You dont have javascript enabled! Please enable it! Starbucks đã cứu cuộc đời tôi như thế nào - Chương 5 - Rừng hổ phách

Starbucks đã cứu cuộc đời tôi như thế nào – Chương 5

Chương 5: Hãy mở lòng và mỉm cười – Bạn đang ở Broadway đó

“Tôi đã buộc bản thân mình phải càng ngày càng ít đưa ra những ý kiến cố chấp”

THÁNG 7 – THÁNG 8

Tôi tỉnh dậy mà toàn thân toát mồ hôi. Tôi không có điều hòa và căn phòng áp mái của tôi đang chảy ra dưới cái nóng mùa hè. Mới có 3 giờ sáng. Tôi vẫn còn một tiếng nữa trước khi phải thức dậy để đến New York, nhưng tôi thấy quá nóng và lo lắng đến việc lần đầu tiên giúp Crystal mở cửa hàng nên tôi không ngủ tiếp được.

Tôi có thể cảm thấy trái tim mình đang đập và điều đó khiến tôi sợ. Ý nghĩ cùng Crystal mở cửa hàng khiến tôi lo lắng. Tôi bắt bản thân bình tĩnh nhưng một đoạn đối thoại mà tôi đã nghe được lại khiến tôi lo ngại. Những Cộng sự khác đã nói, “Mở cửa hàng thật là việc kinh khủng,” và những nhận xét tương tự như thế khiến tôi cảm thấy việc này có thể vượt quá những gì tôi có thể giải quyết.

Tôi cố gắng nhắc bản thân rằng trong công việc trước đây tôi đã yêu thích các thử thách như thế nào. Tôi thích theo đuổi những vụ làm ăn mới hay gặp những “khách hàng” khó tính. Nhưng mở cửa một cửa hàng lại là một thử thách về thể chất. Mà tôi thì chưa bao giờ tự tin về mặt thể chất cả.

Đột nhiên, tôi nhớ đến một kỷ niệm buồn về một thử thách thể chất mà tôi lý ra nên tránh. Nhưng bài kiểm tra thể chất chết tiệt lại đến vào lúc tôi còn ở thời niên thiếu và không có nhiều thứ để đưa ra nhằm từ chối thử thách.

Đổ mồ hôi trong cái nóng mùa hè, tôi nhớ lại khoảng thời gian kinh khủng ở Tây Ban Nha vào năm 1959. Khi đó tôi 19 tuổi và chọn đi du lịch hè một mình quanh Châu Âu. Tôi dường như vẫn có thể cảm nhận được sàn đất cứng rắn của khu cắm trại ở ngoại ô Pamplona bị nướng lên dưới ánh mặt trời chói chang.

Giống như những người đàn ông trẻ tuổi thời đó, tôi cũng tới Tây Ban Nha để tìm Papa và tôi đã tìm thấy ông. Vào mùa hè đó, Ernest Hemingway ngồi ở giữa quảng trường đầy nắng tại Pamplona và được vây quanh bởi một vòng những người hâm mộ đến từ khắp nơi trên thế giới. Ông ấy có một khuôn mặt đẹp và bờ vai rộng với mái tóc trắng được chải cẩn thận che đi một vết sẹo mà tôi không bao giờ nên nhắc tới.

Tôi bước lên.

“Michael Gill,” tôi nói, bắt lấy bàn tay ông ấy giơ ra. Cái bắt tay của ông ấy rất chặt đến gần như nghiến lại. Đôi mắt ông ấy thăm dò tôi. Ông ấy không bảo tôi ngồi xuống và tham gia vào đám đông đó.

“Janet Flanner gửi lời chào đến ông,” tôi nói với ông ấy. Janet Flanner là đồng nghiệp của bố tôi tại tờ Người New York nhưng làm việc tại trụ sở ở Paris và là một người bạn nhậu lâu năm của Hemingway. Tôi đã gặp bà một vài tuần trước. Khi bà biết tôi là một người hâm mộ của Hemingway, bà đã bảo tôi có thể sử dụng tên của bà. Bà còn nhắc là tôi nên hỏi về vết sẹo chạy dọc phần trán của ông ấy. Người ta đồn là ông ấy bị trúng một mảnh đạn trong Chiến tranh thế giới hoặc bị húc bởi một con tê giác ở Châu Phi. Tất cả những gì Janet Flanner nói với tôi là, “Có một câu chuyện thú vị đằng sau vết sẹo đó … nếu Ernest chịu nói về nó.”

Khi nói đến Janet, Ernest Heminghway nhìn tôi một cách thích thú.

“Bà ấy là một người bạn của cha tôi,” tôi giải thích. “Brendan Gill.”

“À tôi có biết ông ấy,” Hemingway nói chậm rãi như thể đang đo đếm từng con chữ.

“Và Janet là một người bạn cũ của tôi,” ông ấy nói, với một giọng tự tin và sang sảng. Ông hướng tới đám đông những người hâm mộ và nói bằng một giọng cao vút, “Hay có thể nói Janet là một người bạn rất thân của tôi. Cô ấy là một trong những ký giả tuyệt vời nhất của thế hệ chúng tôi.”

Tôi để ý thấy ông ấy không dùng từ “nhà văn”. Như vậy là ông ấy không cạnh tranh với Janet Flanner. Bà ấy là một “ký giả” chứ không phải một “nhà văn”. Từ đó giải thích lý do vì sao họ vẫn có thể là bạn. Đằng sau lời giới thiệu của ông ấy ẩn dấu hiệu của sự hiếu thắng.

“Miguel là con trai một người bạn khác của tôi,” Hemingway nói với đám đông và rất nhanh đã đặt cho tôi một biệt danh. “Brendan Gill là một người bạn của Janet Flanner tại tạp chí Người New York.”

Một vài người gật đầu tỏ vẻ đã biết. Họ đã nghe về tên của cha tôi.

Bây giờ, sau 45 năm, tôi nghĩ lại khi lăn lộn trên chiếc giường nóng nực, đợi ca làm tại Starbucks, là tôi đã đến gặp Hemingway để nhận được sự công nhận. Tôi đã chỉ sử dụng những công cụ mà tôi biết dùng như thế nào: bố tôi và những mối quan hệ của ông ấy. Và dù những mối quan hệ này giúp tôi mở cánh cửa thì chúng cũng không giúp tôi đi vào. Vào khoảng khắc đó tại Pamplona, tôi chỉ có một mình và cũng chỉ có tôi có thể chứng minh bản thân. Và tôi ghét điều đó.

Tôi nhìn vào mắt Hemingway và nhớ lại những lời Janet Flanner nói. “Làm sao mà ông lại có vết sẹo đó?” tôi hỏi điều này như một sự trả đũa vì tôi cảm thấy đề tài và câu hỏi về vết sẹo sẽ khiến ông ấy khó chịu. Đôi mắt của Hemingway trở nên dại ra khi tôi hỏi câu hỏi đó – ít nhất trong một khoảng khắc. Đây là một người đàn ông đã quen với việc tham gia những cuộc chiến dù bằng chân tay hay bằng lời nói.

Rồi ông ấy lờ câu hỏi của tôi đi và chỉ hỏi đơn giản, “Cậu đã từng chạy trước lũ bò bao giờ chưa?”

“Chưa từng,” tôi đáp và rồi ngu ngốc tiếp lời, “vẫn chưa.” Tôi thậm chí chẳng thèm nghĩ trước là mình đang dấn thân vào một viễn cảnh ngu ngốc.

“Ồ,” Hemingway nói chậm rãi, như đang đo đếm sức mạnh lời nói của mình, “vậy thì cậu hãy chạy đằng trước những con bò một lần, Miguel, và trở lại đây chúng ta sẽ nói chuyện.”

