Chương 16
Giản Lê huých một cái và khuyến khích chị họ bỏ trốn với mình: “Chị tới nhà người khác mà để bác cả biết được thì có khi sẽ mắng người ta. Nhưng chị tới nhà em thì để cha mẹ em đi cãi nhau với bác ấy.”
Đời trước, một trong những nỗi ăn năn của mẹ cô chính là việc Tiền Bình gả xa.
“Bác con là người tốt bụng, nhưng miệng quá độc, tính tình nóng nảy. Bà ấy bức con gái gả xa còn bản thân chẳng được chỗ tốt nào. Cũng tại mẹ chỉ mải buôn bán, nếu biết thế đã sớm ngăn bà ấy. Xuất ngoại cái gì, đến người ta làm gì còn không biết thì sao có thể giao con cho người khác mang đi được? Hiện tại bác con mạnh miệng lắm, đợi tới khi về già thì bà ấy mới hối hận!”
Không biết bác cả có hối hận không nhưng chỉ nghĩ tới chị họ sau này gả chồng xa và không về nhà nữa là Giản Lê đã không chút do dự bắt cóc Tiền Bình.
“Hôm nay chị về nhà thu dọn đồ đạc đi, chờ tới mai chị trộm mang theo hành lý tới tìm em, rồi……”
Giản Lê nói liên miên về kế hoạch của mình.
Tiền Bình thấp thỏm lo lắng: “Cái này…… cái này có được không?”
Giản Lê vỗ ngực cam đoan: “Không sao, chị cứ nghe em, ngày mai chúng ta cùng nhau bỏ trốn.”
Vương Vân Vân cũng hùa vào: “Chị đi theo chị Tiểu Lê đi, ngày mai em sẽ yểm trợ cho.”
Tiền Bình cảm thấy mình điên rồi, cứ thế hùa theo hai đứa em họ làm bậy. Nhưng cô đã quen nghe lời, nếu không đi theo Giản Lê thì cô chỉ có thể đi theo người đồng hương kia. Có một điều cô không nói với mẹ đó là người đồng hương kia đã trộm hỏi cô rất nhiều vấn đề khiến cô không thoải mái ví dụ như ở trường có người yêu không, có từng cùng người khác thế nọ thế kia không… Dù cô không trả lời nhưng trong lòng vẫn cực kỳ sợ hãi.
Nghĩ đến đây cô khẽ cắn môi: “Được, ngày mai chị đi với em.”
Nghe thấy Tiền Bình nói một câu chắc chắn thế là Giản Lê rất vui vẻ.
Sau đó…… cô thấy thằng nhãi Vương Soái đang rúc ở một bên.
Vương Soái đang cố gắng thu nhỏ cảm giác tồn tại của mình.
Cậu thực sự chỉ muốn tới đây ăn trực kem thôi mà!
Giản Lê híp mắt thế là thằng nhãi con lập tức cười lấy lòng sau đó bắt đầu thể hiện lòng trung thành: “Các chị yên tâm đi, em chắc chắc sẽ không nói với ai.”
Cậu có ngốc đâu. Mùa hè này Giản Lê dạy bảo nên cậu rất ngoan ngoãn. Tuy có vài lần cậu muốn gây sự nhưng Giản Lê không nói hai lời đã mách luôn khiến cho số lần cậu bị đánh trong cả mùa hè này tăng mấy lần……
Vương Soái buồn bực và cảm thấy chị họ trước sau đều thích nói dối. Chị ấy còn nói cái gì mà người lớn cứ hở ra là đánh con thì không đủ tiêu chuẩn làm cha mẹ nhưng mỗi lần mách xong chị ấy lại đứng nhìn cậu bị ba đánh.
Giản Lê nhìn mặt Vương Soái lộ vẻ tủi thân như cô con dâu bị khinh bỉ thì lập tức vừa lòng sau đó ném cho cậu một quả táo ngọt: “Mày thành thật một chút, đừng gây chuyện thì tới nghỉ đông này chị sẽ về rồi ta cùng kiếm tiền.”
Vừa nhắc tới kiếm tiền là oán giận trong lòng Vương Soái lập tức không còn. Thằng nhãi con lại chân chó nói: “Chị yên tâm đi! Miệng em sẽ kín như bưng! Ngày mai các chị có cần hỗ trợ gì không? Để em đi tìm đám Thạch Đầu tới giúp các chị dọn đồ nhé?”
