Chương 11: Cua rán
Giản Lê ngửi được mùi cay còn hơn đời trước thì cũng thấp thỏm.
Hay cô mua nhầm ớt cay nhỉ? Sao lại cay thế? Còn chưa vào miệng mà đặt trên bàn đã thấy mùi cay xông thẳng vào mũi, thậm chí đến đôi mắt cũng bị cay tới độ khó chịu.
“Không phải chứ, ớt chuông, ớt Tứ Xuyên, ớt chỉ thiên…… có mua cái nào khác đâu?”
Rồi cô nhìn một chậu tôm hùm đất béo ngậy thì cố lấy dũng khí nói: “Tới đây đi, mọi người cùng nếm thử nào.”
Nói xong cô làm đầu tàu gương mẫu và cầm một con tôm lên ăn. Hoàn cảnh tự nhiên lúc này còn rất tốt nên ở lạch ngòi thông thường cũng nuôi được tôm hùm đất rất to. Giản Lê ước lượng thì thấy con tôm này ít nhất cũng phải 60g, thực sự to.
Vặn cái đầu, bỏ đuôi tôm vào miệng sau đó Giản Lê bị cay trào nước mắt.
“Không…… không tồi, mọi người cũng ăn đi!”
Quả thực không tồi! Vị vừa phải, chỉ là hơi cay. Nhưng cái vị cay này như có ma lực khiến người ta không thể ngừng được.
Vương Dược Đông cũng cố gắng cổ vũ cháu gái và gắp một con nhưng vừa bỏ vào miệng ông đã thấy như đang nuốt lửa.
“Cay cay cay!”
Ông vội uống nước nhưng vẫn phải quạt gió cho miệng đỡ nóng cháy.
Vương Soái vốn đang nơm nớp lo sợ lại thấy cha mình cay đến nhảy dựng lên và tìm nước khắp nơi thì không nhịn được nhe răng cười.
Giản Lê vẫn đang mời mọi người cùng ăn nhưng Vương Soái lại lén lút trốn phía sau.
Cậu mới không ngốc đâu! Cái thứ này vừa nhìn đã thấy chính là trò xấu của Giản Lê nên còn lâu cậu mới ăn!
Nhưng Vương Vân Vân và Tôn Thúy Phương lại khen sau khi ăn.
“Tuy cay nhưng quả thực ngon.”
Vương Vân Vân không đổi sắc mặt, chỉ có trán rịn mồ hôi và phần miệng cay đến hồng hồng. Hai mắt cô tỏa sáng và tiếp tục ăn.
Tôn Thúy Phương cũng ăn mấy con và liên tục khen ngon.
Bà ngoại Giản Lê ngồi một bên bĩu môi nghĩ không ngon mới lạ! Chai dầu trong bếp thiếu một bàn tay ấy, không khác gì có kẻ trộm uống mất thì sao mà không ngon cho được!
Bà càng nghĩ càng giận. Con nhỏ này chắc chắn cố ý làm cay như thế để bà không ăn được.
Đúng là nuôi ong tay áo.
Vương Dược Đông nhìn con gái và vợ khen ngon thì ánh mắt tràn đầy hoang mang: “Hai người……”
Cái này còn không cay hả? Cổ ông vẫn đang bỏng cháy đây này!
Giản Lê cười ha hả và trêu ghẹo: “Cậu cả ơi, người ta đều nói người không ăn được cay không thể làm trụ cột gia đình được đâu. Cháu thấy cậu còn không bằng mợ và em họ.”
Vương Dược Đông cũng chẳng so đo cái này, ông chỉ kinh ngạc hỏi họ: “Thật sự không cay à? Mấy người đừng giả vờ nhé!”
Vương Soái ngồi bên cạnh xoay tròng mắt và cẩn thận gắp một con tôm hùm đất gần mình nhất.
Người có thể ăn cay mới có thể làm trụ cột gia đình……
Cậu nhóc cắn một miếng.
Sau đó……
Cay quá khóc.
Mợ cả Tôn Thúy Phương nhìn con khóc thì vừa thương vừa buồn cười: “Được lắm, mẹ thấy con còn không bằng ba con.”
