Chương 12: Bồ công anh
Vương Vân Vân nghe xong thì đờ đẫn cả người.
Giản Lê xuống xe gọi Vương Soái mở đèn pin chiếu con đường phía trước. Sau đó cô mới lại đạp xe và hổn hển giải thích: “Người ta mở cửa hàng buôn bán về cơ bản là hạ thấp chi phí đầu vào, nâng cao chi phí đầu ra phải không? Họ chỉ muốn kiếm chênh lệch. Người ta ép giá không phải vì muốn nhắm vào chúng ta. Kể cả người đi bán hàng là cậu cả thì bà ấy cũng làm thế. Hơn nữa, chị cũng thương lượng nâng giá đấy thôi! Bà ấy muốn mua giá thấp, chị muốn bán giá cao, có đồng ý hay không là do lập trường của từng người. Nếu coi sự phủ định của họ là sự phủ định với con người mình rồi coi sự đồng ý của họ là lời khen tặng thì làm ăn gì nữa?”
Vương Vân Vân ngồi trên xe và ngây ra.
Lời Giản Lê nói như một cái rìu chém vào tư duy của cô khiến cho lòng cô rung lên. Mãi tới khi ba đứa về tới nhà Vương Vân Vân vẫn chưa hoàn hồn.
Giản Lê lén lút dừng xe ở ngoài cửa sau đó túm hai đứa ngồi xổm sau đống rơm.
Cô móc tiền ra và chia làm năm phần. Cô và Vương Vân Vân được hai phần, riêng Vương Soái chỉ được một phần.
Vương Soái thấy thế thì vui vẻ nhưng sau đó bắt đầu không phục: “Sao em chỉ được một phần?”
Giản Lê chẳng thèm ngẩng đầu đã nói luôn: “Bắt cua, nấu cua, bán cua, mày làm được cái gì hả? Cho mày một phần là mày thơm lây rồi á!”
Nếu là ngày thường thì năm đồng là số tiền lớn tới độ khiến Vương Soái vui không biết trời nam đất bắc nhưng hôm nay so với 10 đồng mà Giản Lê và Vương Vân Vân kiếm được thì cậu chàng lập tức không thỏa mãn.
“…… Vậy ngày mai em cũng đi bắt cua.”
Giản Lê rất vừa lòng.
Vương Vân Vân vẫn thấp thỏm: “Em cũng có giúp được gì đâu, không xứng đáng được nhiều tiền như thế……”
Cô cũng chỉ bắt cua nhiều hơn Giản Lê một chút, còn làm cua thì hai người cùng làm, nhưng việc bán cua đều phải dựa vào mình chị họ.
Giản Lê nói: “Đừng nói nữa, ngày mai em không cần bắt cua, việc bán cua cũng để mình chị với Vương Soái đi thôi.”
Vương Vân Vân thấy trong lòng thấp thỏm và cảm thấy Giản Lê đang tức giận,
Nhưng thật ra Giản Lê không hề tức. Cô sớm biết tính tình Vương Vân Vân như thế nào nên nói: “Nếu em tham dự sẽ phải dựa theo cách phân chia của chị.”
Lúc này Vương Vân Vân mới không tranh cãi xứng hay không nữa. Hôm nay cô đã gặp phải quá nhiều thay đổi lớn lao trong nhận thức nên cần một chút thời gian để ngẫm lại những lời Giản Lê đã nói.
Tuy chỉ hơn kém nhau mấy tháng nhưng Vương Vân Vân lại luôn cảm thấy lời Giản Lê nói còn có sức thuyết phục hơn mấy câu “phải ngoan ngoãn nghe lời” của cha mẹ.
Giản Lê chia tiền xong lại vươn tay ra một cách hợp tình hợp lý: “Được rồi, mọi người giao lại tiền đi.”
Vương Soái như hỏng mất: “Vì sao?”
Tiền vào túi cậu rồi làm gì có lý lại lấy ra?
Giản Lê trợn mắt: “Làm buôn bán không cần tiền vốn à? Còn đống dầu muối chúng ta dùng hôm nay không cần mua bù à? Đừng lằng nhằng nữa, mày giữ lại một đồng đi, phần còn lại đưa hết đây cho chị!”
Vương Soái lưu luyến không rời mà nhìn chỗ tiền còn chưa cầm nóng tay đã bị Giản Lê tịch thu. Dù còn một đồng nhưng cậu nhóc vẫn như mất hồn mất vía.
