Chương 91: Biển máu Bồng Lai – 1
Những thứ vớt được từ dưới biển lần lượt được đưa lên.
Chu Duật Hằng đứng ở chỗ cao và nhìn những thứ hình thù kỳ quái kia.
Những mảnh đồng tán loạn vặn vẹo dù đã bị hư hỏng nhưng dựa vào năng lực của bản thân, hắn chỉ cần liếc mắt một cái đã nhanh chóng nhận ra bộ dáng vốn có của chúng —— đó là những linh kiện được vẽ trong các tư liệu còn sót lại của Quan tiên sinh và vừa lúc có thể tạo thành một con Thanh Loan xoay vòng quanh.
Lúc ông ấy chế tạo ra con Thanh Loan bằng đồng này đã sử dụng biện pháp nào đó nên dù đã qua 60 năm nhưng lớp mạ vàng bên ngoài vẫn sáng bóng, chưa từng bị loang lổ và phai màu.
Tiếng nước ầm ầm, những người xuống biển lần lượt ngoi lên.
Chu Duật Hằng lặng lẽ đảo qua bọn họ và liếc nhìn cái tên Đổng Lãng chen trong đó. Chỉ thấy một tay hắn bám lấy mép thuyền và lắc vài cái, chờ đến khi thân thuyền hơi nghiêng đi hắn mới nương đó xoay người nhảy lên. Nhưng thế thuyền nhỏ sẽ không bị nghiêng lệch nhiều, cũng giữ cân bằng tốt hơn, cả người đứng vững hơn.
Chu Duật Hằng nhìn “Đổng Lãng” một lát sau đó thu lại tầm mắt và dẫn người xuống boong thuyền bên dưới.
A Nam bò lên thuyền lớn và lắc cho nước trong tai rơi ra. Thân thể của nàng hơi nặng bởi bên trong áo lặn có lót bông. Nhưng nàng chẳng còn cách nào, dáng người của nàng mảnh dẻ hơn đàn ông vì thế vẫn phải ngụy trang cho an toàn.
Chu Duật Hằng đánh giá những mảnh vụn chất trên thuyền và hỏi Tiết Trừng Quang: “Tình huống dưới nước thế nào?”
“Chúng ta nhận lệnh xuống nước tìm tòa thành trì kia nhưng nơi đó đã bị cơn bão lần trước phá tan hoang. Đây là những thứ vớt được từ đống phế tích, bên dưới còn một tí nữa nhưng bị đất đá vùi lấp, sợ là khó mà lẻn vào để vớt lên.”
Chu Duật Hằng lệnh cho Gia Cát Gia tìm người phục hồi những bộ phận này lại như cũ, đồng thời hắn thấy Giang Bạch Liên ở bên cạnh muốn nói lại thôi thì nhìn đối phương.
Giang Bạch Liên vội dùng khuỷu tay chọc chọc A Nam và nói: “Đổng đại ca phát hiện một vài hình khắc phù điêu ở dưới nước. Ta đã thấy hình ảnh đó, hình như là địa hình của Bột Hải.”
“Bột Hải?” Chu Duật Hằng quay qua nhìn “Đổng Lãng”.
A Nam chỉ cảm thấy đầu to ra. Vốn nàng vừa thấy Chu Duật Hằng là đã sợ, tránh còn không kịp nhưng lúc này Chu Duật Hằng đã mở miệng hỏi thì nàng cũng chỉ có thể giả vờ bừng tỉnh và đáp: “Thì đúng rồi, mấy năm trước ta chạy thuyền qua Bột Hải, nay lại thấy trên một tảng đá ở dưới nước có khắc Bột Hải, còn là màu đỏ khiến ta sợ quá thể.”
Nàng đã uống thuốc khiến giọng trở nên nghẹn ngòa trầm thấp. Nhưng vì xuống nước lâu khiến dược hiệu tan đi, lúc này nàng chỉ có thể tự điều chỉnh tông giọng thấp hơn.
Chu Duật Hằng nhíu mày: “Bôt Hải màu đỏ?”
Việc đã đến nước này, A Nam chỉ có thể bất chấp hết. Nàng duỗi tay tùy tiện vẽ hình bầu dục và nói: “Là cái hình này thì chính là Bột Hải còn gì? Trên bức phù điêu dưới nước có màu xanh và đỏ. Màu xanh là núi, màu đỏ là biển, phía tây của biển có Bồng Lai các. Ta nhận ra tường thành Lâm Hải và lầu các ở đó!”