Vương Soái thút tha thút thít nức nở dẩu đôi môi sưng đỏ và nức nở lên án: “Đồ lừa đảo…”
Giản Lê: “Chị lừa mày cái gì?”
Vương Soái dùng ánh mắt chém về phía cô, trong lòng nghĩ sau này sẽ không bao giờ tin Giản Lê nữa.
Đồ lừa đảo.
Nhưng tới ngày hôm sau Giản Lê chỉ dùng một câu đã khiến thằng nhãi tung ta tung tăng đi theo mình.
Giản Lê nói: “Đi, chị mang hai đứa lên huyện.”
*****
Tôm bắt được hôm qua họ ăn xong rồi nên nhân dịp trời tối, Giản Lê mang theo Vương Soái và Vương Vân Vân cầm đèn pin lội suối bắt tôm.
Kết quả họ không bắt được con tôm nào, nhưng lại bắt được không ít cua. Vừa đến tối là cua bò ra khỏi nơi ẩn nấp nên bọn họ chỉ đi học hai bên bờ mương chừng 2 dặm đã bắt đầy 2 thùng cua.
Vương Soái chỉ bắt một lát đã không kiên nhẫn bỏ lại hai chị và chạy đi bắt ve với các bạn.
Giản Lê làm sạch cua, xé đôi rồi pha bột với trứng gà và phủ lên đống cua sau đó mang đi rán. Tiếp theo cô trộn gia vị với nhau, thêm một ít ớt cay còn thừa hôm qua, lạc rang, vừng và hạch đào đập nhỏ.
Sau khi cua chín, cô vớt ra lăn trên lớp bột phủ, như thế nguội cũng ăn được.
Giản Lê để lại hai đĩa cho người nhà rồi tìm một cái âu to vốn dùng để đựng mỡ lợn và bỏ toàn bộ chỗ cua còn lại vào trong. Tiếp theo cô đặt cái âu vào sọt buộc sau xe đạp.
Cô rủ hai đứa em họ cùng mình tới trung tâm huyện: “Dù sao hôm nay cậu và mợ đều vào thị trấn làm việc rồi, chúng ta ở nhà cũng không có việc gì thì chẳng bằng lên huyện xem có thể bán cái này hay không.”
Vương Vân Vân hơi sợ hãi: “Chúng ta chỉ là mấy đứa trẻ con, người ta có tin không mà đòi bán?”
Giản Lê: “Thử mới biết. Nếu không được thì lại mang về, dù sao cũng để được lâu.”
Thứ này nhiều dầu, muối và thêm ớt cay thì để ba ngày cũng được.
Vương Vân Vân vẫn khiếp đảm: “Đừng đi, chắc chắn không ai mua đâu, chúng ta ăn thôi là được.”
Giản Lê nghi hoặc hỏi: “Em không muốn đi là sợ mất mặt hả?”
Cô dùng bàn tay bóng nhẫy dầu vỗ vai Vương Vân Vân và nói: “Nhưng vừa rồi em dùng hết dầu của mợ rồi, còn có gia vị, muối……”
Vương Vân Vân sắp khóc tới nơi rồi: “Vừa rồi em đã bảo chị đừng bỏ nhiều như thế.”
Cô là chị cả trong nhà, Giản Lê lại là khách nên nếu có việc gì thì người nhà sẽ mắng cô trước. Cha mẹ không trách cứ nhục mạ nhưng chỉ cần tưởng tượng ra ánh mắt thất vọng của mẹ là Vương Vân Vân đã hãi hùng khiếp vía, so với bị ăn đánh còn khó chịu hơn.
Giản Lê: “Chúng ta chỉ cần bán hết chỗ này là có tiền mua lại thôi. Chúng ta lặng lẽ làm, như thế không ai biết được.”
Sáng sớm nay bà ngoại đã tới nhà cậu út và phải tới tối mới về. Người lớn không ở nhà nên Giản Lê mới dám hoành hành như thế.
Rốt cuộc Vương Vân Vân cũng bị Giản Lê thuyết phục: “Thôi được, chị Tiểu Lê, chúng ta chỉ làm lần này thôi nhé!”
Giấu người lớn làm mấy việc này khiến cô sợ lắm.