Giản Lê buồn cười: “Xem cái mặt mày kìa. Tụi mình đang nghỉ hè mà, chỉ cần mày chịu khó làm thì chị sẽ chia tiền cho mày. Nhưng chị nói trước, mỗi ngày mày chỉ được cầm một đồng, phần còn lại chị sẽ cầm, đợi kết thúc nghỉ hè chị sẽ tổng kết và trả lại sau.”
Hai đứa kia đều không có ý kiến gì.
Sau khi chia tiền xong ba đứa đẩy xe đạp vào cửa và vừa lúc bị người lớn túm được.
Vương Dược Đông vào trong thị trấn làm công cho người ta, một viên gạch kiếm một li, cả ngày cũng kiếm được 12-13 đồng. Tôn Thúy Phương làm mì vằn thắn ở một quán mì do người thân nhà mẹ đẻ mở và kiếm được 5 đồng một ngày, bao ăn. Hai người bận rộn cả ngày nhưng về nhà lại thấy nồi lạnh, bếp lạnh, ba đứa nhỏ mất tích. Tim họ đông lại, suýt thì không nhúc nhích.
Hai người vội hỏi mẹ nhưng bà ngoại Giản Lê chỉ chột dạ nói: “Tao làm sao mà biết được? Sáng nay tao ở nhà và tụi nó cũng ở nhà. Nhưng tụi nó một hai muốn chạy ra ngoài chơi thì tao quản làm sao được?”
“Mày trợn mắt nhìn tao làm gì? Trách tao ấy hả? Là tao bảo tụi nó chạy ra ngoài à? Hai vợ chồng mày chỉ biết kiếm tiền, mặc kệ bà già này ở nhà ăn cái gì không ai quan tâm. Bây giờ vừa về đã xị mặt.”
“Ôi cái số tao sao mà nó khổ, cha mày mất sớm nên mày không hiếu thảo phải không?”
……
Bà cũng hoảng hốt. Sáng nay Vương Dược Đông còn dặn bà ở nhà nấu cơm cho ba đứa nhỏ và bà ta cũng đồng ý rồi. Nhưng người vừa đi làm bà đã tót đến nhà con trai út.
Bà không muốn nấu cơm cho mấy đứa này!
Hơn nữa Giản Lê và Vương Vân Vân đã lớn tướng rồi, chẳng lẽ không chăm sóc được em trai hả?
Bà tới nhà Vương Dược Tây bận rộn dọn dẹp một ngày mới về. Vốn bà nghĩ không có việc gì nhưng ai biết bọn nhỏ lại mất tích!
Vương Dược Đông bị mẹ đẻ chọc tức thì càng cáu tiết: “Con có nói cái này đâu? Bây giờ quan trọng là không thấy tụi nó thì phải làm sao?”
Bà già lập tức cứng họng. Làm sao ư? Bà làm gì biết phải làm sao!
Vẫn là Tôn Thúy Phương lấy lại bình tĩnh trước và nhanh chóng quyết định: “Ra ngoài hỏi mọi người xem rồi lại nhờ họ cùng đi tìm.”
Hai vợ chồng quyết định xong thì lập tức muốn ra ngoài nhưng chưa đi đã thấy ba đứa nhãi ranh lén lút trở về. Mặt đứa nào cũng mồ hôi nhễ nhại, nhem nhuốc, bẩn thỉu.
Vương Dược Đông:……
Ông lập tức đi tìm gậy.
“Vương Soái, thằng nhãi ranh nhà mày! Có phải mày dẫn chị mày chạy chơi lung tung không? Mày xem tao có đánh chết mày không!”
Vương Soái:……
Oan uổng quá!
Giản Lê vội can ngăn: “Ấy, cậu ơi, cậu ơi, đừng đánh. Là cháu mang theo hai đứa nó lên huyện.”
Giản Lê nhanh chóng kể chuyện tới huyện bán cua, đương nhiên giấu nhẹm số tiền bán cua mà chỉ nói là kiếm chút tiền tiêu vặt.
Vừa rồi Vương Dược Đông còn đang tức tối nhưng vừa nghe nói chuyện này là do Giản Lê đầu trò thì ông đã vơi cơn tức hơn nửa. Sau đó nghe hết thì ông chẳng còn tức được nữa.
