Chương 87: Núi rộng sông dài – 3
Mưa gió qua đi, cái nóng ngày hè dần bao phủ Hàng Châu.
Dọc đê biển, dưới ánh nắng chói chang là cảnh ồn ào náo nhiệt. Tiếng leng keng vang lên hết lần này tới lần khác, kèm theo đó là tiếng hò hét không ngừng. Có người vác bao cát, người vận chuyển cát, bê đá, xây tường đá… mọi công đoạn đều được phân công rõ ràng, khí thế ngất trời.
Thái Tử Phi xuống xe và thấy cảnh tượng trước mặt thì nhíu mày và đi về phía căn lều đơn sơ được dựng tạm bên bờ sông.
Mười mấy tuổi bà đã được gả vào phủ thế tử, lúc mang thai còn cùng chồng bảo vệ Yến Kinh. Bản thân bà đã trải qua mưa gió nhưng khi nhìn sông Tiền Đường, thấy bùn ngập tới gối, ruồi bay thành đàn đậu trên những con cá chết, thấy nước sông vẩn đục bẩn thỉu đầy tang thương mà con trai bà vẫn lê thân thể đầy thương tích để chỉ huy việc gia cố đê biển thì mắt bà vẫn đỏ lên. Hắn đang ở chung một chỗ với đám dân phu và phải vất vả làm lụng.
Chu Duật Hằng ngẩng đầu thấy mẹ thì ngẩn ra và tiến lên đỡ bà vào trong lều nghỉ ngơi sau đó hỏi: “Không phải người dưới nói Ứng Thiên sẽ cử sứ giả tới ư? Sao ngài lại……”
“Ta không thể tới sớm hơn sứ giả à? Nếu không phải phụ vương của con không được khỏe thì ông ấy còn định tự tới đây cơ.” Thái Tử Phi nắm lấy tay con và nhìn khuôn mặt tái nhợt vì bệnh tật và vất vả của hắn thì đau xót. Bà oa gò má hắn và nói, “Ta mang theo Sầm thái y tới đây, con mau ngồi xuống để ông ấy bắt mạch xem thế nào.”
“Con đã không còn trở ngại gì nữa, mẫu phi không cần lo lắng.”
Tuy hắn mỉm cười an ủi mẹ mình nhưng Thái Tử Phi không chịu mà bắt hắn ngồi xuống rồi gọi Sầm thái y tới bắt mạch.
Sầm thái y chăm chú bắt mạch một lúc mới nói: “Mạch của điện hạ hơi trầm, đập nhanh, đây là biểu hiện của người bị nội thương và suy nhược lâu ngày gây ra. Lão hủ cho rằng điện hạ nên tĩnh dưỡng nghỉ ngơi, chớ để tâm trí phiền nhiễu vì việc bên ngoài, cũng đừng để mệt mỏi quá độ. Ngài không nên thức khuya dậy sớm, nếu vất vả quá độ sẽ thành tật, tương lai hối cũng không kịp.”
Chu Duật Hằng rũ mắt và rụt tay lại sau đó cười cười nhưng không nói gì.
Chuyện tương lai với hắn mà nói thì quá xa xôi, chưa biết có hối tiếc hay không.
Thấy hắn không chút để ý thế là Thái Tử Phi càng thêm sốt ruột. Chờ Sầm thái y đi rồi bà cố nén cảm xúc và nhẹ nhàng khuyên bảo: “Lời thái y nói con đã nghe thấy chưa? Công Bộ thị lang của Nam Kinh đã theo ta tới Hàng Châu này, vì thế con có thể giao mọi việc cho ông ấy rồi về nghỉ ngơi được rồi đó.”
Chu Duật Hằng nhìn mọi người đang bận rộn tu sửa đê đập dưới ánh nắng chói chang và nói: “Một khi đã như vậy thì con sẽ chờ Chử thị lang tới và giao lại công việc. Công trường chỗ này vừa ồn vừa hỗn loạn, mẫu phi về nghỉ ngơi trước đi.”
“Ta không nghỉ ngơi được. Nhiều ngày nay ta không thể chợp mắt nên mới ngày đêm tới chỗ này gặp con.” Thái Tử Phi nhìn bộ dạng mảnh khảnh của Chu Duật Hằng thì cất giọng hơi khàn khàn, “Thật không ngờ La Bàn kia lại độc ác như thế. Nàng ta vừa cướp tội phạm quan trọng của triều đình vừa tàn sát quan binh và hạ độc con!”
