Chương 15: Bún hải sản
Vương Tam Nương bị giữ lại và thấy Giang Doanh Tri lấy ra một bao bún khô được bọc bằng giấy dầu thì kinh ngạc, “Không cần tiền sinh hoạt nữa hả?”
Cái này làm từ gạo, vừa tinh tế lại tròn xoe, cũng dai và không dễ gãy nên nó còn đắt hơn cả mì sợi. Một bao này phải tốn 50 xu và chỉ cần ngâm là sẽ nở ra, ăn được thật lâu.
Sau khi trừ đi chi phí thì một ngày cô và Tiểu Mai kiếm được chừng 100 xu, nhiều thì có khả năng tới 200 xu thế nên họ đủ khả năng mua một bao bún gạo khô.
Giang Doanh Tri rửa sạch tôm và bỏ vào giỏ tre sau đó đi rửa cua. Cô vừa làm vừa nói: “Vẫn phải sống chứ cô, nhưng đây cũng là sống mà.”
Cô rửa sạch cua bằng bàn chải lông lợn. Cái thứ này thích hợp làm sạch hải sản chứ đánh răng quá đau.
Vương Tam Nương hừ một tiếng và cảm thấy ngày ngày ăn cá mặn chưng với gạo lứt mới là sống.
Bà cũng không thể ngồi yên khi thấy Giang Doanh Tri nấu cơm cho nhiều quá dầu và cô cũng dùng không ít mắm, muối, tương hay dấm.
Cuối cùng bà cầm hai cái thùng và gọi Thuận Tử, “Đi lên núi gánh nước. Con cầm cái thùng nhỏ. Hải Oa có đi không?”
Hải Oa đang đợi ốc nước ngọt đổi vỏ nhưng nghe thấy thế cũng đứng dậy, “Để cháu lấy thùng nhỏ.”
Thuận Tử nhìn lên thấy cái thùng còn nhỏ hơn đầu Hải Oa thì cười nghiêng ngả.
“Bác gánh ít thôi,” Tiểu Mai gọi với theo Vương Tam Nương.
Vương Tam Nương không thèm để ý tới cô mà tiện tay cầm theo con dao chẻ củi để lát nữa chém một ít cây trúc mang về.
Chờ bà đi rồi Tiểu Mai mới quay về khuấy sốt ốc. Cường Tử ở bên cạnh khen: “Mùi thơm quá.”
Chờ Giang Doanh Tri đun nóng nồi và xào con cáy thì anh lập tức thu lại những lời này. Lúc này mùi thơm tới độ người ta không đứng yên được. Tiểu Mai nuốt nuốt nước miếng, đôi mắt cố gắng nhìn cái nồi sốt ốc của mình nhưng sau đó thật sự không nhịn được và phải nhổm lên nhìn nồi to.
Con cáy chín thì biến thành màu cam hồng, trên vỏ còn dính nước sốt. Giang Doanh Tri đổ nước canh nấu từ xương cá vào nồi và nước lèo dần chuyển sang màu vàng với một tầng váng mỡ.
Giang Doanh Tri cầm nắp gỗ đậy lại và hầm trong một lát mới thêm củi lửa và cúi đầu nói: “Hết củi rồi.”
Gần đây nấu nướng tốn nhiều củi lửa quá. Một mình cô dùng bằng chị em Tiểu Mai với Hải Oa dùng trong hai tháng. Chỗ than họ còn thừa đều bị cô mang đi đốt hết rồi.
Cường Tử nói: “Lát nữa anh với Thuận Tử sẽ lên núi nhặt một ít mang về.”
Canh sôi thế là Giang Doanh Tri vội bỏ tôm vào. Tôm kia lập tức chuyển màu hồng, còn cô thì đảo canh: “Phiền hai người quá, mà làm mãi như thế cũng không phải cách hay.”
Cô vừa nghĩ vừa theo thứ tự cho nghêu sò, ốc, cá viên vào nồi. Còn bún thì đợi Vương Tam Nương trở về mới bỏ vào sau bởi nếu bỏ sớm quá sẽ bị nát.
