You dont have javascript enabled! Please enable it! Trở về năm 1995 - Chương 17 - Rừng hổ phách

Trở về năm 1995 – Chương 17

Chương 17

Sáng sớm hôm sau Giản Lê ngồi xe chuyến về Đào Thành sau đó hội hợp với Tiền Bình ở huyện.

Tiền Bình không mang quá nhiều đồ, chỉ có một cái cặp, một cái túi xách. Còn Giản Lê mới trông giống kẻ trốn nhà đi. Cô vác một cái bao tải, một cặp sách, tay cũng không rảnh, một bên xách gà vịt mới mổ sáng nay còn bên kia là túi lưới đầy tôm sông.

Giản Lê gian nan dịch chỗ cho Tiền Bình ngồi: “Chị ngồi đây.”

Chờ Tiền Bình ngồi xuống rồi cô mới hỏi xem sáng nay chị họ rời đi có bị ai phát hiện không.

Tiền Bình: “Không ai phát hiện đâu, chị có để lại tờ giấy.”

Tuy Giản Lê đã cam đoan nhưng Tiền Bình cũng biết việc mình đến nhà dì hai nhất định sẽ khiến dì và dượng thêm phiền. Trong tờ giấy cô đã viết rõ là mình không muốn ra nước ngoài nên mới quyết định rời nhà đi làm công. Lý do này sẽ khiến mẹ cô khó mà nghĩ tới dì hai. Có khi bà sẽ cho rằng cô xuống phía nam.

Tiền Bình nhìn cảnh sắc ngoài cửa sổ không ngừng lùi về phía sau thì vẫn cảm thấy sợ.

Đây là lần đầu tiên cô cãi lại lời mẹ.

Từ nhỏ đến lớn cô luôn ngoan ngoãn nghe lời. Mẹ chỉ chỗ nào cô đi chỗ đó, hoàn toàn không phản đối. Khi còn nhỏ bà ngoại ghét bỏ cô là con gái nhưng mẹ vẫn muốn tranh một hơi và làm việc quần quật ở công trường như đàn ông. Khi đó cô mới 6-7 tuổi, ngày ngày cõng cặp sách tự đi học, sau đó về nhà bắc ghế tự nấu cơm.

Làm xong cơm cô lại tự ăn rồi rửa bát, sau đó tự làm bài tập và tự đi ngủ.

……

Ngày qua ngày, cô đã ngoan ngoãn nghe lời mười mấy năm, cuối cùng lại giao một bài thi đại học không đủ tiêu chuẩn cho mẹ.

Tiền Bình nắm chặt tay. Cô cũng không biết mình bị làm sao. Rõ ràng những bài đó ngày thường cô đều có thể làm được, nhưng lúc thi đại học cô lại không làm nổi.

Trước khi thi mẹ cô đã khoe khoang với người ta rằng cô sẽ thi đỗ đại học trọng điểm. Thậm chí khi thành tích chưa tới bà ấy đã đặt bàn ở tiệm cơm trên thị trấn để chúc mừng. Chỉ nghĩ tới đó là tay cô đã tứa mồ hôi.

Năm đó thi cấp ba cô có thể vào trường học ở huyện nhưng mẹ không cho đi vì trường ở thị trấn được miễn học phí.

Học ở thị trấn cô luôn đứng đầu nhưng thông thường điểm cũng chỉ dao động quanh 530. Điểm này có thể đỗ vào khoa chính quy nhưng chưa chắc có thể vào trường trọng điểm.

Tiền Bình nghĩ tới mẹ mình hớn hở nói với người ta là mình có thể đỗ vào Thanh Hoa với Bắc Đại hoặc đại học Thượng Hải là lập tức cảm thấy như có ngàn quân đè trên đầu.

Mỗi lần thi xong và chờ thành tích cô đều cảm thấy như bị tra tấn. Ngay cả khi nằm mơ cô cũng thấy bài thi biến thành mẹ mình và bà đang lải nhải mắng cô khiến bà mất mặt.

“Tao vất vả ngần ấy năm là vì ai? Không phải vì mày hả?!”

“Mày thi như thế không làm tao thất vọng hả?”

“Tao thấy mày học cũng như không! Sớm biết thế tao đã không cho mày đi học, còn đỡ phải mất mặt!”