“Nàng ấy quả thực đã cướp tội phạm mà Thánh Thượng muốn áp giải về kinh thành, cũng ra tay tàn nhẫn khiến người người tử thương ở Phóng Sinh Trì.” Chu Duật Hằng nhìn mặt trời chói chang bên ngoài và chậm rãi nói, “Nhưng nàng ấy không hạ độc con. Đại phu của Hàng Châu đã chẩn trị, vừa rồi Sầm thái y cũng đã bắt mạch và xác định con không trúng độc nên mẫu phi cứ yên tâm.”
“Nhưng nàng ta đã làm đủ chuyện xấu, còn khiến con rơi vào nguy hiểm. Đây là sự thật phải không? Nói vậy thì việc nàng ta cứu con trước kia, rồi cùng còn giải quyết nguy cơ ở Thuận Thiên phủ chỉ là để lừa con vào tròng ư?”
Chu Duật Hằng không trả lời mà chỉ nắm chặt chén trà trong tay không nói gì.
Thái Tử Phi nhấp một ngụm trà và miễn cưỡng trấn định lại sau đó nói: “Duật Nhi, con có biết mấy ngày trước suýt thì Đường Nhi bị chết oan chết uổng không?”
“Thất đệ làm sao?” Chu Duật Hằng kinh ngạc hỏi.
Chu Duật Đường là em trai út của Chu Duật Hằng, là con trai của Viên tài nhân và năm nay mới 6 tuổi.
Thằng bé mặc áo tang túc trực bên quan tài của mẹ. Vì khóc quá nhiều nên đứa nhỏ mệt quá ngủ mê man và được vú nuôi ôm sang phòng bên cạnh. Ai biết vú nuôi chỉ bất cẩn không để ý mà thằng bé đã gặp chuyện. Bà vú ngủ gật bên ngoài lại nghe thấy tiếng bình hoa rơi xuống đất và vội chạy vào thì thấy Chu Duật Đường đang giãy giụa bò dậy từ chậu nước, cả đầu và cổ toàn nước. Đứa nhỏ sợ quá ngồi dưới đất khóc váng lên.
“Đường Nhi nói trong lúc ngủ mơ nó bị một người xách lên. Chẳng hiểu sao nó hoàn toàn không có sức lực gì nên chỉ có thể mặc đối phương nhấn đầu mình vào chậu nước. Sau khi sặc vài ngụm nước, nó vừa đau vừa sợ và cong chân giãy giụa khiến cái bàn dài bên cạnh bị đá và làm đổ bình hoa. Lúc này người bên ngoài bị đánh thức và chạy vào nên nó mới nhặt được một mạng.” Thái Tử Phi nói tới đây thì vẫn còn thấy sợ hãi. Trên khuôn mặt luôn bình thản của bà ta lộ rõ vẻ kinh hoàng, “Đường Nhi bị dọa nên phải an ủi mãi nó mới đỡ hơn. Dù sao thằng bé cũng còn nhỏ, lại suýt bị chết chìm trong lúc ngủ mơ nên không thể thấy rõ khuôn mặt tên thích khách, nhưng……”
Nói đến đây bà ấy dừng lại, ánh mắt nhìn chằm chằm Chu Duật Hằng và gằn từng chữ một: “Trong lúc bị sặc nước nó thấy cái tay đè đầu mình xuống. Kẻ đó đeo một cái vòng gắn đầy trang sức và đá quý.”
Tay hắn khẽ run lên khiến nước trà nóng bắn lên ngón tay cái. Chu Duật Hằng nhìn thẳng mẹ mình và buột miệng: “Cái gì?”
“Hơn nữa, Đường Nhi còn thấy một viên trân châu to tròn trên cái vòng ấy.” Thái Tử Phi cố ý ám chỉ, “Duật Nhi, người tài giỏi không được trọng dụng thì quả thực đáng tiếc nhưng chặt đứt đay rối vẫn tốt hơn chìm trong mê mang không tỉnh ngộ.”
Chu Duật Hằng nghe mẹ nói thế thì biết bà đã phát hiện ý đồ của bản thân khi lừa A Nam tới hành cung ngày đó. Có lẽ mẹ hắn cũng đã chú ý tới việc hắn đưa viên trân châu cho nàng.
Chu Duật Hằng chỉ cảm thấy suy nghĩ trong lòng cuồn cuộn lên. Mãi hắn mới nén được cảm xúc: “Người đeo vòng tay trên đời này rất nhiều.”