Lúc này Trần Đại Phát đi chân trần tới hỏi và nghe nói thế thì cười đáp: “Trên núi không có nhiều củi có thể cháy lâu, vậy nếu là ván gỗ lấy từ thuyền đánh cá thì có được không? Có mấy con thuyền đụng phải đá ngầm nên lúc được cứu lên thuyền đã vỡ tan tành, boong cũng nứt. Gỗ dùng để đóng thuyền toàn là gỗ sam, nhóm lửa được lâu. Nếu hai đứa muốn thì chỉ cần bỏ 30 xu mua ván thuyền ấy về đun là được cả tháng.”
Giang Doanh Tri đồng ý ngay và nhờ ông mua hộ 50 xu tiền củi lửa. Dù sao tiền này cũng phải bỏ ra, có đau lòng cũng không làm được gì.
Trần Đại Phát lập tức đi ngay. Ông cũng vui vẻ hỗ trợ, bởi con người ta cần có qua có lại mới bền lâu. Ngày ngày chị em Giang Doanh Tri với Tiểu Mai đi thuyền của ông tới cảng cá nhưng ông cũng chưa bao giờ đòi tiền là vì lẽ đó. Đổi lại hai chị em sẽ mua cho ông một bình dầu cây trẩu hoặc một vò rượu lâu năm khiến lòng ông thoải mái. Có đến có đi nên ông giúp cũng thấy vui.
Chờ ông mua ván thuyền và vác về chất ở trước nhà thì Vương Tam Nương cũng gánh nước về và đổ vào lu. Bây giờ Giang Doanh Tri mới bắt đầu nấu bún.
Thức ăn đã được nấu chín, lúc này chỉ cần một muôi bún đã trụng qua, nước canh xâm xấp mặt bún rồi thêm thức ăn bên trên là xong. Ba con cáy, mấy con nghêu và sò, ốc mã đao đã lột vỏ, tôm he đỏ cam và một nhúm rau xanh mượt.
Cái bát bằng gốm nâu thô kệch lúc này cũng dễ nhìn hơn hẳn.
“Cái này nên được bán ở tửu lầu mới phải,” Vương Tam Nương cảm thán và thấy không nỡ ăn.
Lời bà được mọi người tán thành. Bình thường bọn họ ăn cái gì cũng nhanh nhưng hiện tại đồ ăn đẹp như thế lại khiến bọn họ không dám động đũa. Tất cả ăn xong hải sản bên trên mới thoải mái ăn bún.
Giang Doanh Tri ôm bát bún và nghĩ đợi cô kiếm thêm tiền sẽ mở một quán bán bún hải sản nhỏ. Trong đó có thể thêm đủ loại đồ ăn, cá đù vàng rán, cá chim trắng loại nhỏ, con ghẹ, tôm tít linh tinh. Chỉ nghĩ thôi đã thấy ngon!
Ăn xong một bữa bún nước nên mọi người đều nhiệt tình. Trần Đại Phát và Cường Tử bổ củi, Vương Tam Nương thì về nhà lật đống da rắn biển. Thuận Tử và Hải Oa đi nhặt vỏ sò còn Tiểu Mai thì đếm tiền. Cô nhóc rất thích lăn lộn đếm đi đếm lại chuỗi tiền đồng.
Tiền thu được từ việc bán quán mỗi ngày đều được Giang Doanh Tri chia nửa. Sau đó mỗi người trích một nửa để mua đồ dùng trong nhà, phần còn lại cô tích cóp trả số nợ của cha cô lúc còn sống. Lúc này cô còn kém một chút là đủ trả cho chú tư.
Buổi chiều bọn họ chuẩn bị đồ vật cần thiết và đi cảng cá. Lúc đi qua bờ cát có không ít người đã khiêng cả ghế dài trong nhà ra bãi cát để phơi ốc. Trẻ con trong nhà được huy động đứng trông để tránh chim mổ mất.
Giang Doanh Tri nhìn một lúc, mãi tới khi thuyền chậm rãi rời khỏi đó.
Hôm nay cảng cá cực kỳ náo nhiệt. May mà con thuyền nhỏ của Trần Đại Phát có thể luồn lách và xuyên qua hai con tàu lớn.
Ông nhíu mày lẩm bẩm, “Đâu phải ngày tập hợp thuyền nhỉ?”
Giang Doanh Tri hiểu đó là ngày thuyền đánh cá về cảng. Cô cũng tò mò vì sao khắp nơi đều là thuyền đánh cá, trên boong thuyền cũng toàn người.
