Chương 92: Biển máu Bồng Lai – 2
Sau khi Trác Yến lui ra, Chu Duật Hằng cảm thấy lòng mình buồn bực.
Mắt thấy con mèo đã ăn xong và nhảy ra ngoài biến mất nên hắn rửa tay, khép ngăn kéo rồi nhìn thấy cây sáo lấy được từ chỗ Sở Nguyên Tri.
Hắn cầm lấy cây sáo, nắm lấy thân sáo lạnh lẽo, một cái tay khác nhẹ lướt qua. Đầu ngón tay vuốt qua một chỗ lúc trước hắn từng cậy ra thì ngừng lại. Đó là một lớp mỏng mà hắn đã cậy được lên nhưng không thể tách ra. Hắn trầm ngâm một lát mới cầm lấy Kỳ Trung Dịch “chín khúc quan ải” mà A Nam làm cho mình lên.
Hắn hít sâu một hơi và gạt hết mọi tạp niệm trong đầu rồi đặt chín khúc quan ải trước mặt sau đó chậm rãi giơ tay cầm lấy mấy cái vòng.
Xác định tay mình đã ổn định, không còn run nữa hắn mới hình dung trong đầu về quỹ đạo di động của chúng, những va chạm lúc sau, góc độ sau khi va chạm. Sau khi hình dung tất cả, đảm bảo không có thứ gì vượt ngoài tầm khống chế hắn mới nín thở và bắt đầu di chuyển mấy cái vòng.
Vi Hàng Chi đứng hầu bên ngoài nghe thấy tiếng kim loại va vào nhau leng keng. Trong buổi chiều ở hành cung tĩnh lặng chỉ có tiếng sóng Tây Hồ rì rào. Thần kinh vốn căng chặt của Vi Hàng Chi cũng theo đó thả lỏng hơn.
Không biết trải qua bao lâu, tiếng kim loại ngừng lại, sau đó là tiếng mấy cái vòng đồng loạt rơi xuống bàn.
Vi Hàng Chi đột nhiên kinh ngạc và đoán xem chuyện gì xảy ra thì lại nghe thấy điện hạ thấp giọng gọi: “Hàng Chi.”
Hắn vội đáp lời và bước vào.
Chỉ thấy Chu Duật Hằng đứng trước cửa sổ, ánh nước lấp lánh chiếu phía sau lưng hắn khiến Vi Hàng Chi không nhìn rõ mặt đối phương.
Chu Duật Hằng nâng tay nhặt từng cái vòng rơi rụng và chậm rãi ráp chúng lại sau đó ra lệnh: “Đi tìm Tiết Trừng Quang lấy cho ta một thứ.”
Dù sao Tiết Trừng Quang cũng là đường chủ của Chuyết Xảo Các nên kiến thức rộng rãi. Sau khi nhận được tin tức hắn nhanh chóng điều chế nước phèn chua giúp làm tan sơn và đưa tới cho hoàng thái tôn. Hơn nữa thứ hắn làm ra không khác A Nam là mấy.
Ngoài ra hắn còn giúp Chu Duật Hằng mang tới một ít dắt ti.
Chu Duật Hằng nhớ tới những gì A Nam làm lúc trước và bỏ cây sáo vào nước phèn chua. Chờ lớp sơn bên ngoài mềm ra, hắn cầm cây sáo đặt trên bàn và cẩn thận cố định.
Nhờ “chín khúc quản ải” mà A Nam chế tạo mà hiện tại tay hắn rất ổn.
Hắn dùng đầu ngón tay thong thả vuốt ve để xác định mặt vỡ lần trước rồi lấy vải mềm để bao lấy hai đầu của dắt ti và nhẹ hít một hơi rồi nghiêm túc chậm rãi đặt dắt ti bé xíu lên chỗ mặt vỡ. Tiếp theo hắn chậm rãi kéo dắt ti theo độ cong của thân sáo.