Tiền Bình nhìn vẻ mặt nịnh hót của em họ thì bật cười: “Cảm ơn mấy đứa, cảm ơn Tiểu Lê, Vân Vân và Tiểu Soái.”
Giản Lê kéo tay chị họ: “Chị nói gì thế! Đi thôi, chúng ta đi ăn kem đi.”
Mua xong kem rồi họ lại vừa lúc đụng phải xe bán dưa ở đầu thôn. Lúc này đã là cuối mùa dưa, lại gặp mưa nên dưa không quá ngon nhưng Giản Lê vẫn mua nửa túi chừng 5-6 quả.
“Ăn xong chỗ này thì phải tới năm sau mới lại được ăn dưa.”
Giản Lê thích nhất dưa hấu. Năm nay cô rốt cuộc cũng hoàn thành tâm nguyện khi còn nhỏ của mình: Chính là lập tức ngăn cản mợ cả cắt dưa.
“Mợ đừng dùng dao phay để bổ dưa!”
Cô không muốn ăn dưa hấu vị tỏi đâu!
Năm nay do Giản Lê yêu cầu nên mọi quả dưa đều được cô cắt bằng dao sạch.
Vì cái này mà cô bị bà ngoại lải nhải nói là nhiều việc với không yên phận.
Giản Lê chỉ coi những lời này như gió thoảng bên tai. Bà ngoại cô thích lải nhải thì mặc bà ấy, dù sao cũng không mất miếng thịt nào. Ai bảo bà ấy thiên vị, vĩnh viễn chỉ nghĩ tới cậu út chứ? Cả kỳ nghỉ hè này về cơ bản bà đều qua nhà cậu út để giúp con rồi tối về lại kêu mệt mỏi các kiểu và bắt cậu cả mua thuốc dán cho bà.
Giản Lê nhìn mà trợn mắt.
Đời này bà ngoại của cô phân chia rõ ràng, con gái kém con trai, con cả kém con út. Xa gần, thân sơ cực kỳ rõ ràng.
Cơm trưa cũng thế, tuy Vương Mộng Mai không trở về nhưng bác cả mang về bao nhiêu là đồ. Ngoài thịt ba chỉ còn có hai cái móng giò, mấy cân thịt dê. Nhà cậu cả không có tủ lạnh nên nhiều thịt như thế cùng lắm chỉ ăn được hai bữa.
Mợ cả không phải người bủn xỉn nên trực tiếp làm thêm mấy món vào bữa trưa. Và bà ngoại Giản Lê vừa nghe thế đã lập tức bảo Vương Vân Vân lên thị trấn một chuyến.
“Gọi một nhà thằng út về đây. Nhiều đồ ăn như thế chúng ta làm sao mà ăn hết được?”
Đối với Vương Mộng Lan thì hai đứa em trai đều như nhau nên bà sẽ không có ý kiến gì. Nhưng mợ cả Tôn Thúy Phương lại tức giận. Mẹ chồng là do nhà bà phụng dưỡng nhưng mỗi ngày bà lão đều chạy lên thị trấn giúp con út. Bà giặt quần áo, nấu cơm, trông con cho nhà đó, còn về nhà thì chỉ toàn than thở và chẳng chịu làm gì, cơm cũng phải chờ người bưng tới tận nơi. Trong nhà đủ thứ việc, còn có ruộng nhưng bà ấy chẳng làm gì, chỉ đợi con dâu về làm. Vừa hỏi bà ấy đã bảo không có sức, hoặc không khỏe.
Quả thực khiến người ta bực bội.
Tôn Thúy Phương không hiểu vì sao cùng là con nhưng bà ấy lại có thể bất công như vậy?
Ngay cả chuyện trông con cũng thế. Nhà chú út có con trước thế là bà ấy một hơi trông con cho nhà họ tới khi đứa nhỏ 5-6 tuổi đi học tiểu học mới thôi. Còn hai đứa nhà mình thì chẳng thấy bà ấy trông cho đứa nào. Con cả nhà họ là con gái nên bà ấy chẳng thèm ngó ngàng thì cũng thôi đi nhưng tới lúc Vương Soái ra đời cũng chẳng thấy bà ấy quan tâm gì.
Nhờ trông hộ thì bà sẽ luôn mồm kêu đau nhức khó chịu.
