Chương 2: Sự thật phũ phàng
“Hãy tưởng tượng tất cả chúng ta đều giống nhau. Hãy tưởng tượng chúng ta đều có chung quan điểm chính trị, tôn giáo và đạo đức. Hãy tưởng tượng chúng ta đều thích một loại âm nhạc, nghệ thuật, đồ ăn và cà phê. Hãy tưởng tượng chúng ta đều có cùng vẻ ngoài. Nghe có vẻ nhàm chán nhỉ? Sự khác biệt không phải là thứ chia rẽ chúng ta. Hãy yêu quí sự đa dạng. Nhân phẩm là quyền con người của mỗi chúng ta.”
THÁNG TƯ
Một vài tuần khổ sở trôi qua và tôi vẫn không nhận được tin gì từ Crystal. Mỗi giây phút tôi đều mong chờ cuộc gọi của cô ấy trong lo lắng cố ý hoặc vô ý. Tôi tiếp tục đi đến quán Starbucks ở góc đường 78 và Lexington nơi chúng tôi đã gặp, hy vọng có thể nhìn thấy cô ấy ở đó nhưng cô ấy chưa bao giờ xuất hiện.
Tôi cũng tiếp tục gọi điện cho các khách hàng tiềm năng đối với công việc quảng bá của mình nhưng hộp thư thoại của tôi vẫn trống không. Hơn bất kỳ lúc nào, tôi cần một công việc, bất kỳ việc gì. Khi tôi gặp Crystal lần đầu tiên, tôi đã không thực sự nghiêm túc về ý tưởng làm việc tại Starbucks. Nhưng qua một vài tuần trở lại đây, khi đợi chờ cuộc gọi của cô ấy mà không có bất kỳ một lựa chọn nào khác để tôi hy vọng, thì tôi đã nhận ra rằng Starbucks có thể cho tôi một lối thoát – có lẽ là lối thoát duy nhất – để chi trả cho cuộc phẫu thuật não sắp tới và hỗ trợ đứa con trai bé bỏng và những đứa con khác của tôi. Để hỗ trợ bản thân tôi nữa. Tôi đang phải đối mặt với thực tế, ở cái tuổi già nua này, rằng tôi gần như không thể tự nuôi sống mình. Tôi đã để lại cho vợ trước căn nhà lớn và đang dùng đến những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng và giờ tôi phải đối mặt với việc có thể không trả nổi tiền thuê nhà tháng sau. Tôi trở nên tuyệt vọng hơn vài tuần trước. Bất kỳ khi nào điện thoại của tôi reo, tôi đều khẩn cầu đó là Crystal.
Tôi đã làm gì sai trong buổi phỏng vấn ư? Tôi tự hỏi. Hay đã nói gì không đúng? Hay tôi không phải là người thuộc giới tính, dân tộc hay độ tuổi mà Crystal muốn làm việc cùng?
Khi ngồi chờ điện thoại reo, tôi nghĩ lại những buổi thử vai cho các quảng cáo trên truyền hình mà tôi đã thực hiện vài thập kỷ trước. Khi đó tôi đã không ngần ngại loại các ứng cử viên chỉ vì những lỗi nhỏ. Nếu một diễn viên nam có nụ cười quá sáng hoặc không đủ sáng, hoặc nếu một cô gái trẻ có giọng không chuẩn, thì người đó sẽ bị loại. Khi tuyển dụng, tôi chọn những người giống mình, với bối cảnh gia đình giống mình. Giờ đây khi mỗi ngày lại trôi qua mà Crystal vẫn không gọi thì tôi càng chìm sâu vào cái cảm giác rằng có thể Crystal cũng nghĩ theo cách đó: Làm việc dễ dàng và tránh xa những người khác mình.
“Sự đa dạng” là một từ ngữ vĩ đại trong thời đại ngày nay. Nhưng rất ít người mà tôi biết thật sự vượt qua được tầng lớp xã hội và bối cảnh gia đình – đặc biệt là trong việc tuyển dụng người sẽ làm việc với họ mỗi ngày. Ở các tập đoàn Mỹ, sự đa dạng là một mục tiêu hấp dẫn mà mọi người biết làm thế nào để thực hiện nhưng rất ít người thực sự làm được điều đó. Thực chất nó chỉ là một từ mà chúng ta thảo luận theo một cách mơ hồ khi chính phủ đang nghe ngóng.
Hy vọng duy nhất của tôi là Crystal cần đủ nhiều nhân viên mới – hoặc đủ can đảm – để cho tôi một cơ hội. Điều này có quá mỉa mai không khi tôi lại đi hy vọng rằng Crystal sẽ nhân từ hơn tôi?
Tôi ép bản thân không được nghĩ đến chuyện này. Và rồi một ngày khi tôi đang ở ga Grand Central, điện thoại của tôi reo vang.
“Mike?”
“Đúng?” tôi trả lời với giọng ngờ vực. Giọng của người ở đầu dây bên kia không giống bất kỳ ai mà tôi biết.
“Tôi là Crystal.”
Thái độ cảnh giác của tôi lập tức thay đổi.
“Ồ, xin chào!” tôi nói một cách nhiệt tình. “Thật tốt được nghe giọng cô!”
“Anh có cần một công việc nữa không…,” cô ấy dừng lại và tiếp tục một cách thật ngầu, “làm việc cho tôi?” Nghe như thể cô ấy rất sẵn lòng nghe một câu trả lời không và tiếp tục ngày làm việc của mình. Tôi tưởng tượng cô ấy có một danh sách những ứng viên tiềm năng mà cô ấy đang nghiên cứu. Và hầu hết những người trong danh sách này có lẽ đều phù hợp làm việc cùng cô ấy hơn là tôi.
“Có, tôi thực sự muốn làm việc với cô,” tôi gần như hét vào điện thoại. “Tôi mong đợi được làm việc với cô và nhóm của cô.”
Bình tĩnh lại, Mike, tôi tự nói với bản thân như vậy. Đừng có tỏ ra nhiệt tình quá. Và tại sao tôi lại nói đến “nhóm” nhỉ? Crystal đã nói về “cộng sự”. Tôi biết rằng mỗi công ty có một ngôn ngữ riêng mà bạn phải theo nếu bạn muốn được đối xử tốt. Tôi đang muốn hòa nhập vào môi trường này đến phát điên lên được. Bình tĩnh lại, tôi nói với bản thân mình, hoặc là mày sẽ thổi bay cơ hội cuối cùng này đi mất.
