You dont have javascript enabled! Please enable it! Tháng bảy 27, 2018 - Rừng hổ phách

Starbucks đã cứu cuộc đời tôi như thế nào – Chương 3

Chương 3: Lời nói thay đổi cuộc đời tôi

“Người đóng vai trò chất xúc tác cho những kẻ mộng mơ chính là người giáo viên và những người khuyến khích mà họ gặp trong cuộc đời mình. Vì thế đây là lời cảm ơn gửi đến những người thầy.”

THÁNG NĂM

Tôi đứng trong ga Bronxville đợi chuyến tàu lúc 7 giờ 22 phút đến New York. Tôi sẽ bắt đầu ca làm việc của mình lúc 10 giờ 30 phút vào sáng hôm đó – nhưng tôi muốn cho bản thân nhiều thời gian hơn cần thiết. Chuyến tàu từ Bronxville đến ga Grand Central phải mất ít nhất ba mươi phút. Chuyến tàu tiếp theo từ Grand Central lại mất thêm mười đến hai mươi phút để tới Quảng trường Thời Đại. Từ đó tôi sẽ bắt một chuyến tốc hành đến ga số Chín mươi sáu khu phía Tây. Từ ga đó tôi chỉ cần đi qua một tòa nhà là đến cửa hàng. Tôi thấy lo lắng. Tôi vẫn chưa quen với hệ thống giao thông công cộng và cũng không muốn bị muộn giờ làm. Tôi không thể gây một lỗi nhỏ nào trong công việc mới này.

Lúc đợi tàu vào buổi sáng tháng Năm đó, tôi đã có cơ hội nhìn xung quanh Bronxville. Khu vực ngoại thành nhỏ bé này đã thay đổi rất nhiều trong vài ngày qua khi những cơn mưa rào tháng Tư báo hiệu những bông hoa tháng Năm nở rộ. Giống như trong câu truyện Phù Thủy xứ Oz, mùa đông với màu đen và trắng đã đi và mùa xuân rực rỡ đã đến. Giờ đây có hàng mảng hoa tu-líp đỏ và trắng khắp mọi nơi – rực rỡ với những chủng loại phong phú. Mai vàng đất thì nở bung những nhánh hoa vàng. Cây cối bắt đầu nhú lộc xanh trông như một làn khói mỏng đối ngược với bầu trời buổi sáng màu xanh trong vắt.

Tôi thở dài và sau đó bắt đầu nức nở nhè nhẹ. Nước mắt lăn thầm lặng xuống má khi tôi cố nén chúng lại. Tôi không muốn thành tiêu điểm chú ý trong đám những con người tràn đầy năng lượng đang chuẩn bị đi làm. Những người đàn ông và phụ nữ mặc những bộ công sở hiệu Brooks Brothers đang tràn ngập sự hưng phấn và tự chúc mừng bản thân mà tôi nhìn chỉ thấy phát ốm.

Tôi ghen tị với họ vì sự tự tin trong cuộc đời họ.

Tôi ghét họ bởi sự thoải mái mà họ có khi đối mặt với quãng đường đi làm.

Tôi biết tôi gần như vô hình đối với họ. Mặc chiếc quần đen, áo sơ mi và đội mũ Starbucks, tôi trông như một kẻ làm công – mà đó cũng chính là chức danh của tôi bây giờ. Tôi chỉ là một người khác trong đám người xuất hiện vào những khoảng thời gian bất thường để tham gia vào cuộc đua đến chỗ làm – nhưng tôi lại chuẩn bị làm cái công việc chân tay mà những Kẻ thống trị thế giới chả thèm quan tâm.

Tôi cố lau nước mắt nhưng chúng vẫn rơi không ngừng. Có lẽ đây là một loại dị ứng với phấn hoa đang ngập tràn trong không khí chăng? Nhưng tôi biết không phải vậy.

Có cái gì đó không đúng và đáng buồn về việc tôi đứng ở sân ga này để đợi tàu đi làm trong khi đang mặc một bộ đồng phục sau nhiều năm kể từ ngày tôi đặt chân đến thị trấn này. Sau khi mẹ tôi sinh thêm vài đứa con nữa (dường như bố tôi rất muốn có một đứa con trai nữa vì tôi là một sự thất vọng với ông ấy nên ông mới cố gắng đến vậy), bố tôi đã quyết định rời khỏi khu thành thị.

Ông đã chọn một thái ấp lớn kiểu Victoria ở Bronxville bởi vì nó gần với khu thành phố và một trường công tốt. Nhưng Bronxville không phải là một nơi hạnh phúc đối với tôi.

Trên đường đến trường mỗi ngày, một kẻ chuyên bắt nạt tên là Tony Douglas đều nhảy ra khỏi một bụi cây nào đó, đẩy tôi ngã và vặn cánh tay tôi đến khi tôi khóc. Thật xấu hổ khi đã tám, chín tuổi rồi mà vẫn còn khóc – nhưng tôi còn không thể phản kháng. Tôi biết khóc là cách duy nhất khiến hắn dừng lại. Thằng bé đó làm tôi rất đau. Nó còn khiến tôi sợ hãi. Nó suýt làm gẫy tay tôi. Vào mùa đông, nó sẽ dí mặt tôi xuống tuyết đến khi tôi van xin nó. Tôi đã phải van xin thì nó mới thả tôi ra. Sau đó nó sẽ đứng dậy và vừa chạy biến đi vừa cười. Tôi sẽ từ từ đứng dậy, thấy rất đau và cố nhặt lại sách vở.

