You dont have javascript enabled! Please enable it! Lưu trữ Vòng quanh thế giới - Rừng hổ phách

Ghé qua nước Anh để biết bầu trời xanh như thế nào!

Ai cũng nói nước Anh là xứ sở sương mù, rồi quanh năm mưa phùn, thời tiết lạnh lẽo. Amber thì lại không nghĩ vậy. Với Amber thì nước Anh là bầu trời mùa hè xanh thẳm, là cánh đồng hoa oải hương tím bát ngát, là dòng sông êm đềm và là nơi mà ai cũng nên đến ít nhất một lần trong đời.

Mùa hè nước Anh
Mùa hè nước Anh

Nếu bạn đang tính làm một vòng quanh châu Âu thì ghé qua nước Anh nhé. Dù thủ tục visa hơi lắng nhằng nhưng thực sự rất đáng. Ở đây Amber xin phép không nói nhiều đến thủ tục xin visa mà muốn giới thiệu với bạn về những nét đặc sắc cần phải đến khi đặt chân tới nước Anh nhé!

  1. Đến Anh lúc nào trong năm là đẹp nhất?

Câu trả lời chính là mùa hè. Vì sao ư? Vì lúc đó nước Anh đẹp nhất. Thời điểm đẹp nhất là từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 9 hàng năm. Nếu đến Anh vào thời gian khác thì chỉ toàn mưa phùn và lạnh lẽo, cũng không có gì nhiều để ngắm nhìn.

Một lý do nữa bạn nên đến Anh vào mùa hè là vì mùa này dễ săn vé rẻ. Mùa hè là mùa học sinh nghỉ hè về nhà, rồi lại tựu trường v.v. thế nên các hãng cứ gọi là đua nhau giảm gia. Bạn tha hồ mà chọn vé giá rẻ nhé.

Một lợi ích nữa của việc đến Anh vào mùa hè là vì đó là lúc các trường đại học mở cửa cho ngày Open Day. Thế nên đa phần khách đều có thể vào thăm trường miễn phí. Chứ nếu là lúc khác thì bạn chắc chắn phải trả phí vào cửa, đặc biệt ở những trường danh tiếng.

Mùa hè nước Anh
Làng cổ nước Anh

2. Đến Anh rồi thì đi đâu?

Nước Anh có quá nhiều nơi để bạn đi. Bạn phải đến thăm London, đi qua cung điện Buckingham tráng lệ, qua Tower Bridge, dạo qua Hype Park để ngắm mặt trời lặn rồi tới Harrot để ngắm và mua sắm (nếu bạn có xiền rủng rỉnh). Tiếp theo bạn hãy đến thăm Oxford và Cambridge để đi thuyền dọc các trường đại học nổi tiếng. Bạn có thể đi dạo những con đường cổ kính xuyên qua hết trường này tới trường khác. Mà mỗi ngôi trường ở đây cũng là một kỳ quan thu nhỏ để bạn chiêm ngưỡng.

Mùa hè nước Anh
Lake District

Mùa hè cũng là thời điểm tuyệt vời để đi trang trại ngắm hoa, hái quả. Nếu ở gần London thì bạn có thể tới May Field để ngắm hoa oải hương tím ngát, tới Herefordshire để hái dâu, hái táo, cherry v.v. Rồi tranh thủ ghé qua Stratford-upon-avon thăm ngôi nhà của Shakesprear, rồi tạt qua thăm những ngôi làng cổ ở Costwold.

Đi xa hơn nữa thì bạn có thể ghé Lake District. Ở chỗ này, cả một khu rộng lớn đều là thuộc công viên quốc gia. Mọi thứ đều được bảo tồn vô cùng tốt, không khí thì sạch mà cảnh thì đẹp mê hồn luôn.

3. Xứ Wales và Scotland

Nếu đến Anh tức là bạn auto sẽ được phép sang Wales và Scotland để tận hưởng luôn vẻ đẹp của hai vùng đất này. Nhưng công bằng mà nói thì Wales không có nhiều thứ để xem lắm. Ngược lại Scotland lại vô cùng lắm thứ để mà xăm xoi. Chỉ riêng các tour đi thăm các hồ (Lock) đã đủ khiến người ta mê mệt rồi. Nói về du lịch Scotland thì Amber xin giới thiệu trong một bài khác nhé.