Nhưng có vẻ điều này chẳng quan trọng – Crystal không thực sự lắng nghe. Bạn có biết khi bạn đang nói chuyện với ai đó trên điện thoại và người đó chỉ vờ lắng nghe khi mà họ đang làm điều gì đó khác họ cho là quan trọng là như thế nào không? Tôi đã cảm thấy như vậy vào cái ngày đó khi nói chuyện với Crystal. Đối với tôi, cuộc gọi này là vô cùng quan trọng. Đối với cô ấy thì đây chỉ là một trong những việc cần làm trong một ngày bận rộn thôi.
Cái cách bình thản mà cô ấy cho tôi một công việc thật là một điều sỉ nhục.
“Được rồi,” cô ấy nói. “Hãy đến cửa hàng của tôi ở góc phố 93 và Broadway vào lúc ba giờ rưỡi chiều mai.”
“Góc phố 93 và Broadway?” tôi lặp lại, ngạc nhiên bởi địa chỉ nơi đó.
“Đúng.” Cô ấy nói như thể cô ấy đang hướng dẫn một đứa trẻ ba tuổi. “Chín mươi ba … và … Broadway, và đừng đến muộn đấy.”
Tôi hơi bối rối. “Nhưng chúng ta gặp mặt ở cửa hàng góc phố 78 và Lex cơ mà.”
“Thì sao?” Cô ấy nghe như thể đang đe dọa. “Tôi gặp anh ở đó vì chúng tôi có một buổi tuyển dụng ở đó. Đó là cách mọi việc được thực hiện ở Starbucks.”
Crystal đang dùng cái giọng mà tôi biết rõ. Tôi đã dùng cái thái độ cứng nhắc chỉ có trong các doanh nghiệp đó khi đuổi những người mà tôi không muốn gặp.
“Ở Starbucks,” cô ấy tiếp tục, “chúng tôi chọn một cửa hàng, mở một buổi tuyển dụng, và quản lý của các cửa hàng đang cần người sẽ đến phỏng vấn ứng viên. Nhưng thế không có nghĩa là anh sẽ làm việc tại cửa hàng đó. Tôi là quản lý của cửa hàng ở đường Chín mươi ba và Broadway.” Cô ấy ngừng lại và nói tiếp, “Anh có vấn đề gì với việc đó không?”
Cô ấy lại dùng cái giọng đe dọa đó một lần nữa. Có hay không? Cô ấy còn những người khác trong danh sách để gọi và đang rất sẵn lòng kết thúc cuộc gọi này. Tôi có thể cảm thấy cô ấy chẳng thích lắm việc đề nghị cho tôi công việc này.
“Không có vấn đề gì,” tôi nhấn mạnh để đảm bảo với cô ấy. “Tôi sẽ có mặt ở đó đúng giờ vào ngày mai.”
Tôi nghe như thể – thậm chí chính tôi cũng thấy thế – một lão già nói chuyện như một đứa trẻ mới đến trường. Thật xấu hổ!
“Nếu anh muốn làm việc, hãy mặc quần đen, giầy đen, và một cái áo trắng. Có vấn đề gì không?”
“Được,” tôi trả lời.
Cô ấy cúp máy. Thậm chí cô ấy còn chẳng nói tạm biệt.
Chết tiệt! Cuộc gọi ngắn ngủi đó khiến tôi thật căng thẳng. Trong vài tuần trở lại đây, khi mà thực tế của cuộc sống khó khăn càng trở nên rõ ràng hơn đối với tôi, thì tôi cố gắng bắt lấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc tôi có thể có cơ hội duy trì vị trí của mình ở tầng lớp trên của xã hội Mỹ thay vì rớt không phanh xuống những tầng đáy – để tránh bị chìm ngỉm trong nỗi tuyệt vọng. Những ngày qua khi chờ đợi cuộc gọi của Crystal, cái viễn cảnh phải làm việc tại Starbucks khiến tôi vô cùng xấu hổ nhưng tôi tự nói với bản thân rằng ít nhất tôi được làm gần nơi tôi đã lớn lên. Đó là một khu vực tốt. Nơi đó sẽ an ủi tôi trong quá trình chuyển đổi từ tầng lớp thống trị xuống tầng lớp phục vụ. Trong sự suy sụp rõ ràng đến không thể chối cãi của bản thân về mặt tài chính và cả địa vị xã hội thì con phố Bảy mươi tám là một niềm an ủi nho nhỏ.
Dù là nó ở đâu đi chăng nữa thì tôi cũng chưa bao giờ đi đến khu vực đường Chín mươi ba và Broadway cả. Nguyên tắc của tôi khi sống ở New York City là không bao giờ đi lên quá đường Mười chín phía đông hoặc xuống quá Grand Central. Giờ thì tôi chuẩn bị làm việc tại cái nơi mà tôi hình dung là một khu vực rất nguy hiểm. Nơi đó rõ ràng là xa khu vực Bờ Đông thượng Manhattan, nơi mà tôi coi là nhà.
Và tôi cũng không thích thái độ của Crystal đối với tôi. Cô ấy làm như tôi là thằng ngốc không bằng. Tôi cảm thấy cô ấy rất không công bằng. Và rồi tôi hối hận khi nhớ ra mình cũng từng đối xử với một cô gái trẻ người Mỹ gốc Phi làm việc cho tôi tại JWT với cùng một kiểu thái độ khinh khỉnh đó. Jennider Walsh được tuyển trong chiến dịch tuyển dụng những người thuộc bộ phận thiểu số mà chúng tôi thực hiện hồi thập niên Bảy mươi. Đó là một biểu hiện, một nỗ lực ngắn hạn của chúng tôi để thực hiện việc đa dạng hóa.
Chỉ đơn giản bởi vì cô ấy là một phần của chiến dịch tuyển dụng những người thuộc tầng lớp thiểu số này, Jennifer khiến tôi nghi ngờ khả năng của cô ấy. Tôi được giao nhiệm vụ làm người hướng dẫn cho cô ấy. Thế nhưng cho đến tận sau cuộc gọi của Crystal ở Grand Central, tôi chưa bao giờ hiểu cái cảm giác bị bỏ qua chỉ bởi sự khác biệt về hoàn cảnh. Trái tim tôi nặng trĩu khi tôi nhận ra mình đã có thái độ đầy định kiến như thế nào đối với những người có hoàn cảnh khác biệt với mình ở JWT. Ở công ty, chúng tôi đều thích thú cái sự thật là hầu hết mọi người đều học ở các trường danh tiếng và lâu đời. Chúng tôi nghĩ mình chính là tinh anh của giới quảng cáo. Chúng tôi đều cho rằng việc tuyển dụng bất kỳ ai không tốt nghiệp các trường tốt nhất của tốt nhất đó thì đều khiến thứ hạng của chúng tôi bị tụt theo – và rất nhiều những người như thế được tuyển trong chiến dịch đó.