Một vấn đề nữa là tôi không biết đọc. Và đó là một lý do khiến tôi thấy thật bất hạnh khi ở Bronxville. Khi tôi đến trường, tôi còn phải chịu nhiều tủi nhục hơn. Dù cố gắng đến mấy tôi cũng không thể đọc được. Tôi thực sự đã rất cố gắng. Tất cả bạn cùng lớp tôi đều học được. Thật là kinh khủng khi phải ngồi giữa lớp học mà không thể nhìn thấy những gì người khác thấy và không thể đọc những từ mà các bạn khác rất tự hào đọc to. Những từ trong các cuốn sách mà giáo viên đưa cho tôi dường như được tạo ra theo một mã bí mật mà tôi không thể giải được. Những câu chữ cứ nhảy lên trước mắt tôi. Tôi cố ép bản thân tôi phải giải mã số nhưng tôi chỉ có thể đoán nghĩa của những dòng màu đen đó.

Tôi đã cảm thấy thật kinh khủng khi một mình đối mặt với cái bằng chứng của sự ngu ngốc của bản thân và sự bất lực cũng như khốn khổ rành rành đó.

Sự thất bại của tôi thực sự là không thể lờ đi được.

Cô Markham là Hiệu trưởng của ngôi trường tiểu học. Và đó là một người khủng khiếp. Cô ấy mặc áo véc đen, thường đi dọc hành lang và đưa ra các mệnh lệnh bằng một giọng trầm.

Tôi khiến cô ấy chú ý.

Cô ấy đã gọi bố mẹ tôi đến để nói chuyện.

Mẹ tôi thì rất xấu hổ còn bố tôi thì rất giận. Tôi đã phá hỏng ngày hôm đó.

“Sao cô ấy không hẹn gặp chúng ta vào lúc khác?” bố tôi hỏi mẹ. “Cuộc họp vào ngay giữa buổi sáng!”

Vì một lý do nào đó cô Markham lại bênh vực tôi. Cô ấy tin rằng tôi sẽ ổn cả thôi mặc cho cả đống dấu hiệu cho thấy điều ngược lại. Cô ấy còn kiên quyết cho tôi tham dự cuộc họp của cô với bố mẹ tôi.

“Tôi chưa bao giờ nói điều gì về bọn trẻ sau lưng chúng,” cô ấy giải thích.

Ngay trước mặt tôi, cô ấy nói với bố mẹ tôi rằng “Michael sẽ đọc khi thằng bé muốn. Vì thế hãy ngừng làm phiền nó.”

Tôi choáng váng khi cô ấy thẳng thắn như vậy trước mặt bố mẹ tôi. Vì cô ấy rõ ràng là đang phản đối họ. Tôi luôn được bảo rằng bố mẹ tôi tuyệt vời như thế nào. Còn cô ấy thì dường như lại nghĩ rằng tôi phải được bảo vệ khỏi họ.

Niềm tin tưởng phi lý đó hóa ra lại đúng, mặc dù khả năng đọc không đến với tôi như một hành động của sự tập trung cao độ hoặc ham muốn đến hoảng sợ mà chỉ là một quá trình nhẹ nhàng và dễ dàng vào mùa hè năm tôi mười tuổi.

Mỗi mùa hè chúng tôi đều rời Bronxville đến một thị trấn miền quê nhỏ ở khu vực núi tại Connecticut. Mẹ tôi thấy hạnh phúc hơn khi ở đó. Bà đã đến Norfolk vào mùa hè khi còn trẻ và vẫn còn nhiều người bạn thời trẻ của bà đi nghỉ hè ở đó. Bạn thân nhất của bà có một ngôi nhà chỉ cách nhà chúng tôi vài thửa ruộng và con trai cô ấy cũng thành bạn thân nhất của tôi. Chúng tôi đạp xe dọc những con đường đầy bụi và đi bơi ở một cái hồ nhỏ.

Mẹ tôi sẽ đánh thức tôi dậy vào sáng sớm để tôi có thể ngắm những giọt sương lấp lánh ánh mặt trời.

“Đó là trang sức của những nàng tiên”, bà nói và ôm tôi với niềm vui sướng. “Có thứ gì đẹp hơn một buổi sáng mùa hè ở Norfolk không?

Thỉnh thoảng bà sẽ đánh thức tôi vào ban đêm khi tôi đã đi ngủ rồi nắm lấy tay tôi và dẫn tôi ra ngoài ngắm trăng.

“Nó quá đẹp phải không?” bà nói với niềm vui ánh lên trong giọng nói.