Khi đó Vương Vân Vân mới hơn một tuổi còn Vương Soái mới bằng cái phích nên Tôn Thúy Phương phải chăm cả hai chị em, đến giờ còn để lại tật đau eo……
Bà ngoại Giản Lê hồn nhiên không biết con dâu cả thầm oán giận trong lòng nhưng kể cả có biết bà cũng không thèm để ý.
Dựa theo cách nói của bà thì có nhà ai không thương đứa con biết tranh đua?
Cả nhà có bốn đứa con, và Vương Dược Tây là con út của bà, cũng là đứa duy nhất trong nhà được đi học. Vì thế bà cũng coi trọng đứa con này nhất.
Vương Vân Vân đi được một lát là cả nhà cậu út trở về.
Mợ hai Lý Hà là người béo ục ịch, còn đeo kính cận. Vừa vào cửa bà ta đã khen lấy khen để: “Từ xa đã ngửi thấy mùi thơm của thức ăn mà chị dâu nấu. Đây chính là thịt kho tàu mà Thành Tài nhớ thương mãi.”
Tôn Thúy Phương đang ở phòng bếp bận rộn ngó ra ngoài thì thấy cả nhà kia tới tay không!
Không những thế, Vương Thành Tài vừa vào cửa đã được mẹ chồng kéo tới bên người như bảo bối.
“Thành Tài à, cháu mau tới đây! Đã lâu bà không gặp, lớp 12 học hành bận rộn lắm hả? Xem mặt cháu này, gầy một vòng. Lát nữa bà lấy cho ít bột yến mạch nhé, mang về mà bồi bổ. Học hành có vất vả cũng phải nhớ ăn cơm……”
Vương Dược Tây đạp xe đạp đi sau cùng và vừa vào cửa đã nghe mẹ mình nói thế.
Ông chào hỏi mẹ mình theo lẽ thường rồi nói: “Mẹ có còn bột vừng đen thì đưa cho Thành Tài một chút. Hiện tại nó phải học nhiều, cần bổ não.”
Bà lão vừa nghe thế đã đau lòng và lập tức đồng ý: “Đương nhiên còn, lúc này chị mày mang về ba hộp, để lát nữa mẹ đưa cho tụi mày hết. Một bà già như mẹ cần gì tẩm bổ, để đứa nhỏ uống rồi năm sau thi đại học cho tốt. Để mẹ đi hỏi trong thôn xem còn nhà ai có thì mẹ sẽ đổi một ít, rồi mấy ngày nữa mẹ mang qua cho.”
Vương Dược Tây gật gật đầu và chào hỏi Vương Mộng Lan sau đó tiến đến chỗ anh trai hỏi: “Anh cho em xin tí lửa.”
Vương Dược Đông không nói chuyện mà móc một bao diêm ra ném cho em mình.
Vương Dược Tây dừng một chút mới bất mãn nói: “Anh cho em điếu thuốc.”
Vương Dược Đông sờ sờ túi rồi ném cả bao qua: “Còn mấy điếu này thôi……”
Bình thường ông không hút thuốc mấy, mà dù có hút cũng chỉ dùng loại hút bằng tẩu của người trong thôn. Thuốc lá trong túi ông dùng để giao tiếp ở công trường.
Vương Dược Tây hơi thất vọng: “Sao lại là Hardman?”
Thuốc lá này rẻ, một bao cũng chỉ 2 đồng.
Vương Dược Đông: “Không hút thì đưa đây.”
Hai đồng thì sao? Thuốc lá hai đồng một hộp mà lúc mua ông còn đau lòng kia kìa.
Vương Dược Tây cười ha hả: “Em hút, không chê!”
Rồi ông ta hút một điếu và tự nhiên nhét hết chỗ còn lại vào túi áo. Sau đó ông ta nhắm mắt say mê phun khói trắng.
Vương Dược Đông muốn dỗi vài câu nhưng miệng vụng về nên trước giờ chưa từng nói thắng em mình. Lúc này ông chỉ đành buồn bực ngồi ở cửa bóc lạc.
Vương Dược Tây mỹ mãn hút thuốc và phun khói qua mũi. Lương giáo viên không cao, đã thế hai vợ chồng ông ta đều là giáo viên. Ngày thường Lý Hà quản tiền, không cho ông ta dùng nhiều một xu bởi tiền trong nhà đều chuẩn bị cho Vương Thành Tài dùng khi đi học. Vương Dược Tây thèm thuốc lá nên chỉ đành về hỏi anh trai. Dù có là thuốc lá rẻ tiền thì có mà hút đã tốt rồi.