“Nhưng người đeo vòng tay và có thể giết người trong chốc lát như thế thì chỉ có mình nàng. Cái này chứng tỏ kẻ giết tri phủ Đăng Châu lúc trước cũng chính là nàng ta, không thể nghi ngờ! Huống chi —— Đường Nhi là em con, Viên tài nhân cũng là người của Đông Cung. Hiện tại La Bàn ra tay tàn nhẫn với họ như thế, lại thêm Hàm Vương nhân cơ hội bức chúng ta thì chứng tỏ hai kẻ này phải có liên hệ!” Thái Tử Phi càng nói càng lạnh lùng. Ngay cả ánh mắt yêu thương dành cho con trai cũng bị sát khí che mờ hơn nửa, “Chẳng lẽ con không muốn vứt bỏ ảo tưởng và nhìn thẳng vào gương mặt thật của quân kẻ cướp kia ư?”
Đối mặt với ánh mắt tha thiết của mẹ, lưng gánh vác phó thác của mọi người trong gia đình nên hắn cảm thấy hơi thở như nghẹn lại. Thật lâu sau hắn mới lặng lẽ mở miệng hỏi: “Hình Bộ đã dán công văn truy nã ư?”
“Nàng ta đã dám phạm phải tội lớn thì triều đình phải truy cứu. Hiện tại công văn truy nã đã được dán khắp nơi, việc nàng ta sa lưới chỉ còn là vấn đề thời gian.”
“Tội danh là gì?”
“Cướp trọng phạm của triều đình, tàn sát quan binh, mưu hại con vua, mỗi một tội ấy đều là tội chém đầu.”
Chu Duật Hằng cố nén cảm xúc cuồn cuộn trong lòng và lặp lại một câu: “Nhưng A Nam không hạ độc hại con.”
“Duật Nhi, con thực sự quá hồ đồ đó!” Thái Tử Phi giơ tay vỗ nhẹ lên mu bàn tay nổi đầy gân xanh vì nắm chặt của hắn và hỏi, “Con đang khăng khăng bảo vệ một tên cướp không rõ lai lịch và vứt bỏ người thân không thèm nhìn ư?”
“Việc của Đường Nhi có quá nhiều điểm đáng ngờ, có lẽ chờ con trở về điều tra thêm rồi tính sau. Tất cả đều yêu thương thằng bé, nhưng không thể vì xúc động mà không phân biệt trắng đen và định tội cho người khác chỉ để hả giận. Nếu không chẳng phải chúng ta sẽ khiến thằng bé thất vọng ư?” Ánh mắt hắn kiên định, giọng nói cũng mang theo kiên trì, “Nếu cuối cùng điều tra ra hung thủ thực sự là A Nam thì con chắc chắn sẽ bắt nàng ấy về quy án và xử theo quốc pháp!”
***
A Nam lại về biển cả và nàng lập tức vui sướng như cá gặp nước.
Ánh mặt trời chưa lên nàng đã tỉnh lại và nhảy xuống giường, đi chân trần trên boong tày và trèo lên mép thuyền sau đó thả người nhảy xuống biển. Làn nước hơi lạnh khiến cả người nàng tỉnh táo lại.
Phương Bích Miên đang chuẩn bị đồ ăn sáng cho mọi người thấy thế thì đứng ở boong tàu và ngơ ngác nhìn nàng lặn ngụp như con cá trong con sóng bạc, cái khay trong tay cũng suýt rơi xuống.
Tư Thứu nhanh tay túm lấy cái khay còn Phương Bích Miên thì chỉ vào A Nam vàlắp bắp hỏi hắn: “Nam cô nương…… sáng sớm thế này đã xuống nước bơi có ảnh hưởng tới sức khỏe không?”
“Chả có gì không tốt cả. Từ nhỏ nàng ấy đã thế mà có bị làm sao đâu, ngay cả cảm cũng không.” Tư Thứu cười đáp.
“Nhưng nhảy từ mép thuyền cao như thế xuống……”
“Vậy ngươi nên nhìn thấy cảnh nàng nhảy từ vách đá xuống biển ấy. Chỗ ấy rất cao nhưng nàng nhảy xuống mà bọt nước cũng không bắn lên đâu. Có đôi khi nàng ấy còn lộn mấy vòng trong không trung cơ, đẹp lắm.”
Phương Bích Miên nghẹn họng nhìn chằm chằm, mãi tới khi A Nam bơi đã rồi mới bắn móc câu ở vòng tay lên méo thuyền rồi theo đó trèo lên. Nàng ấy lấy nước tắm tráng còn Phương Bích Miên đã hoàn hồn và vội chạy đi lấy khăn lông cho nàng lau tóc.
