Amber xin chia sẻ với bạn kinh nghiệm tự xin visa du lịch Nhật Bản. Số là Amber có con bạn đang học Thạc sỹ ở Nhật nên tranh thủ sang thăm nó để còn có đứa dẫn đi chơi. Và một việc quan trọng là phải xin visa vào Nhật Bản. Mặc dù Amber thấy cũng khá là vất vả nhưng hoàn toàn có thể làm được.
- Giấy tờ cần cho việc xin visa du lịch Nhật Bản:
Ở đây Amber chỉ hướng dẫn thủ tục xin visa trong trường hợp có người thân, người quen đang sống ở Nhật và bạn tự chi trả chi phí chuyến đi. Còn nếu bạn không có người thân/quen ở Nhật thì tốt nhất là xin visa qua công ty du lịch cho nhanh và tiện.
Giấy tờ cần chuẩn bị thì chia ra 2 phần:
Bạn cần chuẩn bị:
- Hộ chiếu còn thời hạn (ít nhất 6 tháng)
- Tờ khai xin visa. (hướng dẫn điền ở bên dưới nhé!)
- 01 ảnh 4,5×4,5 (ghi đầy đủ họ tên, ngày sinh vào mặt sau và dán lên tờ khai xin visa)
- Tài liệu chứng minh quan hệ – cái này quan trọng lắm nha: theo quy định thì chỉ cần đưa hộ khẩu + giấy khai sinh nếu có quan hệ cha – con, mẹ – con/ đưa giấy đăng ký kết hôn + hộ khẩu nếu là quan hệ vợ – chồng/ đưa ảnh chụp chung nếu có quan hệ bạn bè. Nếu không có ảnh chụp chung trong trường hợp quan hệ bạn bè thì có thể dùng thư từ, bản kê cuộc gọi điện thoại quốc tế. Nhưng nói thật là chính cán bộ sứ quán đã nói những thứ này không thể nào bằng ảnh chụp chung được. Vậy nên nếu bạn đang có ý định đi Nhật thì tốt nhất là nên kiếm lấy cái ảnh chụp chung với chất lượng rõ nét.
- Xác nhận số dư tài khoản tiết kiệm – bạn cần có một tài khoản tiết kiệm tầm 100 triệu. Bạn mang sổ và CMND ra ngân hàng và họ sẽ làm xác nhận cho bạn rất nhanh. Tất nhiên bạn phải trả một khoản phí nho nhỏ. Tốt nhất là bản xác nhận số dư nên là song ngữ, đỡ mất công đi dịch. Còn nếu bạn không có tài khoản tiết kiệm 100 triệu thì sao? Thì các ngân hàng cũng có các gói vay để đi du lịch. Cái này thì Amber không rành lắm nên không dám bàn tiếp ở đây.
- Kê khai giao dịch ngân hàng trong 3 tháng gần nhất – để đảm bảo bạn đang nhận lương đều đặn ấy mà
- Vé máy bay – cái này không bắt buộc
- Xác nhận đặt khách sạn – cái này cũng không bắt buộc.
Surname (as shown in passport): bạn điền họ của mình vào đây
Given and middle names (as shown in passport): chỗ này ghi tên và tên đệm
(tên bạn cần phải giống như được in trong hộ chiếu nhé)
Date of birth: ngày sinh (ngày/tháng/năm) Place of birth: nơi sinh (quận/huyện, tỉnh, quốc gia)
Sex (giới tính): Male (nam) Female (nữ)
Marital status (tình trạng hôn nhân): Single (độc thân) Married (đã kết hôn) Widowed (ở góa) Divorced (ly hôn)
Nationality and citizenship (quốc tịch): Vietnam (tất nhiên rồi :))
Former and/or other nationalities or citizenships: Bạn có quốc tịch khác, hay bạn đã từng đổi quốc tịch thì đều ghi vào đây
ID No. issued to you by your government: số CMND nhé bạn
Passport type (loại hộ chiếu): Diplomatic (ngoại giao) Official (công vụ) Ordinary (phổ thông) Other (khác)
Passport No. (số hộ chiếu):
Place of issue (nơi cấp): Date of issue (ngày cấp): ngày/tháng/năm
Issuing authority (người cấp): Hanoi police (nếu bạn ở Hà Nội)
Date of expiry (ngày hết hạn): ngày/tháng/ năm
Purpose of visit to Japan (lý do đến Nhật Bản): bạn cần ghi bằng tiếng Anh ở đây lý do bạn đến Nhật Bản (visit friend – thăm bạn, visit family member – thăm người thân v.v.) nếu không biết tiếng Anh thì tốt nhất là lên Google và đánh tiếng Việt rồi copy đoạn dịch tiếng Anh vào đây hoặc nhanh nhất là nhờ ai đó biết tiếng Anh giúp.