Ông ấy coi tôi như một cậu bé thay vì một người đàn ông.

Tôi ở lại đó uống rượu cả đêm, và luôn lâng lâng trong sự hưng phấn của không khí lễ hội nơi đó. Vào sáng hôm sau, tôi đã quyết định là mình phải chạy đằng trước những con bò một lần. Chuồng bò được mở cửa lúc 7 giờ mỗi sáng và chỉ những kẻ ngốc nghếch mới tham gia một cuộc chạy đua trên con đường rải đá cuội dài cả dặm hướng tới trường đấu với đàn bò đuổi phía sau cả quãng đường. Tôi sợ tất cả những điều đó.

Trời vừa mới hửng sáng khi tôi có mặt ở khu chuồng nhốt những con bò cho trận đấu trong ngày. Tôi có thể nghe thấy những con bò di chuyển quanh, thỉnh thoảng lại va vào những tấm ván đang bao lấy chúng. Tôi trèo lên một bên của cái chuồng để nhìn chúng. Tất cả những con bò đều to lớn, màu đen và trông đặc biệt xấu tính.

Rất nhanh, một nhóm đông toàn những chàng trai trẻ tuổi tụ tập lại để chuẩn bị cho cuộc chạy đua.

Một người đàn ông lớn tuổi đứng bên cạnh tôi. Tôi gật đầu với ông. Giống những người Tây Ban Nha khác ở Pamplona, ông ấy biết tôi là một người lạ ở đây. Mặc dù tiếng Tây Ban Nha của tôi rất tệ còn tiếng Anh của ông ấy cũng chẳng khá khẩm gì nhưng tôi vẫn hiểu rằng ông ấy giục tôi đứng xa hơn về phía trước.

Một đám thanh niên đang hò reo gần cái chuồng. Họ trông có vẻ rất hứng khởi với thử thách này và hơi say.

Người đàn ông lớn tuổi lại ra hiệu một lần nữa – một cách rất nhiệt tình – rằng tôi nên đợi bọn bò xa hơn lên phía trên ngọn đồi.

Tôi nhìn lên ngọn đồi.

Con phố đó khá hẹp và được chắn bởi hàng rào gỗ lớn. Tôi quyết định nghe theo lời khuyên của ông ấy. Người đàn ông đó đã cho tôi một cái lý do để thoát việc này. Bởi vì dù Hemingway đã thách thức tôi chạy đằng trước lũ bò nhưng cũng không chỉ rõ tôi phải bắt đầu chạy từ đâu.

Tôi đi bộ vài trăm mét lên đỉnh đồi và dựa vào thanh chắn để nghỉ một lúc. Rồi tôi ngồi xuống. Tôi đột nhiên cảm thấy rất mệt. Nhiều ngay nay tôi không ngủ đủ. Khi tia nắng đầu tiên chiếu lên người, tôi chỉ thấy choáng váng.

Sự hỗn loạn phía sau rào chắn khiến tôi tỉnh táo lại. Đám đông đã tụ tập sau rào chắn để chờ đợi việc thả bò sắp diễn ra. Tôi lúc đó chẳng có nhiều thời gian. Tôi cảm nhận được một sự thôi thúc nhảy qua hàng rào, gia nhập đám đông quan sát để được an toàn. Hemingway sẽ chẳng bao giờ biết được. Tôi thấy oán giận ông ta vì đã để tôi liều mạng tham gia một cuộc phiêu lưu ngu ngốc thế này.

Một nhóm người hò hét đã bắt đầu chạy về phía tôi. Tôi thì chẳng có chỗ nào để trốn. Vì vậy cuối cùng tôi gia nhập nhóm những người chạy đầu tiên.

Rồi đột nhiên có một tiếng hét và mọi người bắt đầu chạy nhanh hơn tôi tưởng tượng rất nhiều.

Tôi cố gắng bắt kịp những người chạy đầu nhưng dần dần bị tụt xuống hàng giữa.

Khi tôi rẽ ở một góc, tôi đã vấp phải một một viên sỏi gồ lên và va vào rào chắn. Một vài người đã giúp tôi đứng dậy. Lưng tôi lúc đó như gãy ra và tay tôi thì bị trầy xước khi cố đứng lên.

Có những bàn tay vỗ lên lưng tôi và đẩy tôi trở lại đám đông chạy đua. Tôi khi đó phải chạy trối chết. Bằng cách nào đó mà tôi đã cảm nhận được một luồng gió mới, trong lành không chút tạp chất và nỗi sợ hãi.

Tôi sợ là tôi sẽ chết ở con phố nhỏ hẹp đó, bị húc bởi một con bò chẳng có tí hứng thú nào với tôi mà chỉ quan tâm làm sao chọc được sừng vào cái áo của tôi và xung quanh là những người xa lạ. Tất cả là vì Papa.

Tôi thấy mình vượt lên nhóm đầu, nhấc chân thật cao và tảng lờ sự đau đớn cho đến khi mọi di chuyển của tôi đều dựa vào adrenaline. Tôi thấy mình ở nhóm dẫn đầu với hai hoặc ba người nữa. Ở phía trước tôi có thể nhìn thấy đấu trường và điều đó cho tôi thêm năng lượng. Tôi chẳng quan tâm đến điều gì trừ việc đến được đó.

Tôi cố gắng tăng tốc lần cuối và ngay khi cổng mở tôi vọt qua và chỉ chậm hơn người đứng đầu vài giây.

Một đàn bò đã được dẫn vào đấu trường. Một người đàn ông ngã ngày trước đàn bò. Một vài con tránh được anh ta nhưng vài con dẫm lên người anh ta. Một người khác có một cái áo không tay và chuẩn bị thực hiện vài màn dụ bò chạy qua. Đám đông hô lên hưởng ứng.

Khi đàn bò đã vào hết, tôi luồn ra sau rào chắn và đi ra đúng cái cổng mà bọn bò đã đi vào. Cả con phố đầy mùi phân bò và mùi mồ hôi con người.

Tôi có thể nghe thấy tiếng hò hét và chúc mừng đằng sau mình nhưng tôi không có tâm trạng để chơi. Cả người tôi đầy mồ hôi và vẫn đang run lên vì sợ. Tôi đã không chạy đằng trước lũ bò nhưng tôi nghĩ mình đã làm đủ rồi. Hemingway đã không nói phải chạy xa thế nào … ông ấy chỉ bảo chạy thôi! Tôi tự hợp lý hóa việc này. Tôi đã chạy mà! Rồi tôi tìm thấy một con hẻm còn tối vì không được ánh mặt trời buổi sớm chiếu vào. Tôi nằm xuống và rên rỉ (lưng tôi vẫn còn đau vì va phải rào chắn) rồi ngủ mất. Mặt trời làm tôi tỉnh giấc khi nó chiếu xuống bức tường. Tôi đi lên phía quảng trường chính. Hemingway vẫn chưa có ở quán cà phê vào cái giờ sáng sớm này vì thế tôi ngồi xuống cái bàn tròn lớn của ông ấy và gọi một cốc bia.

Rồi lại gọi một cốc nữa.

Tôi chỉ nhìn vào khoảng không. Trải nghiệm của tôi vẫn chưa kết thúc, tôi biết điều đó. Nó chỉ kết thúc khi tôi kể cho Hemingway. Sau một giờ chiều, Hemingway ra khỏi khách sạn. Mỗi lần nhìn thấy ông ấy tôi đều bị ấn tượng về việc ông ấy vạm vỡ thế nào. Ông ấy bị vây quanh bởi đám đông hâm mộ ở Pamplona. Hemingway có vài đặc điểm của loài cá voi và cá mập. Ông ấy di chuyển mà hầu như không đánh tay hoặc chân – ông ấy chỉ đơn giản lướt về phía trước cùng với đám đông người hâm mộ.