Jennifer rất dễ thương nhưng cô ấy chỉ tốt nghiệp chương trình hai năm ở trường cao đẳng và tôi chưa bao giờ coi công việc của cô ấy ở JWT là nghiêm túc. Tôi đã bảo cô ấy đọc các quảng cáo trong vài tuần mà chẳng thèm hướng dẫn cô ấy viết bài nào. Sau đó tôi giao cho cô ấy nhiệm vụ viết một bài quảng cáo trên báo cho Ford. Đó là quảng cáo đầu tiên của cô ấy.
Jennifer tới văn phòng của tôi. Rõ ràng là cô ấy sợ đến cứng đờ khi tiến về phía chiếc bàn làm việc lớn của tôi. Điều này càng khiến cho tôi nghĩ rằng cô ấy không hợp với JWT vì chúng tôi phải cho khách hàng thấy sự tự tin của mình. Tôi đã đổ lỗi cho Jennifer chỉ vì cô ấy cảm thấy bất an trong môi trường hoàn toàn mới này. Khi đọc bản nháp quảng cáo của cô ấy, tôi nhận ra cô ấy đã chép lại y nguyên một đoạn từ một quảng cáo khác của Ford mà tôi đã đưa cô ấy đọc. Đây chính là cái kiểu đạo văn bị ghét cực kỳ ở JWT. Có lẽ bởi vì chúng tôi là những người viết nội dung nên chúng tôi không thể chịu nổi việc ai đó chép lại lời của người khác. Jennifer đã phạm phải một tội không thể bỏ qua trong khi làm việc. Ít nhất đó là những gì tôi thấy được lúc đó.
Giờ nghĩ lại, tôi nhận ra cô ấy có lẽ không biết điều đó là vi phạm quy định và tôi tất nhiên cũng chẳng chỉ ra cho cô ấy. Tôi thậm chí còn chẳng thèm cân nhắc lại. Lỗi lầm ngu xuẩn này của cô ấy đã cho tôi một cái cớ. Tôi đi thẳng tới ban quản lý và nói với họ rằng Jennifer có thể sẽ là một thư ký tốt một ngày nào đó nhưng cô ấy không có “những thứ cần thiết” để nắm bắt thứ nghệ thuật cao siêu của quảng cáo. Tôi không có thời gian cho cô ấy và cả cái ý tưởng đa dạng hóa.
Sau khi chứng kiến sự hờ hững của Crystal trong việc xử lý cái cơ hội việc làm mà với tôi thì vô cùng quan trọng, tôi nhận ra trong sợ hãi rằng mình thật tàn nhẫn biết bao khi “giúp đỡ” Jennifer. Tôi đã từng là một kẻ đạo đức giả trong đám những kẻ cổ hủ tự tung hô bản thân vì đã tin tưởng vào cái lý thuyết về sự tiến bộ của tầng lớp thiểu số, trong khi thực tế lại làm mọi thứ có thể tại nơi làm việc – nơi mà tôi có quyền kiểm soát – để lý thuyết này không thực hiện được. Dù cố ý hay vô ý thì tôi cũng đã làm hỏng nỗ lực của Jenniver khi muốn hòa nhập vào cái thể giới nhỏ của tôi chỉ bởi vì cô ấy là người Mỹ gốc Phi và không có được sự giáo dục cũng như kinh nghiệm mà tôi coi trọng.
Jennifer sau đó bị chuyển sang làm công việc văn phòng nào đó ở bộ phận nhân sự và tôi hoàn toàn quên mất cô ấy cho đến giờ phút này. Giờ tôi cảm thấy thật kinh khủng. Tôi tưởng tượng việc Crystal coi tôi là một lão già da trắng ngu ngốc mà cô ấy đã sai lầm khi cho tôi một công việc. Tôi sẽ không hợp với thế giới của cô ấy hoặc không đủ tốt để đáp ứng những yêu cầu của cô ấy – đúng như những gì tôi cảm nhận về một cô gái Mỹ da đen trẻ tuổi vài thập niên trước.
Tôi cũng muốn tự đá bản thân vì đã không nghe lời con gái mình, Laura, trong suốt nhiều năm. Laura có mái tóc màu nâu rực rỡ tôn lên đôi mắt màu hạt dẻ lấp lánh. Và giờ tôi vẫn có thể nhớ lại hình ảnh con bé lắc đầu trong giận dữ vì tôi không chịu “hiểu vấn đề”. Con bé đã dành nhiều thời gian để giới thiệu cho tôi một cách nhìn nhận thực tế hơn về thế giới và bởi vì tôi quá là không tinh tế, tôi đã không lắng nghe con bé. Laura có một thứ năng lượng thật tích cực và linh hoạt; con bé có thể cười một cách dễ dàng nhưng nó vẫn có cảm nhận về sự bất công trong cuộc sống. Trong quá trình trưởng thành, con bé đã nhìn nhận những nỗ lực vì người Mỹ gốc Phi là hành động mang tính khẳng định. Con bé sẽ ngồi đối diện tôi trên bàn ăn tối, xoắn lọn tóc xinh đẹp trong giận dữ khi chúng tôi tranh cãi. Tôi đã coi cảm giác và ý tưởng của con bé về việc làm thế nào để giúp đỡ những người kém may mắn hơn là “ngây thơ một cách vô vọng”. Tôi cảm thấy an toàn khi bọc mình trong lớp bong bóng của sự tự tâng bốc: tôi tự thuyết phục bản thân rằng công việc hàng đầu trong ngành quảng cáo và sự sung túc mà tôi đạt được là phần thưởng bởi vì tôi là một người thông minh và tài năng … chứ không phải chỉ đơn giản vì địa vị và sự thành công mà tôi nhận được ngay khi sinh ra và vì màu sắc may mắn trong cái thế giới bị thống trị bởi “những gã đàn ông da trắng trung niên cùng thế hệ với bạn” như Laura đã từng gọi. Laura và tôi có những cuộc tranh cãi triền miên trong suốt khoảng thời gian con bé trưởng thành. Dường như từ khi con bé mười tuổi, nó đã coi cái phong cách sống đầy vương giả của tôi là một thứ đáng bị phản đối trong khi nhiều người khác không có được nhiều như vậy.