Chu Duật Hằng hơi trầm ngâm và dặn Tiết Trừng Quang: “Cho người xuống biển lấy mảnh phù điêu đó lên đây xem sao.”
A Nam nói: “Bức thạch điêu đó quá lớn, sợ không ổn đâu. Nhưng có thể vẽ lại rồi mang lên.”
Trác Yến đứng bên cạnh nghe thấy thế thì tò mò ngẩng đầu hỏi nàng: “Giấy gặp nước là ướt, mực vào nước là tan thì làm sao mà vẽ lại được?”
Tiết Trừng Quang cũng nghe đến đó thì nói: “Cái này cũng khộng khó. Chỉ cần tìm một miếng vải sạch trùm lên bức phù điêu sau đó dùng than đá hoặc than củi để tiến hành vẽ theo đồ án là được. Nhưng việc vẽ lại bức tranh lớn như thế dưới nước khẳng định sẽ gian nan, phải từ từ làm.”
Tuy nói rất khó nhưng triều đình đã ra lệnh thì làm gì có chuyện nào không làm được.
Trác Yến và Tiết Trừng Quang đi bố trí việc này còn Chu Duật Hằng thì nói với A Nam: “Theo ta tới đây và kể lại cho ta nghe một cách tỉ mỉ về tình hình dưới đáy nước.”
A Nam đáp lời và theo hắn lên tầng hai, đi vào khoang thuyền. Nhưng trong áo lặn của nàng có thêm bông và nó cứ nhỏ nước mãi.
Vi Hàng Chi thấy thế thì giơ tay ngăn cản nàng và nói: “Đổi bộ quần áo khác và quay lại đây.”
A Nam nghiến răng nói dối: “Không mang.”
Vi Hàng Chi quay đầu dặn binh lính cầm một bộ quần áo khô tới và đưa cho nàng: “Thay luôn đi.”
A Nam “ha” một tiếng và giơ tay đón lấy quần áo sau đó ngước mắt nhìn Chu Duật Hằng. Hắn đứng ở trên cao nhàn nhạt nìn nàng giống như đang chờ nàng cởi áo lặn để lộ bộ mặt thật.
A Nam nhướng mày tính toán xem nên nhảy khỏi thuyền lặn xuống nước hay không? Như thế nàng sẽ phải bơi bao lâu mới tới được một hòn đảo nhỏ để nghỉ ngơi? Dù nghĩ thế nhưng mặt nàng vẫn lạnh te và vươn tay sờ khéo của bộ đồ lặn, miệng nói: “Cũng tốt, ta thấy ướt thế này cũng hơi khó chịu……”
“Không cần thay, ngươi lên đây luôn đi.”
Giọng Chu Duật Hằng vang lên từ bên trên khiến A Nam như được đại xá và thở ra một hơi, ấy thế nhưng mặt nàng lại lộ tiếc nuối. Nàng trả lại quần áo cho Vi Hàng Chi rồi lên tầng trên. Nàng sờ sờ búi tóc bị ướt của mình và lạnh mặt đi vào khoang chính dưới sự dẫn dắt của Vi Hàng Chi.
Trong khoang chính của thuyền lớn có thảm Ba Tư dày nặng. A Nam vừa giẫm lên đã để lại dấu nước. Nàng hơi đau lòng thay A Diễm nên nhanh chóng đi nhanh qua hành lang bằng gỗ trầm hương.
A Nam vòng qua bình phong nạm lưu li và vén rèm ngọc đi vào thì thấy hắn ngồi ngay ngắn sau một cái bàn lớn bằng gỗ tử đàn. Chu Duật Hằng vẫn mang vẻ trang nghiêm và bình thản như cũ, sống lưng thẳng tắp lạnh lùng, khuôn mặt cao quý kiêu ngạo không thể tới gần.
Hắn giơ tay ý bảo A Nam ngồi xuống. Nàng lập tức theo thói quen và ườn èo trên ghế, tiện thể khoanh một chân lên ghế. Chờ nàng lấy lại tinh thần đã không kịp nữa rồi. Chu Duật Hằng đã sớm thấy được bộ dạng lười nhác của nàng vì thế nàng dứt khoát tự sa ngã và dựa vào thành ghế, ánh mắt nhìn quanh rồi mới mặt dày nói: “Đại nhân, thuyền này thật không tồi, là xưởng nào đóng vậy? Nếu có tiền ta cũng muốn đóng một con thuyền.”
Chu Duật Hằng nhàn nhạt nói: “Xưởng đóng tàu Long Giang.”