A Nam dùng muối biển đánh răng sau đó ăn cháo gạo nếp nấu với táo đỏ mà Phương Bích Miên chuẩn bị sau đó liên tục nói lời cảm ơn: “Phương cô nương khách sáo quá rồi. Không cần chăm sóc ta thế đâu.”
Phương Bích Miên cười nói: “Thật ra ta cũng có lòng riêng, ta muốn…… Nếu đã lên thuyền thì về sau nhờ Nam cô nương dạy ta bơi đi, như thế lúc làm việc sẽ tiện hơn.”
“À……” A Nam nhìn nhìn đôi chân bé nhỏ của nàng ấy rồi nói, “Ngươi bó chân nên sợ là hơi khó học.”
“Chân ta phải bó lại cho nhỏ để học múa, nhưng về sau ta không cần bó nữa.” Trong mắt nàng có ánh sáng lập lòe, rực rỡ đầy chờ mong, “Trước kia mẹ ta cũng không cho ta bó chân. Lúc 5-6 tuổi, ma ma của giáo phường bức ta bó chân, như thế lúc nhảy mới đẹp nhưng buổi tối mẹ luôn trộm giúp ta nới lỏng. Bà ấy nói: A Miên, con là con gái nahf lành vì thế dù có bó chân cũng không phải để học mấy thứ bán nghệ này……”
Nói tới đây, Phương Bích Miên ảm đạm, giọng cũng nghẹn ngào: “Đáng tiếc là bà ấy buồn bực mà chết sớm. Lúc ta 7-8 tuổi không chịu nổi đòn roi nên cuối cùng vẫn…… vẫn bó chân thành thế này. Mẹ ở dưới suối vàng mà biết thì sẽ đau lòng và thất vọng lắm……”
A Nam nghe nàng ấy nói tới mẹ thì cũng nghĩ tới mẹ mình và cũng đỏ mắt. Nàng vươn tay vỗ lưng cho nàng ấy và đưa một cái khăn tay qua: “Đừng khóc, đừng khóc, thật ra học bơi dễ lắm, chờ mặt trời lên cao, nước biển ấm hơn ta sẽ dạy ngươi. Học nhanh lắm!”
“Đừng có bơi nữa, không phải ta đã dặn ngươi nghỉ ngơi cho tốt ư?” Giọng Ngụy Nhạc An truyền đến từ phía sau, “Không nghe lời của thầy thuốc mà có vấn đề gì về sau thì ngươi đừng có hối hận!”
A Nam le lưỡi và ngoan ngoãn đi vào khoang thuyền của mình sau đó duỗi tay cho ông ấy bắt mạch.
Ngụy Nhạc An bắt mạch cho nàng, càng bắt càng buồn bực, cuối cùng hậm hực rút tay về.
“Sao nào?” A Nam hỏi.
Ngụy Nhạc An hừ một tiếng: “Sức khỏe quá tốt, khôi phục quá nhanh, một thân y thuật vang danh thiên hạ của lão không có chỗ dụng võ!”
A Nam bật cười ha ha. Thấy ông ấy muốn đứng dậy đi ra ngoài thế là nàng vội kéo lại và hỏi: “Ngụy tiên sinh, nếu y thuật của ông đã vang danh thiên hạ thì ta muốn hỏi ông về một chứng bệnh cực kỳ hiếm thấy.”
“À, nói nghe xem nào!”
“Chính là một loại bệnh cứ cách hai tháng sẽ nứt một đường trong kỳ kinh bát mạch……”
Nàng mới vừa mở miệng sắc mặt Ngụy Nhạc An đã thay đổi và ông ấy buột miệng hỏi: “Sơn Hà Xã Tắc Đồ?”
A Nam không dự đoán được ông ấy lại biết bệnh này nên lập tức giơ ngón cái lên: “Ngụy tiên sinh đúng là trên thông thiên văn, dưới tường địa lý.”
Ngụy Nhạc An lắc đầu nói: “Không…… Bởi vì đây là căn bệnh nan y duy nhấ mà sư phụ của ta phải bó tay khi ông còn sống. Trước khi chết ông còn nhắc mãi nên ta đương nhiên cũng nhớ mãi.”
A Nam lập tức thất vọng: “Sư phụ của ông cũng không có cách ư? Vậy…… chẳng lẽ bệnh này không cứu được ư?”