Thực ra đi Anh khá đắt đỏ, nhưng không phải không thực hiện được. Mà bạn đã đến Anh rồi sẽ thấy đất nước này đẹp vô cùng vô tận. Mà mùa hè nước Anh là đẹp nhất. Chỉ cần tìm một bãi cỏ, nằm xuống mà ngắm mây bay cũng thấy đẹp đến nao lòng. Rồi bạn có thể lang thang qua những con đường trải nắng vàng hoặc ngồi uống cà phê ngắm hoàng hôn lúc 10 giờ tối. Giống Amber đã từng làm nhé!

Mùa hè nước Anh
Cao nguyên Scotland

Tháng 11 đến Chiang Mai dự lễ hội đèn lồng!

Lễ hội đèn lồng ở Chiang Mai, Thái Lan là một trong những lễ hội đẹp nhất và đáng tham dự nhất tại đất nước láng giềng này. Amber tham gia lễ hội này vào tháng 11 năm 2016 nhưng đến giờ vẫn thấy rất ấn tượng. Amber chia sẻ với bạn kinh nghiệm để bạn tự trải nghiệm nhé!

Lễ hội đèn lồng ở Chiang Mai
Lễ hội đèn lồng ở Chiang Mai
  1. Đặt vé máy bay

Amber hồi đó đặt vé của Air Asia đến sân bay Don Mueang của Bangkok và rồi chuyển tiếp luôn đến Chiang Mai qua chuyến bay của hãng Tiger Air. Rất may là hiện nay Air Asia đã có chuyến bay thẳng từ Hà Nội tới Chiang Mai nên rất tiện.

Ngoài ra một lựa chọn nữa là bạn nên bay đến sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok và ở lại thủ đô chơi 1 ngày rồi hôm sau mới tới Chiang Mai. Lý do vì sao ư? Vì sân bay Suvarnabhumi rộng hơn, đẹp hơn và có nhiều chuyến đến hơn nên bạn tha hồ mà tìm vé giá rẻ. Ngoài ra có thêm một ngày ở Bangkok cũng giúp bạn có thời gian nghỉ ngơi, đi dạo quanh.

Lễ hội đèn lồng ở Chiang Mai
Lễ hội đèn lồng ở Chiang Mai

 

2. Ở đâu tại Chiang Mai

Mình hồi đó đặt ở chung với bạn nên ở khách sạn Furama. Giá cả cũng không phải quá đắt tuy nhiên lại không gần khu ngắm đèn. Lúc nào muốn đi chơi lại phải thuê xe tuk tuk khá tốn kém.

Nếu bạn muốn tìm nơi ở lý tưởng để tiện xem đèn lồng và các hoạt động văn hóa của lễ hội thì nên tìm chỗ nào gần sông Ping. Ví dụ như bạn mình ở khách sạn tên Tawan Bed Club. Chỗ đó gần chợ đêm, gần Night Plaza nên rất hợp để bạn di chuyển đi ngắm nghía và tham dự lễ hội.

Lễ hội đèn lồng ở Chiang Mai
Lễ hội đèn lồng ở Chiang Mai – Chợ đêm

 

3. Địa điểm xem đèn lồng:

Du khách tham dự lễ hội đều muốn đến Đền Lanna Dhutanka để biết đến màn thả hàng ngàn chiếc đèn trời cùng một lúc. Đó là một cảnh tượng tráng lệ mà Amber … chưa có dịp được xem. Lý do là gì vé vào cửa đắt quá. Tầm 100 – 300 usd cho một vé nên Amber đã quyết định ra sông Ping thả đèn cũng được.

Dọc hai bên bờ sông Ping, dân địa phương và du khách tập trung thả đèn rất nhiều. Một cái đèn có giá 20 bath, cũng chả đắt. Bạn có thể mua đèn ở bất kỳ đâu rồi kiếm chỗ nào thật đẹp bên bờ sông mà thả là ổn. Để châm đèn thì hầu như chỗ nào cũng có nến và miễn phí.

Lễ hội đèn lồng ở Chiang Mai
Lễ hội đèn lồng ở Chiang Mai

 

Nói chung, vì mọi nhà, mọi người đều tập trung thả đèn vào mấy ngày lễ hội thế nên dù không thấy hàng ngàn chiếc đèn bay lên cùng một lúc, thì bạn cũng hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng hàng ngàn chiếc đèn lơ lửng trên bầu trời suốt đêm. Khung cảnh đó thật là không thốt nên lời.