“Thế thì tiểu nhân không có cơ hội rồi.” Nghe nói đó là xưởng đóng tàu của hoàng gia vì thế nàng lập tức thở dài khoa trương.
Chu Duật Hằng không tiếp lời nàng mà chỉ nói: “Ngươi kể lại tỉ mỉ tình huống dưới nước cho ta nghe.”
“Tình hình cũng không khác gì hải quân đã báo cáo. Thành trì kia đã sụp, đài cao có bộ dạng thế nào chúng ta cũng không rõ. Dù sao cũng chỉ thấy một đống vỡ nát kéo dài, trong đó tìm được chút sắt vụn.”
“Ngươi có biết vẽ không? Vẽ ra cho ta xem thế nào.”
“Nói thật là ta không biết vẽ.” A Nam thấy Chu Duật Hằng thờ ơ đẩy giấy bút tới trước mặt mình thì cũng chỉ đành nhận lấy sau đó vẽ loạn một đống: “Lúc đám chúng ta bơi vào thì thấy đường phố bị sụp, cả đống phế tích tục lại thành một đống cao. Thành trì này hẳn được xây dựa vào núi, chỗ cao nhất cũng là đài cao nhưng nó cũng sụp rồi. Những bức phù điêu kia là ta dùng thủy lôi nổ tung phế tích mới lật ra được nhưng lại bị nát vỡ. Có điều vẫn thấy được một mảnh vẽ gió mưa ở Tiền Đường, không khác trận giông tố vừa rồi bao nhiêu. Còn sau đó chính là biển máu ở Bồng Lai…”
Chu Duật Hằng thấy nàng vẽ như giun như dế thì chẳng nhìn ra cái gì với cái gì nên ánh mắt dần dời đến đôi tay của nàng.
Lúc A Nam nhìn người sẽ luôn để ý tới đôi tay của họ nên nàng cũng bỏ công sức ngụy trang cho bàn tay của bản thân. Đôi tay kia đen vàng, thô ráp, những vết sẹo bên trên cũng bị che lấp. Có thể nói chúng hoàn toàn khác tay nàng lúc trước.
Ánh mắt Chu Duật Hằng lại dời tới mặt nàng.
Da đen, đến lỗ tai cũng là màu đồng cổ. Dù mới ở dưới nước lên nhưng nó vẫn có vẻ khô cằn, khác hẳn da thịt trơn bóng màu mật của A Nam.
Dung mạo của kẻ này khác hẳn A Nam. Hắn có hai mí mắt rũ xuống, mũi khoằm, xương gò má cao, lại có ria mép mang theo vẻ đáng khinh.
Lúc này hàng mi sụp động đậy như muốn nhìn hắn thế là Chu Duật Hằng dịch tầm mắt và trầm giọng nói: “Ngươi vẽ xấu quá, những gì vẽ ra không có tác dụng gì nên đừng vẽ nữa.”
“À, được.” A Nam cũng không để ý mà cười hì hì ném bút nói, “Thế tiểu nhân cáo lui trước.”
Chu Duật Hằng giơ tay ý bảo nàng rời đi. A Nam vội hở nhẹ một hơi và lui ra ngoài.
Chu Duật Hằng lại nhìn mảnh giấy vẽ quỷ vẽ bùa trên bàn và lạnh mặt vo thành cục và ném vào sọt rác. Nhưng lúc hắn cầm lấy cây bút kia thì bỗng ngửi được mùi hoa sơn chi nhàn nhạt. Nó rất nhạt nhưng khứu giác của hắn lại cực nhạy vì thế vẫn ngửi được. Ánh mắt hắn đột nhiên tối sầm lại.
Đây là…… mùi thuốc mỡ A Nam thường xuyên dùng khi tay chân bị thương.
Hắn nhìn dấu nước trên thảm và chần chừ cầm bút kia lên ngửi ngửi. Nhưng mũi hắn chỉ thấy mùi biển tanh mặn và mùi mực nước. Hương hoa sơn chi vừa rồi giống như ảo giác, rất khó tìm lại.
Vào ban đêm, bức vẽ của tấm phù điêu dưới nước được đưa tới hành cung của Chu Duật Hằng tại Cô Sơn. Hình ảnh trên bức tranh giống hệt bức phù điêu kia.
“Thật đúng là người chuyên nghiệp làm cũng khác. Tiết Trừng Quang nói tranh này không khác gì bức phù điêu dưới nước, từ kích thước tới màu sắc.” Trác Yến trải bức tranh lên bàn và đặt thêm một phần hồ sơ, “Đây là tư liệu về Đổng Lãng mà điện hạ muốn.”