Một sợi tre mỏng dính cong cong cứ thế rụng ra. Hắn nhận ra cảm xúc này không khác gì lần trước mình dùng lưỡi dao cắt gọt vì thế tay khẽ run. Hắn vội vã khống chế ngón tay để ngăn cản dắt ti cắt sâu vào các lớp bên dưới.
Tay hắn siết chặt dắt ti, ngực trầm xuống.
Chẳng lẽ vẫn không được sao?
Cho dù ngày đêm dùng Kỳ Trung Dịch để rèn giũa lực ngón tay, cho dù có được thiên phú mà nàng cực kỳ hâm mộ và dù hắn đã cảm thấy thời cơ chín muồi vì bản thân đã đạt được trình độ yêu cầu thì trước sau vẫn không được sao?
Hắn im lặng nhắm mắt lấy lại bình tĩnh sau đó tiếp tục cầm dắt ti kề sát thân sáo sau đó nhanh chóng cắt một đường. Lúc này một tầng trúc mỏng như cánh ve mang theo sơn đen đã bị ngâm mềm nhẹ nhàng rơi xuống.
Bởi vì quá mỏng nên màng trúc kia gần như khó mà thấy được. Chỉ có chút bóng dáng thấp thoáng, bên trên có mực màu vàng vẽ những đường cong cực mỏng. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy đó là các chữ viết được tách ra và viết trên màng trúc.
Chu Duật Hằng hơi ngừng lại. Chờ hắn thấy rõ một mảnh trúc kia chỉ có chút tổn hại ở nơi kết dính thì mới xác nhận lực tay của mình là chuẩn xác.
Lúc này hắn nhẹ nhàng ra một hơi và tiếp tục nghiêm túc, chăm chú và thong thả bóc tách cây sáo trúc này. Mãi tới khi sắc trời tối tăm, mặt hồ đã không còn ánh sáng nảy lên, Hãn Hoằng dẫn người đưa 24 cái đèn cung đình tới mới phát hiện Chu Duật Hằng vẫn đứng trước bàn không nhúc nhích. (Hãy đọc thử truyện Thiếu gia của trang RHP) Hắn chính cúi đầu đối mặt với thứ gì đó tỏa ánh sáng nhạt trên bàn và nghiên cứu.
Hãn Hoằng bị dọa giật mình và lệnh cho các cung nữ treo đèn lên, còn bản thân hắn thì cầm một cái đèn đi tới bên cạnh điện hạ hỏi han: “Sắc trời đã tối, điện hạ có nhìn rõ không?”
Những nét bút màu vàng trên lớp trúc trong suốt được ánh đèn chiếu sáng và lấp lánh như ánh lửa. Chúng hắt vào trong ánh mắt Chu Duật Hằng khiến đôi con ngươi của hắn càng sáng hơn.
Giống như sợ hơi thở của mình sẽ khiến đống màng trúc trước mặt bay mất nên hắn không trả lời mà chỉ giơ tay ý bảo bọn họ lui ra.
Hãn Hoằng đi tới cửa lại nghe Chu Duật Hằng nói: “Gọi Trác Yến tới đây, để hắn mang theo một cây đàn.”
Trác Yến được xưng là đệ nhất thái tuế của cả hai kinh, đồng thời bản thân hắn cũng tự vỗ ngực gọi mình là kẻ phong lưu đã dạo hết các bụi hoa nên vừa hoàng thái tôn lệnh cho hắn mang đàn qua là hắn lập tức chạy tới gia tộc Thất Huyền nổi danh và mượn cây đàn Thịnh Đường mang tới hành cung ở Cô Sơn.
Nhưng chờ hắn ôm đàn tới và đón lấy mấy tờ nhạc phổ Chu Duật Hằng đưa thì hắn lại ngượng ngùng ngây người.
“Sao? Chẳng lẽ đây không phải cầm phổ à?” Thấy hắn do dự nên Chu Duật Hằng hỏi.
Đây là những chữ màu vàng hắn chép lại từ đống màng trúc kia. Vì ngày thường không tiếp xúc nhiều với nhạc phổ nên hắn mới gọi cái kẻ tinh thông nhạc lý như Trác Yến tới.
