You dont have javascript enabled! Please enable it! Bốn mùa hải sản - Chương 1 - Rừng hổ phách

Bốn mùa hải sản – Chương 1

Chương 1: Xuyên qua

Thế kỷ 21 – trấn Hải Phổ – Tây Đường Quan.

Lúc này đã là đêm khuya nhưng trong miếu Hải Thần vẫn có không ít người già đang tụng niệm cái gì đó. Phía trước bày nguyên một con lợn và một con dê theo lễ đại tam sinh chỉ dùng trong những dịp tế lễ quan trọng.

Còn ngoài cửa miếu là tiếng loa tín hiệu không ngừng vang lên. Nó xèo xèo, ngắt quãng nhưng chỉ phát đi phát lại một thông điệp, “Cảnh báo sóng đỏ! Cảnh báo sóng đỏ ——”, tiếng còi sắc nhọn quanh quẩn khắp nơi.

Sóng đỏ bao lấy cả hòn đảo, nước biển như máu loãng mang theo kịch độc, mọi chỉ số đo lường đều vượt xa mức an toàn.

Sau hơn một thập kỷ con người xả nước thải mang theo lượng lớn chất hữu cơ ra biển thì xảy ra hiện tượng phú dưỡng và biến thành sóng đỏ. Sóng này đi tới đâu thì rong biển sinh trưởng nhanh chóng tới đó nhưng cá tôm, sò, hến lại bị độc chết. Chúng trôi dạt vào bờ thành một lớp thật dày, không sao vớt hết được.

Tới đêm, mấy trăm con thuyền đang hoạt động cật lực để ngăn sóng dữ. Trên biển là thuyền hàng vận chuyển đất từ các nơi tới đổ xuống biển. Thứ này có thể ngăn sóng đỏ lan tràn.

Lúc này Giang Doanh Tri đang điều khiển con thuyền đánh cá của mình lao nhanh trên mặt biển. Cả một ngày này cô qua lại và không ngừng vận chuyển đất. Tới rạng sáng mới có người tới thay và lúc này tay cô đã nhức mỏi không thể làm gì.

Cô mặc quần áo phản quang đi trong bầu không khí tanh hôi mùi cá chết và kéo mặt nạ phòng độc xuống đeo trên cổ. Di động của cô rung liên hồi thế nên cô lôi ra và xem thì thấy là tin nhắn của chị Hồng.

“Tiểu Mãn, chị không duy trì nhà hàng được nữa. Sau khi ngừng kinh doanh, em tìm nhà hàng khác đi nhé.”

Cô trầm mặc trả lời ngắn gọn và từ đây chính thức trở thành đầu bếp thất nghiệp.

Bên tai cô là tiếng loa cảnh báo, “Thông tin kiểm tra mới nhất cho thấy mật độ tảo xoắn đã đạt 4000/ml so với mức 286/ml. Cấm tiêu thụ mọi loại hải sản ra bên ngoài, một khi bắt được…Không được ăn cá tôm chết, yêu cầu tiêu hủy…”

Cái loa cổ lỗ sĩ quả thực phiền. Cách đó không xa còn có tiếng kèn réo rắt. Giang Doanh Tri hiểu là các cụ cao niên đang ở trong miếu Hải Thần và muốn mời Long Vương ra biển.

Một bên là các loại khoa học kỹ thuật kiểu mới hoạt động ngày đêm, một bên là tín ngưỡng gánh vác hy vọng của mọi người. Hai thứ đối lập nhau cùng diễn ra trước mắt cô.

Giang Doanh Tri né tránh đội ngũ đang tiến ra ngoài và bước vào miếu Hải Thần chỉ còn lại mấy mống. Phía trên bàn thờ là cống phẩm la liệt.

Mấy ngày liên tiếp đều lái thuyền ra biển khiến Giang Doanh Tri vô cùng mỏi mệt. Tin nhắn của chị Hồng càng khiến lòng cô lộn xộn. Có lẽ là đầu óc choáng váng nên lúc dâng hương cho Hải Thần nương nương cô thầm cầu ngày mai bản thân có thể trở trước kia, khi biển khơi còn trong xanh.

Cô không đứng dậy mà tiếp tục quỳ trên đệm hương bồ và mệt đến độ khó có thể nhúc nhích.