Chu Duật Hằng liếc bức họa kia một cái sau đó cầm lấy tư liệu và sắc mặt lập tức trầm xuống.
Đổng Lãng cầm giấy đi đường do phủ Đồng Nhân ở Quý Châu cấp. Hắn chạy thuyền ở nơi ấy, quản một đội thuyền 12 chiếc và trên dưới chừng 100 người chèo thuyền. Cha mẹ hắn qua đời từ lâu, hiện tại theo di chúc của mẹ, hắn tới phủ Hàng Châu tìm họ hàng. Bành lão Ngũ ở thôn Giang Loan quả thực đã xác nhận đứa cháu ngoại thất lạc hơn 30 năm này…
“Nói như thế thì thân phận của Đổng Lãng không hề có bằng chứng, chỉ toàn dựa vào lời kể của Bành lão Ngũ hả?”
Trác Yến thò lại gần nhìn nội dung bên trên và cũng đen mặt: “Hải quân của Hải Ninh sao lại có thể tệ tới mức này? Với một kẻ lai lịch không rõ lại dám để cho trà trộn vào đội ngũ lặn xuống biển ư? Huống chi lần ra biển này là do điện hạ tự mình chỉ huy. Nếu kẻ này có vấn đề thì sao?”
“Phủ Đồng Nhân ở Quý Châu cách nơi này xa như thế, việc kiểm chứng quả thực gian nan, bét cũng phải mất một hai tháng.” Chu Duật Hằng ném hồ sơ, mặt lạnh tanh.
Trác Yến nghĩ nghĩ sau đó lộ vẻ chần chừ: “Cái này…… Nếu điện tin tưởng thì để Khỉ Hà thử điều tra xem?”
Lời vừa ra khỏi miệng, Trác Yến đã cảm thấy không ổn và vội sửa miệng: “Khỉ Hà từng nói Đổng Lãng là khách của nàng ấy nhưng nàng đã gặp bao nhiêu người từ bắc tới nam, hơn nữa hiện tại sức khỏe của nàng……”
“Có thể.” Không ngờ Chu Duật Hằng lại chỉ hơi trầm ngâm một lát đã nói, “Nếu Khỉ Hà và ‘hắn’ có quen biết thì lúc ở chung sẽ khó che giấu, khả năng lòi đuôi sẽ cao hơn.”
“…… Vâng.” Trác Yến đáp lời nhưng trong lòng lại nghĩ: sao điện hạ lại biết hai người họ quen nhau? Khỉ Hà chưa chắc đã có ấn tượng gì với những vị khách chỉ gặp 1-2 lần.
***
Tuy xuất thân giáo phường nhưng lúc Khỉ Hà nhận được nhiệm vụ thì lập tức thấy nước mắt lã chã. Bởi vì nếu nàng thông minh được như vậy, có thể quyến rũ khách, có thể đưa đẩy với đàn ông thì làm gì đến mức thảm thế này?
Nhưng Trác Yến nói quan phủ có lệnh nên nàng cũng chỉ có thể đặt một bàn tiệc rượu ở Cẩm Nhạc lâu bên cạnh Giáo Phường của Hàng Châu rồi mời “Đổng Lãng” tới để cảm ơn hắn đã giúp mình.
A Nam vui vẻ nhận lời, đồng thời còn tặng nàng ấy một cái vãy mã diện bằng lụa có thêu hoa hải đường đỏ tươi giống như cảnh xuân mê người.
Khỉ Hà thích tới độ ôm váy vui vẻ. Nàng cũng cảm thấy bộ râu của tên kia không đáng khinh lắm.
“Thích hả? Thích thì mặc cho ca xem nào!” Kết quả là lòng Đổng Lãng còn đáng khinh hơn bộ râu. Hắn cứ thế đóng cửa phòng và vói tay định cởi quần áo của nàng.
Khỉ Hà nhanh chóng hất tay hắn ra và né sáng một bên: “Đáng ghét, đây là tửu lầu đó!”
“Đóng cửa rồi, rượu và đồ ăn cũng toàn món thượng hạng, không có ai vào đâu.” A Nam cười hì hì và đùa với nàng, tay kéo vạt áo nàng, “Tới đây, hôn hôn một cái…… à, dầu bôi tóc mùi hoa sơn chi, ca thích ~ đúng rồi, lần trước không phải nàng nói bị mất trâm vàng ư? Để ta sung sướng một phen rồi mai ta đi đánh cho nàng cây trâm khác giống như đúc.”