Ông ấy ngồi xuống, giơ cao bàn tay to lớn để gọi đồ và rồi ông ấy nhìn thấy tôi.

“Miguel?” Đó không phải là một lời chào mà là một câu hỏi. Có lẽ ông ấy chẳng nhận ra tôi.

Tôi đứng lên và đi một cách cứng nhắc đến cái bàn của ông ấy (cả người tôi vẫn còn đau nhức).

“Tôi đã chạy đằng trước bọn bò,” tôi đứng trước mặt ông ấy và nói như một đứa trẻ đang kể cho cha nó về một thành tích đáng tự hào.

“Tốt,” Papa nói và gật đầu. “Tốt đấy.”

Ông ấy chỉ vào cái ghế ngay bên cạnh nơi chưa có ai ngồi. Thật đúng là một vinh hạnh cho tôi.

Tôi vui mừng và gần như đổ nhào lên cái ghế.

Hemingway ra hiệu cho người bồi bàn đưa đến cho tôi một cốc bia nữa.

Đám đông ngồi xung quanh chúng tôi đang cố gắng để nghe những gì ông ấy sẽ nói với tôi, tôi đoán vậy. Nhưng ông ấy chỉ đơn giản chạm cốc và uống mừng với tôi.

Rồi ông ấy rướn người về phía trước và nói nhỏ với tôi, “Giờ thì tôi sẽ kể cho cậu nghe về vết sẹo.”

Hemingway xoay cái ghế lại ngồi đối mặt với tôi để những người khác không thể nghe được những gì ông ấy nói với tôi.

“Một vài người sẽ nói với cậu là tôi có vết sẹo này từ cuộc chiến tranh hay ở Châu Phi.”

Papa cố ý nói như thể đang đong đếm từng từ một. Dù ông ấy mới tới quảng trường và chỉ mới uống một cốc đầu tiên, tôi vẫn có cảm giác ông ấy đã uống từ khi còn ở trong phòng khách sạn. Bởi vì ông ấy có cái sự nhấn mạnh đến cố chấp của người say – như thể cả thế giới đều nằm trong sự chính xác của từng con chữ. Nhưng ông ấy vẫn rất nghiêm túc giống tác phong của bản thân và đôi mắt vẫn ánh lên tia sáng rực rỡ.

“Rất nhiều người bịa nhiều chuyện về Papa,” Hemingway nói, như thể đang nói đến một người thứ ba với một nụ cười nhẹ và có chút bẽn lẽn, “nhưng có rất ít người biết sự thật. Và đây là sự thật về vết sẹo, Miguel:

“Lúc đó là ở Paris. Nhóm người chúng tôi đã uống cả ngày. Sau đó chúng tôi lại đến nhà một người nào đó trong đám. Tôi vào phòng tắm và cố giật cái dây xích của cái bồn cầu cổ lỗ sĩ. Thời đó tôi vẫn còn khỏe nên tôi đã giật quá mạnh … tôi nắm cái đòn bẩy đến tận giếng trời và kéo toàn bộ cái đống chết tiệt đó xuống đầu mình. Lúc đó máu chảy nhiều lắm. Một vài người hốt hoảng và bắt tôi phải đi bệnh viện. Chúng tôi đến một bệnh viện của Pháp vào giữa đêm. Họ đã khâu vết thương này lại nhưng làm rất tệ. Thế nên tôi mới có vết sẹo này.”

“Tôi chưa bao giờ kể cho ai về câu truyện đó, vì vậy người ta tự bịa chuyện. Như là tôi bị thương trong chiến tranh hay là bị một con báo hay sư tử Châu Phi chụp vuốt vào mặt khi tôi đang có ý định kết liễu nó. Nhưng cậu đã nghe cậu truyện thật, Miguel. Giờ thì cùng uống thêm mấy ly nữa với những người bạn của chúng ta nào.”

Ông ấy quay lại với đám đông và ra hiệu bằng cánh tay to lớn để tiếp tục một chầu nữa.

Giờ đây, trong căn phòng áp mái nhỏ bé, tôi vừa nghĩ đến cậu truyện của Hemingway về cái nhà vệ sinh và vết sẹo, vừa rời giường và nhảy lò cò trên hai bàn chân đau nhức để đến nhà tắm. Tôi tức giận khi nghĩ rằng bản thân đã từng có thể chạy trước đàn bò nhưng giờ lại không thể đảm đương nổi công việc phục vụ cà phê.

Bàn chân tôi đau đớn kể từ khi tôi gia nhập Starbucks. Ban đầu tôi nghĩ có lẽ tôi đã chọn sai giầy. Một đôi giầy thể thao màu đen đẹp đẽ. Rồi tôi mua một đôi giầy đế bệt màu đen (bạn được phép đi bất kỳ loại giầy nào miễn là màu đen). Nhưng chân tôi vẫn đau. Rồi một Cộng sự của tôi, một người đàn ông to lớn tên Anthony nói tôi nên thử đôi ủng của lính nhảy dù:

“Chúng được lính sử dụng để nhảy khỏi máy bay và tiếp đất.”

Giày cỡ lớn cũng được các Cộng sự hoan nghênh.

Tôi đã dành phần lớn số tiền khó khăn kiếm được cho đôi giày chiến đó nhưng chân tôi thậm chí còn đau hơn. Em gái tôi Holly, người mà chỉ kém tôi hai tuổi đã gọi và hỏi, “Công việc ở Starbucks thế nào rồi anh?”

“Tốt nhưng mà chân anh bị đau. Anh phải đừng cả ngày mà.”

“Đó là vì anh già rồi,” con bé trả lời một cách thẳng thắn. “Cái đệm thịt của chân chúng ta sẽ mỏng dần khi chúng ta già đi và chân chúng ta thấy đau hơn.”

Tôi cúp máy và cảm thấy tồi tệ hơn. Vì vậy tôi lại chọn đôi giầy bệt.

Điều thú vị là khi tôi đang làm việc thì chân tôi lại chẳng thấy đau. Giống như hồi tôi còn chơi bóng ở cấp ba: bạn sẽ chẳng để ý đến những đau đớn cho đến tận sau trận đấu. Nhiều năm trước, tôi đã trở lại Bronxville để tập luyện với đội bóng trường mặc cho thực tế là tôi cũng chả chơi giỏi lắm. Chúng tôi ngày nào cũng luyện tập dưới cái nắng kinh khủng của tháng 8. Với tất cả những nỗ lực đó tôi cũng chả tiến bộ hơn tí nào, vẫn là hậu vệ dự bị nhưng ít nhất thì lúc đó tôi cũng không thấy đau đớn gì với những hoạt động thể chất đó. Giờ thì ngày nào tôi cũng trong tình trạng phải thỏa hiệp với cái chân đau.

Đột nhiên tôi nhớ đến con trai tôi – Charles – khi nó nhảy xuống khỏi mái của cái đình ở giữa hồ ở khu miền quê vào năm ngoái. Khi đó nó mới mười bẩy tuổi nhưng đã cao hơn tôi mấy phân và đẹp trai hơn tôi nhiều. Thằng bé cũng giỏi vận động hơn. Nó được sinh ra với những kỹ năng thể chất mà tôi luôn thiếu. Charles đã nhảy vào bầu không khí mùa hè với một sự tự tin dễ dàng.

