Chương 7: Cá rán
Lúc này trời đã mờ sáng, ánh sáng nhàn nhạt. Giang Doanh Tri cầm một thanh trúc chấm bột mài từ mai mực và đánh răng. Miệng cô tràn ngập mùi mặn của biển.
Tối qua Tiểu Mai có thử, tuy khó mà chấp nhận nhưng cô nhóc cũng học theo, cuối cùng súc miệng ùng ục và nhổ ra thật nhiều bọt.
Bánh bao mà Hải Hồng cho hôm qua vẫn còn nên bọn họ mang ra hấp lại và chia nhau ăn, lại mang cho Vương Tam Nương một cái.
Vương Tam Nương chỉ lấy một nửa, còn lại đưa cho Tiểu Mai. Bà vừa nhai vừa nói: “Ăn nhiều một chút, lát tới nơi không có đồ gì ăn đâu.”
Giang Doanh Tri phải giải thích thật lâu với bà rằng cá lột da không nguy hiểm, có thể ăn được. Nếu không tới giờ bà vẫn không chịu mang họ đi mua cá ấy.
Mỗi gia đình ở Tây Đường Quan đều có thuyền đánh cá, nhưng thuyền này không phải lúc nào cũng ra cửa. Có ngư dân ra ngoài vào tháng 8 năm trước, tới tháng 5 năm nay mới về. Bọn họ ở trên biển 10 tháng và được gọi là “Thuyền dài ngày”. Còn những con thuyền ra biển dưới 8 tháng thì gọi là “thuyền ngắn ngày”. Cũng có rất nhiều “thuyền xuân” ra ngoài vào tháng giêng và về nhà cuối tháng ba theo mùa cá xuân.
Dù sao thì thuyền của họ cũng không to như những con thuyền lớn đi biển, cũng rất ít thuyền có kích cỡ lớn, đa số là cỡ vừa nên không thể ra biển dài ngày.
Ngoài những người này cũng có những người ngày ngày ra biển đánh cá, bọn họ cực kỳ thích thả lưới bắt cá lột da. Một là do có không ít người trồng khoai lang ở vùng núi và muốn mua cá này về làm phân. Hai là để bán cho những người thợ mộc sửa thuyền. Hiện tại những người này không gọi là thợ mộc mà gọi là đại mộc.
Vương Tam Nương nói: “Nhà đó nhiều cá lột da, tính tình lại tốt. Ngày nào ông ấy cũng ra biển bắt cá nên cũng muốn bán một chút.”
Nhà Trần Đại Mộc nằm lẻ loi trên bãi cát gần bờ biển. Trên bãi biển có 5-6 con thuyền đang nằm nghiêng và vài người đàn ông đang dùng xẻng dọn sạch đám hà bám ở đáy thuyền.
“Họ đang sửa thuyền ư?” Giang Doanh Tri hỏi.
Tiểu Mai nhỏ giọng đáp: “Không phải sửa mà gọi là tầm thuyền, sửa lại khác.”
Trên đảo, sửa nho nhỏ gọi là tầm thuyền, còn sửa lớn mới gọi là sửa. Tầm thuyền là việc phải làm thường xuyên, mỗi khi thủy triều xuống thấp là họ sẽ phải dọn sạch đám ốc, sò, hà biển bám vào đáy thuyền. Sau khi dọn xong họ sẽ đốt cỏ tranh ở đáy thuyền. Tất cả những việc này phải được làm trước khi thủy triều lên cao vì thế những người đàn ông kia đều đang cật lực làm việc.
Còn bản thân Trần Đại Mộc lại nấu dầu cá bằng một cái bếp lò ở ngoài trời. Cái thứ kia vừa nhão vừa dính, tanh hôi kinh khủng. Ông ấy nhìn thấy họ thì kinh ngạc hỏi, “Tam Nương, bà mang hai đứa nhỏ tới đây làm gì?”
“Thì tìm ông mua ít cá lột da,” Vương Tam Nương nín thở. Cái mùi này thối quá thể, nhưng bà vẫn phải hỏi, “Sao không đổi thành dầu cây trẩu, dầu cá này lại phải trộn với vôi, dùng để sửa thuyền thì vừa thối vừa khó dùng.”