Nhưng khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tôi là khi ngồi với mẹ trên một tấm thảm ủ ấm và bà đọc cho tôi nghe. Xuyên qua cánh đồng, tôi có thể thấy một hàng bạch dương. Lá của chúng đung đưa trong gió nhẹ… Trong một khoảnh khắc chúng màu xanh rồi lại chuyển sang màu bạc dưới ánh mặt trời của một buổi chiều cuối hè.

Chúng tôi ở trong một căn nhà nhỏ được xây bởi ông ngoại tôi giữa một cánh đồng rộng lớn và quay lưng lại một cánh rừng bất tận nơi chưa có cái cây nào bị chặt hoặc bị chạm đến trong vòng một trăm năm. Hàng ngàn dặm rừng đã bị bỏ lại vĩnh viễn. Khu vực đất rừng tách biệt đó chính là nơi ẩn náu cho tôi. Tôi thường đi loanh quanh với cung và mũi tên rồi tự nhủ với bản thân là tôi sẽ bắn một cái gì đó (mặc dù tôi chưa từng làm thế). Sự im lặng của những cái cây cao tuổi, mùi thông và dương xỉ nhẹ nhàng sẽ an ủi tôi.

Tôi cũng thích miền quê vì ở đó tôi sẽ có thời gian ở cạnh bố mình. Ở Bronxville, ông ấy bận rộn sửa sang lại một cái trang ấp có ba mươi lăm phòng và nổ rằng “Đây là ngôi nhà lớn nhất mà bất kỳ ai trong gia đình từng sở hữu.”

Ông ấy mua được căn nhà này bằng cách bán căn nhà bằng gạch xám của chúng tôi ở đường Bảy mươi tám và đổ hết tiền vào đây. Tổng diện tích mái ngói phải sửa sang lại lên đến cả mẫu. Ông ấy xây một cái thư viện hai tầng. Tôi nghe lỏm thấy ông ấy nói với bạn mình là “Tôi luôn muốn có một cái thư viện riêng với một cái thang giống như thế này,” rồi mô tả một cái thang có thể di chuyển để với tới những tầng cao nhất của giá sách.

Ông ấy có những số báo cũ của tờ tạp chí Người New York. Tôi sẽ trèo lên cái thang để lấy những tờ báo này xuống. Nó giống như tôi đang đi làm cùng bố mình mặc dù ông ấy hầu như chẳng bao giờ ở nhà. Mặc cho niềm tự hào đối với ngôi nhà, ông ấy dường như luôn háo hức được đi ra ngoài và trở lại cuộc sống ở thành thị của mình. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông ấy đến thư viện của mình, đọc một cuốn sách hay chỉ là ngồi xuống. Một khi chuyển đến Bronxville, ông ấy càng dành ít thời gian cho tôi và gia đình. Ông ấy sẽ ra ngoài vào sáng sớm và trở về nhà sau khi tôi đã đi ngủ vào buổi tối.

Nhưng tôi lại thích đọc những tờ Người New York cũ – những mẩu hoạt hình và thậm chí cách các cột báo được sắp xếp trong một trang. Mặc dù tôi không thể hiểu chúng có nghĩa gì, tôi vẫn có thể cảm nhận được cái mà bố tôi luôn tự hào được là một phần của nó.

Một buổi chiều ở vùng quê, tôi đến căn nhà nhỏ và đi dạo quanh khu rừng. Mẹ tôi thì đang ngủ trưa còn em gái tôi, những đứa mà làm gì cũng có nhau, thì đang chơi với bạn chúng nó. Tôi ở một mình trong phòng khách cũ. Tôi mở một cuốn sách cổ. Vì đây là một ngôi nhà nhỏ cho kỳ nghỉ hè thế nên hầu hết những cuốn sách đều được mang đến từ nhiều thập kỷ trước và bị bỏ lại ẩm mốc trên giá sách.

Tôi chọn một cuốn sách rất dày nhưng lại có hình. Tôi mở đến một trang có hình.

“Tướng Grant,” tôi đọc. Tôi thế mà lại có thể đọc tên ông ấy. Tôi có thể đọc! Đầu tiên là vài từ và sau đó ngày càng nhiều từ hơn. Đột nhiên những con chữ in màu đen đều có nghĩa trong đầu tôi.

Tôi không nói với bất kỳ ai, nhưng đến khi chúng tôi trở về Bronxville vào mùa thu, tôi đã học được rất nhiều chữ. Tôi thậm chí còn tự tin để đọc bài ở trường.

Mặc dù đến tận lớp sáu tôi mới có thể làm được cái việc mà bạn bè mình đã làm được từ lâu, Cô Markham vẫn rất hài lòng. Tôi đã chứng minh niềm tin điên rồ của cô.

Vào một buổi chiều trước khi kết thúc năm học đó, Cô Markham đã mời tôi đến nhà cô. Khi tôi học hết lớp sáu, tôi sẽ lên lớp bẩy và cũng học ở tòa nhà gạch to lớn đó. Nhưng năm sau thì tôi sẽ lên cấp hai và sẽ rời khỏi trường của cô, nơi mà rõ ràng là Cô Markham đang có quyền kiểm soát.