Thậm chí bây giờ khi đã học đại học thì con bé cũng chưa bao giờ đánh mất sự đồng cảm đối với những người kém may mắn hơn mình. Con bé thực tế là đã khóc khi tôi đưa nó đến ngôi trường đại học trong mơ mà tôi đã chọn cho nó.
“Có chuyện gì nào?” tôi hỏi con bé. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để con bé có thể vào được trường này, thậm chí cả việc gọi điện cho một người ủy thác để nói vài lời tốt đẹp tôi cũng đã làm.
“Cái nơi này không có sự đa dạng”, con bé nói, đấu tranh để thể hiện sự bực bội với tôi và thái độ đặc quyền của tôi khi con bé chỉ một đám sinh viên mới người da trắng đang đổ vào khu ký túc mới xây đẹp đẽ mà con bé sẽ ở lại. “Bố vẫn không hiểu!”
Giờ tôi nhận ra trong đau đớn việc tôi đã sai đến thế nào khi cố gắng bóp nghẹt quan điểm của Laura về “thế giới chân thật”, một nơi bất công đối với những người không sinh ra đúng tầng lớp xã hội, màu da và không đủ khả năng chi trả cho việc giáo dục mà họ xứng đáng. Trái tim tôi thực sự đau đớn khi nhận ra trong nuối tiếc về sự giả định của bản thân rằng Chúa tạo ra tôi và những người giống tôi để thống trị vì chúng tôi đáng giá hơn những dân tộc khác. Cuối cùng thì giờ đây tôi cũng đang “dần hiểu” điều đó khi tôi phải đối mặt với một thực tế mới của cái thế giới mà không có những đặc quyền được thừa hưởng.
Nhưng liệu những kiến thức khó khăn lắm tôi mới học được này có đến quá muộn để thay đổi cuộc đời tôi hay không?
Có lẽ đây là một cái nghiệp, tôi nghĩ. Và tôi thật là đáng đời mà. Nhưng mà tôi không định từ chối lời mời làm việc của Crystal – dù thái độ của cô ấy có là gì đi nữa.
Hôm sau tôi dậy sớm và đột nhiên nhận ra rằng mình sắp đón sinh nhật lần thứ sáu tư trong vài tuần nữa. Người ta nói tháng Tư là tháng dễ chịu nhất trong năm và khi tôi đang cố tròng cái quần đen vào để đi làm ở Starbucks, tôi đã lắc đầu ngán ngẩm vì có lẽ tôi sẽ đón sinh nhật của mình bằng công việc phục vụ cà phê thấp kém.
Tôi không biết nên khóc hay nên cười với cái cảm giác lo sợ của mình khi tôi chạy vội khỏi căn hộ rẻ tiền ở khu ngoại ô của mình để bắt chuyến tàu tới Grand Central. Rồi tôi lại chạy nhanh nhất có thể trong dòng người hối hả để đón tàu điện ngầm đến Quảng trường Thời Đại. Mặc dù cứ vài phút lại có một chuyến tàu nhưng chúng tôi vẫn cố ép người lên chuyến tàu trước mặt như thể đó là cơ hội cuối cùng để đi đến đâu đó trong ngày hôm nay. Tôi không thể tưởng tượng được đám đông di chuyển nhanh đến thế nào – cứ như thể chúng tôi đang ở trong cuộc thi chạy một trăm mét của một kỳ Olympic. Sao phải vội vàng nhỉ? Tôi không dùng phương tiện công cộng để đi làm trong nhiều năm và lúc trước tôi toàn bắt taxi hoặc đi xe cơ quan khi mà tôi càng ngày càng leo cao trên nấc thang đặc quyền ở JWT. Tôi chưa bao giờ phải đi tàu điện ngầm cả. Nhưng giờ đây tôi chẳng có nghi ngờ gì về cái sự điên rồ của dòng người di chuyển này – tôi cũng phải chạy cùng với họ.
Từ Quảng trường Thời Đại, tôi chuyển qua một chuyến tàu đông đúc khác để đi đến phố Chín mươi ba. Lúc cố ép bản thân mình vào trong khi tàu đóng cửa, tôi nhận ra mình đang ép lên những người khác, những người mà tôi sẽ chẳng bao giờ muốn biết họ là ai; và bị buộc phải có những tiếp xúc cơ thể với họ. Những gương mặt đều không quen thuộc. Làm thế nào mà cuộc đời mình lại đi đến chỗ này chứ? Tôi nghĩ. Rất nhanh, cửa mở và tôi bị buộc phải bước ra sân ga bẩn thỉu bên ngoài. Tôi trèo lên những bậc thang dốc để đi ra con phố Chín mươi ba với trái tim đập ầm ầm, mồ hôi túa ra mặc dù đó là một ngày lạnh đầu tháng tư.
Khi ra khỏi bến tàu điện ngầm, tôi phải chống chọi với những cơn gió và sau đó lảo đảo đi đến cửa hàng Starbucks ở góc đường Broadway. Mưa lạnh cóng khiến con đường trở nên trơn trượt. Tôi chợt dừng lại. Giờ tôi đã ở trước cửa hàng, tôi lại chẳng vội vàng để mở cửa.
Khi tôi nhìn chằm chằm cái biển hiệu Starbucks, thực tế phũ phàng của hoàn cảnh quất tới khiến tôi thấy ốm. Tôi tê tái, đứng trên vỉa hè lạnh giá ở một nơi không quen thuộc trong thành phố này. Giấc mơ một lần nữa gia nhập một tập đoàn quốc tế để trở nên giàu có, quyền lực và hạnh phúc giờ đã trở thành một cơn ác mộng ê chề. Vâng, đúng là tôi sẽ tham gia vào một tập đoàn đa quốc gia lớn nhưng thực tế là làm ở vị trí của một gã bồi bàn với một cái tên bóng bẩy. Ở nơi công cộng này tôi sẽ phải xấu hổ khi người ta biết Michael Gates Gill lại mặc như bồi bàn và phục vụ đồ uống cho những người có thể là bạn hoặc từng là khách hàng của tôi. Nó giống như việc những người hành hương ngày xưa trói tội phạm vào gốc cây ở quảng trường công cộng để làm ví dụ răn đe những người khác.