Dọc hai bên sông còn có vô số các quán bán đồ ăn sẽ giúp bạn thỏa mãn cả phần nhìn, ngửi và thưởng thức nhé!

Ngày diễn ra lễ hội mỗi năm lại khác nhau vì lễ được tính theo lịch âm. Năm nay, ngày lễ chính là vào 21 – 23 tháng 11, 2018. Nếu bạn đang có ý định đi chơi Thái Lan thì nhanh chân đặt vé nhé. Càng gần ngày lễ, vé càng đắt.

 

 

 

Đi du lịch Tokyo ngắn ngày thì phải đi những chỗ này nhé!

Du lịch Tokyo là phần tiếp theo của bài giới thiệu kinh nghiệm xin visa du lịch Nhật Bản tự túc mà Amber đã giới thiệu với bạn. Lần này Amber giới thiệu những địa điểm du lịch hấp dẫn vòng quanh Tokyo để bạn tham khảo nhé! Những địa điểm này vừa tiêu biểu, đẹp, tiện đi lại và không mất quá nhiều chi phí.

  1. Đền Meiji tại khu Shibuya – miễn phí vé vào

Đền, miếu là nét văn hóa đặc trưng của đất nước Nhật Bản. Nếu đi du lịch Tokyo thì một trong những điểm cần đến là Đền Meiji ở trung tâm thành phố.

Du lịch Tokyo
Du lịch Tokyo – Cổng vào Meiji

 

Thực ra thì đền Meiji cũng không có gì nhiều nhưng lại nổi bật cho kiến trúc tôn giáo tại Nhật Bản. Nguyên cái cổng vào to vật vã cũng đủ khiến người ta trầm trồ. Mà cái cổng này thì bạn có thể tìm thấy tại những nơi thờ cúng trên khắp nước Nhật. Kích cỡ các loại cổng là khác nhau từ khổng lồ đến nhỏ xíu chưa đến 1m đều có.

 

Một điểm đặc biệt nữa là xung quanh đền là những con đường đi bộ giữa rừng cây xanh mướt. Bên ngoài khu ga Shibuya ồn ào náo nhiệt và nóng nực ra sao thì ngay khi bước chân quan cổng đền Meiji là thấy mát hẳn. Giữa thủ đô ồn ã mà có cái khu yên tĩnh, mát mẻ thế thì cũng đáng xem lắm chứ.

Vào đền thì bạn có thể chuẩn bị chút tiền xu rồi đứng xếp hàng trước cửa đền chính đợi đến lượt mình ném đồng xu và cầu khấn. Sau đó bạn có thể ngồi nghỉ ngơi và ngắm đền trước khi thả bộ thong thả đi ra ngoài.

Du lịch Tokyo
Du lịch Tokyo – Đền Meiji

 

Bonus: Amber đi vào đúng hôm trong đền có đám cưới. Người ta tự giác đứng thành 2 bên cho cô dâu, chú rể và họ hàng đi vào trong đền làm lễ. Đi trước là các nhà sư làm lễ, rồi đến một hàng lọng, quạt, tiếp theo là cô dâu, chú rể mặc trang phục truyền thống. Họ hàng thì đi sau cùng. Đó là một cảm giác vô cùng đặc biệt và may mắn nữa. Tại vì hiếm lắm mới có đám cưới được tổ chức ở đây, vì mắc quá.

Du lịch Tokyo
Du lịch Tokyo – đám cưới truyền thống tại đền Meiji

 

2. Khu phố văn hóa Harajuku – thích thì mua, ngắm thoải mái

Ngay khi ra khỏi đền Meiji, bạn chỉ cần sang đường và đi thêm tầm 100m là đến ngay con phố văn hóa nổi tiếng ở Tokyo – Harajuku.

Du lịch Tokyo
Du lịch Tokyo – Harajuku street

Ở nơi đây, ngày nào cũng có những điều mới mẻ để bạn chọn. Đây đó sẽ có những người mặc đồ hóa trang, vác đài và hát nghêu ngao. Ngoài ra bạn có thể thưởng thức cây kẹo bông khổng lồ, bánh crepe thơm ngọt hay ghé một trong những cửa hàng đậm chất nghệ thuật dành riêng cho fan của manga, fan của mèo v.v.

Du lịch Tokyo
Du lịch Tokyo – Kẹo bông

Các cửa hàng quần áo ở đây cũng rất hợp với giới trẻ dù giá không hề rẻ.