Cô ấy sống với một người phụ nữ nữa trong một ngôi nhà lớn ở gần trường.

Cô ấy mời tôi uống trà.

Rồi cô ấy lấy ra một tờ giấy ghi chép và cho tôi xem. Chữ của cô to và cứng cáp.

“Đọc nó đi,” cô hướng dẫn bằng giọng sang sảng.

“Michael Gates Gill đã được định sẵn là sẽ trở nên vĩ đại,” tôi đọc.

Tôi ngước nhìn. Đây có phải là một bài thi không? Liệu có phải tôi vừa mới vượt qua một kỳ thi đọc nào đó?

“Còn gì nữa không ạ?” tôi hỏi và rất háo hức được đọc thêm cho cô ấy. Nếu không có cô ấy tôi có lẽ đã phải đi đến ngôi trường nào đó dành cho “học sinh đặc biệt” như bố mẹ tôi đã từng thảo luận.

“Hết rồi,” Cô Markham nói rồi rướn người lên phía trước để cầm tay tôi.

Tôi để ý thấy cô có hàng lông mày dày và đôi mắt màu nâu rất sáng.

“Cô đã quyết định,” cô ấy nói. “Con, Michael,” cô ấy tiếp tục như thể đang thực hiện một thông báo chính thức và công khai, “được định sẵn cho sự vĩ đại. Cô không quan tâm con làm gì, hay không làm gì. Cô không quan tâm nếu con đi học tại một ngôi trường đại học danh giá hay không. Cô chỉ biết rằng: Con thật vĩ đại.”

Cô ấy ngồi lại, thả tay tôi ra và cười với tôi.

Tôi không biết phải nói gì và tôi cũng không thực sự hiểu ý của cô ấy.

Cô ấy rướn người về phía trước và lặp lại. “Cô hầu như ít khi làm việc này,” cô ấy nói, “nhưng cứ mỗi vài năm thì cô lại thấy một người trẻ tuổi có những khả năng khác biệt. Cô muốn con biết rằng mình đáng giá. Chính con chứ không phải việc mà con làm.”

Đáng giá ư? Tôi nghĩ, nhưng mà thế nghĩa là gì?

“Có lẽ bây giờ con chưa hiểu ý nghĩa của dòng ghi chú này,” cô ấy nói khi cảm nhận được sự bối rối và sự lơ mơ của tôi, “nhưng hãy cất nó trong một ngăn tủ nào đó. Lấy nó ra mỗi năm và đọc nó lên. Vì giờ con đọc được rồi mà!”

Cô ấy cười và sau đó lại trở nên nghiêm túc. Tôi chỉ là một cậu bé con và cô ấy biết cô ấy vẫn chưa khiến cho tôi hiểu được.

“Con chưa từng nghĩ mình có thể đọc được đúng không?” cô ấy hỏi tôi bằng một giọng mềm nhẹ.

“Đúng ạ,” tôi nói.

“Nhưng cô thì biết,” cô ấy nói. “Và cô biết rằng con vĩ đại. Nhưng con thì lại không biết điều đó phải không?”

“Đúng ạ.”

“Đấy, chỉ cần nhớ là cô đã nói với con như vậy.”

Tôi vẫn nhìn ngơ ngác.

Tôi không quen bất kỳ ai trong những người đã đến thăm nhà Cô Markham và cũng chưa từng nói chuyện riêng với cô. Có lẽ vì thế mà tôi cảm thấy rất ngại ngùng. Mặc dù tôi thấy ngại ngùng với tất cả mọi người. Tôi biết cô ấy muốn tôi nói cái gì đó để đáp lại những gì cô ấy đã nói với tôi. Đó rõ ràng là một món quà tuyệt vời. Tôi có thể cảm nhận tình cảm và sự ủng hộ của cô ấy. Nhưng tôi lại chẳng biết phải nói gì.

“Anh trai cô,” cô ấy nói, một cách nhẹ nhàng không giống cô ấy chút nào, “là một kẻ nghiện rượu. Nhưng anh ấy có rất nhiều tài năng. Cô đã không thể giúp anh ấy. khi cô nghĩ lại cô thấy có lẽ anh ấy chưa bao giờ biết rằng mình tuyệt vời thế nào.”

Có phải cô ấy đang khóc không?

“Hãy giữ lấy tờ giấy này,” cô ấy nói, giọng nặng cảm xúc. “Hãy giữ nó.”

Cô ấy đứng lên và đưa tôi ra cửa, và một lần nữa cô ấy lại trở lại là Cô Markham đầy năng lượng, thuộc phái hành động và đầy sự linh hoạt mà tôi biết.

Chúng tôi bắt tay một cách khá là trịnh trọng.

Tôi rời đi, và vì một lý do gì đó đã dừng lại ở góc đường và nhìn lại.

Cô ấy đang nhìn tôi.

Cô ấy vẫy tay.

Tôi vẫy tay lại.

Tôi đã giữ mẩu giấy đó của Cô Markham trong vài năm nhưng rồi làm mất nó khi đi học đại học vì mẹ tôi đã vứt khá nhiều đồ cũ của tôi đi. Nhưng tôi vẫn luôn nhớ buổi chiều rực rỡ đó.