Như trưởng lão Thanh giáo Jonathan Edwards đã nói: “Chúng ta đều là con rối được treo trên một sợi tơ nối với bàn tay của chúa trời đang giận dữ.” Có lẽ có một vị chúa của Thanh giáo đang giận dữ đã quyết định trừng phạt mọi lỗi lầm của tôi. Mỗi phút giây của vài năm qua, tôi đã phải chịu gánh nặng tội lỗi khi làm tổn thương những người mà mình yêu quí. Đó là vợ cũ của tôi, con tôi và vài người vẫn còn là bạn của tôi. Tổ tiên Thanh giáo của tôi chắc sẽ nổi giận với tôi. Đúng vậy, tôi nghĩ chắc là có vị Chúa cáu kỉnh nào đó mà tôi đã mạo phạm.
Nhưng tôi phải công nhận rằng cái thực tế mà tôi phải đối mặt trần tục hơn thế. Tôi không thể giả vờ như mình đang trải qua một cuộc hành trình thần bí như trong kinh thánh. Không phải tôi đang làm một thể loại công việc hiện đại nào đó; tôi đang tìm việc. Và tôi phải đối mặt với thực tế phũ phàng hàng ngày rằng tôi ở đây vì chính sự quản lý tài chính tồi tệ, và nhu cầu tình dục của mình đã khiến tôi rơi vào cảnh bơ vơ này. Tôi chả phải người đặc biệt gì để được Chúa phán xét riêng. Thật là đau đớn khi phải thừa nhận tôi còn chưa phải đặc biệt đến mức ấy. Rất khó để tôi có thể từ bỏ cái cảm giác về một nơi đặc biệt trong thế giới này.
Giờ tôi bị buộc phải nhìn nhận một thực tế mới: những gì mà tôi đang trải qua – một kẻ đã quá già để đi tìm việc – là thực tế mà hàng triệu người Mỹ có tuổi đang phải đối mặt khi không thể tự nuôi sống bản thân và không trụ nổi trong các tập đoàn lớn. Trong tình trạng đầy lo lắng, mâu thuẫn và nỗi hổ thẹn không mong muốn, tôi mở cánh cửa vào cửa hàng Starbucks.
Bên trong, mọi thứ đều ấm áp và ồn ào một cách có trật tự. Một hàng khách dài ra đến gần cửa đang đứng đợi. Những bà mẹ bế con trên tay với xe đẩy. Nhân viên văn phòng thì đang kiểm tra điện thoại. Lũ học sinh thì đang lôi kéo cặp sách. Sinh viên đại học thì mang theo máy tính. Tất cả đều bồn chồn chờ đợi được phục vụ latte.
Khi tôi nhìn những người phụ vụ bên kia quầy bán hàng, nỗi lo lắng của tôi được xác nhận: tất cả các nhân viên đều là người Mỹ gốc Phi. Rõ ràng là ở đây không có sự đa dạng. Điều này không phải điều ngạc nhiên đối với tôi, bởi vì tôi đã để ý thấy nó khi đến thăm nhiều cửa hàng Starbucks khác nhau sau buổi phỏng vấn với Crystal. Sự thật là không có nhiều người da trắng làm việc cho các cửa hàng của Starbucks ở New York.
Lần đầu tiên trong đời tôi biết mình sẽ trở thành một thành viên nổi bật nhất trong một cộng đồng thiểu số thực sự. Tôi sẽ làm việc với những người có hoàn cảnh, giáo dục, tuổi tác và dân tộc hoàn toàn khác với mình.
Và từ thực tế những gì đang diễn ra trong cửa hàng, rõ ràng là tôi sẽ phải làm việc vô cùng vất vả. Có ba nhân viên đang vất vả đóng mở quầy tiền, nhận tiền và nhanh chóng hô to tên các loại đồ uống cho nhân viên ở quầy pha chế. Nhân viên ở quầy pha chế thì nhanh chóng lặp lại tên các loại đồ uống trong khi pha chế chúng một cách thành thạo, đong đếm những cốc sữa nóng và rót cà phê. Với tốc độ đặt hàng như tên lửa, họ phục vụ thức uống cho khách hàng kèm theo lời chúc đầy năng lượng đến gần như là hét lên “Chúc ngon miệng!” Khách hàng sẽ tự với tay lấy đồ uống của mình với niềm khao khát mãnh liệt.
Cái công việc kinh doanh cà phê này rõ ràng không phải là việc bình thường với bất kỳ ai – ở cả hai đầu của quầy bán. Có một nhịp độ điên cuồng và những ồn ào cố ý như trong một cuộc chạy đua với thời gian. Tôi chưa bao giờ giỏi thể thao cả và cửa hàng này có cái không khí thi đấu của những người đang vận hành nó với adrenaline dâng tràn. Phải gọi tên và lặp lại tên các loại đồ uống, có vẻ như tôi sẽ tham gia một buổi thử giọng cho một vở nhạc kịch Ý ồn ào.
Đột nhiên tôi thấy lo lắng. Không chỉ về sự khác biệt liên quan đến dân tộc, tầng lớp và tuổi tác. Giờ tôi có một mối quan tâm cơ bản hơn. Tôi vốn nghĩ công việc ở Starbucks nằm dưới khả năng mà tôi có. Nhưng giờ tôi nhận ra có lẽ nó vượt quá những khả năng đó. Công việc này có thể là một thách thức thực sự đối với tôi cả về tinh thần, cảm xúc và thể chất.
Tôi chưa bao giờ giỏi về xử lý tiền bạc – đó là lý do chính mà giờ tôi cần một công việc đến thế. Toán là môn học mà tôi chưa bao giờ giỏi ở trường. Tôi vẫn còn nhớ rõ ràng những lần các giáo viên toán khác nhau phải thốt lên rằng “nhưng bài này rất dễ mà” khi họ viết lên bảng một phương trình nào đó. Tôi ghét những giáo viên đó vì sự thông thái của họ. Thậm chí những phép tính cộng, trừ đơn giản nhất cũng là thách thức đối với tôi. Giờ đây cái thực tế là các nhân viên đang tính toán tiền với tốc độ nhanh chóng ở quầy bán của Starbucks khiến tôi thấy sợ hãi.
