Chương 1: Sống lại
“Mới vừa phát tiền lương, tổng cộng cũng chỉ có mỗi 228 đồng thế mà anh đưa về cho em có 180 đồng, vậy phần còn lại đi đâu rồi? Có phải anh lại cho ai mượn rồi không?”
“Bà xã, nhà Đông Tử thật sự khó khăn, mà cậu ấy làm việc trong nhà máy tư nên tháng này cũng chỉ nhận được nửa tiền lương. Cậu ấy không có tiền mua thuốc cho mẹ……”
“Người ta khó khăn hả? Sao ạnh không nhìn lại nhà mình đi! Nhà chúng ta hơn nhà người ta ở chỗ nào? Con gái anh cũng đang phải uống thuốc kia kìa, chẳng lẽ chúng ta giàu có lắm hả?”
“Bà xã……”
“Em mặc kệ, bây giờ anh đi đòi tiền về ngay, nếu không đòi được thì anh cũng đi luôn đi, nếu không …… nếu không em sẽ không sống tiếp như thế này nữa!”
“Mẹ Đông Tử chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa, mà bản thân Đông Tử cũng nói là sẽ trả……”
“Giản Phong! Anh đừng quên mình còn vợ con đó! Tiền thuê quầy hàng tháng trước em còn phải đi vay chị gái. Nhà mình một đống nợ chưa trả được mà anh tưởng mình là ông to có nhiều tài sản lắm hả? Nếu anh là ông nọ ông kia thật thì anh giúp người khác em cũng chả thèm nói, nhưng anh có phải đâu!”
“……”
“Anh nói đi, sao không nói hả? Không phải anh nhiều lý lẽ lắm sao? Họ Giản kia, trên đời này chỉ có anh là người tốt phải không? Nếu lúc trước nhà máy còn làm ăn được, lương lậu còn ra hồn thì cũng thôi đi, nhưng anh nhìn xem, trong nhà mới vừa giao tiền thuê quầy hàng, hai năm nữa là Giản Lê lên cấp ba. Một đống tiền phải trả…… Lúc anh cho người ta vay tiền sao không nghĩ tới cái này?!”
……
Cha mẹ cãi nhau bên ngoài tấm rèm cửa bằng trúc có ghi “Gia hòa vạn sự hưng”. Ánh nắng chiều xuyên qua cửa sổ chiếu vào mặt đất láng xi măng hơi gồ ghề giống như một tầng mỡ ngây ngấy.
Trong căn phòng có treo một cái gương nứt một đường ở giữa, bên cạnh là cuốn lịch màu loang lổ ghi “Ngày 15 tháng 7 năm 1995″. Bên trên cuốn lịch còn có những mẩu vụn giấy gồ ghề do xé.
Giờ này khắc này, bên ngoài ván cửa đã bong tróc sơn là tiếng cãi nhau của cha mẹ.
Giản Lê mắt điếc tai ngơ nhìn chằm chằm cuốn lịch trước mặt.
Rõ ràng một giây trước cô còn đang tăng ca ở công ty cơ mà? Sao giây tiếp theo đã sống lại lúc mình 12 tuổi rồi?
Cô thử véo mặt mình sau đó á một tiếng và xác định đây không phải mơ.
Cô thật sự về tới năm 1995!
Còn chưa kịp nghĩ gì thì mẹ cô đã nghe thấy tiếng con gái.
Vương Mộng Mai cãi tới lúc này đã cực kỳ tức giận vì thái độ tiêu cực của chồng. Nghe thấy tiếng con gái nên bà biết Giản Lê sắp tỉnh vì thế dứt khoát chạy luôn. (Truyện này của trang runghophach.com) Trước khi đi bà chỉ bỏ lại một câu “Họ Giản các người không ai ra gì!”.
Giản Lê mới vừa tỉnh và còn chưa kịp hiểu chuyện gì đã bị mẹ mắng một câu nhưng cô lại thở nhẹ một hơi.
Mắng thế này thì đúng là mẹ cô rồi!