Tôi gặp lại cô một lần sau khi tốt nghiệp đại học, ở Bộ phận quản lý xe cộ nơi mà cả hai đều đến để gia hạn bằng lái của mình.

Cô đã nghỉ hưu, già đi và tóc cô đã bạc.

“Michael,” cô gọi tôi qua sảnh phòng đợi cũ kỹ.

Giọng cô vẫn như vậy.

Tôi đứng lên để đến chỗ cô.

Cô cũng đứng lên và đi về phía tôi.

“Con dạo này thế nào?”

“Tốt ạ,” tôi nói. “Con đã tốt nghiệp đại học Yale.”

“Con không cần phải đến bất kỳ trường đại học nào,” cô ấy nói. “Có còn nhớ mảnh giấy cô cho con không?”

“Có ạ.”

“Cô cũng vẫn còn nhớ!” cô ấy nói, và nở một nụ cười. “Không phải những gì con làm mà chính việc con là người như thế nào mới vĩ đại.”

Lúc đó người ta gọi tên tôi và tôi đi đến quầy thủ tục để điền giấy tờ và chụp ảnh. Khi tôi hoàn thành thì cô đã đi mất rồi. Tôi cũng chưa bao giờ cố gắng để gặp lại Cô Markham.

Ngay cả khi đã hai mươi mấy tuổi và đứng ở văn phòng Bộ phận quản lý xe cộ, tôi vẫn không thể chắc về việc làm thế nào đáp lại niềm tin mà cô ấy có với tôi. Tôi không có lời nào để nói với cô cả. Nhưng tôi đã được động viên bởi niềm tin mà cô có đối với tôi và tôi đã tìm được tình yêu với ngôn ngữ.

Cô Markham có thể đã đoán được những gì sẽ xảy ra. Sau khi tôi học cách đọc tôi đã trở nên yêu thích các cuốn sách. Tôi khám phá thế giới mà những câu từ có thể đưa tôi tới. Bắt đầu từ khi tôi lên mười thì mỗi ngày tôi đều dành hàng giờ để đọc sách. Tôi thích trốn trong thế giới của những con chữ và những cuốn sách.

Cuộc sống của tôi lúc đó rất cô đơn. Cha tôi ghé qua vào mỗi cuối tuần trong mùa hè nhưng vào mùa đông thì ông ấy quá bận rộn để có thể dành thời gian cho tôi.

Tôi có vài người bạn nhưng đối với tôi thì có một cái gì đó kinh khủng về cái thị trấn ngoại thành ưu tú này. Ở thành phố New York, kể cả khi Nana rời bỏ tôi và tôi cảm thấy cô đơn thì tôi vẫn có thể nhìn ra ngoài cửa sổ ngôi nhà để ngắm người ta đi qua lại bên ngoài. Có người già, trẻ con, cảnh sát đi tuần tra, những cô cậu thanh niên chạy dọc khu phố.

Ở Bronxville, trong ngôi nhà rộng lớn của chúng tôi thì chả có ai thèm đi qua… mà chỉ có cảnh một chiếc xe vụt qua hàng rào cao của nhà chúng tôi và tiếng bánh xe ma sát đánh kít khi rẽ ở góc đường.

Tôi thấy thoải mái hơn khi ở vùng quê. Ở Norfolk,  thỉnh thoảng vào cuối tuần, bố tôi sẽ để tôi đẩy xe cho ông khi chơi golf. Và khi ông tới khu hồ với gia đình thì tôi có thể dành cả ngày đi theo ông.

Ông sẽ gọi với theo và mời Jay Laughlin, người đàn ông sở hữu khu cắm trại bên cạnh, khi ông ta bơi ngang qua, “Ra khỏi chỗ ẩm ướt đó và tìm chỗ nào khô ráo làm một ly Martini nhé”.

Jay cũng giống bố tôi khi dành cả cuộc đời cho văn học. Ông ta là nhà sáng lập của công ty xuất bản Những hướng đi mới. Nhưng không giống bố tôi, ông ấy rất u ám và hiếm khi cười. Chỉ có ở trước mặt bố tôi thì Jay sẽ phá lệ cười to.

Rất nhanh, bố tôi đã tụ tập được một đám ngồi đó và cười theo những lời nói đùa của ông còn tôi có thể chìm đắm trong sự hiện diện của ông và không khí tươi vui mà ông tạo ra. Với tôi thì khi bố tôi ở cùng với những người cùng tuổi với mình, ông là người hài hước nhất thế giới.

Với tôi, ông vừa kỳ quặc vừa đáng yêu theo cách riêng.

Thỉnh thoảng ông sẽ hát cho tôi những bài hát mà ông nội đã hát cho ông nghe. “Cậu bé hát rong.” “Cậu bé rối gỗ”. Những làn điệu Ai-len cổ xưa. Những lần khác, trong các bữa ăn gia đình và khi thấy buồn chán, ông sẽ trích dẫn thơ cho chúng tôi nghe. Toàn những bài thơ buồn. “Chẳng có gì để tự hào nhìn lại,” ông ngâm nga câu thơ từ bài “Cái chết của người đàn ông làm thuê” của Robert Frost. “Đó không phải một cái nhìn cuộc đời buồn bã sao?” ông ấy hỏi mọi người trên bàn nhưng tôi sẽ giữ im lặng.

