ông câu cá còn Hứa Kiến Quốc nhét tem phiếu cho ông……

Giản Phong là người nhận ơn là nhớ mãi. Trên con đường trưởng thành ông được ai trợ giúp là sẽ ghi lòng tạc dạ.

Ông không phải kẻ ngốc, nhưng xưởng dệt cho ông quá nhiều ấm áp thế nên trong dòng chảy thời đại ấy, ông đã quên đi một điều cơ bản.

Con người rồi sẽ thay đổi.

Giản Lê nghe ba mình nói xong mới đáp lại bằng một câu này.

Giản Phong cười ha ha: “Con mới tí tuổi đã biết con người sẽ thay đổi hả? Được rồi, con người quả thực sẽ thay đổi, nhưng ba vẫn tin có những thứ sẽ còn nguyên.”

Giản Lê hầm hừ uống một hơi cạn sạch bát cháo bắp: “Sớm hay muộn gì ba cũng bị người ta lừa cho xem.”

Người dạy người, dạy mãi không được.

Việc dạy người, một lần là nhớ.

Giản Lê không trông chờ vào một câu kia sẽ khiến ba mình tỉnh ngộ mà cảm thấy tốt nhất nên có một việc nào đó để ba cô mở mắt nhìn cho kỹ.

Đang nghĩ ngợi thì bỗng cô nghe thấy tiếng hét vội: “Anh Phong! Anh Phong!”

Giản Phong vội lên tiếng: “Kiến Quốc, sao thế?”

Vừa mở cửa ra ông đã thấy Hứa Kiến Quốc đứng ở bên ngoài thò đầu thò cổ gọi mình với vẻ mặt nôn nóng.

“Anh Phong! Mau lên, mẹ Đông Tử mất rồi!”

Ủng hộ Rừng Hổ Phách

Mong các bạn ủng hộ để Amber duy trì trang web. Nếu không có Paypal thì có thể:
1. Chuyển khoản tới: Hoang Mai Nhung - 0021002033624 - Vietcombank.
2. Chuyển qua Momo
3. Gửi thẻ cào điện thoại Viettel
Chân thành cảm ơn!

Rừng Hổ Phách

Lịch

Tháng 4 2024
H B T N S B C
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  
DMCA.com Protection Status