Trong vài thập niên, Vương Mộng Mai chỉ áp dụng đúng một cách mắng chồng mắng con không đổi. Đầu tiên là bà nhắm thẳng vào lỗi lầm, sau đó lôi chuyện cũ ra, cuối cùng đưa đến kết luận là cả hai cha con đều vô tích sự!
Và trong mấy ngày tiếp theo cha con cô sẽ phải kẹp chặt đuôi mà sống. Giản Lê và Giản Phong đã sớm biết phải đối phó với cơn thịnh nộ của Vương Mộng Mai như thế nào. Họ sẽ tự nấu cơm, tự giặt quần áo, tự làm hết việc nhà không để Vương Mộng Mai phải mó vào việc gì. Cả hai còn phải biết điều, đừng chọc tới Vương Mộng Mai.
Nếu không phải vấn đề nguyên tắc thì Vương Mộng Mai sẽ hết tức sau ba ngày. Lúc đó bà sẽ hầm hè mắng vài câu “Cơm này chó cũng không ăn”, “Quần áo giặt thành cái gì vậy?” “Lau nhà mà không nhìn à?” Chỉ cần nghe thấy mấy câu này là hai cha con đều biết phong ba đã qua.
Quả nhiên, cánh cửa màu vàng kẽo kẹt một tiếng, một gương mặt còn khá trẻ thò vào.
Giản Lê sửng sốt ngây ra. Không phải cô không biết khi còn trẻ cha mình trông như thế nào, chẳng qua cô đã không còn nhớ khi đó cha mình lại trẻ đến thế này.
Ông hoàn toàn không có vẻ mỏi mệt vì bị cuộc sống tra tấn, cũng không có vẻ yên tĩnh mang theo chán nản. Nếp nhăn giữa trán ông vốn khắc sâu nhưng hiện tại nơi ấy vẫn bằng phẳng, không có đau khổ.
Giản Lê ngơ ngác đứng ở chỗ đó nhìn u sầu giấu trong đáy mắt của cha mình. Ông cố tỏ vẻ không có việc gì và gọi cô.
“Bé à, có lẽ mẹ con tới nhà dì Lệ Quyên rồi. Tối nay con muốn ăn gì để ba nấu.”
Thấy Giản Lê không nói gì thế là Giản Phong cũng thấy rất bất đắc dĩ. Trên khuôn mặt vẫn có thể gọi là đẹp trai kia lập tức xuất hiện nụ cười hiền lành quen thuộc.
“Ba biết con chê ba nấu không ra gì…… để ba tới nhà ăn mua mấy món về ăn tạm vậy. Con muốn ăn gì? Mì xào hay bánh bao cuộn?”
Giản Lê đang muốn nói mình không muốn ăn thì bụng lại sôi lên bán đứng cô nàng.
“…… Mì xào cũng được.”
Giản Phong: “Được rồi, ba đi mua cho con luôn.”
Giản Lê nhìn cha mình đi xa, tấm lưng của ông khác một trời một vực với bóng dáng trong trí nhớ của cô.
Hai mươi năm qua cô trơ mắt nhìn lưng cha mình ngày một còng xuống và dần quên rằng lúc này lưng ông vẫn thẳng tắp……
Giản Lê kéo ghế và ngồi xuống bàn rồi bắt đầu sắp xếp lại suy nghĩ của mình.
Ngoài cửa sổ mơ hồ truyền đến tiếng loa phường. Tiếng động quen thuộc ấy khiến ký ức đã phai mờ dần trở nên sống động.
“Đã vào hè nên công nhân xưởng cần đề phòng cháy nổ. Nhớ rõ nguyên tắc an toàn khi làm việc…… Đài phát thanh xưởng dệt bông đưa tin.”
Thời tiết tháng bảy như đổ lửa khiến người ta nóng tới độ không biết trốn ở đâu. Đào Thành nằm ở khu vực đồng bằng Hoa Bắc, vừa không gần biển vừa không gần sông nên tới mùa hè không có một ngọn gió nào.
Giản Lê mở cửa sổ và cảm nhận sóng nhiệt ập vào mặt.