Khi còn là một cậu bé tôi thực sự không có ý tưởng gì về những thứ ông ấy đang nói.

Thậm chí sau này khi học tại Yale, khi gặp Robert Frost, tôi vẫn không thể hiểu được sự buồn bã trong thơ của ông. Tất nhiên Robert Frost cho mọi người thấy mình là một quý ông miền quê vui vẻ. Tôi vẫn nhớ mình đã chạy từ lớp học đến một bữa tiệc rượu vang dành để vinh danh nhà thơ nổi tiếng này. Tôi không phải thay quần áo vì giống như các sinh viên đại học khác, tôi mặc áo khoác và thắt cà vạt. Yale lúc đó chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh Việt Nam và niềm vui của sự chuyển giao sang một nền giáo dục bình đẳng cho nam và nữ. Chúng tôi vẫn được bao bọc trong một thứ hổ phách được bảo quản hoàn hảo của một môi trường cổ xưa nơi mà Dink Stover và những quý ông ăn mặc lịch lãm của Yale từ vài thập kỷ trước vẫn còn có ảnh hưởng lớn. (Dink Stover là nhân vật chính của một cuốn sách viễn tưởng bán chạy cùng tên được xuất bản đầu thế kỷ hai mươi và vẫn được tái bản ngày nay. Dink là một vận động viên hàng đầu nhưng vẫn rất lịch thiệp. Hơn hết, Dink Stover hành xử như một quý ông thực thụ. Cao trào của cuốn sách đó là khi tính cách vĩ đại vốn có của Dink được công nhận khi ông ấy bị ảnh hưởng bởi hội kín Đầu lâu & Xương của trường). Giáo sư của tôi gọi tôi là “Ông Gill”, và giáo viên tiếng Anh của tôi đã mời tôi tới “uống một ly rượu vang với Robert Frost.”

Giáo sư Waite đón tôi ở cửa và hối tôi đi vào. Đã có khoảng nửa tá sinh viên đứng quanh một người đàn ông cao lớn ở giữa căn phòng. Frost mặc một cái áo khoác len dầy và trên đầu ông là một đám tóc trắng mà bằng cách thần kỳ nào đó trông như vừa bị gió thổi mặc dù chúng tôi đang ở trong khu vực sảnh ấm sực của khoa.

Ông chào đón tôi với một cái ôm mạnh mẽ và đôi mắt cười.

Chẳng có ai trong chúng tôi hỏi ông về tác phẩm của ông. Bởi vì thật không lịch sự khi làm thế trong hoàn cảnh này. Nó giống như hỏi một bác sỹ đưa ra chẩn đoán khi đang nói chuyện với ông ta trong một bữa tiệc rượu.

Trên thực tế, tôi chưa bao giờ nhớ đã thảo luận về thơ ca và việc viết lách với bất kỳ nhà thơ nào mà tôi đã gặp ở Yale. Khi ngồi uống với W.H. Auden ở quán Mory’s, chúng tôi sẽ thảo luận cách thích hợp để tạo ra một loại đồ uống nào đó. Khi tôi được mời đến gặp T.S. Eliot, người đã đến New Haven để giảng bài vào một buổi tối, thì giáo sư của tôi, Norman Holmes Pearson đã đặc biệt dặn dò, “Đừng hỏi ông ấy bất kỳ câu hỏi nào. Có tin đồn rằng ông ấy bị ung thư và đang đi vòng quanh giảng bài để có tiền cho vợ ông ấy.”

Khi Donald Hall, nhà thơ vừa mới đoạt giải đến thăm New Haven, tôi đã được yêu cầu đưa ông ấy ra ngoài ăn tối. Chúng tôi cuối cùng dành cả đêm để uống với đám sinh viên say khướt – điều mà ông ấy khá là hài lòng. Một lần nữa chủ đề về thơ của ông ấy hay bất kỳ bài thơ nào không được nhắc đến.

Một phần của quy định xã hội bắt buộc ở Yale cũng giống như ở nhà tôi là không được hỏi quá nhiều câu hỏi trực tiếp.

Vì vậy khi là cậu bé con đang trưởng thành, tôi sẽ chẳng bao giờ hỏi bố tôi ý nghĩa của việc ông trích dẫn thơ Frost hay thơ của bất kỳ ai. Tôi là một khán giả dễ tiếp nhận và tôi không cần phải làm gì hơn.

Hầu như ngày nào bố tôi cũng đều nói, “Ở lại với anh đi người đẹp vì ngọn lửa đang lụi tàn.”

Tôi từng hỏi ông điều đó nghĩa là gì.

“Đó là một câu trong một bài thơ,” ông luôn trả lời như vậy. Tôi không thực sự nhận ra cái điều kinh khủng mà bố tôi đã phải sống cùng cho đến khi bố tôi mất. Mặc dù có một vài ám chỉ cho cái bi kịch mà ông đã phải chịu đựng.