Sau khi hút xong hai điếu, lúc này Vương Dược Tây lại bày ra bộ dạng giáo viên. Vừa lúc hôm nay mấy đứa cháu trong nhà đều tập trung đủ nên không đợi tới lúc ăn cơm ông đã bắt từng đứa tới và răn dạy.
Đầu tiên là Vương Vân Vân. Cô luôn kém các môn khoa học tự nhiên và giỏi các môn khoa học xã hội. Mà Vương Dược Tây lại là giáo viên toán nên ông ta luôn bắt bẻ cháu mình.
“Học giỏi toán lý hóa thì đi đâu cũng không sợ. Cháu nhìn xem, cháu học nhiều văn như thế thì tương lai cũng để làm gì đâu.”
Vương Vân Vân cúi đầu không nói lời nào. Mỗi lần thế này cả nhà chẳng ai dám nói gì. Vương Dược Tây là giáo viên, lại là người duy nhất làm công tác văn hóa trong nhà nên lúc ông ta dạy dỗ con cháu thì ngay cả Tôn Thúy Phương cũng cảm thấy có lý.
Với em dâu Tôn Thúy Phương rất không vừa lòng nhưng với Vương Dược Tây bà lại luôn nể mặt vài phần. Bà cảm thấy em chồng hơi lải nhải nhưng vẫn luôn quan tâm đến việc học của bọn nhỏ.
Nghe thấy Vương Vân Vân bị răn dạy thế là bà còn đi ra từ nhà bếp và nói: “Vân Vân, con nghe chú hai nói đó. Chú con nói có lý, vẫn nên học giỏi toán mới tốt. Như thế mới có thể nâng cao điểm tổng.”
Đại khái là bên cạnh một thầy cô thích lải nhải thường sẽ có một phụ huynh như thế. Tôn Thúy Phương vừa nói là Vương Dược Tây đã càng hếch mặt lên.
Nói xong Vương Vân Vân ông ta lập tức nhìn về phía Vương Soái.
Vương Soái vừa thấy cả nhà chú hai về là đã muốn chạy nhưng còn chưa kịp chạy đã bị mẹ sai ngồi ở nhà chính tẽ bắp.
Vương Dược Tây mang vẻ mặt ghét bỏ sau đó than một tiếng thật to. Khác với lúc quở trách Vương Vân Vân, lúc này Vương Dược Tây chỉ nói một câu với Vương Soái: “Hết thuốc chữa.”
Ở trong trí nhớ có hạn của Vương Soái thì người cậu ghét nhất không phải Giản Lê mà là chú hai. Chỉ cần chú hai về nhà là cậu sẽ bị đánh một trận.
Quả nhiên Vương Dược Tây vừa thở dài thì Vương Dược Đông đã liếc ánh mắt sắc lẹm qua đây.
Vương Soái chỉ thấy chân mềm nhũn.
Mợ hai Lý Hà đứng ở bên cạnh nói lời như thể quan tâm đám nhỏ lắm: “Chị dâu, em đã muốn nói từ lâu rồi nhưng ngại. Chị và anh cả bận kiếm tiền nhưng cũng phải quản bọn nhỏ chứ? Tiểu Soái là đứa nhỏ thông minh, nhưng học kém như thế cũng là trách nhiệm của phụ huynh đó!”
Tôn Thúy Phương chỉ cảm thấy mặt nóng rát. Đây cũng là lý do mỗi lần bà đứng trước mặt Lý Hà là lại thấp hơn một cái đầu. Ai bảo con trai của Lý Hà là Vương Thành Tài có được thành tích tốt chứ!
Còn thằng nhãi nhà mình từ nhỏ tới giờ cứ đến kỳ thi lại mang về một đống trứng ngỗng. Mỗi học kỳ cô giáo lại gọi phụ huynh tới trường vài lần vì nó nghịch ngợm.
Thật quá mất mặt.
Lý Hà nhìn chị dâu bối rối xấu hổ thì cực kỳ vui sướng. Bà ta biết chị dâu cả oán mẹ chồng thiên vị nhà mình nhưng thế thì sao? Cả hai vợ chồng nhà bà đều là giáo viên, con cái lại học hành tiến tới. Còn hai vợ chồng anh cả đều chỉ học tới tiểu học thì con cái có thể đi tới đâu?