Trần Đại Mộc vừa nghe nói có người tới mua cá lột da thì vui vẻ vì sáng nay con trai ông mới bắt được không ít. Ông vội buông cái xẻng và gọi người tới trông hộ, miệng than thở, “Cũng chả còn cách nào. Bà bảo, lúc này mới vào con lũ mùa xuân mà dầu cây trẩu đã có giá trên trời. Lúc trước chỉ cần 100 xu là được một thùng, nay phải 300 xu. Vôi cũng tăng giá.” Ông lau lau hai bàn tay nổi bọt nước vì nấu dầu cá, giọng trầm xuống, “Dầu nấu từ cá lột da thối thật, nhưng chỉ cần quấy với vôi, thêm chút dầu vừng là cũng dùng được một thời gian.”
Đương nhiên không bằng dầu cây trẩu và lâu lâu lại phải quét thêm nhưng chi phí thì rẻ hơn không ít.
Trần Đại Mộc cười khổ, “Giống nhà Hải Long ấy. Mẹ nó bị bệnh nên tiền trong nhà đều dùng để mua thuốc, làm gì còn tiền tầm thuyền. Mà không có thuyền thì không thể ra biển nên tôi cũng đành phải mắt nhắm mắt mở lấy thấp một chút.”
Rồi ông ấy lại đắc ý, “Dầu tôi nấu vừa dính lại đặc, trộn với vôi thì chỉ hơi thối chứ chưa nứt bao giờ.”
Giang Doanh Tri nghe thấy thì cảm thán cuộc sống này quả không dễ dàng nhưng người ta vẫn cố gắng nỗ lực hàng ngày.
Vương Tam Nương nhíu mày sau đó cũng cười, “Ai chả biết ông giỏi, mau bán cho cháu gái tôi 20 xu tiền cá.”
“Có ngay. Đây là cháu gái bà hả?” Trần Đại Mộc lập tức nhanh mồm miệng, “Chả giống bà tí nào.”
Vương Tam Nương cười mắng, “Nó có chui ra từ bụng tôi đâu. Dù có không giống thì cũng là cháu gái tôi được chưa!”
Trần Đại Mộc cười hề hề và gọi vợ ra đón khách. Vương Tam Nương nói chuyện với người phụ nữ kia còn Giang Doanh Tri và Tiểu Mai đứng bên cạnh chọn cá. Những con không lành lặn họ không mua.
Trong lúc ấy cô hỏi Trần Đại Mộc về việc sửa con thuyền trước cửa nhà Tiểu Mai. Nếu sửa được thì với sức của cô hoàn toàn có thể chèo tới bến cảng, như thế không cần ngày ngày làm phiền Trần Đại Phát nữa.
“Sửa thuyền hả? Thuyền nhỏ hả?” Trần Đại Mộc vừa bỏ cá vào rổ vừa nói, “Cứ nửa năm chúng ta sửa một lần nhỏ, ba năm mới sửa một lần lớn. Sau tiết Tạ Dương vào tháng 6 chúng ta mới sửa thuyền. Khi đó lũ xuân và hạ đều đã qua. Con thuyền kia mà sửa thì cũng được nhưng giá hơi đắt một chút.”
Giang Doanh Tri hỏi một loạt và biết giá sửa thuyền là nửa lượng bạc thì tạm thời nhịn. Cô vẫn nên tích đủ tiền tới miếu Hải Thần xem thế nào.
Thật ra cô đã tới nơi này mấy ngày và trong lòng cũng hiểu mình không về được nhưng vẫn muốn tới xem một chút.
Trên đường trở về, Giang Doanh Tri nghĩ nghĩ và nói: “Cô cùng làm cá viên với bọn cháu đi.”
Một mình cô tuy cũng làm được nhưng cực kỳ tốn sức. Phải bỏ đầu, lột da cá, lọc xương, băm, quấy, nặn viên. Cứ thế mà làm một mình thì mất cả buổi sáng. Nếu có người nào sức lớn hỗ trợ thì cô sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.
“Cháu thực sự không làm hết việc. Cháu trả cho cô 15 xu một ngày có được không? Sau này nếu bán tốt cháu sẽ tăng tiền công.”
Vương Tam Nương giận mắng, “Chúng ta cũng chỉ giúp có chút việc mà cháu còn đòi nhét tiền vào túi chúng ta là sao? Một ngày cháu lời được bao nhiêu tiền? Đủ tiền về nhà chưa?”