Vào sinh nhật thứ bẩy của tôi, khi mẹ chuẩn bị một bữa tiệc cho tôi sau khi tan học với bóng bay, bánh ngọt và thậm chí vài người bạn của tôi cũng có mặt thì bố tôi lại đột ngột về nhà sớm và thấy chúng tôi quây quần bên nhau cười nói trong phòng ăn.

Ông bước vào phòng và tất cả đều im lặng. Sự xuất hiện của cha tôi tạo ra áp lực và với đôi mắt màu đen lớn ông rõ ràng là đang giận.

Ông định nói gì đó.

“Vâng, anh yêu?” mẹ tôi nói. Bà luôn lo lắng khi để ông tham gia vào các hoạt động của gia đình. “Mọi người chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ chúc mừng Gates bé bỏng tròn bẩy tuổi.”

“Mẹ tôi chết khi tôi mới bẩy tuổi,” bố tôi nói và sau đó rời khỏi phòng.

Mẹ tôi theo ông ra ngoài.

Tôi không nhớ những gì bạn tôi và tôi nói khi đó, nhưng tôi nghĩ chúng tôi tiếp tục chơi với những món quà mà mẹ đã chuẩn bị.

Nhưng rõ ràng là bố tôi không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện hay thậm chí là ở cùng một chỗ với tôi.

Tôi từng nghe lỏm được ông nói với mẹ, “Tôi không thể đợi đến khi Machael Gates trưởng thành để tôi có thể nói chuyện đàng hoàng với nó.”

Nhưng – mặc cho sự khó chịu rõ ràng với tôi và mẹ tôi – ở miền quê và vào dịp cuối tuần, bố tôi gắn bó nhiều hơn với gia đình hơn là khoảng thời gian ở Bronxville.

Và vào những ngày trong tuần khi bố tôi “làm việc vất vả ở thành phố” thì chúng tôi có thể bơi và đi dạo trong rừng để ngửi hương thông và thưởng thức không khí Norfolk trong lành – đầy hương vị đồng cỏ và rừng cây – vào buổi tối khi đi ngủ.

Và mỗi tối khi đi ngủ tôi đều cười, nghĩ rằng mẹ có lẽ sẽ đến đánh thức tôi và dẫn tôi đến với “mặt trăng” của bà.

Nhưng Bronxville lại chả có tí hấp dẫn nào đối với tôi.

Làm sao mà tôi lại ở đây … đứng ở sân ga Bronxville … sống trong một căn hộ bé tí thay vì một trang ấp rộng lớn… không có gia đình hay bạn bè chứ? Tôi lại càng cố lau nhiều nước mắt hơn.

Một khi tôi có được việc làm ở Starbucks, tôi đã cố tìm một căn hộ khác gần cửa hàng và nhận ra rằng tôi chẳng đủ khả năng để trả tiền cho bất kỳ chỗ nào.

Tôi bắt đầu tìm kiếm ở khu Manhattan. Rồi tôi chuyển dần lên phía thượng của khu Thượng phía Tây, vượt qua Bronx, Mount Vernon và tôi thậm chí đã bắt đầu nghĩ đến tận Brewster. Chẳng có chỗ nào gần thành phố hơn mà tôi có thể trả nổi.

Một ngày khi đang trên đường đi tìm nhà trọ, tôi dừng lại ở Bronxville để ăn một cái bánh hăm-bơ-gơ tại một cửa hàng của một người bạn cấp ba. Phil nói với tôi anh ấy vẫn giữ lại ngôi nhà của bố mẹ và nó có một căn gác xép nhỏ ở tầng ba.

“Căn nhà nằm ngay cạnh đường ray xe lửa,” Phil nói với tôi, “nhưng nó thật sự rất tiện lợi và tôi sẽ cho anh thuê với giá tốt.”

Tôi bắt ngay lấy cơ hội đó. Một căn phòng nhỏ hợp với tôi. Tôi thích leo lên những bậc thang cũ kỹ và sống trong căn gác xép của một căn nhà cũ.

Tàu đã đến.

Tôi lên tàu, trộn lẫn đằng sau một đám người như những con hải ly hào hứng. Tôi biết rằng việc ủ rũ không phải là một cách tốt để bắt đầu một ngày và vì thế tôi cố gắng nhớ lại những kỷ niệm đẹp tại Bronxville.

Cha tôi tổ chức vài bữa tiệc lớn mỗi năm ở ngôi nhà của chúng tôi ở Bronxville. Ông ấy luôn tìm cách giới thiệu tôi với một ai đó mà tôi có thể thấy hứng thú. Khi tôi còn nhỏ, tôi đã từng gặp E.B. White bởi vì tôi đã rất yêu thích Stuart bé nhỏ. E.B. White vô cùng nhỏ bé, tốt bụng và tò mò. Giống hệt Stuart bé nhỏ.