Lý Hà này nuôi được đứa con ưu tú như thế nên đương nhiên có thể ngẩng đầu ưỡn ngực ở nhà họ Vương.
Vương Dược Tây lại quét ánh mắt qua Giản Lê. Cả mùa hè này cô nhóc đã gầy đi không ít, dù chưa đạt được mục tiêu giảm xuống 150 cân nhưng cũng không còn kém bao nhiêu. Nhưng ở trong mắt Vương Dược Tây thì ông ta chỉ cảm thấy đứa cháu gái này có lẽ chả còn cứu vớt được nữa.
Ban đầu ông còn nghĩ con gái học không được thì có thể gả chồng nhưng hiện tại xem đứa nhỏ này đi, vừa béo lại học dốt.
“Aizzz……”
Vương Dược Tây nhìn quanh và chỉ thấy đám nhỏ này sao chẳng đứa nào biết cố gắng nhỉ?
Giản Lê thấy chẳng sao hết. Cậu út chính là kẻ như thế. Đời trước, lúc cô đi làm rồi vẫn bị cậu tra hỏi các kiểu như ở công ty có được khen thưởng không, lãnh đạo có coi trọng cô hay không, tương lai có quy hoạch gì không.
Giản Lê đi làm đã mệt muốn chết nên thật sự không muốn cùng họ hàng nói tới cái gì mà kế hoạch 5 năm với 10 năm nữa. Thế nên cứ mỗi lần như thế cô đều qua loa lấy lệ nói mình không có kế hoạch gì.
Cậu út vừa nghe thế đã không đồng tình và bắt đầu dạy dỗ: “Sao có thể không có kế hoạch chứ? Cháu đã từng này tuổi rồi vì thế phải có nhận thức rõ ràng về cuộc sống và nhân sinh của mình chứ! Công việc và hôn nhân đều phải chọn cho tốt. Không thể cứ mơ màng sống như thế được. Vừa rồi cậu định nói vì thấy cháu vào nhà mà chẳng chào hỏi ai cả, vừa ngồi xuống đã ăn ngay. Đây là lễ phép kiểu gì thế? Đi làm cháu cũng thế hả? Ở đơn vị phải chăm chỉ, phải học cách làm người!”
……
Ban đầu Giản Lê còn muốn giải thích nhưng sau đó cô chỉ trầm mặc.
Cậu út của cô chính là người thờ phụng mấy câu chuyện trong các cuốn Chicken Soup như kiểu: Trong ngày phỏng vấn đều tiên có người vì nhặt một mảnh giấy vụn mà được ông chủ công ty để ý. Đời này ông ấy chưa bước ra ngoài cổng trường nên luôn cho rằng bất kỳ chỗ nào cũng có thể áp dụng cơ chế cạnh tranh của trường học. Nhưng ông ấy đâu biết thế giới ngoài kia chẳng thèm để ý tới tấm bằng và bảng điểm hay việc anh xếp hạng thứ bao nhiêu.
Giản Lê thản nhiên đối mặt, hoàn toàn không bị ảnh hưởng.
Vương Dược Tây nói xong mấy đứa cháu thì tới giờ cơm.
Tôn Thúy Phương làm món thịt kho tàu sở trường, thịt dê xào với hành thái và rau thơm. Miếng thịt dê vừa mềm vừa thơm. Giò heo hầm với đậu nành mềm mềm co giãn, đậu nành thơm nồng.
Cả một bàn ăn có ba món thịt nhưng chỉ thấy cả nhà Vương Dược Tây ăn ác nhất, lại toàn nhằm vào thịt mà gắp.
Làm giáo viên có vẻ dễ nghe nhưng vì nguyên nhân từ lịch sử nên hiện tại lương giáo viên cũng không cao. Vì thế nhiều người vẫn theo thói quen gọi họ là “xú lão cửu” (cách gọi miệt thị trí thức trong cách mạng văn hóa, khi trí thức chỉ được xếp thứ 9 trong các tầng lớp xã hội).