Tiền Bình hốt hoảng ngủ thiếp đi trên xe nhưng lại bị cơn ác mộng dọa tỉnh. Cô nhìn ngoài cửa sổ thì thấy xe đã chạy vào thành phố……

Giản Lê không đợi xe dừng đã kéo cửa sổ xe gào toáng lên với Giản Phong đang đứng cách đó không xa: “Ba! Con ở đây!”

Giản Phong tươi cười đi tới và nhìn Giản Lê vác bao lớn bao nhỏ xuống xe.

“Con cầm cái gì mà nhiều thế…… Bình Bình?”

Tiền Bình hơi ngượng ngùng: “Cháu chào dượng.”

Giản Phong nhanh chóng gạt Giản Lê đang đeo trên người mình xuống và vội đón lấy hành lý trên tay Tiền Bình: “Sao cháu không nói trước một tiếng để dượng tìm cái xe con.”

Tiền Bình không biết phải đáp thế nào nên Giản Lê vội cướp lời: “Chị ấy tới nhà mình chơi nên ba đừng hỏi nữa. Con đói lắm rồi, giờ con có thể ăn một con trâu!”

Giản Phong đau lòng con gái: “Ba vừa nhìn đã thấy con gầy. Đi thôi, sáng nay mẹ con kho một nồi thịt, lát về là ăn ngay được.”

“Quá tốt!” Giản Lê kéo tay Tiền Bình: “Đi thôi, đi thôi!”

Bởi vì có thêm Tiền Bình và hành lý của hai người nên Giản Phong cũng không đèo hai đứa về mà ngăn một cái xe ba bánh trên đường. Loại xe này hiện tại rất phổ biến, bên trên thêm cái mái che là có thể chở người.

Giản Phong đưa cho đối phương một đồng để nhờ ông ấy đưa hai đứa về khu tập thể của xưởng dệt.

“Hai đứa về trước đi, ba đạp xe theo sau.”

Tiền Bình cũng đã tới thành phố nhưng đó là chuyện rất lâu trước kia. Từ khi lên cấp ba cô luôn bận rộn không có thời gian đi đâu vì thế dọc đường đi Giản Lê chỉ vào các nơi và giới thiệu cho cô biết.

Tiền Bình vốn đang gặp ác mộng nên tâm tình trầm xuống nhưng nay cũng dần tốt đẹp hơn, trên mặt cũng có tươi cười.

Giản Lê và Tiền Bình về nhà trước thế là Giản Lê ném hành lý và hoan hô chạy về phía nhà bếp. Tiền Bình đi theo phía sau bất đắc dĩ lắc đầu và dọn dẹp hành lý gọn vào một chỗ.

“Chị tới đây đi!”

Giản Lê vớt hai cái đùi gà từ trong nồi cho hai người. Đùi gà ngâm trong nước kho thời gian lâu nên bóng loáng màu mỡ, vừa cắn một miếng đã có nước sốt tràn trong miệng. Nồi thịt kho này là mẹ cô chuẩn bị từ sáng, có khi còn chuẩn bị từ hôm qua.

Đó là một cái nồi gang sâu lòng, nước kho màu nâu phủ lên các loại nguyên liệu: Ngó sen thái miếng, đậu phụ khô, đùi gà, mề gà……

Giản Lê tìm hai cái bánh nướng trong tủ bát và bẻ ra kẹp đồ ăn vào giữa sau đó vừa ăn bánh vừa gặm đùi gà một cách ngon lành.

Tiền Bình vẫn hơi lo lắng: “Tiểu Lê, lát nữa dì về mà có việc gì thì em cứ đẩy hết cho chị.”

Tính của dì nóng như thế, cô sợ Tiểu Lê sẽ vì giúp cô mà bị đánh.

Giản Lê vừa nhồm nhoàm ăn đùi gà vừa nói mơ hồ: “Chị không cần lo lắng gì, cứ yên tâm ở lại đây.”

Cô nuốt miếng thịt gà và nói tiếp: “Chỗ ba mẹ em thì chị không cần xem vào, em sẽ nói với họ.”

Còn nói thế nào thì chẳng phải do cô tự biên tự diễn à!

Và Giản Lê nói như thế này: “Chị Bình thi trượt đại học nên bác cả ngày nào cũng mắng chị ấy. Lúc trước không phải mẹ bảo bận à? Thế nên con bảo chị ấy tới giúp mẹ một thời gian và bác cả đồng ý luôn.”