“Cái này…… nhìn qua thì quả là giảm tự phổ nhưng……”
Trác Yến cầm đàn và đối chiếu với nội dung trên tờ giấy và đánh vài tiếng nhưng âm thanh hoàn toàn không thành làn điệu mà cực kỳ quái dị.
“Đây là thần dựa theo khúc nhạc để đàn.” Trác Yến lẩm bẩm và căng da đầu đàn vài tiếng. Cây đàn bị hắn vần vò thì cuối cùng còn đứt cả dây.
Hắn “A” một tiếng và xấu hổ ngẩng đầu nhìn về phía Chu Duật Hằng.
Chu Duật Hằng vẫn bình thản hỏi: “Xem ra khúc nhạc này có vấn đề.”
“Đúng vậy, đúng vậy, khúc này chắc chắn có vấn đề!” Trác Yến lập tức gật đầu và tán thành ý của hắn, “Giảm tự phổ dùng nét riêng để minh họa các ngón tay của hai bàn tay sau đó ghép các động tác thành một chữ. Ví dụ như nét này, bên trong có mộc lại có乚 là hoàn toàn không hợp lẽ thường! Dựa theo quy tắc tứ chỉ bát pháp thì mộc là chỉ động tác lướt qua của ngón trỏ bàn tay phải, nét乚 là động tác gảy của cùng ngón đó, chẳng lẽ kẻ này có hai ngón trỏ của bàn tay phải ư?”
Chu Duật Hằng đương nhiên biết không hợp lý nhưng hắn chắc chắn mình không sao chép sai. Sau khi suy nghĩ một lát hắn lại hỏi: “Vậy, có khúc nhạc phổ nào giống cái này không?”
“Không có đâu điện hạ, giảm tự phổ đều được dùng cho đàn……” Nói tới đây Trác Yến bỗng nhiên nhớ tới một chuyện và vội đáp, “Đúng rồi, lúc trước thần có nghe người của giáo phường nói bọn họ muốn biến đống nhạc phổ của các nhạc cục thành giảm tự phổ để dễ truyền thụ và quản lý. Lúc ấy thần không để ý lắm bởi thủ pháp của các loại nhạc cục khác nhau, đâu có thể dùng giảm tự phổ cho tất cả được? Quả nhiên, mọi người đều chỉ nói cho có, chỉ có Khỉ Hà ngây thơ thành thực là cố tình hỏi thăm những nghệ sĩ già cách dùng giảm tự phổ ghi lại nhạc phổ cho sáo. Thần còn cười nhạo nàng lao lực vì chuyện này nhưng nàng nói năm cuối tiền triều từng có việc như thế, bản thân nàng chỉ tiếp nối những việc đã từng dang dở thôi……”
“Những năm cuối tiền triều ư?” Nghe có vẻ cũng 60 năm rồi. Chu Duật Hằng nghĩ một chút mới nói, “Gọi nàng ấy tới đây để chúng ta nghe xem nếu dùng khúc này để thổi sáo thì sẽ thế nào.”
Đáng tiếc là bọn họ lại phải thất vọng.
Âm thanh từ cây sáo quả thực quá kinh dị, so với tiếng đàn còn ghê hơn.
“Mẹ ơi, đây là nhạc trên dương gian hả?” Trác Yến che tai và khổ sở than.
Chu Duật Hằng cũng nhíu mày và cảm thấy tiếng sáo kia quá quái dị khiến người ta choáng váng, cực kỳ khó chịu.
“Lạ thật, rõ ràng có thể dùng sáo để thổi……” Khỉ Hà lật đống nhạc phổ Chu Duật Hằng đưa cho mình và giơ sáo lên định thổi tiếp.
“Cầu nàng đó Khỉ Hà, đừng thổi nữa!” Trác Yến đứng lên muốn ngăn cản nàng nhưng ai ngờ một cơn choáng váng ập tới khiến chân hắn mềm nhũn, cả người và cái ghế đổ lăn ra.