“Ngươi còn lâu mới đánh được cây trâm như thế, đó chính là thiên hạ độc nhất vô nhị……”
Trác Yến ở gian bên cạnh và dán tai lên vách nghe ngóng thấy thế thì lập tức ghét bỏ, miệng mắng một câu “Ghê tởm!”
Chỉ nghe Khỉ Hà vừa giữ góc váy vừa kháng cự còn cái tên “Đổng Lãng” kia thì làm gì đó. Khỉ Hà “A” một tiếng nho nhỏ và run run: “Ngươi…… Ngươi còn như vậy là ta sẽ gọi người tới đó!”
“Nàng kêu đi, kêu rách cổ …… Hả? Sao nàng vẫn còn kinh nguyệt vậy? Đã vài ngày từ khi nàng rơi xuống nước rồi mà.” Giọng nói hậm hực của Đổng Lãng truyền đến.
Trác Yến đang nghĩ xem có nên chạy qua ngăn cản hay không thì bỗng giật mình và dừng động tác đá cửa.
Bên kia truyền đến tiếng Khỉ Hà thấp giọng oán trách còn “Đổng Lãng” thì buông tha nàng: “Thế này sao được? Có phải thân thể của nàng có vấn đề không? Đừng uống rượu, phải tĩnh dưỡng cho tốt, nếu để lại bệnh căn thì không tốt đâu —— tiểu nhị!”
Tiểu nhị nghe thấy khách gọi thì lập tức chạy tới. Còn chưa kịp hỏi đã thấy hai miếng bạc vụn được nhét vào tay hắn, người trước mặt vội nói: “Thay ta tới mời đại phu giỏi phụ khoa nhất Hàng Châu tới đây khám bệnh. Một miếng bạc là phí khám bệnh, miếng còn lại là tiền công của ngươi.”
Tiểu nhị hết sức vui mừng và ôm bạc nói với ông chủ một tiếng mới chạy tới phường Thanh Hà mời đại phu của Bảo Hòa Đường tới.
Đại phu già vừa vuốt râu bắt mạch cho Khỉ Hà vừa nhíu mày hỏi: “Đây không phải là kinh nguyệt bất thường mà trong lúc kinh nguyệt bị ngâm trong nước lạnh lâu ngày phải không?”
Khỉ Hà thấy ông ấy đã nhìn thấu thì chỉ đành bất đắc dĩ gật đầu nói: “Lúc trước ta bị vu oan và bị hạ ngục. Quan phủ kẹp tay của ta, sau đó…… quan trên không cho bức cung nhưng đám cai ngục kia nhân lúc ta có kinh nguyệt lại nhốt ta trong thủy lao, để ta ngâm trong nước bẩn tới eo. Bọn chúng bức ta vu oan cho một cô nương quen biết và nói là lúc nào chịu nghe lời thì mới thả ta ra ngoài……”
“Vậy ngươi bị ngâm trong nước bao lâu?” Lão đại phu đã làm nghề y nhiều năm nhưng nghe thế thì cũng không nhịn được đồng tình.
Khỉ Hà rơi lệ lắc đầu và nhớ lại tình hình lúc ấy. Thần trí nàng hoảng hốt, cũng không nhớ được rõ ràng: “Ta không biết. Khi đó ta chảy máu, trên mông và đùi cũng có vết thương lại ngâm trong nước bẩn nên cả người chỉ đủ sức dựa vào tường. (Hãy đọc truyện này tại trang RHP) Ta sợ mình vừa ngồi xuống sẽ chết đuối trong nước…… Song sắt trên đỉnh đầu sáng hai lần rồi lại tối hai lần, sau đó Trác thiếu gia nói ta bị nhốt hai ngày hai đêm……”
A Nam đỏ mắt và không nhịn được nói: “Sao nàng không nhận lời? Mạng sắp không còn thì nghĩ tới người khác làm gì?”
“Ngươi nói hươu nói vượn cái gì thế? Một tiện nhân từ Giáo Phường Tư như ta vốn đã chẳng trông chờ gì việc thành thân sinh con, sống cũng chẳng sung sướng gì thì dù có chết cũng chỉ là khổ chút thôi. Sao ta có thể làm chuyện táng tận lương tâm kia chứ?” Khỉ Hà lườm nàng và lẩm bẩm, “Hơn nữa A Nam đối xử với ta rất tốt, sao ta có thể làm hại nàng ấy?”