Tôi mỉm cười với ý nghĩ về cú nhảy tuyệt đẹp đó của nó khi lê bàn chân đau nhức khỏi nhà tắm. Tôi mặc một chiếc áo đen và quần đen, đi đôi giày bệt cũng màu đen và ra khỏi nhà.

Khi ra khỏi bến tàu điện ngầm, tôi nhìn lên một tấm bảng phía bên kia đường đang chỉ mức nhiệt tầm khoảng ba mấy độ rồi. Tôi dường như có thể cảm thấy cái nóng đang dâng lên từ vỉa hè đầy bụi bẩn.

Vào mùa hè, thành phố này chẳng bao giờ ngủ cả. Khi tôi đang đứng đợi Crystal ở số chín mươi ba và Broadway thì có vài kẻ say rượu lượn quanh. Tôi chỉ cúi đầu và đứng sát cửa ra vào của cửa hàng.

Tôi một lần nữa phải đối mặt với nghịch lý của đời mình – mười năm trước, khi còn là một doanh nhân bận rộn thì vào lúc 5 giờ sáng tôi đang trên một chuyến bay đêm trở về từ chuyến công tác tại Los Angeles. Còn từ hồi nghỉ việc, mỗi buổi sáng mùa hè tôi đều ngủ ngon lành trong ngôi nhà vườn lớn tại New England và chờ đón một ngày mới với việc bơi lội, chơi golf cùng những người bạn cùng tuổi, những người mà bây giờ cũng đã nghỉ hưu một cách yên bình hết cả rồi. Giờ tôi lại đang đứng trong đêm tối nguy hiểm của một New York nóng đổ mồ hôi để đợi vị sếp mới có 28 tuổi của mình. Tôi còn phải lo sợ mình làm không tốt việc mở cửa hàng Starbucks vào buổi sáng. Cái tôi kiêu ngạo của tôi trước đây sẽ phải kinh ngạc lắm trước những chuyện này.

Khi Crystal bước ra khỏi tàu điện ngầm, cô ấy khác đến nỗi tôi khó lòng nhận ra. Mặc một cái áo trùm đầu màu đen, cô ấy trông giống một người mà trong buổi sáng sớm tôi sẽ tránh không phải chạm mặt.

Tôi thấy nhẹ nhõm khi thấy cô ấy nhưng cô ấy lại không có thời gian để mà chào hỏi nhẹ nhàng. Bước vượt qua tôi, cố ấy tra chìa khóa vào ổ và nói tôi “hãy khóa nó lại khi anh vào”.

Tôi nhận ra là chúng tôi đang trong một cuộc đua và mỗi giây phút đều đáng giá. Chúng tôi phải mở cửa lúc 6 giờ sáng – tức là chúng tôi chỉ có một tiếng đồng hồ.

“Giúp tôi,” Crystal nói và tôi giúp cô ấy di chuyển những thùng bánh ngọt ra đằng sau. Số bánh này được mang đến các cửa hàng Starbucks mỗi sáng để đảm bảo sự tươi mới.

“Đây là đĩa sạch, anh hãy đặt bánh vào đây. Có sơ đồ trên vỏ hộp bánh và anh sẽ biết phải để bánh theo thứ tự nào. Tôi phải đi pha cà phê đã.”

Khi tôi mở hộp bánh đầu tiên, Crystall đột nhiên hét lên “Dừng lại!” khiến tôi giật nảy mình. Tôi chưa bao giờ thấy Crystal hét.

“Đeo mấy cái găng tay ni lông này vào,” Crystal nói và đưa cho tôi vài cái. “Chúng ta phải rất cẩn thận với đồ ăn. Đừng bao giờ chạm tay trần vào những chiếc bánh. Giờ anh có thể tiếp tục.”

Tôi mặc cái tạp dề xanh vào và nhìn lên bảng lịch trình luôn được gắn trên tấm bảng thông tin. Bianca sẽ đến lúc 6h30 rồi đến Joann lúc 9h. Joann chẳng bao giờ đến sớm hoặc ở lại quá muộn vì cô ấy có một đứa con phải chăm sóc và vì cô ấy là một người làm việc hiệu quả, Crystal luôn cho cô ấy chọn khung giờ cô ấy muốn đến. Tôi thấy mừng vì Bianca và Joann sẽ giúp chúng tôi vào buổi sáng bận rộn.

Rất nhanh cả cửa hàng đều tràn ngập mùi cà phê mà Crystal mới pha. Crystal vừa chuyển sang công việc khác vừa nói và dạy tôi về các bước trình tự:

“Tôi đã pha cà phê của hôm nay – Verona,” cô ấy nói, “rồi tôi cũng pha một ít cà phê loại nhẹ: loại tôi pha hôm nay là Colombia. Rồi cuối cùng tôi pha ít cà phê Decaf … giờ tôi đang pha Decaf Sumatra.”

Tôi gật đầu khi cô ấy nói to những cái tên đó với tôi. Làm sao mà cô ấy nghĩ là tôi có thời gian để học chứ? Tôi đang sắp xếp chỗ bánh nhanh nhất có thể trước khi mở cửa hàng. Có quá nhiều loại bánh và quá ít thời gian.

Tôi xe mở túi bóng đựng bánh scone. Có đến bốn loại: quế, mứt cây phong, việt quất và mâm xôi. Có năm loại bánh muffin: sô cô la, việt quất, bánh việt quất ít béo, ngô với phô mai cheddar, và muffin rắc hạt. Trong khi đó chỉ có ba loại bánh rán vòng – sô cô la, quế và bánh rán bọc đường – Starbucks phục vụ nhiều loại bánh: bánh việt quất ít béo, bánh cuộn quế ít béo, bánh cà phê truyền thống, bánh gato phủ vụn bánh, bánh mì việt quất, và bánh mì chuối các loại hạt. Tôi mở một gói bánh sừng bò sô cô la và một gói bánh sừng bò bơ. Rồi chúng tôi còn có cả bánh quy sô cô la và yến mạch, bánh hình vuông với mashmallow giòn giòn, bánh sô cô la cà phê thêm cà phê espresso và nhiều loại nữa mà tôi phải mở gói bọc và sắp xếp để bán.

Tôi nhìn lên hình ảnh minh họa trên mỗi hộp để biết mỗi loại bánh buổi sáng nên được để ở đâu. Cái này không giống đứng quầy và trả tiền lẻ. Tôi tự tin có thể đặt những chiếc bánh vào đúng chỗ của chúng – sau khi nhìn một lần, tôi đã nhớ ngay được hình đó. Tôi chỉ cần nhìn một hoặt hai lần là nhớ được. Ở Yale, tôi đã tập cho mình một trí nhớ hình ảnh tốt vì tôi học chuyên ngày Lịch sử Nghệ thuật nên phải dành rất nhiều đêm để ghi nhớ các loại hình ảnh. Tôi nghĩ một cách vui vẻ rằng những kỹ năng tôi học được từ hồi đại học cuối cùng cũng đã có tác dụng – sau bốn mươi năm.

Rồi tôi mở đến những gói bánh mì dài. Những gói bánh này là một vấn đề nan giải. Bao bì của chúng được thiết kế để giữ cho bánh tươi nhất có thể nhưng lại quá khó để lấy bánh ra khỏi vỏ ni lông. Với tôi, có lẽ người Mĩ sẽ được cả thế giới nhớ đến như những người đã phát minh ra những cái túi ni lông khó mở nhất – mục đích là để giữ mọi thứ tươi mới và tránh nhiễm khuẩn. Nhưng tôi không có thời gian cho những suy nghĩ trừu tượng như vậy vì Crystal đã mang một cái kéo đến giúp. Có lẽ tôi không phải là người duy nhất phải đánh vật với túi bọc của đám bánh mì dài này.