Trong bóng tối, cô mơ một giấc mộng dài dòng. Trong đó sóng đỏ bị đẩy lùi, các loại virus biến mất, nước biển lại trong xanh như cũ và thân thể của cô cũng nhẹ nhàng lâng lâng.

Nước xanh gợn sóng và bóng người trên đệm hương bồ dần biến mất.

——

Cổ đại – trấn Hải Phổ – Tây Đường Quan.

Trong căn nhà trúc bên bờ biển, Giang Doanh Tri kéo kéo vạt áo vải thô màu xanh trên người mình. Đây không phải bộ quần áo phản quang mà cô mặc tối qua. Rồi cô ngửa đầu nhìn nóc nhà lọt gió và vươn hai tay che đầu nhưng không thấy đau, cũng không thấy ký ức xa lạ nào xông vào trong óc.

Đương nhiên không có.

Cô không xuyên qua cuốn tiểu thuyết nào, cũng không chiếm thân thể của ai. Thân thể này vẫn là của cô.

Đây là điều duy nhất khiến Giang Doanh Tri cảm thấy đáng ăn mừng. Bởi dù sao thân thể này từ trước tới giờ đều cực kỳ tốt, khí huyết đầy đủ, kinh nguyệt tới cũng không bị đau bụng. Cô là một người khỏe mạnh, dù có phải chèo thuyền bằng tay cũng không có vấn đề gì.

Cô chậm rãi ngồi dậy khiến cái giường tre kẽo kẹt thật to.

Trong phòng chỉ có một thằng nhóc đầu cạo bóng loáng chỉ để lại một nhúm tóc được tết lại. Thằng nhóc này đầu to, người nhỏ, quần áo màu đen vá chằng chịt. Chân cậu nhóc để trần, cả người dựa cửa giữ chặt và cảnh giác nhìn cô.

Miệng nó lẩm bẩm không rõ: “Chờ chị về, trở về tui mới mở cửa.”

Giang Doanh Tri nói mấy câu khách sáo nhưng thằng nhãi con chả thèm nghe mà nghiêng đầu để lại bím tóc bé bằng ngón tay út cho cô nhìn.

Tuy rằng một tay cô có thể xách hai đứa thế này nhưng Giang Doanh Tri không muốn dọa thằng bé. Chủ nhà không có ở đây thì cô cũng không tiện đi lung tung mà chỉ có thể ngồi ở mép giường nhìn quanh.

Nóc nhà bị dột, cọng cỏ rơi đầy. Giang Doanh Tri giẫm giẫm lên sàn nhà bằng tre khiến cọng cỏ rơi xuống khe hở. Tường nhà bằng ống tre cũng ố vàng thưa thớt, trong phòng chẳng còn cái cửa nào ngoài cánh cửa đang bị thằng nhãi kia chặn đứng.

Ngoài phòng có động tĩnh thế là đứa nhỏ nhón chân cởi dây thừng buộc cửa sau đó mở ra và gọi to: “Chị, chị ơi, tỉnh rồi, tỉnh rồi.”

“Biết rồi. Hải Oa, em lại không đi giày rồi, mau đi giày vào đi,” Tiểu Mai răn dạy rồi một tay cầm lưới, một tay khác vác rổ dùng lưng đẩy cửa mà vào.

Cô rất gầy yếu, quần áo to rộng che khuất thân hình nhỏ bé của cô. Mái tóc khô vàng cũng được cô bện lại. Giang Doanh Tri thấy khuôn mặt đứa nhỏ mang màu vàng đen, nhìn non nớt chừng 13-14 tuổi.

Giang Doanh Tri đứng dậy đi ra ngoài giúp Tiểu Mai cầm đống lưới lộn xộn và kéo vào trong nhà, miệng cũng không nói gì.

Cô nghe đứa nhỏ kia nói chuyện là biết nó đang dùng phương ngôn ở Hải Phổ nhưng lại hơi thiên về làn điệu cũ. Cách nói có chút khác biệt nên có từ cô hiểu, có cái dựa vào phán đoán để hiểu và lúc này nói cũng hơi vấp.

Tiểu Mai đặt cái rổ trên cái bàn lùn và quay đầu nhìn cô, “Em gọi chị là chị nhé. Chị cứ gọi em là Tiểu Mai. Hiện giờ chị còn thấy chỗ nào khó chịu không?”

Giang Doanh Tri lắc đầu và mở miệng nói: “Gọi chị là Tiểu Mãn đi.”