3. Núi Phú Sĩ – đi trong ngày

Amber đi thăm núi Phú Sĩ trong ngày bằng xe bus nên không đi chơi được mấy. Nếu bạn có thời gian dài hơn có thể đi suối nước nóng hoặc thăm làng cổ quanh khu vực. Còn Amber thì chỉ kịp đi cáp treo lên cao để ngắm cảnh núi. Sau đó lại xuống hồ đi thuyền quanh chân núi và chụp ảnh các kiểu để chứng tỏ ta đây từng đến Phú Sĩ nhé.

Du lịch Tokyo
Du lịch Tokyo – Fuji Mout

 

Amber đi vào tháng 3, chân lại vừa hồi phục sau phẫu thuật được nửa năm nên không dám đi bộ nhiều, cũng không dám leo núi. Thấy mọi người bảo leo núi hay đi bộ quanh hồ cũng thú vị phết.

Dọc đường xe bus đi ra khu cáp treo đều có các điểm dừng chân để bạn nhẩn nha tham quan.

4. Làng cổ Kawagoe – đi trong ngày

Làng cổ này nằm ở gần Tokyo nên rất tiện tham quan trong ngày. Nếu bạn đi tàu thì mất tầm hơn một tiếng là tới. Ở đây có một con sông nhỏ, hai bên bờ toàn là hoa anh đào, dưới nước thì cá chép bơi thành đàn. Ngoài ra còn có hàng quán theo phong cách cổ ở gần đó sẽ khiến bạn không thể rời chân. Ngay cả Starbuck ở đây nhìn từ bên ngoài cũng chả khác gì một quán trà đạo của Nhật.

Du lịch Tokyo
Du lịch Tokyo – Hoa anh đào ở Kawagoe

 

Du lịch Tokyo
Du lịch Tokyo – Làng cổ Kawagoe

Mọi người đi du lịch Tokyo thường đều đi tàu hoặc xe bus vì tiện và rẻ. Tuy nhiên đa số các biển hiệu, biển chỉ dẫn và tên các ga đều được viết bằng tiếng Nhật. Amber có bạn ở bên đó nên chỉ việc đi theo đuôi người ta thôi. Bạn nào tự đi mà không theo đoàn hoặc không có người quen thì cũng hơi mệt đó.

Ngoài ra thì việc đi bộ ở Nhật là bình thường. Đứa bạn của Amber nói bình thường nó phải đi tầm gần 20 km/ngày (dã man). Amber sang hôm đầu tiên đã đi bộ đến xém xỉu. Nói để bạn chuẩn bị tinh thần thôi chứ đi Nhật là chỉ có thích trở lên nhé!

 

Kinh nghiệm xin visa du lịch Nhật Bản

Amber xin chia sẻ với bạn kinh nghiệm tự xin visa du lịch Nhật Bản. Số là Amber có con bạn đang học Thạc sỹ ở Nhật nên tranh thủ sang thăm nó để còn có đứa dẫn đi chơi. Và một việc quan trọng là phải xin visa vào Nhật Bản. Mặc dù Amber thấy cũng khá là vất vả nhưng hoàn toàn có thể làm được. 

  1. Giấy tờ cần cho việc xin visa du lịch Nhật Bản:

Ở đây Amber chỉ hướng dẫn thủ tục xin visa trong trường hợp có người thân, người quen đang sống ở Nhật và bạn tự chi trả chi phí chuyến đi. Còn nếu bạn không có người thân/quen ở Nhật thì tốt nhất là xin visa qua công ty du lịch cho nhanh và tiện.

Giấy tờ cần chuẩn bị thì chia ra 2 phần:

Bạn cần chuẩn bị:

  • Hộ chiếu còn thời hạn (ít nhất 6 tháng)
  • Tờ khai xin visa. (hướng dẫn điền ở bên dưới nhé!)
  • 01 ảnh 4,5×4,5 (ghi đầy đủ họ tên, ngày sinh vào mặt sau và dán lên tờ khai xin visa)
  • Tài liệu chứng minh quan hệ – cái này quan trọng lắm nha: theo quy định thì chỉ cần đưa hộ khẩu + giấy khai sinh nếu có quan hệ cha – con, mẹ – con/ đưa giấy đăng ký kết hôn + hộ khẩu nếu là quan hệ vợ – chồng/ đưa ảnh chụp chung nếu có quan hệ bạn bè. Nếu không có ảnh chụp chung trong trường hợp quan hệ bạn bè thì có thể dùng thư từ, bản kê cuộc gọi điện thoại quốc tế. Nhưng nói thật là chính cán bộ sứ quán đã nói những thứ này không thể nào bằng ảnh chụp chung được. Vậy nên nếu bạn đang có ý định đi Nhật thì tốt nhất là nên kiếm lấy cái ảnh chụp chung với chất lượng rõ nét.
  • Xác nhận số dư tài khoản tiết kiệm – bạn cần có một tài khoản tiết kiệm tầm 100 triệu. Bạn mang sổ và CMND ra ngân hàng và họ sẽ làm xác nhận cho bạn rất nhanh. Tất nhiên bạn phải trả một khoản phí nho nhỏ. Tốt nhất là bản xác nhận số dư nên là song ngữ, đỡ mất công đi dịch. Còn nếu bạn không có tài khoản tiết kiệm 100 triệu thì sao? Thì các ngân hàng cũng có các gói vay để đi du lịch. Cái này thì Amber không rành lắm nên không dám bàn tiếp ở đây.
  • Kê khai giao dịch ngân hàng trong 3 tháng gần nhất – để đảm bảo bạn đang nhận lương đều đặn ấy mà
  • Vé máy bay – cái này không bắt buộc
  • Xác nhận đặt khách sạn – cái này cũng không bắt buộc.
visa du lịch Nhật Bản
Trước tiên bạn cần in tờ khai visa này và bắt đầu điền các thông tin cá nhân.

 

Surname (as shown in passport): bạn điền họ của mình vào đây

Given and middle names (as shown in passport): chỗ này ghi tên và tên đệm

(tên bạn cần phải giống như được in trong hộ chiếu nhé)

Date of birth: ngày sinh (ngày/tháng/năm)                    Place of birth: nơi sinh (quận/huyện, tỉnh, quốc gia)

Sex (giới tính): Male (nam)     Female (nữ)

Marital status (tình trạng hôn nhân): Single (độc thân)    Married (đã kết hôn)     Widowed (ở góa)    Divorced (ly hôn)

Nationality and citizenship (quốc tịch): Vietnam (tất nhiên rồi :))

Former and/or other nationalities or citizenships: Bạn có quốc tịch khác, hay bạn đã từng đổi quốc tịch thì đều ghi vào đây

ID No. issued to you by your government: số CMND nhé bạn

Passport type (loại hộ chiếu): Diplomatic (ngoại giao)   Official (công vụ)   Ordinary (phổ thông)   Other (khác)

Passport No. (số hộ chiếu):

Place of issue (nơi cấp):                                   Date of issue (ngày cấp): ngày/tháng/năm

Issuing authority (người cấp): Hanoi police  (nếu bạn ở Hà Nội)

Date of expiry (ngày hết hạn): ngày/tháng/ năm

Purpose of visit to Japan (lý do đến Nhật Bản): bạn cần ghi bằng tiếng Anh ở đây lý do bạn đến Nhật Bản (visit friend – thăm bạn, visit family member – thăm người thân v.v.) nếu không biết tiếng Anh thì tốt nhất là lên Google và đánh tiếng Việt rồi copy đoạn dịch tiếng Anh vào đây hoặc nhanh nhất là nhờ ai đó biết tiếng Anh giúp.

Intended length of stay in Japan (thời gian dự kiến ở lại Nhật Bản): số ngày kể từ lúc đặt chân đến sân bay tại Nhật Bản và lúc lên máy bay về Việt Nam

Date of arrival in Japan (ngày đặt chân đến Nhật Bản):

Port of entry into Japan (tên sân bay bạn sẽ đến ở Nhật):

Name of ship or airline (tên hãng hàng không):

Name and address of hotel … (ghi tên khách sạn/địa chỉ người thân ở Nhật):

Date and duration of previous stay in Japan (nếu bạn từng tới Nhật trước đây thì ghi ngày đến và đi cùng số ngày ở lại Nhật vào phần này):

Your current residential address (địa chỉ nhà ở hiện tại của bạn):

Current profession… (nghề nghiệp):

Name and address of employer (tên và địa chỉ cơ quan):

Partner’s profession/occupation … (nghề nghiệp của vợ/chồng):