Giản Lê thu phục Vương Vân Vân xong lại nhìn Vương Soái.
Thằng nhãi kia vẫn nghệt mặt ra.
Giản Lê:……
Thôi, nó bị ngốc nên không tính!
“Mày thành thật đi theo, tới huyện chị sẽ mua cho mày kem như hôm qua.”
Vương Soái lập tức đáp vang dội.
Vì thế vào lúc giữa trưa mặt trời lên cao nhất thì ba đứa rồng rắn lên mây cưỡi xe đạp chạy tới trung tâm huyện.
Giản Lê đạp một lát mệt thì đổi sang Vương Vân Vân nhưng cô nhóc không chắc tay lái nên đổi thành Vương Soái. Thằng nhãi con thở hồng hộc đạp xe đèo hai chị tới huyện.
Giản Lê cũng nói lời giữ lời và lập tức mua kem cho nó khi thấy quầy hàng đầu tiên. Kem lần này không phải loại người tuyết hôm qua mà là loại có ốc quế.
Vương Soái vui tới độ muốn nhảy cẫng lên. Cậu cắn phần vỏ sô cô la bên ngoài sau đó lưu luyến liếm phần kem khoai bên trong.
Giản Lê mua cho mình cây kem đậu xanh, còn Vương Vân Vân cầm một cây kem hoa quả.
Ba đứa đứng trước tủ đông ăn xong thế là Vương Soái la oai oái: “Cho em que kem, cho em!”
Thời buổi này trẻ con ở nông thôn thiếu đồ chơi nên Vương Soái tích cóp que kem để chơi với bạn. (Hãy đọc truyện này tại trang RHP) Cậu vui vẻ nghĩ chị họ về quê chơi đúng là tốt, có khi trong hè này cậu sẽ tích cóp đủ 30 que kem cũng nên.
Ba đứa vào huyện nhưng không biết đường nên chỉ có thể hỏi khắp nơi.
Giản Lê hỏi trực tiếp: “Chợ đêm ở đây mở những ngày nào vậy chú? Ở đâu thế ạ? Ở đó thường bán cái gì ạ?”
Sau khi có câu trả lời chắc chắn, Giản Lê mang theo hai đứa em họ tới công viên trung tâm huyện.
Cả huyện Đào chỉ có chỗ này là náo nhiệt nhất. Đối diện công viên có mấy quán bán vào buổi tối. Những món họ bán quanh đi quẩn lại có từng ấy, không phải mì xào thì chính là sủi cảo hoặc nộm. Họ có một cái bếp ga để xào nấu gì đó thì dùng.
Lúc này Giản Lê mới phát hiện ra vấn đề.
Phải đợi tới 7-8 giờ thì chợ đêm mới náo nhiệt, cô đâu có thể đợi tới lúc ấy?
Vương Vân Vân chuẩn bị khóc tới nơi rồi: “Em bảo không được rồi mà……”
Huyện Đào cách Vương gia trang nửa tiếng đạp xe, chỉ ba đứa trẻ con như họ thì đâu dám đi đêm.
Giản Lê khẽ cắn môi nghĩ đằng nào cũng tới rồi nên cô sẽ chờ tới 5-6 giờ, lúc ấy các quán dọn hàng và cô sẽ thử bán cho họ xem sao.
“Cô ơi, cái này chắc chắn bán tốt. Tụi cháu làm sẵn rồi, ai gọi thì cô bỏ vào đĩa mang ra là được, không cần nhóm lửa, cũng không cần gia vị. Nếu không bán được thì cứ để ngoài bán tiếp, không cần bỏ tủ đông…… giá cũng rẻ, một cân mấy đồng.”
Người phụ nữ bán quán nếm một miếng và liên tục xua tay: “Không mua, không mua đâu. Chỗ này có ai ăn cua đâu, vừa khó ăn lại không có thịt. Có tiền mua cua còn chẳng bằng mua ít sủi cảo, nhân toàn là thịt ba chỉ.”