Đó là tên cúng cơm mà ông bà ngoại đặt cho cô.

Tiểu Mai cười đáp: “Vậy là tốt rồi, nếu không em còn phải mời dược bà tới khám cho chị.”

Cô chẳng có bao nhiêu tiền để mời người ta. Lúc này cô ngồi xổm trên mặt đất sửa sang lại lưới đánh cá và nói: “Đúng lúc em đi thu lưới đánh cá phơi bên ngoài thì thấy chị nằm trên bãi đá ngầm, gọi thế nào cũng không tỉnh. Em sợ thủy sư đi tuần mà tới sẽ mang chị đi nên đành phải đưa chị về nhà trước. Sau đó em lại nói dối chị là chị họ tới thăm nhưng bị say tàu nên mới cần mang về nhà nghỉ ngơi.”

“Thủy sư đi tuần ư?” Giang Doanh Tri ngạc nhiên với chức danh xa lạ mà cô chỉ đọc được từ sách giới thiệu lịch sử địa phương.

Tiểu Mai nghiêng đầu nhìn cô và giải thích: “Là quan binh chuyên quản lý thuyền đánh cá và khu vực bờ biển bên này,” rồi cô lại hỏi: “Chị Tiểu Mãn từ đâu tới vậy? Sao chị lại ngất ở bờ biển, trên người cũng chẳng có hành lý gì?”

Cô thấy Giang Doanh Tri rất cao gầy, bím tóc đen nhánh, làn da không phải quá trắng nhưng đôi mắt lại cực kỳ sáng. Cô giống người ăn lúa gạo và lớn lên ở vùng đồng bằng sông nước hơn là người ở vùng biển.

Giang Doanh Tri chưa thể xác định đây là đâu nên chỉ nói: “Chị cũng tới từ biển. Chỗ này là trấn Hải Phổ à?”

“Đúng,” Tiểu Mai lấy mấy con cá khô cứng ngắc từ trong rổ và vừa lau bụi vừa nói, “Chỗ này là Tây Đường Quan. Nơi chúng ta đang ở gọi là Tiền trấn, còn trong cửa Quản Thành thì gọi là Lí trấn.”

Người dân ở Tiền trấn đa phần đều là ngư dân và người bán rong còn trong Lí trấn đa phần là Ngư Hành (cửa hàng cá), tiền trang, tửu lầu và nhà giàu.

Tiểu Mai nói đến đây thì dùng sợi dây luồn qua mang cá sau đó bĩu môi. Ngư dân ở Tiền trấn luôn phải mạo hiểm ra biển, nếu may mắn sẽ đánh được vài thuyền cá và đổi từ nhà trúc sang nhà bè. Còn nếu không may gặp gió lốc thì mười cỗ quan tài chín cỗ không, đến xác cũng chẳng còn.

Ngư dân thường nói ba tấc gần thuyền là nhà, ba tấc ngoài thuyền là đất của Diêm Vương. Nhưng dù có khổ thì bọn họ vẫn bị các Ngư Hành và tiền trang trong trấn ức hiếp. Vừa tới mùa cá, giá gạo đã tăng hai ba lần.

Tiểu Mai nghĩ trong nhà đã không còn gạo, đến gạo lứt cũng chẳng còn bao nhiêu, chỉ có chút khoai lang sợi và cá khô lót bụng.

Tiền mẹ kế gửi về phải trả món nợ cha nàng để lại trước khi chết nên căn bản không đủ cho hai chị em mua gạo. Cô sầu quá mà!

Giang Doanh Tri không để ý tới sắc mặt của cô nhóc bởi bản thân cô vẫn đang sững sờ với những thông tin vừa nghe được, đầu ong ong. Đây là trấn Hải Phổ trong quá khứ ư? Tây Đường Quan là nơi có miếu thờ Hải Thần.

Lúc này cô mới thoáng nhớ lại những lời mình nói trong miếu lúc rạng sáng. Cô nói mình muốn trở lại khi biển xanh còn như trước kia.

Giang Doanh Tri đứng lên, trên mặt lộ ra vội vã, “Tiểu Mai, chị muốn ra ngoài nhìn một chút.”