Tôi đã mất khả năng nghe ở một bên tai vì khối u não. Thế nên việc nghe được những cái tên phức tạp của các loại đồ uống có thể là một vấn đề khó khăn đối với tôi. Tôi cũng sợ hãi cái ý nghĩ phải hiểu được những yêu cầu đặt hàng lắt léo và gọi ra đúng những yêu cầu đó trong thời gian tính bằng giây. Ngôn ngữ chưa bao giờ là kỹ năng mà tôi có. Giáo viên tiếng Pháp của tôi ở Yale đã nói, “tôi sẽ cho anh qua với một điều kiện: anh đừng bao giờ đi tra tấn bất kỳ ai trong cái trường này với cái giọng đó của anh.” Nhưng giờ đây rõ ràng là tôi phải làm chủ được thứ ngôn ngữ ngoài hành tinh của Starbucks.
Trong ấn tượng đầu tiên đó, tôi nhận ra với một cảm giác ê chề rằng công việc mới của tôi có thể là một bài kiểm tra mà khả năng lớn là tôi sẽ trượt. Tôi đã mặc một chiếc quần đen với áo trắng và không thắt cà vạt. Tôi cảm thấy cô đơn và sợ hãi. Và rồi Crystal xuất hiện như một cơn lốc đầy năng lượng tích cực.
“Cùng uống một ly cà phê nhé,” cô ấy nói và dẫn tôi qua một cái bàn nhỏ ở trong góc. “Ngồi đây nhé, tôi sẽ mang cho anh thử một cốc cà phê mẫu.”
Có thể đây chỉ là thái độ chuyên nghiệp mà Crystal thể hiện trước mọi người nhưng tôi vẫn thấy biết ơn. Tôi nghĩ, có lẽ cô ấy đã thảo hiệp với việc thuê tôi và không thấy căm ghét bản thân hay tôi vì đã chấp nhận cơ hội này.
Tôi nhanh chóng ngồi xuống cái góc nhỏ với Crystal và nhấp một ngụm Sumatra ngon tuyệt. “Cái này là một loại cà phê được biết đến với hương vị của “đất mẹ”… nhưng tôi lại gọi nó là bùn đất.” Crystal cười và tôi cũng cười theo. Ngày hôm nay Crystal đội một cái mũ của Starbucks với búi tóc được giấu bên trong khiến cô ấy trông tinh tế, thậm chí lôi cuốn. Bông tai kim cương trên tai cô ấy lấp lánh.
Có lẽ là cà phê, mà phần nhiều có thể là khả năng của Crystal khiến tôi thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Nhưng tôi còn xa mới cảm thấy thoải mái. Bất chợt, tôi nhớ về hình ảnh của mình lâu trước đây khi đang tắm nắng với gia đình và bạn bè trên một cái cầu cảng ở hồ tại Connecticut. Giờ thì hình ảnh nằm dài và cười đùa thật thoải mái dưới ánh mặt trời ấm áp dường như đã từ những kiếp trước. Cái hồ nơi tôi lớn lên được vây giữa hàng mẫu Anh đất rừng tư nhân. Nó được tách rời khỏi thế giới xô bồ và ấp ủ tôi với niềm vui và những đặc quyền.
Tôi còn nhớ thời mình là cậu bé nhỏ ném táo vào nhà thơ Ezra Pound. Jay Laughlin, nhà xuất bản của Pound, chủ của khu cắm trại bên cạnh đã đưa Pound đến khu vực hồ ngày hôm đó. Pound ngồi yên như một bức tượng ở cuối cầu cảng. Có một lúc, ông ấy đã xắn quần lên và khua đôi chân trắng trong nước, tất nhiên vẫn không nói gì. Chân ông ấy trông như cái bụng trắng của một con cóc. Có cái gì đó trong sự xa cách đáng tự hào của Pound khiến tôi và anh em họ của mình thấy hứng thú. Chúng tôi nhặt vài quả táo mà chúng tôi đang ăn dở và bắt đầu ném chúng vào ông ấy. Tuy trượt nhưng những quả táo cũng khiến nước bắn tóe lên bộ quần áo ngoại quốc màu tối của ông ấy.
Ezra Pound không nói cũng không di chuyển. Cha tôi cười và ngầm ủng hộ hành vi của chúng tôi. Cha tôi đã viết trong cuốn sách bán chạy của ông, Nơi đây trong cuộc sống của người New York, về những năm tháng ông dành để viết tạp chí. Ở phần mở đầu, ông đã đưa ra quan điểm triết lý của mình: “Quy tắc đầu tiêu của cuộc đời là phải vui vẻ. Không còn quy tắc thứ hai.” Vui vẻ với bố tôi nghĩa là phá hỏng những thùng táo. Ông không thích quan điểm chính trị của Pound và việc ông ấy thưởng thức cảnh đẹp.
Cha tôi có thể đến hồ này bởi vì ông cưới mẹ tôi và gia đình mẹ tôi đã đi nghỉ ở đây trong hàng trăm năm. Cha tôi mang những đồng tiền mà người cha gốc Ai-len nhập cư vào Mỹ của ông đã kiếm được để ủng hộ dòng họ Mayflower của mẹ tôi. Cái hồ đó, nơi tràn đầy sự lịch thiệp của những nhóm người da trắng cao quí, quyền lực, rất hợp với phong cách nổi loạn mang tính khiêu khích cố ý kiểu Celtic của bố tôi. Với kiểu cách phớt lờ mang tính tự chủ trương, bố tôi thoải mái sử dụng số tiền mà cha ông ấy đã phải làm việc vất vả mới kiếm được.
“Tốt nhất nên tiêu tiền khi còn sống,” cha tôi tuyên bố như vậy với đôi mắt lấp lánh sự nhiệt tình kiểu có quỷ mới quan tâm. Dường như ông đang mỉa mai tài sản mà cha ông đã vất vả tích cóp và cả những người có nguồn gốc Bắc Mỹ ở xung quanh khu hồ, những người luôn căng thẳng tích cóp từng xu.
Cha tôi thích nói, thích viết và trên tất cả ông thích trở thành tâm điểm chú ý của các bữa tiệc. “Mọi thứ xảy ra tại các bữa tiệc,” ông luôn nói vậy. Vì vậy các bữa tiệc liên tiếp diễn ra tại cầu cảng của cái hồ mộc mạc nhưng độc đáo đó.