Xưởng dệt bông được thành lập vào những năm 60 và vào thời hoàng kim số lượng công nhân vượt qua cả ngàn. Lúc ấy khu vực phía tây thành phố cũng náo nhiệt hơn những nơi khác. Xưởng dệt bông chính là xưởng lớn nhất ở nơi này.
Nhưng qua một khắc huy hoàng và mấy năm náo nhiệt ấy, xưởng dệt bông nhanh chóng rơi vào khốn cảnh. Đặc biệt là tới thập niên 90, cả cái xưởng lớn như một ông già đã gần đất xa trời. Công nhân thay nhau nghỉ không lương hoặc rút bảo hiểm một lần. Mẹ của Giản Lê vốn làm cho nhà ăn của xưởng cũng xin thôi việc trong lúc này. Còn cha cô cũng sẽ sớm thôi việc.
Những người đã làm việc nửa đời trong nhà máy đâu có ngờ một doanh nghiệp quốc doanh lại ngã xuống. Bọn họ làm công nhân nhiều năm như thế nhưng tới phút cuối đều trở thành những kẻ “lưu manh” thất nghiệp mà họ vẫn luôn khinh thường.
Rất nhiều người đều không thể chấp nhận được biến cố này, và cha của Giản Lê là một trong số đó.
Giản Phong làm việc cho xưởng dệt bông 20 năm, từ khi mới mười mấy tuổi tới bây giờ. Có lẽ ông cũng chưa từng nghĩ có một ngày nhà máy sẽ thực sự đóng cửa.
Nhưng ngày ấy đã chẳng còn xa nữa.
Cuối năm sau xưởng dệt bông vận chuyển một đơn hàng tới phương nam nhưng không thu được tiền khiến dòng tài chính bị đứt gãy. Nó kéo dài hơi tàn trong mấy tháng rồi cuối cùng cũng đổ ầm ầm, kết thúc chặng đường của một xưởng quốc doanh.
Giản Lê chậm rãi thở ra một hơi.
Đời trước sau khi cha cô nghỉ việc cũng chẳng kịp suy sụp tinh thần đã bị gánh nặng cuộc sống đè lên vai. Ông nhanh chóng quyết định đi học lái xe. Mất mấy ngàn đồng mới lấy được bằng lái, tiền tiết kiệm trong nhà cũng dùng hết, còn nợ rất nhiều.
Cũng may ông thuận lợi lấy được bằng lái. Tuy phải bỏ tiền ra thuê xe và giấy phép, thậm chí phải thế chấp căn nhà nhưng lúc đó xe taxi vẫn kiếm ra tiền. Rất nhanh họ đã thu lại vốn.
Giản Phong gánh vác cả gia đình nên không dám ngơi nghỉ một khắc. Những người khác chỉ chạy 8-9 tiếng một ngày còn ông luôn làm 15-16 tiếng, ngay cả ba bữa cũng giải quyết bên ngoài. Trong khoảng thời gian này Giản Phong vừa đặt lưng là ngủ, chỉ mong sao nhanh chóng kiếm được tiền.
Một năm sau, Giản Phong dựa vào xe taxi và kiếm được một món tiền, sau đó ông nhanh chóng trả nợ, giải bỏ thế chấp nhà.
Cứ thế vất vả hai năm ông cũng tính đến chuyện mua một chiếc xe riêng. Chuyện này cũng là thường tình bởi tiền thuê xe với giấy phép quá đắt, lại còn tăng giá qua hàng năm. Đã vậy mỗi năm họ đều phải chuẩn bị quà biếu xén những người ở công ty xe, đây cũng là một khoản không nhỏ.
Đám công nhân nghỉ việc đều đang ở tuổi khỏe mạnh nên một khi không tìm được công việc ở xưởng khác thì họ chỉ có thể lái taxi để nuôi sống vợ con.
Giản Phong thương lượng với vợ và quyết định mượn một số tiền để mua một chiếc xe taxi thuộc về mình.
Nhưng lần này Giản Phong đã làm sai một chuyện.