Giản Lê chưa từ bỏ ý định mà tiếp tục đề cử: “Cô tin cháu đi, thứ này chắc chắn bán tốt. Thời tiết nóng thế này, mọi người uống rượu hẳn phải cần đồ nhắm chứ? Cái này vừa cay lại thơm, vỏ cua cũng mỏng, con này bé nè, bỏ vào mồm nhai là xong……”
Bà chủ quán bị cô nài nỉ không biết làm sao, cuối cùng chỉ có thể cười bất lực: “Đứa nhỏ này đúng là sáng dạ.”
Bà nghĩ nghĩ và cầm một con cua sau đó tìm chồng mình đang ngồi ở phía sau để thương lượng. Một lát sau bà trở lại.
“Được, coi như cô tin mày một lần. Cái này cô mua hết, giá 60 xu một cân.”
Giản Lê nhìn mặt trời sắp xuống núi thì rối rắm một lúc lâu: “80 xu nhé cô, cháu sẽ tính tròn, coi như mở hàng”
Người phụ nữ kia vui vẻ nói: “Được, 80 xu thì 80 xu.”
Rồi bà tìm người bán hoa quả bên cạnh và mượn cái cân tới cân lên được hơn 30 cân cua.
“Tổng cộng 24 đồng 30 xu, tính là 24 đồng.”
Người phụ nữ kia hào phóng trả tiền và hỏi bọn họ từ đâu tới, sao lại nghĩ tới chuyện bán cua kiếm tiền.
Giản Lê vẫn cảnh giác nên chỉ nói thân thích nhà mình là đầu bếp: “Cậu cháu tự làm cho cả nhà ăn nên tụi cháu mang ra ngoài xem có bán được chút tiền tiêu vặt hay không.”
Giản Lê nhân cơ hội quảng cáo cho món cua của mình: “Cậu của cháu làm đầu bếp của một nhà hàng lớn, đồ ăn bán tốt lắm. Một đĩa phải 7-8 đồng ấy!”
Người kia kinh ngạc: “Thật hả?”
Giản Lê lập tức gật đầu: “Thật mà. Mấy ông chủ lớn toàn gọi mấy món ấy.”
Người phụ nữ kia lập tức xúc động và nhét cho ba đứa ba túi đồ uống lạnh: “Đêm nay xem bán thế nào, nếu bán tốt thì cô tìm mày ở đâu để lấy thêm hàng? Đồ uống này cô cho mấy đứa!”
Giản Lê đón lấy và liên tục đồng ý: “Cô yên tâm đi, chắc chắn bán chạy. Không bán được cô tìm cháu.”
Người phụ nữ kia buồn cười. Con bé này còn dám nói hơn cả người lớn!
Giản Lê thuận lợi bán xong đồ thì lập tức mang theo Vương Vân Vân và Vương Soái chạy về nhà.
Vương Soái ngồi ở yên xe đạp và hơi co rúm lại, trong đầu là mờ mịt. Cậu không hiểu vì sao chị họ mình lại biến thành thế này?
Vương Vân Vân cũng hoảng hốt như bị người ta đấm một cú. Cô nhóc thầm thấy xấu hổ bởi rõ ràng mình bằng tuổi Giản Lê nhưng nãy giờ không dám nói câu nào. Còn Giản Lê không chỉ bán hàng còn thương lượng với bà chủ quán. Bản thân cô thì núp phía sau để mặc chị họ đấu tranh anh dũng.
Đi được nửa đường Vương Vân Vân mới nhỏ giọng hỏi Giản Lê có sợ không.
Giản Lê vừa đạp xe vừa hỏi: “Sợ gì?”
Vương Vân Vân: “…… Bọn họ đều là người lớn, còn ép giá……”
Lúc nghe thấy bà chủ quán từ chối là lòng Vương Vân Vân đã chết một nửa. Sau đó đối phương lại nhả ra nói muốn mua thế là cô lại như bay lên thiên đường. Chờ tới khi đối phương ép giá cô lại tức giận và sợ hãi.
Cuối cùng Giản Lê cò kè mặc cả khiến cô lại muốn túm lấy chị họ khuyên lui.
……
“Chẳng lẽ chị không cảm thấy mình đang bị bắt nạt ư?”
Giản Lê vui vẻ: “Em cần phải phân biệt được người ta đang nói người hay nói đồ.”