“Cũng chưa chắc, ngươi nghe ta nói……”
Hơn 60 năm trước, Ngụy Nhạc An chỉ là một đứa nhỏ 7 tuổi. Ông ấy và sư huynh Ngụy Duyên Linh lúc đó 8 tuổi đều là cô nhi trong chiến loạn và được sư phụ nhận nuôi rồi dẫn theo hành nghề y ở núi An Sơn.
Có một ngày, một chiếc xe ngựa với hình ngọn lửa màu xanh lơ dừng lại trước cửa nhà họ. Lúc ấy là chiến loạn, trâu cày còn thưa thớt thế là cái xe ngựa kia lại được hai con ngựa cường tráng kéo, thân xe tươi sáng chứng tỏ chủ nhân của nó có thân phận khó ai bì được.
Ngụy Nhạc An và sư huynh Ngụy Duyên Linh tò mò đi ra đón. Màn xe được nhấc lên, một người phụ nữ chừng hơn 20 tuổi bước xuống. Nàng ấy có sắc đẹp vô song, nhưng khuôn mặt lại chỉ có ưu sầu.
Nàng dắt tay một đứa nhỏ chừng 5 tuổi và nói là mình nghe danh tiếng của Ngụy thần y nên bôn ba ngàn dặm tới tìm thầy trị bệnh.
Sư phụ cởi quần áo đứa nhỏ thì thấy 7 trên 8 đoạn kỳ kinh bát mạch đã nứt toác, chỉ còn lại mạch nhâm là hoàn hảo.
Ngụy Nhạc An và sư huynh vẫn còn là những đứa trẻ nên khi thấy những tia máu kia họ đều hãi hùng. Thế nên đã qua 60 năm nhưng Ngụy Nhạc An vẫn nhớ ra như in những tia máu đỏ tím như con rắn quấn quanh người đứa nhỏ kia.
Sư phụ kinh hãi hỏi người phụ nữ kia đây là bệnh gì. Thấy ông ấy còn phải hỏi mình thế là người kia lập tức lộ vẻ mặt thất vọng và hiểu ông ấy chẳng thể giúp gì. Bởi vậy nàng ấy cũng chỉ nói qua loa rằng cứ hai tháng một đường kinh mạch của đứa nhỏ sẽ nứt toác và lúc phát tác thì khổ sở như muốn chết. Nàng đã tìm mọi danh y trong thiên hạ trong một năm nay nhưng chỉ biết bệnh này là Sơn Hà Xã Tắc Đồ. Có kẻ gieo độc lên người đứa nhỏ với mục đích từ từ tra tấn mẹ con họ nhưng đến tột cùng chẳng ai biết đứa nhỏ trúng độc thế nào và làm sao để khống chế thứ độc ấy.
Ngụy sư phụ cũng chỉ có thể kê mấy đơn thuốc tiêu ứ và giải độc để an ủi người bệnh. Sau khi hai mẹ con nhà kia đi rồi, ông tìm khắp các sách cổ với ý đồ tìm hiểu Sơn Hà Xã Tắc Đồ nhưng cho tới khi ông qua đời vẫn không có bất kỳ manh mối gì.
Sau này Ngụy Duyên Linh và Ngụy Nhạc An kế thừa sự nghiệp của sư phụ và đều thành danh. Nhưng dù bọn họ đã cứu trị cho trăm ngàn người cũng chưa từng gặp lại căn bệnh lạ ấy.
Lúc sư phụ qua đời, hai người từng sửa sang lại di vật của ông và phát hiện trước khi chết ông ấy đã ghi lại những chứng bệnh nan y mình gặp phải trong đời. Và căn bệnh đầu tiên trong số đó là Sơn Hà Xã Tắc Đồ.
Bọn họ đều thấy sư phụ ghi lại phán đoán của mình ở dưới bệnh án: Bệnh nan y.
“Sau đó thì sao?” A Nam thấy Ngụy Nhạc An nói đến đây thì ngừng nên sợ đây thực sự là thứ bệnh không có thuốc chữa và vội hỏi.
“Sau đó triều đại mới mở ra, sư huynh của ta ở phía bắc và nhậm chức Thái Y Viện sử, còn ta theo lão chủ nhân giương buồm ra biển. Khoảng 30 năm sau ta tình cờ gặp lại hai mẹ con nhà kia trên biển.”
A Nam nhướng mày: “Vị phu nhân kia đẹp như thế sao? Ngụy tiên sinh mới gặp bà ấy một lần mà 30 năm sau vẫn nhớ hả?”