Lý Hà dạy ngữ văn còn Vương Dược Tây dạy toán. Tiền lương một tháng của hai người chỉ khoảng 200 đồng. Bọn họ còn phải mua đồ bổ cho Vương Thành Tài năm nay lên lớp 12, lại thêm tương dầu mắm muối nữa nên chỉ như trứng chọi đá. Đây cũng là lý do vì sao bà ngoại Giản Lê luôn thích trợ cấp cho con út.
Nhân lúc còn sớm Giản Lê gắp mấy đũa thịt bỏ vào bát của mình và trộn lên ăn một cách mỹ mãn. Còn những người khác thì không may được như cô.
Cả nhà Vương Dược Tây ăn quá kinh hoàng nên những người khác chẳng ăn được bao nhiêu.
Chờ đến khi Vương Dược Tây ăn xong rồi mới ngồi xỉa răng và hỏi tới Tiền Bình: “Chị, hiện tại Bình Bình lại thi trượt thì chị có tính toán gì không?”
Ông đã sớm biết chuyện Tiền Bình không thi đậu bởi chính ông là người báo tin cho chị gái mình. Dù sao Tiền Bình cũng đi học ở thị trấn nên tuy không phải ông trực tiếp dạy thì ông vẫn quen thầy cô của con bé.
Lý Hà ở bên cạnh cũng chen vào: “Đúng vậy, Bình Bình đã thi hai năm, theo em nếu con cái không có mệnh đọc sách thì ta cũng không nên miễn cưỡng làm gì. Để nó học một nghề nào đó chẳng tốt hơn à?”
Các cụ thường nói chị em dâu nhiều khúc mắc, em chồng nhiều phiền toái. Đời này, đôi mắt của Lý Hà không thể nhìn được ra ngoài mà một lòng muốn so cao thấp với chị em dâu và mấy bà chị chồng.
So với Tôn Thúy Phương, bà cảm thấy mình hoàn toàn vượt trội.
So với Vương Mộng Mai, bà cũng cảm thấy mình hơn hẳn.
Nhưng so với Vương Mộng Lan thì bà lại cảm thấy nguy cơ tràn ngập.
Vương Mộng Lan không có con trai nhưng Tiền Bình trước giờ đều có thành tích tốt. Con bé học ba năm ở thị trấn và năm nào cũng có tên ở vị trí thứ nhất trên bảng danh dự. (Truyện này của trang runghophach.com) Bà ta thấy thế thì mắt đau, lòng cũng khó chịu. Chị cả giỏi kiếm tiền, nếu con gái cũng thi được trường đại học tốt thì bà ta lấy gì mà so?
Cho nên Lý Hà chẳng nói cho ai biết lúc nghe tin Tiền Bình trượt đại học lần đầu bà ta đã vui tới độ ăn thêm hai bát cơm. Sau đó Tiền Bình thi lại và Lý Hà nhận lời nhờ vả của Vương Mộng Lan nên nhét con bé vào lớp học lại. Trong lòng bà ta luôn muốn chờ xem ông trời có lắng nghe tâm nguyện của mình một lần nữa hay không.
Quả nhiên, Tiền Bình lại thi trượt. Lần này con bé căn bản không còn cơ hội học lại nữa.
Lý Hà nhìn Tiền Bình cúi đầu ăn cơm thì thở dài: “Chị, không phải em giậu đổ bìm leo đâu nhưng hồi đó Bình Bình chọn thi các môn khoa học tự nhiên em đã bảo chị phải cẩn thận. Con gái không nhanh nhạy bằng con trai, chị xem đi…… Aizzz, nhưng con gái cũng chả cần lo làm gì, ở nhà mấy năm rồi em sẽ để ý xem có nhà nào tốt để con bé gả cho người ta là xong.”
Lý Hà nói xong lời này và chờ Vương Mộng Lan lộ vẻ mặt bối rối ngượng ngùng. Đó là tấm huân chương vinh dự lớn lao của bà ta.
Nhưng Vương Mộng Lan chỉ lau miệng và ném ra một tin tức kinh người: “Học nghề làm gì? Không học! Chị định đưa nó ra nước ngoài. Đưa nó tới Mỹ, ở đó dù có rửa bát cũng có thể kiếm 2000 đô một tháng đó!”
Lý Hà vốn đang kiêu ngạo và vui vẻ nhưng nay chỉ còn sửng sốt và không thể tin được: “Hả? Đi Mỹ ư?”