A Nam quay đầu đi và cố ép bản thân không được xúc động, không để bọn họ nhận ra khác thường.
Đại phu lắc đầu thở dài: “Ta thấy thân thể của ngươi sợ là hỏng rồi, đời này phải tĩnh dưỡng cho tốt. Nhưng dược liệu sẽ đắt đỏ, hơn nữa có khởi sắc hay không cũng khó mà nói……”
“Phải tĩnh dưỡng cho khỏi! Bất kể thế nào cũng phải chữa cho nàng ấy khỏi bệnh!” A Nam ôm lấy Khỉ Hà và mặc kệ nàng ấy oán trách giãy giụa. Nàng ôm đối phương vào lòng và cao giọng nói, “Nàng dưỡng bệnh cho tốt! Đời này có ca ca ở đây thì nhất định sẽ khiến nàng được ăn sung mặc sướng, đảm bảo nửa đời sau vui vẻ!”
Lúc Trác Yến về hành cung bẩm báo thì trong lòng rất buồn khổ. Cái gì mà moi tin tức chứ? Khỉ Hà suýt thì bị cái tên đáng khinh kia bắt nạt. Thật đúng là ăn trộm gà không thành còn mất nắm gạo.
Ai ngờ hắn cố nén khổ sở kể lại mọi chuyện cho Chu Duật Hằng xong lại phát hiện mặt điện hạ lộ ra vẻ mê mang quái dị. Đã thế, câu hỏi của hắn cũng kỳ quặc: “Nói như vậy thì Đổng Lãng thực sự là đàn ông à?”
Trác Yến phỉ nhổ: “Tên khốn kia là đàn ông cái rắm ấy! Hắn còn không bằng cầm thú! Nếu không phải thân thể Khỉ Hà còn có bệnh thì suýt nữa đã bị hắn bức…… Khụ khụ, hừ!”
Chu Duật Hằng không nói một lời, ánh mắt lạnh lùng nhìn ra Tây Hồ bên ngoài cửa sổ.
Sóng nước lấp lánh đã khôi phục vẻ trong trẻo, cầu kiều với bờ đê màu trắng kéo dài qua Tây hồ. Liễu rủ lả lướt như ngày đó hắn và A Nam đi qua.
Một lúc lâu sau Trác Yến mới nghe thấy giọng hắn trầm thấp mang theo chút mỏi mệt: “Về sau các ngươi chậm rãi tìm hiểu và xác thực thân phận của Đổng Lãng kia là được.”
“Vâng.”
Trác Yến nhẹ tay nhẹ chân rời khỏi đó. Tới cửa hắn thấy trong phồng truyền tới một tiếng sàn sạt thật nhỏ. Vừa quay đầu hắn đã thấy một con mèo đen đang trừng đôi mắt màu hổ phách và nhảy lên cửa sổ nghiêng đầu nhìn vào bên trong.
Hắn nhận ra đây là một con mèo mà “mẹ” mình từng nuôi. Sau khi Nhạc Thưởng Viên bị niêm phong, mèo bên trong không có người nuôi náng nên chạy trốn khắp nơi. Con mèo này lại chạy tới đây.
Hắn đang chần chờ không biết có nên giúp điện hạ bắt nó lại hay không thì lại thấy con mèo kia quen cửa quen nẻo chạy tới chỗ hoàng thái tôn điện hạ và nhảy lên bàn cọ cọ hắn kêu “Meo meo”.
Chu Duật Hằng đẩy bức tranh cuộn tròn sang một bên và rũ mắt nhìn nó sau đó mở ngăn kéo lấy một nắm tôm khô đặt ở góc bàn. Con mèo đen cảm thấy mỹ mãn và bắt đầu ăn, ngay cả khi Chu Duật Hằng vươn hai ngón tay nhẹ xoa đầu của nó thì nó cũng chỉ híp mắt vẫy vẫy đuôi.
Trác Yến rón ra rón rén rời đi, trong lòng chấn động ——
Điện hạ lại chuẩn bị đồ ăn cho một con mèo hoang, mà nhìn bộ dạng kia có lẽ đây không phải ngày đầu.
Mới chỉ mấy tháng trước, người này còn nói cái gì nhỉ……?
“Ta không có hứng thú với mèo, cũng không có hứng thú với nàng kia.”
Hắn nghĩ tới câu nói chắc như đinh đóng cột của điện hạ lúc ấy thì cảm thấy thế giới chung quanh cũng không còn chân thật nữa.