Giang Doanh Tri lập tức lắc đầu, “Làm cá viên là việc tốn sức, làm một ngày thì cũng thôi nhưng nếu làm liên tục sẽ rất khổ.”
Không chỉ có vậy, nếu cô kiếm được nhiều hơn thì có thể trả tiền chèo thuyền cho Trần Đại Phát. Đâu có chuyện ông ấy cứ phải đưa đón họ không công.
Đây là chuyện cô đã thương lượng với Tiểu Mai.
Tiểu Mai lại nói: “Bác không làm thì có thể gọi anh Cường Tử tới làm. Anh ấy chỉ không tiện đi lại, còn tay thì không vấn đề gì.”
Vương Tam Nương há mồm không nói được lời từ chối. Dù sau thì từ sau khi Cường Tử bị gãy chân cũng không mấy khi ra ngoài, trước kia còn có đám trẻ gọi thằng bé là đứa thọt.
“Để bác nghĩ lại đã.”
Nhưng mặt trời vừa lên đã thấy Cường Tử chống gậy khập khiễng đi tới. Anh có khuôn mặt chữ điền, làn da ngăm đen, diện mạo chính trực. Vẻ mặt anh khác với mẹ mình, nhìn có vẻ ôn hòa hơn nhiều.
Vừa gặp anh đã gọi, “Em gái.”
Cho dù Giang Doanh Tri không phải em họ thật sự, cũng chưa gặp anh nhưng Cường Tử vẫn thân thiết gọi, cũng không mang lại cảm giác khó chịu.
Về tuổi thì Cường Tử lớn hơn cô một tuổi nên Giang Doanh Tri mở miệng gọi, “Anh Cường Tử.”
Tiểu Mai mang cái ghế duy nhất trong nhà ra cho anh ngồi, “Anh ngồi đây.”
Cường Tử cũng không khách sáo bởi chỉ cần đi lại nhiều là chân anh sẽ đau. Lúc này anh cười cười nói, “Chân anh không tốt nhưng tay vẫn rất có sức. Có việc gì hai đứa cứ đưa cho anh làm.”
Anh còn nói: “Hải Oa đi tìm anh Thuận Tử chơi đi. Nó đang chơi ném vỏ sò ở bãi bùn đó.”
Trên bãi bùn lúc này đã không còn bao nhiêu ốc vì thế Cường Tử vừa lột da cá vừa nói: “Lần tới chúng ta đến chỗ khác nhặt, nơi ấy có không ít ốc mã đao.”
Vừa nói chuyện anh vừa nhanh nhẹn xé da cá và hỏi Giang Doanh Tri, “Em gái, như vậy được chưa?”
Giang Doanh Tri nhìn và thấy tuy không xé tốt như cô nhưng cũng gần như hoàn chỉnh, luyện thêm một chút là có thể xé được cả da rắn biển.
Tiếp theo cô phát hiện anh chỉ hơi vụng trong việc lọc xương chứ băm nhân, quấy nhân, thậm chí nặn cá viên đều không làm khó được anh.
“Anh ở nhà nhiều và không đi đâu mấy nên cũng luyện được mấy ngón nghề,” Cường Tử rất ôn hòa, “So dệt lưới thì chắc chắn hai đứa không bằng anh.”
Giang Doanh Tri đang vớt cá viên nghe thấy thế cũng buồn cười, “Chưa chắc nhé.”
Trước kia thiếu tiền nên cô làm đủ nghề. Sáng làm phụ bếp, tối thắp đèn sửa lưới cho người ta tới nửa đêm. (Hãy đọc truyện này tại trang RHP) Tuy sau này cô không làm công việc ấy nữa và qua nhiều năm có lẽ không quen tay nhưng cảm xúc vẫn còn đó.
Tiểu Mai cũng chen vào một câu, “Em cũng đan lưới giỏi lắm, a, thơm quá!”
Cường Tử cũng thò đầu nhìn thì thấy Giang Doanh Tri đang bỏ cá lột da thái lát vào nồi để rán. Thứ này vốn đã có nhiều dầu, lại được ướp với sốt ốc và muối nên lúc này vừa rán đã tỏa mùi thơm.
Trong tiếng xèo xèo, cá vừa lật mặt đã tỏa hương thơm nức. Gừng băm cũng giúp át mùi tanh. Đợi hai mặt chín vàng, hơi cháy cạnh là được.