Khi tôi cắt vỏ bao của đám bánh mì quế với nho khô, bánh mì vừng hay bánh mì trắng rồi xếp chúng lên quầy bánh, Crystal gọi với ra để hướng dẫn tôi, “Giờ tôi sẽ làm trà đá. Trà xanh, trà đá đen và trà chanh.” Tôi nhìn cô ấy để báo là tôi đã nghe rõ rồi.

“Giờ thì anh đặt tên bánh cho từng loại đi,” Crystal nói và đưa cho tôi một cái hộp nhỏ đựng những cái biển tên nhỏ để chỉ từng loại bánh.

Cái nhiệm vụ này cũng không làm khó được tôi. Tôi thấy thật là tự hào vì đã xếp tên các loại bánh rất chính xác.

Những vẫn còn nhiều việc phải làm và thời gian thì đang trôi qua.

“Tôi sẽ bắt đầu mở quầy pha chế đồ uống,” Crystal nói, “còn anh làm bánh sandwich đi.”

Những cái bánh sandwich được xếp đằng trước của quầy bánh. Tôi chạy quanh để đặt các loại sandwich salad trứng, cá ngừ, gà tây lên từng ô được đánh dấu trên cái quầy. Có lẽ tôi không giỏi toán nhưng sắp xếp đồ theo hướng dẫn bằng hình ảnh thì tôi có thể làm một cách dễ dàng.

Tôi đứng nhìn khi hoàn thành xong giống như cả quầy bánh đầy ắp là một tác phẩm nghệ thuật vậy.

Crystal cười với tôi.

“Làm tốt lắm, Mike,” cô ấy nói và tôi cảm thấy như mình vừa mới thắng một cuộc đua ngựa.

Cuộc đua của chúng tôi sắp kết thúc rồi. Thời gian sắp hết, chúng tôi chỉ còn 5 phút trước khi đến 6 giờ.

“Giờ anh phụ trách quầy thanh toán ở giữa nhé,” Crystal nói. Tôi lấy khay tiền ra khỏi cái máy đầu tiên và đem đến cái máy đếm tiền để đếm đúng 150 đô la và mang nó lại quầy thanh toán vừa kịp lúc người khách đầu tiên bước vào.

“Mở cửa đi, Mike,” Crystal gọi to trong khi vẫn bận rộn sắp xếp quầy pha chế, đun sôi gậy chuyên dụng để đun sữa và pha thử cốc espresso đầu tiên để đảm bảo mọi thứ đều hoàn hảo.

Tôi đi ra mở cửa và cửa hàng bắt đầu buôn bán.

“Chào buổi sáng,” vị khách đầu tiên nói.

“Chào buổi sáng,” tôi trả lời và nhanh chóng đi ra phía sau quầy để phục vụ khách.

“Một cappuccino cỡ lớn ít béo,” anh ta nói với tôi, “và một bánh mì trắng với thạch.”

“Một cappuccino cỡ lớn ít béo,” tôi gọi to tên đồ uống cho Crystal và cô ấy gọi lại đúng như vậy.

Việc lấy bánh cho khách là của Cộng sự đứng ở quầy vì vậy tôi lấy cho anh ta một cái bánh mì.

Anh ta đưa tôi một đồng 5 đô la và tôi trả lại tiền.

Tôi còn nhớ Crystal đã nói với tôi là phải giao tiếp bằng mắt và trò chuyện với khách. Giờ tôi đã đỡ sợ các quầy thanh toán hơn nên tôi quyết định tập trung vào những gì tôi biết mình có thể làm. Dù sao thì trong hai mươi lăm năm làm việc ở cương vị phó chủ tịch điều hành của J. Walter Thompson, tôi cũng đã được trả rất nhiều tiền để nói – nên việc bắt đầu một đoạn đối thoại không phải vấn đề lớn.

“Anh hâm mộ Red Sox hả?” tôi hỏi vị khách vì anh ta đang đội một cái mũ của Red Sox. “Tôi không thấy nhiều người hâm mộ đội đó ở New York.”

“Thật ra thì không,” anh ta cười. Tôi chú ý thấy anh ta có mái tóc màu trắng, đôi mắt màu xanh và một nụ cười thân thiện. “Bạn cùng phòng của tôi ở trường Y của Harvard là một kẻ cuồng Red Sox. Trong suốt nhiều năm tôi chỉ ủng hộ đội Yanks và anh ta thì ủng hộ Red Sox. Và đội Yanks năm nào cũng thắng. Nhưng năm nay là sinh nhật 60 của tôi và anh ta tặng tôi cái mũ này nên tôi đã hứa là tôi sẽ ủng hộ Red Sox.”

“Chân trong chân ngoài hả?” tôi nói và anh ta cười.

“Tôi đội cái mũ anh ta tặng là nể mặt anh ta lắm rồi.”

Nói xong anh ta đi ra một cái bàn nhỏ ở trong góc.

Vị khách tiếp theo mà một anh bạn trẻ cùng với một đứa bé tầm 2 tuổi đang ngồi trong xe đẩy. Trước khi gia nhập Starbucks tôi chắc sẽ rất có thành kiến với người như thế này. Tôi thấy anh ta còn quá trẻ và vô trách nhiệm để có con nhưng giờ thì tôi đã biết việc đó không phải lúc nào cũng đúng.

Tôi chào anh ta, “Chào buổi sáng”.

“Tôi muốn một Venti Latte và một cái bánh mì trắng cho Ella.”

“Ella?”

“Con gái tôi đấy, nó được đặt tên theo Ella Fitzgerald.”

“Venti Latte,” tôi gọi to tên đồ uống và Crystal đáp lại y hệt.

“Cậu là một ông bố tốt,” tôi nói với anh ta khi đang trả tiền lẻ.

“Bắt buộc mà,” anh ta nói. “Tôi đã hứa với vợ mình. Tôi sẽ đưa Ella ra ngoài vào sáng sớm để cô ấy có thể ngủ thêm một chút.”

“Thật tuyệt,” tôi nói khi anh ta đẩy cái xe nôi đến cái bàn gần cửa. Tôi thích thú với cái ý nghĩ rằng Starbucks là nơi anh ta có thể thoải mái ngồi với cô con gái nhỏ vào buổi sáng sớm.

Tôi ngước lên nhìn một người phụ nữ quàng một cái khăn và đội mũ bê-rê rất đẹp. Cô ấy có đôi mắt to và nụ cười tươi.

“Một cà phê Venti … nhưng hôm nay các anh có những món gì?” cô ấy hỏi.

Tôi nhìn về phía sau. Mỗi tuần chúng tôi lại phục vụ một loại cà phê khác nhau và tất cả được ghi trên bảng tin.

“Verona,” tôi nói. “Cái này cũng ngon lắm.”

“Vậy tôi muốn một cốc Venti của loại đó. Với một ít sữa.”

Tôi pha cà phê cho cô ấy – mỗi người phục vụ quầy đều có thể làm các loại cà phê khác không phải espresso – và trả tiền lẻ cho cô gái.

“Cảm ơn,” cô ấy nói. “Đây là cách tốt nhất để khởi đầu một ngày mới.”

“Cô làm nghệ thuật à?” tôi đoán. Cô gái này cho người khác một cảm giác nghệ sĩ.

“Hôm nay là ngày đầu tiên.” Cô ấy cười. “Tên tôi là Denise. Chú sẽ thấy tôi mỗi sáng sớm ở đây.”

Cô ấy xoay người bước ra cửa. Denise làm công việc nghệ thuật nhưng là con người rất nguyên tắc và chăm chỉ.