Hải Oa đang ngồi xổm trên mặt đất chơi ném vỏ sò thấy cô như thế thì bị dọa khiến đống vỏ sò rơi hết vào sàn trúc. Tiểu Mai cũng kinh ngạc và vội nói: “Hải Oa chơi ở đây nhé, chị và chị Tiểu Mãn ra ngoài xem một chút.”

Giang Doanh Tri nhận lỗi, “Chị nhớ ra vài thứ nên muốn chạy ra ngoài nhìn xem có phải thế không.”

Tiểu Mai đi ở phía trước dẫn đường. Bậc thang bằng gỗ dẫn lên căn nhà trúc cũng không dễ đi, đã thế bậc thang chỉ là mấy tấm ván gỗ trống hoác nên cô vừa đi vừa sợ.

Chờ Giang Doanh Tri đặt chân lên mặt đất mới cảm thấy yên tâm và đi theo Tiểu Mai vòng qua một con thuyền gỗ cũ nát. Cô đi một đôi giày vải nên bị cát sỏi trên bờ biển cộm đau. Có điều cô chẳng thèm để ý tới cái này mà nhìn mặt biển phía xa. Nơi đó chỉ có một màu xanh đậm không thể hòa tan.

Chỉ có mặt biển mà Giang Doanh Tri nhìn thấy khi còn nhỏ mới xanh như thế. Sau này nước biển dần vàng đục, rồi chuyển thành màu đỏ vào mấy ngày hôm trước. Đã nhiều năm cô chưa từng thấy biển xanh không chút ô nhiễm thế này.

Cô nghe thấy gió mang theo hơi mặn thì hoảng hốt.

Tiểu Mai cởi guốc gỗ và dùng chân trần bò lên dải đá ngầm và đứng đó chỉ cho Giang Doanh Tri xem, “Em phát hiện ra chị ở phía đó.”

Giang Doanh Tri vén lọn tóc bị gió biển thổi bay trước mắt và lấy lại tinh thần nhìn phần đá ngầm lởm chởm kia rồi thành khẩn nói: “Cảm ơn.”

Tạm thời cô chưa đổi được thói quen nói chuyện nên vội bổ sung thêm một câu, giọng cũng nói chậm hơn bởi cô không nói quen ngôn ngữ địa phương ở đây, “Cảm ơn Tiểu Mai, nếu không có em cứu thì chị,”

“Chị nói gì đó, không chỉ có em,” Tiểu Mai hơi đỏ mặt bởi cô chưa từng được người khác cảm ơn nên mặt nóng bừng lên, giọng cũng nhỏ đi: “Dù là ai ở Tây Đường Quan này thấy chị như thế cũng sẽ cứu.”

Tiểu Mai cầm guốc gỗ và đi tới khu giữa. Cô không muốn nói thêm về cái này vì ngượng nên duỗi tay chỉ chỉ một hòn đảo trên biển, nơi ánh hoàng hôn đang dần tắt, “Đó là chỗ phơi muối. Những nhà làm muối đều ở đó và do nha môn quản. Tới mùa cá, muối sẽ được vận chuyển từ đó vì thế chúng ta gọi nơi ấy là Diêm Thương Tiền.”

Giang Doanh Tri nghe vậy thì thầm nghĩ: Sau này Diêm Thương Tiền được sửa tên gọi là đảo Thủy Môn và không ai phơi muối nữa. Nơi ấy trở thành hòn đảo du lịch ngắm cảnh.

Tiểu Mai nhiệt tình giới thiệu tên của những hòn đảo chung quanh cho Giang Doanh Tri nghe.

Giang Doanh Tri cảm thấy vừa xa lạ vừa quen thuộc. Đảo giữa ở nơi xa gọi là đảo Hoa Đốm nơi Hà Bạc sở và đám thủy sư đóng quân. Đối diện là cảng cá chuyên thu thuế cá, quản lý vận tải trên biển và các con thuyền lớn nhỏ.

Mọi người gọi nơi đó là đảo Đồng Tiền Nhãn bởi người ta luôn phải nộp tiền ở đó, tới mỗi mùa cá đám quan lại sẽ đi thuyền tới đòi tiền. Mọi người chỉ có thể âm thầm mắng rồi nộp sau đó trấn an bản thân rằng đó là tiền tránh tai.

Tới đời sau cái đảo này vẫn giữ nguyên tên như cũ và vẫn có hai cơ quan nhà nước như vậy. Giang Doanh Tri đã tới đó nhìn một lần.