Giang Doanh Tri còn quậy nát gan cá, chưng chín rồi trộn với tỏ băm nhuyễn, nước gừng, chút muối. Nếu có thêm nước tương thì càng tốt, chỉ cần bỏ thêm và trộn lên là thành. Nhưng không có cũng không sao vì cá này là cá tự nhiên, lúc mang đến vẫn còn tươi nên mùi vị chắc chắn không kém.
“Mau tới nếm thử,” Giang Doanh Tri gọi hai người tới ăn. Tuy không có nhiều dầu nhưng cá thực sự được rán vàng ruộm, đẹp mắt.
Cô mới ăn thử một miếng, không có xương, da cá nóng giòn, thơm ngon vô cùng. Thịt cá bên trong hơi thiếu chút vị nhưng chấm với tương gan cá thì mùi vị càng thêm phong phú.
Dù sao món này cũng khiến Tiểu Mai thèm nhỏ dãi. Cường Tử cũng gắp một miếng ăn và ngon đến híp mắt. Càng không cần nói tới Thuận Tử và Hải Oa theo mùi thơm tìm tới.
Thuận Tử vội hiến mình: “Chị Tiểu Mãn, chị cho em ở lại đây giúp nhóm lửa đi. Em sẽ làm việc chăm chỉ, chị bố thí cho em một miếng.”
Cường Tử vừa cười vừa mắng thằng nhãi con. Hải Oa thì nghiêm túc nói: “Còn phải lạy một cái mới được ăn.”
Thằng bé kia tưởng thật và định quỳ luôn, may mà Giang Doanh Tri nhanh tay vớt kịp. Mọi người cười bò ra.
Bên ngoài căn nhà trúc đều là tiếng cười.
Có Cường Tử hỗ trợ nên tới trưa họ đã làm xong toàn bộ cá viên. Giang Doanh Tri đưa tiền công cho anh khiến Cường Tử ngại ngùng một lát mới đón lấy. Nếu cô trả nhiều hơn anh sẽ không lấy, còn lúc này anh nhìn những đồng tiền trong tay mình mà cảm xúc ngổn ngang.
Anh có cảm giác mình không phải người tàn phế.
Lúc về nhà anh đưa tiền cho mẹ. Vương Tam Nương cầm lấy và nói: “Mẹ để dành cho con chữa chân. Con nhớ phải làm việc tử tế, đừng vì mấy đứa còn nhỏ mà bắt nạt tụi nó.”
Hai mẹ con nói chuyện, còn Giang Doanh Tri ở bên kia thì thoải mái ngủ trưa một lát mới hăng hái đi mở quán.
Cô vừa tới cảng cá đã thấy bà bác hôm qua vẫy tay, “Mau tới đây, bác giữ chỗ cho mấy đứa rồi nè. Cá viên kia quá ngon, hôm qua bác mang về nhà mà tụi nhỏ tranh nhau ăn. Hôm nay bán cho bác một ít nhé,” bác gái vội nói, “Bốn cái hai xu phải không? Đừng có bán đắt cho bác nhé!”
“Cháu làm gì dám bán đắt cho bác, cháu bán cho bác 5 cái chỉ 2 xu thôi,” Giang Doanh Tri đáp lời.
Bà bác lập tức cười như hoa hướng dương và vui vẻ bỏ tiền mua cá viên.
Vừa đến nơi đã bán được hàng nên tiếp theo đó buôn bán không tệ. Sai nha của Hà Bạc Sở cũng tới ủng hộ. Anh chàng nói: “Cái này ngon nên tôi cũng muốn mua về cho người nhà nếm thử.”
Vì thế anh cũng mua 20 xua tiền cá viên. Chẳng qua bộ quần áo trên người anh dọa bà bác bên cạnh sợ run cả người.
Phần còn lại họ bán rải rác rồi cũng hết. Chỉ còn chút cá viên bị nát cũng được bán giá rẻ cho người ta. Tiểu Mai không dám đếm tiền nhưng vẫn trộm vui vẻ nghĩ tới buổi tối về nhà sẽ đếm sau.
Lúc này sắc trời còn sớm vì thế Giang Doanh Tri cầm mấy chục xu trong tay và định tới miếu Hải Thần một chuyến.