Guarantor or reference in Japan (thông tin người bảo lãnh tại Nhật): Tên, số điện thoại, địa chỉ, ngày sinh, giới tính, mối quan hệ với người xin visa (bạn bè, bố, mẹ, vợ, chồng v.v.), nghề nghiệp, quốc tịch và tình trạng nhập cư tới Nhật (đang đi học/đi làm hay làm gì khác tại Nhật)

Inviter in Japan (nếu người mời chính là người bảo lãnh như ở phần trên thì bạn chỉ cần điền “Same as above” vào phần Name)

Remarks/special circumstances if any (cái này Amber không rõ lắm họ hỏi gì, đại khái là hỏi chuyến thăm có gì đặc biệt không. Thông thường thì chỗ này để trống)

Have you ever … (toàn bộ phần này là hỏi về tiền án, tiền sự của bạn nên tất cả đều chọn “No” hết nhé!)

Date of application (ngày viết đơn):

Signature of applicant (chữ ký của người làm đơn):

*Lưu ý: Phần nào không áp dụng với bạn thì bỏ trống. Tất cả các thông tin đều nên viết bằng tiếng Anh.

Người thân/quen của bạn cần chuẩn bị:

  • Giấy lý do mời – có đóng dấu: ở đây bạn Amber có được bản tiếng Anh của mẫu thư mời thay vì bản tiếng Nhật như trên trang web của đại sứ quán Nhật. Bản tiếng Anh có thể được tải về tại đây.

 

  • Lịch trình ở Nhật Bản (vì không cần hướng dẫn chi tiết từng mục nên Amber để hình bé thôi nha)

Cột đầu tiên là ghi ngày. Tiếp theo là địa điểm đi thăm quan. Hai cột còn lại thì để trống.

  • Tờ chứng nhận người đó đang sinh sống/làm việc/học tập tại Nhật Bản do quận nơi người đó sinh sống cấp.
  • Bản sao hộ chiếu (trang có ảnh) – nếu người quen của bạn là người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật Bản
  • Bản sao hai mặt thẻ ngoại kiều – nếu người quen của bạn là người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật Bản

*Lưu ý: Những giấy tờ bạn mang đi mà là bản gốc thì phải chuẩn bị bản copy để họ giữ lại trong hồ sơ nếu cần. Vì nếu nộp bản gốc thì Đại sứ quán một khi đã thu sẽ không trả lại cho bạn nữa.

2. Nộp hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản tại Đại sứ quán:

Sau khi đã có toàn bộ giấy tờ trong tay thì phải đi nộp tại Đại sứ quán Nhật Bản tại số 27 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội đối với những bạn đang sống tại các tỉnh từ Gia Lai, Bình Định trở ra. Còn đối với những bạn sống ở các tỉnh từ Dak Lak, Phú Yên trở vào thì đến nộp hồ sơ tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại 261 Điện Biên Phủ, Q.3, TP Hồ Chí Minh.

Giờ nhận hồ sơ là buổi sáng hàng ngày từ 8h30 đến 11h30. Kinh nghiệm là nên đến từ tầm 8h sáng để lấy số và ngồi đợi đến lượt. Amber nộp hồ sơ tầm sát tết âm lịch và tưởng là vắng. Ai có ngờ, sứ quán vẫn đông như thường. Amber phải đợi cỡ hơn 1 tiếng mới đến lượt.

Lệ phí là 610.000 vnd cho visa du lịch ngắn hạn. Nói chung cái phí này thì trên giấy hẹn lấy kết quả đã có ghi và bạn chỉ phải trả khi thành công xin được visa nên không cần quá lo.

Thời gian đợi có kết quả là 8 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ. Đại sứ quán Nhật Bản trả kết quả vào buổi chiều từ 13h30 đến 16h45.

Nếu bạn đang muốn xin visa du lịch Nhật Bản thì hy vọng là chia sẻ của Amber sẽ giúp bạn có thêm những tham khảo bổ ích nhé!

 

 

Ủng hộ Rừng Hổ Phách

Mong các bạn ủng hộ để Amber duy trì trang web. Nếu không có Paypal thì có thể:
1. Chuyển khoản tới: Hoang Mai Nhung - 0021002033624 - Vietcombank.
2. Chuyển qua Momo
3. Gửi thẻ cào điện thoại Viettel
Chân thành cảm ơn!

Rừng Hổ Phách

Lịch

Tháng mười hai 2024
H B T N S B C
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  
DMCA.com Protection Status