Vị khách tiếp theo là một bà mẹ trẻ với đứa con trên tay. Cô ấy gọi “Một cốc có 2 phần mocha ít béo không kem Decaf”. Tôi lặp lại tên đồ uống cho Crystal nghe.

Crystal hét lại tên đồ uống theo thứ tự khác. “Một cốc Decaf với 2 phần mocha ít béo không kem.” Tôi biết là mình phải gọi tên các nguyên liệu như được liệt kê trên cốc cà phê theo thứ tự quan trọng tăng dần. Và rõ ràng Decaf quan trọng hơn số phần mocha cần thêm.

Người phụ nữ trẻ nghe thấy Crystal gọi tên đồ uống và có vẻ cảm kích. “Tôi thực sự cần Decaf,” cô ấy nói. “Tôi lại đang mang thai.”

Tôi kinh ngạc. “Thật tốt là cô vẫn có thể dậy sớm và chăm sóc tử tế cho con gái mình -”

“Nó là con trai đấy … Tên thằng bé là Max. Tên tôi là Rachel.”

Đột nhiên tôi nhớ ra là Rachel đã từng nói chuyện với tôi trước đây, và cũng đã giải thích lý do vì sao cô ấy cần Decaf. Tôi thật là ngu ngốc. Tôi từng rất tự hào về khả năng nhớ tên của bản thân nhưng vì quá bận tính tiền nên tôi đã quên mất.

“Thật tốt là cô đã mặc quần áo tử tế cho Max và dậy sớm thế này …” tôi trả lời một cách máy móc.

Rachel mỉm cười với tôi.

“Việc này không phải tự nguyện,” cô ấy giải thích với tôi như thể tôi cũng là một đứa trẻ. “Tôi phải uống Mocha vào buổi sáng nếu không tôi không thể làm tròn vai trò người mẹ hay bất kỳ vai trò nào.” Cô ấy cười và bước đi, vừa bế con vừa cầm cốc cà phê một cách khéo léo như đã quen rồi.

Không tự nguyện, tôi tự nghĩ. Công việc này thật tốt. Starbucks không phải thứ mà mọi người lựa chọn thích hay ghét một cách tùy tiện. Nó rõ ràng đã trở thành một phần cuộc sống của họ, một điểm đến quan trọng mỗi ngày. Thậm chí có người ghé tới vài lần mỗi ngày.

Từ hồi làm công việc này, tâm trạng của tôi đã tốt lên nhiều. Và lý do là vì ở công việc trước, tôi là khách hàng ngồi trong quán Starbucks và không thể tìm nổi khách hàng cho mình. Thật tốt vì giờ khách hàng tìm đến tôi hơn là tôi phải gọi cho họ giống như trước và chẳng có ai trả lời những cuộc gọi của tôi. Tôi thích chào hỏi những vị khách vào sáng sớm thế này và phục vụ họ. Họ không biết việc họ đợi một cách háo hức theo hàng để gặp tôi thế này là điều tuyệt vời đến thế nào.

“Hây, Mike,” Crystal gọi với ra từ quầy pha chế espresso với một giọng vui vẻ. “Anh chính là một tài năng bẩm sinh.”

“Tài năng bẩm sinh ư?” tôi hỏi lại.

“Anh đang làm rất tốt việc kết nối vào buổi sáng nay.”

“Kết nối?”

“Với khách hàng. Rất nhiều Cộng sự chỉ nhận và trả tiền, còn anh thì thực sự giao tiếp với khách. Anh rất hài hước. Anh là một gã thú vị đấy.”

Tôi nghĩ đây là một lời khen. Có lẽ tôi đã cho cô ấy thấy sự tự tin và năng lực mà cô ấy không ngờ tới. Tôi có cảm giác như một đứa trẻ được giáo viên khen ngợi.

Crystal vừa cười vừa quay lại quầy pha chế espresso.

Có gì thú vị thế nhỉ?

Hài hước là tốt à? Trong suốt nhiều năm làm việc cho các tập đoàn của Mỹ, tôi đã học được rất nhiều thủ đoạn kinh doanh nhưng chẳng có cái nào dùng được với Crystal cả.

Khách hàng và tôi có vẻ như có cười đôi chút khi nói chuyện. Tôi có khoảng thời gian rất vui và họ dường như cũng vậy.

Khi khách hàng vãn bớt, Crystal cũng hỏi han tôi vài chuyện phiếm. “Cô gái trẻ mà tôi thấy đi cùng với anh hôm trước là ai vậy?”

“Con gái tôi đấy.”

Crystal nhìn tôi ngạc nhiên và mỉm cười, “anh thật may mắn,” cô ấy nói. Tôi nghe ra trong giọng nói của cô ấy một sự dịu dàng mà trước đây không hề có.

Nhưng tôi không có nhiều thời gian để nghĩ về nó.

“Venti Americano thêm đá nhưng ít thôi nhé,” vị khách tiếp theo yêu cầu. Anh ta trông giống một doanh nhân trong bộ comple kẻ sọc.

Tôi nhận thấy mọi người ở Khu Thượng Bờ Tây này làm nhiều ngành nghề khác nhau. Và tôi thích điều này. Starbucks không chỉ có Cộng sự thuộc nhiều tầng lớp mà khách hàng cũng vậy.

Tôi nhìn một hàng khách thật dài ra đến ngoài cửa. Càng nhiều khách thì thời gian để tán gẫu càng ít. Nhưng tôi lại cảm thấy một thứ năng lượng tích cực khuếch tán tới chỗ tôi. Thay vì cáu bẳn khi nhìn thấy một gương mặt mới vào buổi sáng, mọi người có vẻ chào đón tôi.

Trong lúc vội vã phục vụ vị khách tiếp theo, tôi đã đưa 6 đô thay vì 16 đô la cho một cô gái trẻ trông rất trí thức, đang mang một cái máy tính xách tay trong cái túi đeo trên vai.

“Tôi rất xin lỗi,” tôi nói. “Tôi biết cô đang vội đi làm.”

“Đừng lo,” cô ấy còn dành thời gian an ủi tôi trước khi vội bước đi. “Anh sẽ làm tốt thôi.”

Crystal đã nói với tôi về sự tôn trọng và giờ đây với tôi thì sự tôn trọng đó không chỉ dành cho các Cộng sự mà còn cho khách hàng.

Công việc này thật khác biệt so với thế giới của những người đàn ông đầy cạnh tranh tại J. Walter Thompson! Khách hàng trước đây thường có được thời gian vui vẻ nhưng đó là đánh đổi bằng hạnh phúc của tôi. Khi làm việc cho dự án của Ford, khách hàng thỉnh thoảng cũng sẽ khá thoải mái với những lỗi lầm. Tôi vẫn nhớ bài trình bày đầu tiên của mình với một nhóm thương nhân bán xe cho Ford tại New England. Khi đứng dậy để thực hiện bài trình bày, tôi đã quá run đến nỗi làm đổ một bình cà phê lên chân Jerry Mantoni tới từ Rhode Island. Ông ta là một triệu phú buôn bán xe. Ông ta lúc đó lập tức đứng dậy để lau cái quần âu màu xanh sáng bóng của mình. Lúc đó tôi nghĩ có lẽ mình sẽ bị đuổi việc vì đã gây ra đau đớn cho một nhân vật quan trọng như vậy nhưng cả căn phòng đầy những doanh nhân nhiều kinh nghiệm lại phá ra cười. Và họ đã chọn những ý tưởng của tôi. Họ đã nói với sếp tôi là họ muốn tôi có mặt trong các cuộc họp của họ.