Khỉ Hà vội đi dìu hắn, ai ngờ chính nàng cũng mềm chân và ngã chồng lên người Trác Yến thế nên không nhịn được sợ hãi kêu lên. Vi Hàng Chi đứng canh bên ngoài lập tức vọt vào lại thấy Trác Yến và Khỉ Hà ngã lăn ra. Hắn thở nhẹ một hơi và hành lễ với Chu Duật Hằng.
Chu Duật Hằng đứng dậy muốn rời đi nhưng đột nhiên hắn thấy hoa mắt, cả người lâng lâng. May mà hắn đã có chuẩn bị sớm nên nhanh chóng đỡ lấy cái bàn để bản thân không ngã.
Hắn lấy lại bình tĩnh và nhìn về phía Trác Yến ở bên cạnh. Tên kia chật vật ôm cái trán sưng u lên vì đập vào nền gạch xanh, miệng hít hà. Khỉ Hà cũng đỡ đầu và không đứng dậy nổi.
Một tia chớp xẹt qua trong đầu Chu Duật Hằng khiến hắn đứng ngây ra trong gió đêm thổi từ cửa sổ và thật lâu không nhúc nhích.
Thấy sắc mặt hắn trầm xuống, Vi Hàng Chi hơi bất an và gọi: “Điện hạ?”
Chu Duật Hằng giơ tay để hắn im tiếng rồi ý bảo hắn đưa Trác Yến và Khỉ Hà ra ngoài.
Hãn Hoằng bưng trà lên và cẩn thận hỏi: “Điện hạ, thời tiết nóng quá nên ngài cảm thấy không khỏe ư?”
Chu Duật Hằng vẫn không trả lời, chỉ ngước mắt nhìn ánh đèn sáng ngời trước mặt và nhớ tới lúc ngồi đối diện với A Nam ở lầu 16 tại Ứng Thiên. Từ xa xa có tiếng sáo quanh quẩn.
Khi đó có tiếng mưa rơi tí tách đánh vào mái hiên làm người ta không phân biệt được tiếng sáo kia đang thổi một khúc nào.
Hắn bỗng nhiên hiểu ra nguyên nhân cái chết của Miêu Vĩnh Vọng.
“Báo cho các đội lập tức chuẩn bị, giờ Mão ngày mai sẽ xuất phát tới Ứng Thiên phủ.”
Nghe nói bản thân bị quan phủ điểm danh lên Bột Hải ở phía bắc thế là lòng A Nam vừa vui vừa buồn. Vui vì vốn nàng chẳng có cớ gì để đi theo A Diễm để trộm điều tra vụ án oan của bản thân, nay vừa lúc danh chính ngôn thuận. Nhưng nàng cũng buồn vì bản thân nàng đã diễn xuất sắc vai một tên đàn ông đáng khinh bắt nạt Khỉ Hà lúc ở tửu lầu mà bọn họ còn hoài nghi nàng là sao? Nếu không chẳng lẽ lại vì bọn họ không tìm được tay ném lao nào tốt hơn nàng ở Bột Hải ư?
Nàng không hiểu ý của đối phương nên chỉ đành đi bước nào hay bước ấy. Đã thế nàng còn tăng giá vô tội vạ và tàn nhẫn đòi một khoản thù lao lớn từ triều đình, hoàn toàn thể hiện hành vi của một kẻ đáng khinh đến cực điểm.
Giang Bạch Liên là ngư dân nên không thể lên bờ và phải đi đường nước. A Nam đương nhiên sẽ đi với hắn, dù sao thì đường bộ cũng nhiều người quen, phiền toái sẽ lớn hơn.
Nhưng thật khó tin đó là Trác Yến mang theo Khỉ Hà cùng chen lên thuyền của họ.
A Nam thấy Khỉ Hà thì cực kỳ vui mừng và lập tức thò lại gần cười hi hi: “Òa, hai ngày nay không gặp, sắc mặt nàng tốt hơn nhiều rồi đó.”
Khỉ Hà vừa nhìn thấy nàng đã lập tức tươi cười nói: “Đa tạ Đổng tướng công quan tâm, ta khá hơn nhiều rồi.”