Ở nơi xa nhất và khó nhìn thấy rõ từ đây có Đồng Tiền Tiều (rặng san hô), đảo Tây Sơn và những hòn đảo lớn nhỏ vây quanh trấn Hải Phổ, ngăn cản cơn sóng và cuồng phong từ bên ngoài, hình thành tấm chắn từ thiên nhiên. Điều này giúp trấn Hải Phổ có thể thịnh vượng, trở thành nơi bỏ neo của các loại thuyền đánh cá.

Giang Doanh Tri so sánh những hòn đảo hiện tại với chúng sau này và hoàn toàn phân biệt được cái nào với cái nào. Trong lòng cô đột nhiên cảm thấy mọi thứ trở nên chân thật hơn.

Đây quả thực chính là trấn Hải Phổ trước kia!

Cô quen thuộc với mọi thứ. Tuy đây không phải nơi cô sống 24 năm nhưng lại có mối quan hệ khó gỡ với cô. Và lúc này cô cũng không còn nỗi hoang mang khi tới một nơi xa lạ nữa.

Lúc trở về, Tiểu Mai hỏi cô, “Chị Tiểu Mãn có nơi nào để đi không? Nếu không có thì chị ở lại một thời gian đi, đợi tích cóp đủ tiền lại đi cũng không muộn.”

Cô muốn chị Tiểu Mãn ở lại bởi ngoài Hải Oa chẳng còn ai để cô nói chuyện cùng.

Giang Doanh Tri nói mình muốn tới miếu Hải Thần xem một chút, hy vọng có cách để quay về. Tuy nơi này có biển xanh, dù nơi ở cũ đã chẳng còn người thân nào nhưng cô vẫn muốn trở về hiện đại, nhìn xem sóng đỏ đã lui chưa.

Vẻ mặt Tiểu Mai hơi phức tạp, miệng há ra rồi ngậm lại, sau một lúc vẫn nói: “Có người canh cửa miếu Hải Thần.”

Cô lại nói thêm: “Không phải ngày nào cũng có thể bái thần, ngoài ngày 2 tháng 2 là ngày rồng ngẩng đầu hay ngày 3 tháng 3 cúng bái để ra biển vào mùa cá thì bình thường chỉ có mùng 5 và 8 mới có thể vào miếu. (Truyện này của trang runghophach.com) Đã thế còn phải trả 5 xu mới được vào. Tới đó còn phải mua hương và nến mới được.”

Cô không đành lòng nhưng vẫn mở miệng nói thẳng, “Chị Tiểu Mãn, trên người chị có bạc không?”

Giang Doanh Tri sờ khắp toàn thân nhưng không có xu mẻ nào. Gió biển chui qua tay áo to rộng của cô khiến lòng cô lạnh ngắt.

Nhưng cô là người vứt đâu cũng sống được nên lập tức nở nụ cười, “Lúc này có thể ra biển bắt hải sản không? Chỉ cần có thể bắt hải sản đổi chút tiền là được. Chị sẽ dạy em cách nấu mấy món ngon mang đi bán.”

Giang Doanh Tri nghĩ chỉ cần dạy con bé mấy món hải sản đơn giản cũng đủ để Tiểu Mai và em trai xây cái nhà mới.

Tiểu Mai chỉ trả lời câu hỏi đầu tiên của cô, “Có thể bắt được cá nhỏ nhưng không nhiều. Từ ngày 4 đến 11 tháng 1 là con nước nhỏ, hiện tại mới là đầu năm nên chỉ có thể nhặt chút hải sản không đáng tiền.”

Bắt cá nhỏ phải xem thủy triều lên xuống thế nào, không phải ngày nào cũng có thủy triều lên vì thế thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Chỉ lúc nào có thủy triền lớn mới có nhiều cá.

Còn việc làm đồ ăn mang đi bán thì càng khó hơn. Lúc Giang Doanh Tri nhìn thấy cái bếp tạm bợ bên ngoài căn lều trúc thì đờ ra. Cái bếp này mới tới cẳng chân cô, bên trên có hai cái lỗ, một cái đặt vại sành đen ngòm như mực. Tiểu Mai nói đó là nồi nấu canh. Bên cạnh là một cái chảo sắt đựng thứ gì đó nhão nhão, đen như mực. Lu nước ở trong phòng đựng nước mưa và có mùi phèn chua.