“Cũng không phải trí nhớ của ta tốt, mà ai gặp người phụ nữ kia rồi cũng sẽ không quên được —— giữa mày bà ấy có một vết sẹo như đóa hoa nhỏ và được bà ấy vẽ thành hình ngọn lửa màu xanh lơ. Nhìn giống như bà ấy đang dán hoa điền.” Ngụy Nhạc An nhìn nàng và vuốt râu cười, “Ngươi nói đi, nếu là ngươi thì có nhận ra người đó không?”
“Bà ấy…… là Phó Linh Diễm!?” A Nam kích động và bật dậy, suýt thì đánh đổ ghế.
“Không sai, chính là thiên nữ của Cửu Huyền Môn Phó Linh Diễm, người mà ngươi sùng kính từ nhỏ, cũng là người phụ nữ tài ba trăm năm có một và là kẻ khai sáng ra Chuyết Xảo Các.”
“Con bà ấy cũng gặp tao ương ư? Sau đó thì sao?”
“Ngươi đoán xem? Lúc ấy Phó Linh Diễm đi cùng con trai, thoạt nhìn người con trai đó chỉ nhỏ hơn ta 2 tuổi.”
Thân thuyền lắc lư theo nước biển, ánh nước lấp lánh rọi vào từ cửa sổ và lướt qua đôi mắt A Nam khiến chúng sáng lên: “Người đàn ông đó chính là đứa nhỏ bị bệnh năm xưa ư?”
“Đúng. Khi đó ta không dám xác định nên tìm cơ hội hỏi hắn là Sơn Hà Xã Tắc Đồ của hắn đã được trị khỏi hay chưa?” Nhìn vẻ mặt nôn nóng của A Nam thế là Ngụy Nhạc An hơi mỉm cười, “Hắn nói không trị được.”
A Nam túm lấy cái bàn và vội hỏi: “Sao lại không trị được? Trong sách cổ có nói lúc 8 đường kinh mạch bị nứt hết thì người bệnh sẽ chết đấy thôi!”
Ngụy Nhạc An gật đầu nói: “Không ai biết hành tung của Phó Linh Diễm nên sau khi vội vàng từ biệt ta không gặp lại họ nữa. Sau đó ta từng suy nghĩ về việc này nhưng cũng không biết câu trả lời.”
A Nam trầm ngâm một lát mới đột nhiên hỏi: “Trên mặt con trai Phó Linh Diễm có dấu hiệu mạch máu bị nứt toác không?”
Ngụy Nhạc An giật mình bừng tỉnh và vỗ đùi: “Không có! Ý ngươi là mạch cuối cùng của hắn không bị nứt nên hắn mới sống được ư?”
“Đúng vậy, trong kỳ kinh bát mạch thì mạch nhâm chạy thẳng lên yết hầu rồi tới dỉnh đầu nên một khi nó bị nứt thì trên mặt người bệnh sẽ có dấu vết!”
Lúc trước A Nam từng nghĩ tới khuôn mặt đẹp đẽ của A Diễm. Nếu mạch nhâm nứt ra thì chẳng phải hắn sẽ bị hủy dung ư? —— cũng vì thế nên khi nghe Ngụy Nhạc An kể lại nhưng không nhắc tới khuôn mặt người kia nên nàng lập tức nhận ra điểm mấu chốt.
“Nói vậy tức là Phó Linh Diễm đã tìm được cách ngăn mạch nhâm nứt toác ư?” Ngụy Nhạc An suy nghĩ rồi lại thở dài, “Chỉ tiếc là biển rộng mênh mông, nếu không ta thật sự muốn biết rốt cuộc bà ấy đã dùng cách gì để cứu con mình. Như thế có thể an ủi vong linh sư phụ ở trên trời.”
“Ít nhất thì hiện tại cũng có manh mối, còn tốt hơn không có gì.”
“Nhưng sao ngươi lại hỏi thăm về văn bệnh này thế?”
A Nam mím môi một lát mới nói: “Ta có lỗi với một người bạn nên muốn giúp hắn để coi như chuộc lỗi.”
“Vậy người bạn đó của ngươi đúng là thảm!” Ngụy Nhạc An đồng tình, “Hơn nữa ngươi cũng hại bạn mình đủ tàn nhẫn đó.”
A Nam chống cằm nhìn biển rộng mênh mông bên ngoài cửa sổ và thấp giọng nói: “Đúng vậy…… đúng là rất tàn nhẫn.”