Vương Mộng Mai bận một ngày rồi về nhà nghe thế thì không hề hoài nghi. Bà biết chuyện Tiền Bình lại thi trượt nên tự nhiên trong lòng cũng hiểu chị gái mình chắc chắn sẽ không cho con bé đi học tiếp một năm nữa.

Nhưng Tiền Bình mới 18 tuổi, còn quá sớm để kết hôn. Vương Mộng Lan muốn con gái tìm một cái nghề rồi làm lại một lần cũng là chuyện thường. Trước tiên để Tiền Bình tới đây giúp bà một thời gian rồi lại tính. Chuyện này có vẻ giống chuyện mà chị gái bà sẽ làm.

“Thế thì tốt, dì cũng không cần thuê người nữa.” Vương Mộng Mai vui mừng khôn xiết: “Vẫn là bác cả thương dì.”

Nói xong bà muốn gọi điện thoại cho chị gái nhưng Giản Lê vội ngăn lại: “Lúc con về đã gọi một lần rồi. Hơn nữa hai bác đều đang làm công trình bên ngoài nên khoảng thời gian này không có nhà đâu.”

Vương Mộng Mai không hề nghi ngờ có gì đó không đúng. Hoặc nói đúng hơn là bà không ngờ con gái mình lại to gan như thế: “Thế được rồi, mẹ đi trải giường chiếu cho chị con. Hai đứa ngủ chung nhé! Con để ý đừng có đá chị đó.”

Giản Lê lập tức hứa hẹn: “Không thành vấn đề.”

Nói xong Giản Lê lấy ra thu hoạch mùa hè này của mình như hiến vật quý. Một túi tôm sông và gà vịt là quà mợ cả đưa nên không nói nhưng một bao kia là “kho báu” mà Giản Lê tự tích cóp.

“Mẹ, đây là bò cạp. Con cố ý chọn mấy con khỏe mạnh mang về cho ba ngâm rượu. Không phải cứ tới mùa đông mẹ lại đau eo ư? Rượu ngâm bò cạp giúp chữa bệnh đau eo đó. Còn đây là xác ve, đây là mật ong rừng……”

Giản Lê không chỉ tích dược liệu đông y mà còn mang theo một bao lạc và ngô mới thu hoạch: “Mẹ, mai con muốn ăn ngô nướng với bơ lạc.”

Trước kia Vương Mộng Mai từng làm bơ lạc cho cô ăn. Cái ấy trộn với mì là tuyệt hảo, Giản Lê vừa nghĩ đã thèm.

Vương Mộng Mai vốn định nói mình không làm nhưng thấy qua một kỳ nghỉ hè mà Giản Lê thực sự gầy đi nhiều nên bà đành tức giận đồng ý: “Làm, sẽ làm! Không biết đời trước con thiếu ăn hay thiếu uống mà đời này không chịu thiệt cái miệng một chút nào. Đúng rồi, rượu dùng để ngâm với bọ cạp ở đâu ra thế?”

Giản Lê chỉ vào tủ: “Thì trong tủ ấy!”

Vương Mộng Mai:!!!

“Con nhỏ chết tiệt này! Đó là rượu người ta tặng ba mày đó!”

Mấy hôm trước Triệu Hiểu Bằng đưa chai rượu này tới và nói là tốn 50 đồng lận! Giản Phong nhận được thì tiếc không dám uống mà định chờ tới Tết. Khi đó Vương Lợi Minh từ phương nam trở về là mấy người bạn chơi với nhau từ nhỏ sẽ ngồi lại uống mấy chén!

Giản Lê vốn đang rụt cổ nhưng vừa nghe nói là Triệu Hiểu Bằng đưa cô đã cảnh giác: “Chú ấy đưa rượu cho ba làm gì?”

Vương Mộng Mai: “Thì nói chuyện thay ca, ngoài ra không có gì…… Đợi lát nữa ba mày về xem mày nói thế nào với ông ấy.”

Giản Lê le lưỡi: “Ba đâu có nỡ đánh con.”

Rồi cô túm lấy Tiền Bình chạy ra ngoài, trong lòng nghĩ sao Triệu Hiểu Bằng lại bỏ tiền mua rượu mang cho cha cô nhỉ? Chẳng lẽ kẻ đó lại đang âm mưu gì đó ư?