Bà ta thấy lòng mình hẫng một nhịp. Chờ hỏi xong nguyên nhân bà ta lập tức không cười nổi. Vương Mộng Lan nói thật dễ nghe, cái gì mà nước Mỹ thật tốt, Tiền Bình qua đó có khi có thể ở lại cả đời.
“Tôi cũng chả trông mong nó có tiền đồ gì, tương lai chỉ cần nó ở lại đó sống tốt rồi chờ hai vợ chồng tôi lớn tuổi cũng sẽ qua đó để cả nhà được đoàn tụ.”
Vương Mộng Lan giống như đã nhặt lại tự tôn của mình nên liên tục thổi phồng nước Mỹ.
Lý Hà nghe vài câu đã không chịu nổi: “Chị cả, em thấy việc này cần suy nghĩ cho kỹ.”
Bà ta ghen ghét đến hoảng hốt: “Nơi ấy xa như thế mà chị cũng yên tâm để Bình Bình tới đó một mình ư? Đây không phải chuyện tới phía nam làm việc và có thể trở về đâu. Hai bên cách nhau bao nhiêu quốc gia, nếu Bình Bình có việc gì thì chị bay qua luôn được chắc?”
Vương Mộng Lan không thèm để ý mà xua tay nói: “Có thể có chuyện gì được? Người ta đều nói nơi đó phúc lợi tốt. Đi khám bệnh còn được miễn phí, đi học cũng thế. Chị đã nghĩ kỹ rồi, một khi nó tới đó sẽ vừa làm việc vừa tiếp tục học.”
Nỗi tiếc hận lớn nhất đời này của Vương Mộng Lan chính là không sinh vào thời kỳ bình yên nên phải bỏ học từ sớm để giúp gia đình. Bởi vậy dù con gái đi tới đâu bà cũng muốn Tiền Bình hoàn thành tâm nguyện của mình.
“Nghe nói ở nước Mỹ sẽ dễ thi vào Harvard, đến lúc đó chị bảo Bình Bình nỗ lực một chút, có khi còn có thể vào Harvard ấy chứ.”
Lý Hà:……
A a a bà ta sắp tức chết rồi.
Nhưng cố tình là ông chồng ngu si lại không nghe ra và vẫn hùa vào khen nước Mỹ tốt: “Nói rất đúng, Bình Bình, mẹ cháu đã dọn sẵn con đường này cho cháu thì cháu phải cố gắng nỗ lực. Tương lai nhớ công ơn của mẹ cháu đó.”
Tiền Bình cúi đầu càng thấp.
Vương Mộng Lan hận sắt không thành thép và nhéo con gái: “Con nhìn bản thân đi, cậu con đang nói chuyện đó, sao không nói gì? Cứ thế này mà ra ngoài là chỉ có thiệt, không nhanh nhẹn tí nào!”
Giản Lê nghe bác cả mắng chị họ thì cuối cùng cũng hiểu vì sao đời trước chị ấy nhất quyết phải gả chồng xa.
Một bữa cơm này có thể nói là không ai được vui sướng hết.
Sau khi ăn xong bữa cả nhà Vương Dược Tây xách mông rời đi.
Tiền Bình giúp đỡ thu dọn bàn ăn và trộm ghé sát Giản Lê nói: “Tiểu Lê, ngày mai hai ta gặp ở huyện nhé?”
Cô đã quyết định phải đi!
Vừa rồi mẹ cô nói những lời đó quả thực khiến cô như bị nướng trên đống lửa. Dù những kẻ kia không phải lừa đảo nhưng cô cũng không muốn đi Mỹ!
Tiền Bình không biết vì sao mẹ cứ luôn muốn cô phải nỗ lực cho bà ấy mặt mũi, đã thế còn luôn đi trước khoe khoang.
Harvard ấy hả? Mẹ có biết Harvard ở đâu không mà cứ mở mồm ra là bảo cô tới đó học?
Nếu trước khi dùng cơm Tiền Bình còn chưa quyết tâm lắm thì hiện tại cô đã quyết ý không tới nước Mỹ. Cô không thể hoàn thành được tâm nguyện của mẹ.
Giản Lê: “Ở huyện nhé. Chị tự tới bến xe, còn em sẽ ngồi xe buýt và nó sẽ dừng ở bến xe. Tới lúc ấy chúng ta cùng đi.”
Tiền Bình lập tức gật đầu.
Giản Lê nói là làm. Sau khi ăn cơm tối cô nói muốn lên trấn gọi điện cho mẹ.