Một lần khác, sau khi trình bày trước hơn hai trăm ý tưởng quảng cáo tiềm năng cho Iacocca – mà mỗi ý tưởng là thành quả của những nỗ lực phi thường – ông ta chỉ nói: “Tôi chả thích cái nào hết.” Một lần nữa cả phòng đều bật cười. Mọi người ở Ford đều sống trong nỗi sợ hãi và họ muốn thấy người khác bị làm xấu mặt trước đám đông.

Ông sếp đầu tiên của tôi tại J. Wakter Thompson đã nói với tôi rằng, “Nỗi sợ hãi là liều thuốc tăng lực tốt nhất.”

Quảng cáo mà bạn đang làm có thể là một tuyệt tác hoặc một đống rác. Trò chơi mà bạn đang chơi chỉ có thắng hoặc thua. Và không phải cái quảng cáo mà chính là người trình bày nó phải chịu ảnh hưởng. Bạn có thể trở thành một thiên tài sáng tạo hoặc một kẻ vứt đi. Nếu bạn có thể giành được hợp đồng thì bạn là anh hùng; nếu không thì bạn chẳng có tí giá trị nào. Chỉ có 2 lựa chọn như vậy đấy. Và tất nhiên ở nơi đó cũng chẳng có sự tôn trọng hay tôn nghiêm. Những từ đó về cơ bản là không được nhắc đến.

Ở Starbucks thì cả Cộng sự và khách hàng đều ngầm đồng ý rằng mọi người nên được đối xử bằng sự tôn trọng và tôn nghiêm. Tôi chưa bao giờ thấy một môi trường làm việc như ở đây. Những công ty thuộc top 500 của Fortune mà tôi được biết thì chỉ chi hàng đống tiền trong nhiều tháng trời để viết ra những cam kết nghe có vẻ hoành tráng và chẳng bao giờ thực hiện những lời hoa mỹ mà họ thuyết giảng.

Bainca đến lúc 6 giờ 30 đúng. Cô ấy cười ngọt ngào với tôi khi đi đến quầy của mình. Bianca nhỏ người và tôi đoán cô ấy chắc chỉ tầm 19 tuổi nhưng cô ấy tính tiền và gọi tên đồ uống đều tốt hơn tôi. Tôi thấy biết ơn khi có cô ấy ở bên cạnh giúp đỡ.

Khi Joann đến vào lúc 9 giờ, của hàng đã đông đến nỗi khách dồn cục lại.

Cả ba chúng tôi làm việc ở quầy thanh toán trong khi Crystal vẫn miệt mài pha chế espresso ở quầy pha chế. Cô ấy chẳng bao giờ có vẻ bối rối mặc cho lượng khách không ngừng đến và cả ba chúng tôi đều gọi tên các loại đồ uống cho cô ấy. Chúng tôi như một dàn đồng ca của quán cà phê. “Venti Latte với sữa tách béo có đá, Decaf cỡ lớn với Mocha trắng, Grande Breva Latte vị vani, Cappuccino cỡ lớn,” chúng tôi liên tục gọi theo thứ tự món đồ uống riêng của Starbucks.

“Nghỉ mười phút nhé,” Crystal nói với tôi như vậy. Sau vài tiếng làm việc liên tục thì bạn sẽ được nghỉ ngắn. Tôi vui mừng vì có thể rời khỏi khu quầy thanh toán và bắt đầu đi về phía sau của quán.

“Này Mike,” Joann gọi tôi. “Hôm nay có vỡ cái bánh nào không vậy?”

“Tôi không biết,” tôi trả lời. Tôi chưa từng bận như thế khi phải sắp xếp những chiếc bánh thế nên làm sao mà tôi còn kiểm tra được có cái nào bị vỡ không.

“Giúp anh ấy kiểm tra phiếu đi,” Crystal nói với Joann.

Joann đi về phía tôi và chúng tôi cùng tiến về phía sau quán.

“Khi anh lấy bánh ra, luôn luôn phải kiểm tra có cái nào bị hỏng không. Nếu có thì phải gọi họ để họ chịu trách nhiệm.”

Joann nói bằng một giọng nhỏ và đầy an ủi. Tôi thích cái cách mà cô ấy giảng giải cho tôi … một cách rất dịu dàng.

Cô ấy lôi ra một cặp kính và đeo vào.

“Kính mới à?” tôi hỏi.

“Đúng thế, giờ tôi có thể nhìn rồi!” Cô ấy cười.

“Thế trước đây cô giả vờ à?” tôi cũng cười theo nhưng không thực sự tin lắm.

“Kiểu như vậy,” Joann nói. “Tôi chưa từng có thể nhìn một cách rõ ràng nhưng lại chẳng đi khám ở chỗ nào hết. Anh cũng biết đấy – ” cô ấy nhìn tôi và cười – “Giờ thì Starbucks trả tiền khám mắt và cả tiền kính cho tôi.”

“Thật tuyệt,” tôi nói một cách chân thành. Kiểm tra thị lực miễn phí chưa bao giờ nằm trong gói phúc lợi nào dành cho tôi trước đây – kể cả ở tập đoàn lớn. Những lợi ích khi làm việc cho Starbucks đặc biệt là cho một nhân viên bán thời gian như Joann là rất hiếm. Thực tế thì tôi chưa bao giờ nghe đến lợi ích này trước đây.

“Anh biết Yvette chứ?” Joann hỏi. Yvette là một nhân viên mới được tuyển. Cô bé còn đang đi học nên tôi hiếm khi gặp mặt và chưa bao giờ làm cùng một ca với cô bé. Đó là một cô gái người Mỹ gốc Phi cao lớn và lúc nào trông cũng vội vã.

“Yvette hôm nay không ở đây,” Joann nói. “Con bé đi nhổ răng khôn. Nó chưa từng đi khám răng bao giờ.”

Tôi choáng váng. Nha sĩ thì chưa bao giờ tới mà đại học thì lại đang học rồi. Lúc đó tôi nhận ra rằng Starbucks không chỉ đem lại những lợi ích sức khỏe cho nhân viên mà còn khuyến khích họ quan tâm, chăm sóc bản thân mình.

“Còn bây giờ,” Joann tiếp tục, “anh có nhìn thấy bản liệt kê được gửi kèm đống bánh không?”

“Tôi không thấy cái nào cả.”

“Có lẽ anh lúc đó quá vội,” Joann nói và nhìn xung quanh. Rồi cô ấy nhìn thấy cái thùng rác tôi dùng để đựng giấy bỏ đi. Rồi cô ấy lục được một danh sách dài in đầy những loại bánh.

Cô ấy chỉnh lại cặp kính.

“Cùng kiểm tra cái này nào,” cô ấy nói và lấy ra một cái bút. Chúng tôi kiểm tra toàn bộ những cái bánh để đảm bảo chúng không có vấn đề gì. Có một cái bánh scone vị mâm xôi bị vỡ.

“Chúng ta chia nhau cái này nhé,” Joann nói và mỉm cười.

Tôi sớm nhận ra rằng mỗi Cộng sự có khẩu vị của riêng họ. Joann thích scone vị mâm xôi và việt quất. Bianca thích brownie vị cà phê. Loại mà Crystal thích nhất là những miếng bánh hạnh nhân cà phê. Còn tôi thì không thể cưỡng lại những chiếc bánh quy có sô cô la vụn.

“Mike, anh có thể trở lại tiếp tục làm việc không?” Tôi nghe thấy Crystal gọi với ra. Tôi lập tức phóng ra để tiếp tục công việc ở quầy.