Nhưng hiện tại ba cô còn chưa nghỉ việc, trong nhà cũng chưa muốn mua xe, mà Triệu Hiểu Bằng cũng chưa làm buồn bán xe cũ.

Lòng Giản Lê chợt trầm xuống.

*****

Tiền Bình cứ thế bình yên ở lại nhà dì của mình.

Mãi tới ba ngày sau Vương Mộng Lan mới phát hiện ra con gái đã bỏ nhà đi. Bà bận việc ở công trường vài ngày, đến độ quên cả thời gian.

Hôm nay bà tính toán về nhà lấy thêm quần áo để tắm rửa thì gặp người đồng hương sẽ đưa Tiền Bình đi Mỹ. (Hãy đọc truyện này tại trang RHP) Hai người gặp nhau ở đầu phố và vì ba ngày nữa phải đi nên bà ta muốn lấy thêm một số tiền nữa của Vương Mộng Lan đồng thời yêu cầu Tiền Bình chuẩn bị hành lý.

“Chúng tôi đã đặt vé tàu vào tuần sau và phải qua bên đó trước mấy ngày để chờ tàu. Tiền tàu cũng cao hơn dự đoán nên 2000 đồng căn bản không đủ, phải thêm 3000 nữa.”

Vương Mộng Mai chỉ cảm thấy thịt đau.

Đồng hương kia vừa thấy sắc mặt bà là biết số tiền này không dễ mà lấy. Bà ta lập tức lộ vẻ thân thiết và lấy lui làm tiến: “Nếu chị cảm thấy đắt thì cứ ngẫm lại xem qua bên kia một tháng con gái chị có thể kiếm được bao nhiêu tiền. Chỗ vé tàu này chỉ cần làm nửa tháng ở bên kia là kiếm lại. Đương nhiên nếu chị không muốn con bé đi nữa thì cũng không sao. Em cũng chẳng quỵt tiền của chị làm gì, dù sao cũng có một đống người đang muốn đi. Chị không muốn cho con bé đi nữa thì em trả lại tiền cho chị.”

Với việc nhỏ thì Vương Mộng Lan rất khôn khéo nhưng với việc lớn thế này thì bà vẫn bị người ta dắt mũi. Bà sốt ruột hoảng hốt nói: “Không sao, chúng ta cần nộp thêm 3000 đồng nữa phải không? Chờ chị về nhà bảo Tiền Bình đưa tới nhà cho em.”

Vương Mộng Lan nói xong lập tức về nhà để lấy tiền.

Chồng bà là Tiền Kim Lai đứng ở một bên cau mày: “Bà ngẫm lại đi, sao cứ một hai phải vội vàng như thế?”

Ngay từ đầu ông đã thấy người này không đáng tin cậy nhưng vợ ông lại bị nước Mỹ làm mờ mắt và một lòng muốn đưa con gái qua đó nên ông ta căn bản không chen được câu nào.

Hai ngàn đồng với nhà bình thường chính là thu nhập một năm. Còn chưa nói tới tiền quà trước đó, nếu lại đưa thêm 3000 đồng vậy tức là 6000 đồng. Số tiền này là đủ mua một gian nhà 30 mét nho nhỏ ở huyện rồi.

Vương Mộng Lan hất tay chồng ra và hận sắt không thành thép mà mắng ông ta: “Ông thì biết cái quái gì! Đó là ra nước ngoài! Đừng nói 5000 đồng, dù có tốn một vạn đồng thì chỉ cần sang được bên kia là kiếm lại được thôi. Ông đừng có trường cái bản mặt chưa hiểu việc đời đó ra nữa! Tránh ra!”

Bà cực kỳ ghét bộ dạng hèn nhát của Tiền Kim Lai. Mấy năm nay tuy ông ấy là nhà thầu nhỏ nhưng đa phần mọi việc lại do bà làm. Bà chỉ học hết lớp ba nhưng lại dám nghĩ dám làm, lại chịu được khổ. Rất nhiều lần Tiền Kim Lai muốn từ bỏ và trở về thị trấn thì bà lại đẩy chồng một cái.

“Ông nhìn mình đi, sao đàn ông mà lại uất ức hèn nhát thế hả?”

Qua năm rộng tháng dài, Tiền Kim Lai dần dần không còn ý kiến gì với những chỉ thị của vợ. Nhưng ông càng không nói gì thì bà vợ càng cảm thấy ông hèn nhát và không có khí thế.