Intended length of stay in Japan (thời gian dự kiến ở lại Nhật Bản): số ngày kể từ lúc đặt chân đến sân bay tại Nhật Bản và lúc lên máy bay về Việt Nam
Date of arrival in Japan (ngày đặt chân đến Nhật Bản):
Port of entry into Japan (tên sân bay bạn sẽ đến ở Nhật):
Name of ship or airline (tên hãng hàng không):
Name and address of hotel … (ghi tên khách sạn/địa chỉ người thân ở Nhật):
Date and duration of previous stay in Japan (nếu bạn từng tới Nhật trước đây thì ghi ngày đến và đi cùng số ngày ở lại Nhật vào phần này):
Your current residential address (địa chỉ nhà ở hiện tại của bạn):
Current profession… (nghề nghiệp):
Name and address of employer (tên và địa chỉ cơ quan):
Partner’s profession/occupation … (nghề nghiệp của vợ/chồng):
Guarantor or reference in Japan (thông tin người bảo lãnh tại Nhật): Tên, số điện thoại, địa chỉ, ngày sinh, giới tính, mối quan hệ với người xin visa (bạn bè, bố, mẹ, vợ, chồng v.v.), nghề nghiệp, quốc tịch và tình trạng nhập cư tới Nhật (đang đi học/đi làm hay làm gì khác tại Nhật)
Inviter in Japan (nếu người mời chính là người bảo lãnh như ở phần trên thì bạn chỉ cần điền “Same as above” vào phần Name)
Remarks/special circumstances if any (cái này Amber không rõ lắm họ hỏi gì, đại khái là hỏi chuyến thăm có gì đặc biệt không. Thông thường thì chỗ này để trống)
Have you ever … (toàn bộ phần này là hỏi về tiền án, tiền sự của bạn nên tất cả đều chọn “No” hết nhé!)
Date of application (ngày viết đơn):
Signature of applicant (chữ ký của người làm đơn):
*Lưu ý: Phần nào không áp dụng với bạn thì bỏ trống. Tất cả các thông tin đều nên viết bằng tiếng Anh.
Người thân/quen của bạn cần chuẩn bị:
- Giấy lý do mời – có đóng dấu: ở đây bạn Amber có được bản tiếng Anh của mẫu thư mời thay vì bản tiếng Nhật như trên trang web của đại sứ quán Nhật. Bản tiếng Anh có thể được tải về tại đây.
- Lịch trình ở Nhật Bản (vì không cần hướng dẫn chi tiết từng mục nên Amber để hình bé thôi nha)
Cột đầu tiên là ghi ngày. Tiếp theo là địa điểm đi thăm quan. Hai cột còn lại thì để trống.
- Tờ chứng nhận người đó đang sinh sống/làm việc/học tập tại Nhật Bản do quận nơi người đó sinh sống cấp.
- Bản sao hộ chiếu (trang có ảnh) – nếu người quen của bạn là người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật Bản
- Bản sao hai mặt thẻ ngoại kiều – nếu người quen của bạn là người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật Bản
*Lưu ý: Những giấy tờ bạn mang đi mà là bản gốc thì phải chuẩn bị bản copy để họ giữ lại trong hồ sơ nếu cần. Vì nếu nộp bản gốc thì Đại sứ quán một khi đã thu sẽ không trả lại cho bạn nữa.
2. Nộp hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản tại Đại sứ quán:
Sau khi đã có toàn bộ giấy tờ trong tay thì phải đi nộp tại Đại sứ quán Nhật Bản tại số 27 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội đối với những bạn đang sống tại các tỉnh từ Gia Lai, Bình Định trở ra. Còn đối với những bạn sống ở các tỉnh từ Dak Lak, Phú Yên trở vào thì đến nộp hồ sơ tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại 261 Điện Biên Phủ, Q.3, TP Hồ Chí Minh.
Giờ nhận hồ sơ là buổi sáng hàng ngày từ 8h30 đến 11h30. Kinh nghiệm là nên đến từ tầm 8h sáng để lấy số và ngồi đợi đến lượt. Amber nộp hồ sơ tầm sát tết âm lịch và tưởng là vắng. Ai có ngờ, sứ quán vẫn đông như thường. Amber phải đợi cỡ hơn 1 tiếng mới đến lượt.
Lệ phí là 610.000 vnd cho visa du lịch ngắn hạn. Nói chung cái phí này thì trên giấy hẹn lấy kết quả đã có ghi và bạn chỉ phải trả khi thành công xin được visa nên không cần quá lo.
Thời gian đợi có kết quả là 8 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ. Đại sứ quán Nhật Bản trả kết quả vào buổi chiều từ 13h30 đến 16h45.
Nếu bạn đang muốn xin visa du lịch Nhật Bản thì hy vọng là chia sẻ của Amber sẽ giúp bạn có thêm những tham khảo bổ ích nhé!