Một người bạn lớn lên cùng ông từ nhỏ ở khu tập thể này làm lái buôn xe cũ nên đã giới thiệu cho ông một cái xe taxi. Tuy Giản Phong cũng có lòng cảnh giác nhưng dù thế ông vẫn không thể ngờ người bạn chơi thân từ nhỏ sẽ lừa và bán cho ông một cái xe vướng vào một vụ án.
Không đến ba tháng, xe kia đã trở thành tang vật và bị nhà nước tịch thu.
……
Sau đó nhà họ Giản không bò dậy nổi.
Xe không đòi được, tiền cũng không có tin tức.
Giản Phong hoàn toàn không còn vẻ hăng hái nữa. Đối mặt với sự phản bội của người bạn thân và những việc lớn nhỏ xảy ra sau đó nên ông đã không còn gượng nổi nữa.
Mà Vương Mộng Mai cũng không cho ông ấy nhắc lại.
Theo lời Giản Lê thì đó là một phần tính cách cực đoan vô cùng nguy hiểm của mẹ cô. Bất kể là chuyện gì, chỉ cần hơi nguy hiểm là bà sẽ lập tức bàn lùi.
Vương Mộng Mai bị ngày tháng trả nợ dọa sợ và cũng bị lòng người quỷ quyệt dọa sợ. Bà giữ chặt cái quán bánh nướng và xin cho Giản Phong một công việc đưa hàng ở một tiệm lương thực.
Mười mấy năm qua, Giản Lê chưa từng nói mẹ mình không phải cho dù bà nhúng tay vào mọi quyết định trong cuộc đời cô. Sau khi kỳ thi đại học kết thúc, bà dọa sẽ tự vẫn và ép cô chọn ngành sư phạm rồi nhất định phải trở thành giáo viên sau khi tốt nghiệp. Trong mấy năm Giản Lê đi làm bà liên tiếp yêu cầu cô về nhà xem mắt……
Giản Lê có thể hiểu hết những việc này.
Một đời người có thể có bao nhiêu lần mười năm?
Khoảng thời gian cha mẹ cô khỏe mạnh nhất đã phải lo lắng cho nguy cơ của xưởng dệt sau đó chìm nổi trong xã hội.
Không phải Vương Mộng Mai chưa từng nếm thử con đường khác nhưng kết quả thất bại khiến cả nhà phải sống khổ sở trong 10 năm. Vương Mộng Mai đi sai một nước cờ nên quyết định cắn chặt lấy gia đình nhỏ của mình, không dám mạo hiểm thêm một chút nào. Bà giống như con thú trong mưa gió, không hề tin tưởng bất kỳ kẻ nào, dù là chồng hay con gái. Ở nửa sau của cuộc đời, khi cuộc sống đã khá lên thì bà vẫn giữ lấy ý niệm này trong lòng và tự gặm nhấm nỗi đau khổ.
Ở một năm khó khăn nhất, lúc ấy trong nhà vừa mới trả xong một khoản nợ nên đến ngày tết chẳng còn tiền mua thịt. Vương Mộng Mai chỉ có thể mua hai bộ khung xương gà về nấu canh.
Buổi tối ấy, bên ngoài là tiếng pháo đì đùng, còn nhà họ uống canh xương gà cũng cảm thấy mặn chát.
Cũng từ lúc ấy, cha cô không bò dậy nổi, về sau cũng dần trở thành một người trong suốt vô hình. Rất nhiều đêm Giản Lê đều nghe thấy tiếng thở dài của cha ở phòng bên cạnh.
Đó là buồn bực bị ép ra khỏi lồng ngực.
Nó nhẹ nhàng như thế nhưng lại ép cho người ta không đứng dậy nổi.
Còn bản thân Giản Lê cũng không thể trốn khỏi cơn gió lốc ấy.
Cô nhìn gương mặt béo phì trong gương và tìm được bài thi cuối học kỳ một sau đó cũng thở dài một hơi.
Cân nặng là 180 cân (90kg) còn điểm thi là 18.
Aizzz……