“Sao cháu lại nghĩ tới lên huyện? May mà không xảy ra chuyện gì, nếu không cậu biết nói thế nào với mẹ cháu? Nghe cậu nói, đừng đi nữa, cháu thiếu tiền thì cậu cho.”
Nói xong ông lập tức muốn móc tiền túi đưa cho Giản Lê.
Vương Soái:!!!
Giản Lê dở khóc dở cười: “Cậu, thật sự không có gì đâu. Nơi này gần huyện, bọn cháu lại đi đường lớn, bán xong cũng về luôn. Thầy cô nói không thể cứ đọc sách mà không thực hành nên cháu nghĩ chạy ra ngoài một chuyến coi như mở mang đầu óc.”
Tôn Thúy Phương đá chồng một cái rồi lập tức khen ngợi: “Em thấy Tiểu Lê nói không sai. Bọn nó tự bắt cua, tự làm cũng tốt hơn chạy lung tung bên ngoài chơi đúng không? Kiếm tiền nhiều hay ít không quan trọng, cái cốt yếu là rèn luyện ấy.”
Tôn Thúy Phương bênh cháu gái nên Vương Dược Đông cũng không có ý kiến gì.
Hôm nay cả nhà đều chạy ra ngoài nên ai cũng đói tới độ bụng dán vào lưng và Tôn Thúy Phương lập tức vội vã đi nấu cơm.
Giản Lê và Vương Vân Vân cũng đi hỗ trợ.
Cả nhà chỉ có Vương Soái vẫn đứng tại chỗ và tủi thân vô hạn!
Không phải chứ? Sao chị họ không bị đánh mà còn được cho tiền vậy?!
Cơm chiều là bánh nướng áp chảo với dưa leo trộn, khoai tây xào. Giản Lê để lại hai đĩa cua cũng được mang ra để cậu cả nhắm rượu. Ngoài ra họ còn nấu một bình trà bồ công anh.
Vương Dược Đông uống rượu, ăn cua. Buổi tối mùa hè có gió lùa từ cửa chính khiến ông vui vẻ mắt híp lại. Con cua này vừa cay vừa thơm, ăn với rượu đúng là trúng bài.
Giản Lê thì uống vài chén trà bồ ông anh đắng. Mấy ngày nay cô phơi nắng chạy khắp nơi nên bị nóng trong.
Sau khi cơm nước xong, người lớn vội hóng mát, còn ba đứa thì xách thùng chuẩn bị ra ngoài bắt cua. (Hãy đọc thử truyện Liễu Chương Đài của trang RHP) Có lẽ vì được chia tiền nên đêm nay Vương Soái cực kỳ nghiêm túc, thậm chí còn mượn hai cái xô từ nhà khác.
Một buổi tối này họ bắt được 4 thùng cua!
Ba đứa mệt mỏi đổ toàn bộ cua vào một cái thùng nhựa màu đỏ thật to trong nhà.
Giản Lê hơi lo lắng: “Tụi nó không chạy chứ?”
Vương Soái: “Không đâu, thành của cái thùng này rất cao.”
Vương Dược Đông và Tôn Thúy Phương cầm quạt hương bồ xách theo ghế trở về nhà thấy vậy cũng lắp bắp kinh hãi: “Nhiều quá đó!”
Giản Lê đáp lời: “Mợ, dầu trong bếp sắp hết rồi, ngày mai cháu sẽ lên thị trấn mua dầu về bổ sung.”
Tôn Thúy Phương không chịu: “Mua làm gì. Trong nhà còn đầy dầu. Năm nay chúng ta còn nhiều hạt cải dầu lắm, ăn hết thì cậu của cháu lại khiêng một bao lên thị trấn nhờ người ta ép thêm dầu.”
Nếu là mấy năm trước thì nhà nào có nhiều dầu là khá giả lắm và khả năng lớn là Tôn Thúy Phương sẽ không hào phóng như vậy. Nhưng mấy năm nay các nhà đều khá dần. Tuy đa phần mọi người đều thiếu tiền, nhưng những nhà thiếu ăn lại không nhiều. Hai vợ chồng họ là người chịu khó, mỗi năm trồng xong lúa mạch lại trồng ngô, cây cải dầu và lạc nên lương thực phụ trong nhà không hề thiếu.
Giản Lê cũng không từ chối mà tính toán để lại một bao lì xì thật dày cho mợ trước khi quay về thành phố.
Đến đêm cả nhà đều ngủ trên nóc nhà.