Tiểu Mai đậy nắp thật chặt và quý trọng chỗ nước ít ỏi đó: “Nước ngọt không nhiều, một là phải tới khe suối múc nhưng đường quá xa, em không vác về được. Hoặc phải tới giếng nước dưới chân núi múc nước về nhưng một thùng mất hai xu.”

Cô tiếc tiền nên chỉ có thể chờ mưa rơi và hứng chút nước mưa uống, lại bỏ chút phèn chua vào quấy lên để tránh nước bị đục.

Giang Doanh Tri yên lặng thở dài rồi đi kiểm tra chỗ gia vị trong nhà thì thấy chỉ có một vại muối và một ống trúc đựng dầu. Muối này là muối thô, cô dùng tay bốc một hạt nếm và nhíu mày vì vừa mặn vừa đắng.

Nếu muốn hòa thứ này ra để lọc thành muối tinh thì không có vải bông và bản thân cô cũng không rõ cách làm. Vì thế Giang Doanh Tri không dám hủy hoại chỗ muối hiếm hoi này, dù sao muối thô cũng dùng được.

Còn ống dầu đã thấy đáy kia thì chỉ liếc một cái cô đã đậy nắp lại và quấn chặt bằng dây thừng.

Chỉ trong một năm cô đã vươn lên vị trí bếp trưởng của một nhà hàng hải sản thì cái mũi và cái lưỡi đương nhiên phải tinh tường hơn người khác. Dầu này chẳng cần xem nữa, vừa ngửi đã biết là dầu hạt cải ép thô. Cái mùi chua kia quá nồng, lại tràn ngập mùi cay và chát. Dầu này khó mà ăn được.

Còn cái rổ cá khô mặn của Tiểu Mai thì đều là thứ đã chảy dầu. Đó là ngôn ngữ trong nghề nói tới các sản phẩm đã biến chất. Thứ cá khô ấy đã biến màu, thông thường nó sẽ có màu vàng cam và màu nâu, ăn vào vừa chua vừa đắng, có khi còn đau bụng.

Giang Doanh Tri tìm thấy mấy con cá ấy ở sau bếp thì phát hiện ra cách duy nhất để chế biến là giã nát ra và bỏ vào làm gia vị nhưng ở nơi này cô không thể làm được việc ấy.

Tới đây nửa ngày rồi cô mới hiểu cuộc sống của Tiểu Mai và Hải Oa. Trong nhà tạm thời chỉ có hai đứa nương tựa vào nhau, quả thực quá vất vả.

Mà trấn Hải Phổ nhiều núi, thiếu đồng bằng, nước ngọt cũng hiếm nên không thích hợp trồng lúa, chỉ toàn dựa vào nước mưa ông trời trút xuống.

Lúa gạo vận chuyển từ nơi khác tới đây có giá cao ngất ngưởng, họ không ăn nổi. Thứ duy nhất người dân nghèo có thể ăn chính là khoai lang trồng ở đất cằn. Thứ này không cần chăm sóc nhiều nên người ta trồng dễ, giá cũng rẻ. Khoai lang sợi dần trở thành lương thực chính của người nghèo.

Sau khi rửa nồi và ăn một đống khoai lang sợi nấu với muối Giang Doanh Tri chỉ thấy dạ dày cồn cào. Ấy thế mà thằng nhãi Hải Oa mới 5 tuổi ở bên cạnh lại ăn ngấu nghiến, bởi không ăn thì chỉ có đói.

Tới chiều là thời gian thủy triều dâng lên vì thế tay trái Giang Doanh Tri cầm ba bốn sọt cá không, tay phải cầm xiên cá và vừa đi ra ngoài vừa nói: “Đi thôi, ra biển bắt hải sản đi.”

Không cần muối và dầu, chỉ cần có hải sản thì cô cũng chẳng cần gia vị mà vẫn có thể làm được đồ ăn ngon.

Ủng hộ Rừng Hổ Phách

Mong các bạn ủng hộ để Amber duy trì trang web. Nếu không có Paypal thì có thể:
1. Chuyển khoản tới: Hoang Mai Nhung - 0021002033624 - Vietcombank.
2. Chuyển qua Momo
3. Gửi thẻ cào điện thoại Viettel
Chân thành cảm ơn!

Rừng Hổ Phách

Lịch

Tháng 5 2024
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
DMCA.com Protection Status