“Cháu sợ là mẹ bận quá nên quên mất cháu rồi. Để cháu nói với bà ấy là ngày mai cháu sẽ tự về.”
Bà ngoại của cô hừ một tiếng nhưng cô chẳng thèm quan tâm.
Tới thị trấn cô tìm một bốt điện thoại công cộng và gọi tới quầy bán quà vặt của xưởng dệt. Cô lại đợi 10 phút mới chờ được mẹ gọi điện lại.
Nghe thấy giọng mẹ sau hơn một tháng cách biệt thế là Giản Lê cố ý làm nũng: “Mẹ, có phải mẹ quên mình còn một đứa con gái đang ở quê rồi phải không?”
Vương Mộng Mai bận thở hổn hển và than: “Ôi, đã 23 rồi nè. Tiểu Lê, con khai giảng ngày mùng 1 phải không?”
Giản Lê chán chả buồn nói: “Năm nào con chẳng khai giảng vào ngày 1/9.”
Vương Mộng Mai: “Mẹ thật sự bận lắm, vậy đi, con mau tự bắt xe về đây. Mẹ sẽ bảo ba đi đón con ở bến xe.”
Giản Lê lập tức nảy ra ý tưởng: “Mẹ, nếu bận thế mẹ có cần người hỗ trợ không?”
Vương Mộng Mai: “Con không phải nhọc lòng…… mẹ đang tìm rồi nhưng chưa tìm được. Nhưng mẹ nghĩ sắp tới khai giảng hẳn việc làm ăn sẽ không quá bận và có thể mẹ tự gánh được.”
Giản Lê: “Ấy, không được. Mẹ yên tâm đi, ngày mai con về sẽ giúp mẹ giải quyết vấn đề. Mẹ chờ con nhé!”
Vương Mộng Mai: “…… Con đừng có làm bậy đó……”
Nói còn chưa dứt lời bà đã nghe tiếng điện thoại tút tút.
Vương Mộng Mai:…… Đã hơn một tháng mà sao bà vẫn muốn tẩn con nhóc này thế nhỉ?
Nhận được tin chính xác nên Giản Lê lập tức về nhà và bắt đầu đóng gói hành lý. Lúc đến cô chỉ mang quần áo và bài tập hè. Còn lúc về trong cặp cô nhét một đống đồ chơi cổ quái và đống hàng chưa kịp bán.
Vương Soái trông mong nhìn cô: “Chị, nghỉ đông chị còn về đây nữa không?”
Giản Lê vừa nhét đồ vừa trả lời: “Về chứ.”
Mấy ngày tết mẹ cô thường sẽ không mà đợi qua tết mới về và ở lại vài ngày.
Vương Soái: “Thế em chờ chị về.”
Giản Lê gõ đầu thằng nhóc: “Phải đạt tiêu chuẩn môn toán đó, không đạt chuẩn thì làm sao mà tính toán sổ sách tiền nong được?”
Tuy Vương Soái không muốn học nhưng vẫn thành thật gật đầu. Quả thực nếu không học toán thì không có cách nào tính sổ được. Nếu tính thiếu cho người ta còn đỡ, nhưng nếu tính nhiều hơn cho người ta thì chẳng phải mình lỗ à?
Vương Vân Vân đưa cho Giản Lê một danh sách thật dài các cuốn sách hay: “Chị về nhà tìm đọc thử xem.”
Hiện tại cô không thiếu sách để đọc nhưng vẫn luôn cảm thấy cô độc. Lúc có Giản Lê ở đây cô còn có thể nói chuyện cùng chị họ vài câu. Nay Giản Lê về nhà khiến cô không biết tìm ai để chia sẻ.
Tìm Vương Soái ư? Thôi đi, nếu không phải hè năm nay Giản Lê mang theo nó làm ăn buôn bán thì thằng nhóc này còn đang ngày ngày nghịch ngợm với bùn ấy. Vương Vân Vân không thèm nói tới việc trước khi Giản Lê về đây cô từng thấy Vương Soái và một đám bọ gậy đứng ở một chỗ so xem đứa nào đi tiểu xa hơn……
Nhìn qua không khác gì mấy thằng hâm.
Giản Lê nhận lấy danh sách và lưu luyến nói một câu kinh điển của nhân vật Sói Xám: “Rồi chị sẽ quay lại!”