Cha tôi tiêu xài phung phí thời gian với tất cả những tài năng của bản thân. Ông ấy cống hiến cho những thứ khác nhiều đến nỗi không có đủ thời gian ở nhà với tôi. Chúng tôi chẳng bao giờ có thời gian gặp nói chuyện chỉ hai người, như cha và con. Khi tôi trưởng thành và rời khỏi nhà, ông mời tôi đến các bữa tiệc của mình và đó là cách duy nhất chúng tôi gặp nhau. Khi ông chết, tôi cũng không còn nhu cầu đi dự các bữa tiệc nữa.
Giờ tôi ngồi đây uống cà phê với Crystal – cách xa những bữa tiệc mùa hè tại khu hồ độc quyền đó – nhưng tôi lại cười với cô ấy và tôi có thể thấy được trái tim mình nhẹ nhàng hơn và tinh thần thì lên cao hơn một chút. Thực tế này khiến tôi thấy ngạc nhiên. Có lẽ nguyên nhân là do chất kích thích có trong loại cà phê này. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng tôi cảm thấy thoải mái trong hoàn cảnh hoàn toàn mới này – uống cà phê giữa một cửa hàng đông đúc nhưng đầy tính lạc quan như một cách để bắt đầu một công việc mới. Mọi thứ cũng quái gở và xa lạ giống như Alice ở xứ sở thần tiên. Hoặc Michael Gates Gill vượt đến một nơi khác, tầng lớp khác và thấy rằng điều đó cũng không đáng sợ lắm. Tôi đang vượt qua tình trạng cũ của mình và kết quả trực tiếp là tôi cảm thấy tốt hơn những gì tôi đã trải qua trong nhiều ngày. Hoặc tuần. Hoặc tháng.
Điều này thật điên rồ … nhưng tôi hy vọng có lẽ sẽ có phương pháp đối với sự điên rồ này.
Giọng của Crystal đánh vỡ giấc mộng ban ngày của tôi. “Mike, việc học được sự khác biệt của những loại cà phê này rất quan trọng.” Tôi không có thời gian xa xỉ để dành cho những thứ triết lý của bản thân nữa. Chuông đã gõ. Tôi giờ ở trong sàn đấu. Đã đến lúc tham dự vào những nỗ lực đang diễn ra từng phút hơn là đặt nặng suy nghĩ. Theo kịp những yêu cầu của khách hàng là công việc mới của tôi. Tôi phải từ bỏ việc dành quá nhiều thời gian để nghĩ về quá khứ và những gì tôi đã mất. Việc theo kịp hiện tại cũng là một thử thách lớn.
Tôi dần nhận ra, ở Starbucks, mọi thứ không xoay quanh tôi mà đều liên quan đến việc phục vụ người khác.
Crystal giữ khuôn mặt nghiêm túc và bắt đầu một bài giảng như thể tôi là một học sinh đang hào hứng với các câu chuyện về cà phê: “Cà phê Sumatra đến từ Indonesia; người Hà Lan đã mang chúng đến đó hàng trăm năm trước và nó thuộc một nhánh của một họ cà phê mà chúng tôi gọi là ‘gắt’”.
Lại “chúng tôi”, tôi để ý thấy điều đó và nghĩ về Linda White và cái từ “chúng tôi” mà cô ta dùng khi đuổi việc tôi. Crystal cũng có thể làm điều tương tự.
“Đây là cách mà chúng tôi chào đón những cộng sự mới,” Crystal giải thích, rướn người về phía tôi như thể sắp tiết lộ một bí mật cá nhân. “Chúng tôi tin rằng cà phê là công việc kinh doanh của mình. Cà phê Starbucks là tên của chúng tôi. Vì vậy chúng tôi chào đón tất cả các cộng sự mới với các mẫu cà phê và những câu chuyện về chúng.”
Crystal ngồi lại trên ghế và cười. Tôi cũng đáp lại cô ấy với một nụ cười. Khuôn mặc cô ấy giờ trông thật vui vẻ và lạc quan. Cả đôi mắt màu nâu của cô ấy, cũng ánh lên niềm thích thú hạnh phúc dù cho có lúc chúng cũng thật lạnh lẽo. Khi cô ấy nói, tôi có thể dễ dàng nhận ra người phụ này thông minh và nhiệt tình. Ít nhất là về việc kinh doanh cà phê. Và tôi cảm thấy có lẽ – chỉ là có lẽ thôi – Crystal sẽ cho tôi cơ hội để chứng tỏ bản thân.
Khi thưởng thức ly cà phê Sumatra đậm đà, tôi bắt đầu cảm thấy mình có thể giải quyết được công việc kinh doanh này của Starbucks. Tôi yêu cà phê; tôi thích học về lịch sử của mọi thứ. Tôi nhìn lướt qua các cộng sự đang làm việc tại quầy. Tất cả đều làm việc chăm chỉ nhưng dường như vẫn vui vẻ. Dù họ đều còn trẻ và không có ai là người da trắng thì tôi tự nghĩ rằng có lẽ tôi nên là một thành viên của cái nhóm ‘gắt’ đó giống như loại cà phê mà tôi đang uống.
Đột nhiên cửa nhà hàng bật mở. Một anh chàng người Mỹ gốc Phi đang cáu gắt bước vào. Anh ta phải cao trên một mét tám với cơ bắp cuồn cuộn dưới chiếc áo phông màu đen. Anh ta cuốn một miếng vải te tua trên đầu và trong mắt tôi trông chả khác gì một tên cướp biển thời hiện đại. Anh ta có ria mép và vài sợi gì đó ở cằm. Anh ta là kiểu người mà trong quá khứ tôi sẽ đi đường vòng để tránh.
Crystal gọi anh ta, “Này Kester, đến đây gặp Mike đi.”
Kester đi chậm đến bàn của chúng tôi. Tôi để ý thấy một vết bầm trên trán anh ta. Anh ta chìa một bàn tay to ra với tôi.
“Chào, Mike,” anh ta nói với một chất giọng trầm. Và rồi anh ta cười. Nụ cười khiến khuôn mặt anh ta biến đổi. Ngay lập tức tôi cảm thấy mình được chào đón. Trên thực tế, trông anh ta còn ấm áp hơn cả Crystal. Tại sao ư? Có phải vì anh ta tự tin hơn về việc có thể xử lý tôi? Những gã đàn ông gia trắng già cả sẽ chẳng khiến anh ta phải bận tâm.
“Kester, anh kiếm cục bầm đó ở đâu vậy?” Crystal nói và chỉ lên trán anh ta.