Trần Đại Phát dọn bếp lò xuống và đi tìm người quen hỏi thăm. Một ngư dân ngồi dưới tàng cây nhăn mặt nói: “Có cướp biển! Mẹ nó chứ, đảo Đồng Tiền bị thủy sư vây như thùng sắt, bất kể thuyền đánh cá từ chỗ nào cũng đều phải vào cảng. Muộn nhất cũng phải mất 7 ngày nữa mới có thể rời khỏi đây.”
Giang Doanh Tri buông cái bàn và nhìn bao nhiêu con thuyền đánh cá đậu ở cảng, trên mỗi khoang thuyền có khoảng 5-6 người đi lại. Như vậy là có hơn 1000 người đang tụ tập ở cảng cá.
Và cô nhanh chóng biết thế nào là bận rộn bán không ngơi tay. Ngoài thuyền đánh cá thì không ít thuyền vận chuyển người đi ngang qua và tắc ở đây. Những thư sinh, phụ nữ và trẻ con trên các con thuyền đó hoặc đi thăm người thân, hoặc đi thăm bạn bè. Và họ không thể nuốt trôi cái món cá mặn khô với cơm khoai lang như ngư dân.
Nếu thuyền đã dừng ở cảng thì đương nhiên bọn họ sẽ muốn xuống dưới ăn chút gì đó rồi lại tính toán. Mà quầy hàng của Giang Doanh Tri ở gần bờ biển và lớn hơn những quán khác, lại có chỗ ngồi nên mọi người vừa xuống thuyền đã lập tức để ý.
Có người hỏi: “Bán cái gì thế?”
Giang Doanh Tri không hiểu khách nói gì bởi khẩu âm của người này kỳ quái nhưng Tiểu Mai lại hiểu một chút và đáp, “Canh cá.”
Hôm nay họ thu được nhiều cá nên làm cái gì cũng nhiều. Đồ ăn được nấu nửa chín, còn một thùng lớn là thức ăn sống. Không ngờ hôm nay cảng cá lại có nhiều người như thế.
Trần Đại Phát cũng không đi đâu được nên đành ở lại hỗ trợ. (Hãy đọc thử truyện Chuyện Xưa ở Đào gia thôn của trang RHP) Mọi người ở đây bị giữ ở đảo Đồng Tiền kiểm tra cả ngày nên giờ chưa được ăn gì. Lúc này ai cũng đói và vội móc tiền nhanh chóng ăn.
Mười cái bàn được lấp đầy, ngoài ra còn có người vừa đứng vừa cầm bát ăn.
Giang Doanh Tri càng bận lại càng nhanh nhẹn. Nhà hàng hải sản cô từng làm việc trước kia có rất nhiều khách, ngày nào cũng phải phục vụ trên 10 cái phòng riêng.
Cô vung tay cắt cá viên và đậu phụ cá thành những miếng chỉnh tề và trong lúc đó vẫn có thể phân tâm để ý củi lửa.
Sau đó cô múc từng bát còn Trần Đại Phát thì bưng lên bàn. Tiểu Mai phụ trách lấy giẻ lau bàn và thu dọn bát đũa rồi lau nước canh vương lại.
Khách tứ phương thường kén ăn nên bọn họ chỉ vùi đầu ăn xong một bát, cũng không nói có ngon hay không mà chỉ gọi thêm một bát.
Lúc bán hết một nồi và thay nồi mới Giang Doanh Tri mới có thể rảnh rang một chút để lau mồ hôi trên trán. Lúc này cô thấy Song Ngư tới.
Cô ấy thấy người ngồi đầy các bàn thì ngạc nhiên hỏi, “Bận thế à?”
Giang Doanh Tri khuấy canh cá và nhìn cô ấy rồi nói: “Lần trước cô có nói tới bánh gạo phải không? Trước tiên bán cho tôi một thùng đi.”
Song Ngư đến cũng vì việc này. Lần trước đã hẹn rồi nhưng Giang Doanh Tri không bày quán, còn cô thì cũng tới nhà bà ngoại tới hôm nay mới về.
Lúc này vừa nghe thế Song Ngư đã lập tức đồng ý, “Được, để tôi về lấy và cho người mang tới ngay.”