Khoảng mười giờ, Kester đến và thay cho Crystal. Anh ấy nở nụ cười lớn với tôi và xử lý quầy pha chế một cách hoàn hảo. Giống Crystal, anh ấy dường như không có vấn đề gì khi thực hiện việc pha trộn hỗn hợp của mười tám loại đồ uống. Anh ấy dường như vẫn rất thảnh thơi khi gọi, “Capuccino venti siêu đặc, Latte cỡ lớn, Latte Grande không béo, không đường vị vani, Machiatto Decaf cỡ lớn vị caramel, Mocha trắng cỡ lớn với kem,” và những loại Latte, Cappuccino, Doppios và Machiatto khác. Rồi buổi sáng trôi qua và những vị khách trẻ tuổi bắt đầu xuất hiện để gọi Caramel, Cà phê, Mocha và những loại Frappuccino đá đang được yêu thích trong mùa hè.

Tôi nghỉ ăn trưa ba mươi phút mà cứ ngỡ chỉ có năm phút rồi lại quay lại với công việc cho đến khi kết thúc ca làm vào buổi chiều. Tôi cởi cái tạp dề màu xanh và đi xuống tầng hầm để bỏ nó vào đống đồ cần giặt. Vậy là tôi cũng vượt qua ngày đầu tiên làm nhiệm vụ mở quán. Cái nhiệm vụ này khiến cho việc chạy đằng trước lũ bò chỉ dễ như ăn kẹo.

Ngoài chức năng để chứa đồ cần giặt và chứa rác để mang đi đổ vào buổi tối thì tầng hầm còn là nơi riêng tư để bất kỳ ai muốn ở một mình vài phút có thể đến đó.

Khi đi xuống, tôi thấy Crystal đang đứng trong góc, và nói chuyện điện thoại. Tôi không muốn làm phiền cô ấy nhưng lại phải đi qua chỗ cô ấy để bỏ tạp dề vào túi đựng đồ giặt.

Cô ấy ngắt điện thoại, lắc đầu và luồn tay qua mái tóc. Tôi nhận thấy là cô ấy đang khóc.

Tôi không muốn thất lễ, nhưng tôi cũng không thể cứ im lặng khi cô ấy dường như đang gặp vấn đề. “Có chuyện gì vậy?”

Crystal thở dài. “Là Winston. Em họ tôi. Nó đang ở trong phòng cấp cứu … Người ta nghĩ tim nó có vấn đề.”

“Nghiêm trọng thế sao,” tôi hỏi một cách ngu ngốc. Và lời tôi nói khiến Crystal trông càng tồi tệ hơn. Tôi muốn giúp cô ấy. Và tôi nảy ra một ý tưởng. Bác sĩ Cohen là một gã thực sự phiền phức đối với tôi vì luôn bắt tôi phải tập thể dục nhiều hơn. Ông ấy luôn ám ảnh với những liệu pháp phòng bệnh. Nhưng trong trường hợp này thì sự cố chấp của ông ấy có lẽ sẽ có ích. Ông ta sẽ biết làm thế nào để lấy thông tin và phải làm gi.

“Để tôi thử gọi cho bác sỹ của mình nhé? Ông ta khá là phiền phức nhưng lại làm được nhiều việc và có thể giúp được em họ cô.”

“Winston bị thừa cân … lúc nào cũng vậy. Nó còn bị cao huyết áp … thế nên đừng làm phiền bác sĩ của anh. Có rất nhiều bác sĩ ở bệnh viện rồi.”

“Nhưng vị bác sĩ này rất giỏi trong việc cắt nghĩa những điều vớ vẩn mà bệnh viện hay nói.” Tôi không thể nói khác được. “Ông ấy sẽ biết một cách nhanh nhất chuyện gì đang xảy ra và sẽ làm được gì đó.”

“Vậy thì được,” Crystal nói một cách do dự.

Tôi bấm số văn phòng bác sỹ Cohen.

Trợ lý của ông ấy trả lời.

“Moira, Michael Gill đây. Bác sĩ Cohen có đó không?”

“Ông ấy đi nghỉ rồi.”

“Đi nghỉ ư?”

“Ngài Gill, bây giờ là tháng 8 đó.”

“À, tôi hiểu … thế ông ấy ở đâu?”

“Ở nhà.”

“Ở đâu cơ?”

“Trong căn hộ của ông ấy trong thành phố. Anh cũng biết ông ấy ghét ra khỏi thành phố.”

“Moira cô có thể làm ơn cho tôi xin số điện thoại nhà của ông ấy không?”

“Hỏi quầy thông tin ấy. Số điện thoại nhà của ông ấy được liệt kê trong danh sách. Nó ở Park Avenue.”

Tôi lấy được số và bác sĩ Cohen trả lời ngay tiếng chuông đầu tiên.

“Xin chào.”

“Chào bác sỹ. Tôi xin lỗi đã làm phiền ông …”

“Ai vậy?”

“Michael Gill…”

“Việc tập thể dục sao rồi? Anh có thực hiện bài tập kéo dãn mà tôi hướng dẫn anh vào mỗi sáng không? Anh có thấy khá hơn không?”

“Không, tôi gọi vì một người bạn. Một người em họ của cô ấy vừa bị đưa vào phòng cấp cứu và chúng tôi rất biết ơn nếu ông có thể gọi cho họ và xem có chuyện gì đang xảy ra.”

“Tháng 8 không phải thời điểm tốt để vào phòng cấp cứu ở thành phố New York này. Tên anh ta là gì?”

“Winston?” Tôi nhìn qua phía Crystal.

“Winston Grove,” cô ấy nói. “Nó đang ở Mount Sinai.”

Tôi lặp lại thông tin cho bác sĩ Cohen.

“Chỗ đó như cái sở thú ấy,” bác sĩ Cohen nói. “Thôi được. Chỗ đó cũng không xa nhà tôi lắm. Tôi sẽ đi đến đó vậy. Cho tôi số của bạn anh đi.”

Tôi đọc số của Crystal cho ông ấy. Quản lý cửa hàng của Starbucks luôn cho các Cộng sự số của họ trong trường hợp có việc khẩn cấp xảy ra.

“Tập thể dục đi đấy nhé,” bác sĩ Cohen nói, và dập máy. Tôi cảm thấy biết ơn vị bác sĩ này vô cùng.

Crystal nhìn tôi, lau nước mắt và không dám mong đợi gì hơn. (Sau đó tôi mới biết bác sĩ Cohen đã giúp mọi việc suôn sẻ. Hóa ra Winston đúng là bị cao huyết áp và bị chứng tim đập nhanh thể nhẹ. Bác sĩ Cohen nói với Crystal rằng nếu cậu ta chịu ăn kiêng và tập thể dục thì tình trạng sẽ được cải thiện.)

“Cảm ơn Mike,” Crystal nói, sau khi tôi kết thúc cuộc gọi. “Gặp anh sau nhé. Tôi muốn đi thăm Winston.”

Cô ấy bước lên những bậc thang của tầng hầm và rồi lại quay đầu lại.

Tôi quay lại để nhìn cô ấy.

“Hôm nay anh đã làm tốt lắm,” cô ấy nói và rời đi.

 

 

Ủng hộ Rừng Hổ Phách

Mong các bạn ủng hộ để Amber duy trì trang web. Nếu không có Paypal thì có thể:
1. Chuyển khoản tới: Hoang Mai Nhung - 0021002033624 - Vietcombank.
2. Chuyển qua Momo
3. Gửi thẻ cào điện thoại Viettel
Chân thành cảm ơn!

Rừng Hổ Phách

Lịch

Tháng chín 2018
H B T N S B C
 12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
DMCA.com Protection Status