“Đá bóng ấy mà.”
“Đá bóng?”
“Phải, một vài người bạn ở Columbia gọi tôi cùng tham gia trận đấu … Hóa ra họ nghĩ là tôi chơi tốt. Như một điều tự nhiên.” Kester cười khi nói điều này.
Nhưng Crystal nhanh chóng quay lại công việc đang làm trong tay. Khuôn mặt của cô ấy trở lại cái kiểu chuyên nghiệp và nghiêm khắc mà tôi sẽ biết sớm. Tôi có cảm giác Crystal luôn thích nắm quyền kiểm soát. “Mike là một cộng sự mới,” cô ấy giải thích cho Kester, “và tôi đang tự hỏi liệu anh có thể giúp tôi một việc … anh có muốn làm người hướng dẫn cho anh ta không?”
Tôi học được là ở Starbucks chẳng ai ra lệnh cho ai làm gì cả. Mọi thứ luôn là “Anh có thể giúp tôi một việc không?” hoặc cái gì đó tương tự thế.
“Chắc chắn rồi,” Kester trả lời, “Tôi sẽ thay đồ rồi trở lại ngay.”
Sau khi anh ta đi, Crystal nói với tôi trong khi rướn người về phía trước một cách thần bí, “Kester chẳng bao giờ cười cho đến khi anh ta bắt đầu làm việc ở đây. Anh ta từng là đại ca của một nhóm những kẻ…” Cô ấy ngừng lại, có vẻ như ý thức được việc kể cho tôi biết quá nhiều. Cô ấy ngồi lại, sửa sang tóc. Cô ấy đổi tâm trạng quá nhanh từ tự tin, thần bí, nghiêm túc, vui vẻ, chuyên nghiệp, lo lắng và giờ đây lại là lo lắng.
Kester trở lại, mặc một chiếc tạp dề màu xanh lá cây và mũ Starbucks đen nhưng trông vẫn khá là đáng sợ … cho đến khi anh ta cười. Crystal đứng lên nhường chỗ cho anh ta.
“Tôi sẽ mang cho hai người thêm cà phê.”
Crystal quay lại với một cốc Verona cho mỗi người và vài miếng bánh sô cô la cà phê. Tôi ngạc nhiên bởi phong cách nhiệt tình mà cô ấy đối đãi với chúng tôi. Tôi chưa từng phục vụ bất kỳ thứ gì cho bất kỳ cấp dưới nào trong suốt quãng thời gian làm việc tại công ty trước kia. Nhưng Crystal có vẻ thực sự thích việc này. Cô ấy và Starbucks dường như đang đảo lộn hết cái khái niệm thứ bậc truyền thống trong các công ty.
Cô ấy lại bắt đầu giải thích chi tiết về Verona và kể cho chúng tôi rằng nó là loại cà phê nam Mỹ ‘vừa phải’ rất phù hợp dùng chung với sô cô la.
“Nhưng mà,” Crystal giải thích và cười tươi với chúng tôi, “tất cả các loại cà phê đều hợp với sô cô la; chúng như an hem họ thân thiết vậy. Anh sẽ thích hương vị của Verona khi dùng chung với bánh sô cô la cà phê này.”
Cô ấy để chúng tôi tự thưởng thức bánh và cà phê của mình như thể chúng tôi là khách trong nhà cô ấy. Đây rõ ràng là một trải nghiệm hoàn toàn khác những gì mà tôi tưởng tượng. Cà phê Verona với bánh sô cô la cà phê là một sự kết hợp hoàn hảo – Crystal đã đúng.
Rồi Crystal đưa chúng tôi cà phê Colombia với một miếng bánh gato.
“Đây là loại cà phê ‘dịu’”, cô ấy nói. “Anh có thấy sự khác biệt không?”
“Chắc chắn là nó nhẹ hơn Sumatra,” tôi nói.
“Đúng, ‘nhẹ hơn’ là từ chuẩn xác, Mike,” cô ấy nói như thể cô ấy là giáo viên đang khen ngợi một học sinh thông minh. “Đừng lo, anh sẽ học rất nhiều điều về sự khác biệt giữa các loại cà phê ở đây. Dù sao thì anh sẽ được trả tiền cho khoảng thời gian anh ngồi đây uống cà phê và ăn bánh với Kester. Không tệ đối với ngày làm việc đầu tiên nhỉ!”
Crystal để tôi lại với Kester. Mặc dù trông cô ấy có vẻ thoải mái nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một phần của cách cô ấy quản lý. Cô ấy có lẽ chỉ cố khiến “cộng sự mới” là tôi đây cảm thấy dễ chịu. Tôi nhận ra Crystal khá là khó đoán và rằng tôi sẽ mất nhiều thời gian để thật sự hiểu cô ấy. Cô ấy chẳng khớp với bất kỳ khái niệm nào mà tôi có.
Mười năm trước tôi không thể tưởng tượng được việc mình sẽ sợ hãi đồng thời háo hức và tuyệt vọng đến thế nào để có được sự đồng ý của người phụ nữ trẻ tuổi này.
Và mười năm sau, tôi cũng không thể tưởng tượng được việc ăn bánh sô cô la, bánh gato và thưởng thức những ly cà phê với một người có vẻ ngoài hung dữ như Kester.
“Ở đây nó thế đấy,” Kester nói theo cái kiểu nó phải thế. “Chúng tôi gọi nó là đào tạo thông qua chia sẻ. Nghĩa là chúng ta làm mọi thứ cùng nhau. Tôi học từ anh bằng cách giúp đỡ anh học,” Anh ta cầm lấy chiếc cốc của tôi và đứng dậy. “Được rồi, giờ anh đã thưởng thức cà phê nên chúng ta sẽ học cách pha chế chúng.”
Tôi theo anh ta vào sau quầy.
Sau này tôi mới biết Kester là người thân thiện nhất ở Starbucks. Đóng cửa hàng vào buổi tối là một trong những thách thức lớn nhất trong quản lý bởi vì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm kết sổ và đảm bảo mọi thứ được sắp xếp và bổ sung đầy đủ cho ngày tiếp theo. Kester luôn đảm bảo rằng mọi thứ được thực hiện đúng giờ và hoàn hảo.
Vào ngày đầu tiên đi làm tôi chẳng biết gì về những điều này. Tôi cũng không biết rằng vào một buổi tối muộn sau này, Kester sẽ cứu mạng tôi.