Mấy năm trước nhà họ Vương xây nhà trệt chỉ có một tầng. Tới tối họ bắc cây thang và khiêng chăn lên nóc nhà trải ra để ngủ. Tôn Thúy Phương còn dùng gậy trúc chống một cái màn rồi đuổi hai đứa con gái vào trong đó ngủ.
“Hai đứa bây da mỏng nên muỗi thích cắn nhất.”
Giản Lê nằm trong ổ chăn mềm mại và cảm nhận độ ấm của sàn gạch.
Lúc này điện ở nông thôn còn chưa ổn định nên gần như các nhà đều ngủ bên ngoài. Nhà trệt thì ngủ ở nóc nhà, nhà cũ thì vác giường tre ra sân ngủ. Cửa nhà không khóa, gió theo đó lùa vào nên người ta còn phải đắp thêm cái chăn cho đỡ bị cảm ấy.
Cũng vì không có nhiều đèn nên sao trời sáng ngời, dùng mắt thường có thể thấy được dải ngân hà lộng lẫy sáng tỏ xuyên qua không trung.
“Thật đẹp.”
Giản Lê thiếp đi.
******
Công việc buôn bán nhỏ của Giản Lê nhanh chóng khởi sắc.
Cái món cua rán này không dễ làm nên người thành phố dù có muốn ăn cũng khó mà ăn được. Tuy nó không nhiều thịt nhưng được rán giòn lại mang một mùi vị khác, thực hợp nhắm rượu.
Bà chủ quán mua cua của Giản Lê hôm trước vừa thấy cô tới đã cười tươi như hoa và chủ động nâng giá lên một đồng một cân: “Mày có bao nhiêu cô lấy hết.”
Bà có tủ lạnh, dù chưa thể bán ngay cũng không sao, chỉ cần bỏ vào tủ, lúc nào có khách lại bỏ ra đảo qua chảo nóng là được.
Giản Lê mang theo 60 cân và bà lập tức mua hết mà không thèm nháy mắt.
Đột nhiên thu được 60 đồng thế là Giản Lê mang theo Vương Vân Vân và Vương Soái đi tiêu tiền.
Vương Vân Vân chạy thẳng tới cửa hàng sách và chọn 10 phút được một cuốn “Ông già và biển cả”.
Giản Lê thấy em họ thích đọc sách như thế thì lập tức đề nghị: “Hay chúng ta tìm thư viện của huyện xem có sách hay nào không!”
Cô biết thành phố có thư viện, chỉ cần trả 10 đồng tiền làm thẻ là có thể mượn sách, mỗi lần mượn 3-4 cuốn.
Vốn Vương Vân Vân muốn từ chối theo bản năng nhưng tối qua cô thức tới nửa đêm và nghĩ về những lời chị họ nói. Vì thế cô nén sợ hãi và nuốt câu “thôi không cần đâu” theo thói quen vào lòng sau đó thốt ra suy nghĩ từ đáy lòng.
“Được, chúng ta tới đó hỏi một chút đi.”
Ba người nghe nói thư viện gần Cung Thiếu Niên nên chạy thẳng tới đó.
Đến khi ra ngoài Vương Vân Vân đỏ mặt ôm ba cuốn sách trong tay một cách quý trọng. Ba cuốn ấy gồm: “Hồng Lâu Mộng”, “Ông già và biển cả” và “Phiêu”.
Tất cả đều giống như nằm mơ.
Giản Lê thỏa mãn sở thích của em họ thì quay qua hỏi Vương Soái muốn gì.
“Chị đồng ý sẽ cho ứng trước tiền của 10 ngày nên mày cũng có thể ứng trước.”
Không sai, Giản Lê đang cố ý. Một ngày một đồng không nhiều nhưng Vương Soái vẫn chỉ là một thằng nhãi phát triển chiều cao chứ không phát triển trí óc nên chút tiền ấy cũng đủ cho nó hoành hành ở quê nhà. Giản Lê không muốn nó làm bậy nên nghĩ làm thế nào để tìm cớ cho nó tiêu bớt đi.
Ai biết Vương Soái lại bịt chặt túi, mặt mày đầy cảnh giác: “Chị, em không tiêu đâu.”
Giống như sợ bị Giản Lê ép tiêu tiền nên Vương Soái lắc đầu như trống bỏi: “Em sẽ không tiêu xu nào hết!”