Ngay cả việc Tiền Bình xuất ngoại cũng vậy. Tiền Kim Lai tiếc tiền, đồng thời cảm thấy Vương Mộng Lan nghĩ không kỹ. Bọn họ chỉ có một đứa con gái, nhà cũng không nghèo tới mức không đủ ăn hay mặc mà phải đưa con gái ra nước ngoài đổi phú quý. Vì thế ông chả thấy có lý do gì để họ phải nhất quyết đưa con gái đi xa như thế.

Tiền Kim Lai không có con trai nên dù mấy năm nay kiếm được nhiều tiền thì ông cũng thi thoảng cảm thấy không thú vị.

Sau khi ông chết rồi thì tiền này để lại cho ai?

Cuối cùng có một công nhân ở công trường lơ đãng nhắc nhở ông: “Nhà anh có một đứa con gái thì đợi nó lớn và kén rể là xong!”

Vốn Tiền Kim Lai cũng không để lời này trong lòng bởi ông cảm thấy Tiền Bình học tốt, sau này sẽ học đại học nên chuyện kén rể quả thực vô nghĩa. Nhưng nay Tiền Bình không thi đỗ nên Tiền Kim Lai bắt đầu tính đến chuyện tìm người phù hợp để kén rể. Con của họ chính là cháu ngoại của ông, theo họ ông, vì thế gia nghiệp này sẽ có người thừa kế, cũng không coi như tuyệt hậu.

Ai biết Vương Mộng Lan lại rúc vào sừng trâu và cố chấp ương bướng bắt con gái phải khiến bà nở mày nở mặt.

Tiền Kim Lai nói hai lần nhưng bà chỉ ném lại một câu: “Một kẻ bất lực như ông có tư cách gì mà chỉ trích việc tôi dạy con gái?!”

Với Vương Mộng Lan thì đời này bà chỉ sống vì một hơi, đó chính là không khiến người khác chê cười mình.

Nhưng hiện tại, con gái lại giáng cho bà một đòn khiến một hơi kia không thoát ra được.

Trong phòng khách trống rỗng chỉ có một tờ giấy Tiền Bình để lại. Vương Mộng Lan xem xong là lập tức đập cốc chén trong nhà.

“Đồ ăn cháo đá bát! Không biết tốt xấu! Tôi là mẹ nó mà còn hại nó hả?”

Tiền Kim Lai theo vào thì thấy đồ đạc vỡ vụn nên cũng chẳng có thời gian mà thở dài. Ông vội đi tới đọc tờ giấy con gái để lại mới biết con nhỏ đã chạy.

Hai vợ chồng nhìn nhau không nói gì.

Vương Mộng Lan vung tay lau nước mắt và mắng: “Khốn nạn, giống hệt ông, thang mây lên trời ở ngay trước mắt còn không biết mà trèo lên.”

Bà thở hổn hển chạy vào nhà ném hết đồ Tiền Bình để lại: “Chạy à, có giỏi thì mày chạy đi. Coi như tao phí công nuôi dưỡng đứa con gái như mày!”

Bà vừa tủi thân vừa đau lòng và cảm thấy Tiền Bình không hiểu được tấm lòng của bà. Đời này bà tốn công phí sức là vì ai? Còn không phải vì đứa con gái không có lương tâm kia ư?

Nhưng Tiền Bình lại ở phút cuối cho bà một “niềm vui” lớn như thế.

Vương Mộng Lan ở trong nhà vừa khóc vừa mắng còn Tiền Kim Lai thì tỉnh táo hơn và vội chạy ra ngoài đổi tiền lẻ để gọi điện thoại. Ông gọi cho từng nhà thân thích nhưng không ai thấy Tiền Bình.

Mãi cho tới khi ông gọi lên thành phố.

Và người nghe điện là Giản Phong.

Ủng hộ Rừng Hổ Phách

Mong các bạn ủng hộ để Amber duy trì trang web. Nếu không có Paypal thì có thể:
1. Chuyển khoản tới: Hoang Mai Nhung - 0021002033624 - Vietcombank.
2. Chuyển qua Momo
3. Gửi thẻ cào điện thoại Viettel
Chân thành cảm ơn!

Rừng Hổ Phách

Lịch

Tháng 4 2024
H B T N S B C
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  
DMCA.com Protection Status