A Nam cũng cảm thấy má nàng hơi ửng hồng nên vui vẻ bóp bóp hai má nàng: “Xem ra thuốc của vị đại phu kia không tệ. Nàng nhớ phải ngoan ngoãn nghe lời và tĩnh dưỡng cho tốt.”
Khỉ Hà phun một tiếng và hất móng heo của nàng ra sau đó oán giận: “Ấy, ngượng muốn chết. Trước mặt nhiều người như thế mà ngươi lại động tay động chân, nếu đây mà là giáo phường thì ngươi đã bị đá văng ra rồi!”
Nghe nàng mở mồm là nói cái gì mà “chết” với “văng” thế là thuyền bên cạnh lập tức vang lên một tiếng bang rõ to. Hóa ra Giang Bạch Liên đang ngồi xếp bằng ở mép thuyền bên cạnh thế là hắn lập tức nhảy xuống boong thuyền đi tìm chổi.
A Nam biết hắn lại định múa may đuổi người theo tập tục của ngư dân nên vội vung chân giẫm lên cái chổi và nói: “Giang tiểu ca, nàng chỉ lỡ lời thôi, ngươi đừng để ý. Để ta nói với nàng.”
Khỉ Hà tự biết mình lỡ lời nên vội che miệng còn Giang Bạch Liên thì giơ tay xua đuổi nàng giống đuổi thứ đồ dơ bẩn: “Đi mau, đừng tới gần ta, mở miệng là nói toàn chuyện xấu!”
Khỉ Hà nhớ tới lần trước hắn dùng chổi đuổi mình rời khỏi thuyền lúc bọn họ đang ở giữa sông, sau đó nàng nhìn vẻ mặt ghét bỏ của hắn thì càng tức hơn: “Được, ta sẽ lập cho ngươi một bài vị trường sih, mỗi ngày dâng hương cầu cho ngươi phúc như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn, vạn sự được như ý sau đó trường sinh bất lão nhé!”
Giang Bạch Liên đương nhiên biết nàng đang trào phúng: “Ngươi làm cho bản thân mình ấy, nhìn cái bộ dạng gió thổi là bay của ngươi kìa.”
“Ta có bộ dạng này không phải do ngươi làm hại à? Nếu lúc ấy ngươi cứu ta sớm một chút thì ta đâu có khốn khổ tới độ bây giờ ngực vẫn còn đau?” Nàng vỗ ngực và u oán lườm hắn, “Ngươi chần chừ mãi không chịu cứu ta lên vậy có biết đã khiến ta thiệt hại bao nhiêu không? Vốn dĩ mỗi ngày ta có thể thoải mái dễ chịu nằm nghỉ ngơi, chỉ cần múa mép một chút là có bạc thu vào. Nhưng hiện tại vì ngươi mà ta thành ra thế này, vậy còn ai tới tìm ta nữa……”
Trác Yến theo bản năng đỡ trán không nói được gì.
Còn khóe miệng Giang Bạch Liên thì run rẩy, nói chuyện cũng lắp bắp: “Vô…… Vô sỉ!”
“Vô sỉ cái gì?” Khỉ Hà kinh ngạc sau đó mới bừng tỉnh, “Ta đang nói tới chuyện dạy các cô nương ở giáo phường Hàng Châu thổi sáo cơ mà! Lúc ấy ta có thể dựa vào trên sập và tùy tiện chỉ dẫn là được. Ta tới dưỡng bệnh đó! Giang tiểu ca ngươi nghĩ cái gì vậy? Sao ngươi còn trẻ mà trong đầu toàn mấy chuyện xấu xa thế?”
Giang Bạch Liên đỏ mặt đến độ làn da ngăm đen cũng không che được: “Ta…… Ngươi…… rõ ràng ngươi cố ý nói mấy lời này!”
“Lời nào? Sao ta không biết?” Khỉ Hà cười hì hì và dán lại gần khiến Giang Bạch Liên sợ quá rụt qua một bên. Nhưng hắn quên mất mình đang ngồi trên lan can nên mất thăng bằng và ngửa người ra sau ngã tùm xuống nước.