Cô ấy vừa đi thì toàn bộ cảng cá lại càng thêm náo nhiệt. Chỗ nào cũng là tiếng cãi cọ ầm ĩ, khách điếm và tửu lầu của Lí trấn phái gã sai vặt của nhà mình ra dẫn đường và mời khách tới ăn cơm.
“Hai người tới Tân Phong Lâu ăn cơm.”
“Ba người đặt phòng nghỉ, tiểu nhị ở đây, các vị đi theo và lấy thẻ phòng là được.”
“Sà lan, sà lan ở đâu?”
“Kiệu phu, kiệu phu, cần vài vị kiệu phu tới gánh đồ,” trên một con tàu có người hét to.
Nhưng trước mắt tất cả sà lan đều được huy động, kiệu phu cũng chạy tất tả các nơi, thực sự không còn người nữa.
Trong tiếng cãi cọ ồn ào ấy Giang Doanh Tri bán sạch toàn bộ canh cá. Đống ốc và nghêu sò khô cô mang theo cũng bị mua sạch. Sốt ốc mới nấu buổi sáng cũng không còn, thậm chí đám ốc ngâm rượu có giá 30 xu một vại cũng bị người ta mua mất.
Giang Doanh Tri và Tiểu Mai nhìn nhau. Họ chưa từng bán được nhiều tiền như thế, phải tới 400-500 xu ấy.
Hai người mệt đến độ cả người đều đau nhưng vẫn cười hì hì. Giờ họ có thể mua thêm được vài thứ tốt rồi! Họ sẽ mua bột mì, rượu vàng, bột nếp, một túi muối, đường, bỏng ngô, và đổi một con dao phay tốt hơn. Chỉ nghĩ tới đó đã thấy vui vẻ!
Giang Doanh Tri dọn quán và nhanh chóng nói với Trần Đại Phát: “Chú về nhà báo với cô một tiếng để mọi người tranh thủ mấy ngày này ra biển bắt rắn. Chúng ta vất vả một chút bởi lần này có không ít thuyền của Mân tỉnh dừng lại ở đây. Ngày mai để Thuận Tử trông nhà, cô chú và anh Cường Tử đều tới cảng cá bán hàng đi.”
Trần Đại Phát vừa nghe thế đã vội vàng gật đầu đồng ý. Ông nhanh chân muốn chạy về nhà báo với mọi người ở Tây Đường Quan để bọn họ cũng tranh thủ.
Chuyện này đến thật vừa lúc. Hôm trước Giang Doanh Tri nói tới việc bán ốc khô nhưng mọi người vẫn mang theo chút lo lắng. Nay thì khỏi cần lo, dù không có người tới thu mua họ cũng có thể bán cho khách thập phương đang dừng chân ở cảng, hoàn toàn không sợ lỗ.
Điều này khiến bọn họ vốn mang ba phần biết ơn nay biến thành 6-7 phần.
Mà Giang Doanh Tri thì cũng thực sự bận. Vì kiếm chút tiền này mà ban đêm cô chỉ ngủ một chút, buổi sáng cũng làm nhiều cá viên hơn. Cô còn đi thu mua cá tạp của nhà khác về nấu nước canh. Tuy không đáng bao nhiêu tiền nhưng cả người bán và người mua đều vui vẻ.
Có bánh gạo nên canh của cô càng thêm chắc bụng, ăn cũng no hơn.
Họ còn phải làm các món như ốc ngâm rượu, tôm khô, sốt ốc thế nên Tiểu Mai cũng bận không thấy đông tây nam bắc. Thuận Tử và Hải Oa cũng không đi chơi nữa mà ở nhà hỗ trợ.
Vương Tam Nương và chồng gọi thêm chú tư của Tiểu Mai cùng nhau đi câu rắn biển và đánh cá cả đêm. Lúc về nhà họ chỉ ngủ một lát đã lại thức dậy mổ rắn, lột da lấy thịt chờ đưa tới cảng cá để bán.
Có những người phụ nữ cũng dậy từ canh năm để chạy tới những bãi bùn xa bắt ốc lấy thịt bán. Vừa làm họ vừa thầm cảm ơn Giang Doanh Tri. Đàn ông thì vừa bắt cá, vừa tới cảng cá làm kiệu phu kiếm tiền thêm.
Công việc tuy vất vả bận rộn nhưng tiền kiếm được cũng thực sự nhiều.