Mọi người đều biết hắn bơi tốt nên cũng chẳng thèm để ý. Khỉ Hà dựa vào lan can và cười hì hì nhìn hắn ngoi lên mặt nước sau đó vẫy vẫy khăn và nhoẻn miệng cười: “Giang tiểu ca sốt ruột hoảng hốt như thế chứng tỏ ngươi còn non hả?”
Giang Bạch Liên tức muốn hộc máu và lau mặt sau đó hung hăng trợn mắt nhìn nàng một cái mới lặn xuống nướ và bơi tới thuyền phía sau.
“Nàng trêu thằng nhóc con làm gì? Chọc hắn cáu rồi kia kìa!” A Nam bất đắc dĩ cười và vỗ vỗ cánh tay của nàng ý bảo nàng tha cho Giang Bạch Liên.
Trác Yến cũng vội lôi nàng vào khoang thuyền sau đó cầm một tấm bản đồ của Bột Hải và đi ra ngoài trải trên bàn.
Lúc này Giang Bạch Liên hậm hực đi lên từ đuôi thuyền và được Trác Yến gọi tới ngồi cạnh bàn. Mặt hắn vẫn hậm hực.
“Giang tiểu ca, chúng ta nói chuyện công việc đi.” Trác Yến chỉ vào eo biển hẹp nhất trên bản đồ và nói, “Ngươi xem, đây là chỗ giao nhau giữa Bột Hải và Hoàng Hải, cửa biển Đăng Châu và Tam Sơn như hai cánh tay duỗi ra bóp chặt lấy cửa biển. Mục đích lần này của chúng ta là Bồng Lai các, ở ngay chỗ eo biển hẹp nhất này. Đến lúc đó phải nhờ ngươi xuống nước dò đường và làm quen với tình huống bên dưới.”
Giang Bạch Liên lấy lại tinh thần và ném Khỉ Hà ra sau đầu. Hắn nghiêm túc nghiên cứu tấm bản đồ Bột Hải sau đó hỏi: “Ta hay đánh cá và vận chuyển hàng ở Đông Hải với Hoàng Hải nên chỉ biết Đông Hải nhiều sóng, Hoàng Hải nhiều cát, vậy Bột Hải thế nào?”
Trác Yến đáp: “Ba mặt của Bột Hải được bao bởi núi, cửa biển nhỏ, sóng êm, phù sa chồng chất nên nước biển nông. So với Đông Hải thì an ổn hơn nhiều.”
A Nam nhìn hải đồ và cười hỏi: “Sao thế? Lại phải xuống nước à?”
“Lần này chúng ta tới đó là để thăm dò tình huống dưới nước. Các ngươi đoán xem? Sau khi phát hiện bức phù điêu ở Đông Hải, triều đình nhanh chóng phái quan viên tới Bột Hải tìm hiểu. Và bọn họ phát hiện ra một tòa thành trì giống hệt cái được phát hiện ở cửa sông Tiền Đường. Nó ở ngay chính giữa eo biển nối giữa Bồng Lai Các và Tam Sơn, quy mô cực kỳ đồ sộ.”
Giang Bạch Liên nhớ tới tòa thành dưới mặt biển ở Hàng Châu và nghĩ tới tòa thành ở Bột Hải còn to hơn thì líu cả lưỡi.
Còn A Nam thì hỏi: “Cũng có Thanh Loan và đài cao ư?”
“Chúng ta không biết. Bởi vì thành trì quá lớn, nước biển lại không trong như Đông Hải nên chỉ thấy lờ mờ. Hải quân lặn xuống thăm dò cũng thấy vằn nước hình Thanh Loan và định bơi qua đó nhưng cũng bị tấn công nên họ không dám tiếp cận nữa.”
A Nam lập tức đập bàn: “Quá khéo, chúng ta sẽ tới Bột Hải đòi lại món nợ ở Tiền Đường!”