Sau đó khi tôi lớn hơn, bố tôi mời Brendan Behan, nhà soạn kịch nổi loạn người Ai-len đến nhà để tôi có thể gặp mặt. Tôi yêu Behan vì những bài hát điên rồ của ông ấy về những cái chuông của địa ngục có thể kêu “Ting a ling a ling cho anh chứ không phải cho tôi.”

Tôi tự nhủ với bản thân rằng tôi cũng đã có khoảng thời gian tốt đẹp ở Bronxville. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng những bữa tiệc lớn đó và cả những nhân vật văn chương nổi tiếng đều hầu như chả có ý nghĩa gì với tôi. Tôi thích có nhiều thời gian với bố mình hơn.

Ở tuổi sáu mươi tư, tôi nhắc nhở bản thân rằng tôi sẽ sớm chết thôi … giống những bài hát của Behan. Liệu tôi có muốn dành phần thời gian còn lại của mình để than khóc cho quá khứ hay không? Đã đến lúc phải phấn chấn lên để đối mặt với một vài năm ngắn ngủi còn lại trong đời.

Vì một lý do nào đó mà lúc đó tôi đã cố gắng bí mật ghi lên cái ghế tôi đang ngồi trên đường đến chỗ làm mới ở Starbucks một câu nói của F.Scott Fitzgerald “Không có cơ hội thứ hai ở nước Mỹ.”

Liệu tôi có đang thực hiện một nhiệm vụ vô vọng để bắt đầu một cuộc sống mới? Không phải cái cuộc sống mưu sinh bây giờ chính là cái mà tôi đã từng coi thường và một dấu hiệu của việc tôi đã đi sai đường?

Tôi hít thật sâu, ngôi thẳng trên ghế và cố gắng nghĩ thông suốt.

Tôi cảm thấy tôi thực sự thích làm việc với Crystal. Thật khó khăn để thừa nhận nhưng bằng nhiều cách tôi thực sự thích làm việc ở Starbucks hơn khi còn làm việc cho JWT.

Thành thật đi Mike, tôi nghĩ, tự gọi bản thân bằng cái tên được dùng cho tôi ở Starbucks. Mày thấy tốt với những gì đang làm. Chỉ bởi vì mày mặc một cái tạp dề xanh hơn là bộ quần áo hiệu Brooks Brothers không có nghĩa là mày không thể thưởng thức điều đó.

Tôi thực sự đã phá lên cười.

Âm thanh hạnh phúc đó khiến những người khác nhìn tôi.

Họ thậm chí đã chẳng để ý đến tôi đã khóc nhưng cười thì đúng là thứ kéo sự chú ý.

Khi đến ga Grand Central, tôi đã thực sự cảm thấy tốt. Tôi xuống khỏi tàu và cố đi đằng trước dòng người di chuyển lên trên. Rất ít, thậm chí chẳng có ai sẽ đi cùng tôi đến Quảng trường Thời đại để đến khu Thượng phía Tây.

Khi ép mình vào chuyến tàu, tôi thấy mình tự tin hơn.

Chả có gì sai khi làm việc ở Starbucks cả, tôi tự nói với bản thân, và điều đó còn rất đúng đắn nữa. Giờ tôi có thể tự trả tiền cho căn phòng nhỏ của mình. Nó không phải là trang ấp rộng lớn mà tôi đã từng ở hay ngôi nhà thôn quê xinh đẹp ở khu New England mà tôi sống với vợ trước và con nhưng nó giờ là nhà của tôi. Một căn phòng cho riêng tôi.

Chuyến tàu nhanh đưa tôi đến con phố Chín mươi ba.

Tôi trèo lên các bậc thang dốc để vươn tới … ánh mặt trời. Đó là một ngày đẹp ở thành phố New York… một trong những ngày mùa xuân hiếm có khi mà không khí cũng thực sự lấp lánh.

Tôi nhìn thấy cái biển hiệu màu xanh của Starbucks ở góc đường Chín mươi ba và hướng đến đó với niềm lạc quan lớn dần.

Một câu nói nữa của Fitzgerald xuất hiện trong đầu tôi. Đó là những dòng ông ấy viết cho con gái mình sau khi vợ ông ấy qua đời trong một đám cháy ở bệnh viện tâm thần tại Ashville, Bắc Carolina sau nhiều năm suy sụp. Zelda, vợ ông chưa bao giờ thực hiện được những lời hứa trước đó và Fitzgeralk đã viết, “Bà ấy đã nhận ra quá muộn rằng làm việc cũng là phẩm giá.”

Làm việc là phẩm giá, tôi lặp lại. Đó có thể là câu thần chú của tôi.

Tại sao tôi lại mất nhiều thời gian như thế để nhận ra sự thật cần thiết này chứ? Fitzgerald đã viết cho con gái ông ấy một nhận thức căn bản nhưng tôi đã cãi nhau với con gái mình Elizabeth, người mà tôi gọi là “Bis” khi con bé muốn đi làm. Khi con bé mới có mười hai tuổi, nó đã nhận được một công việc làm thêm mùa hè, đó là giúp một tay chơi tennis nhà nghề lên lịch trình và dạy. Và tôi đã từ chối công việc đó mà thậm chí còn chẳng hỏi con bé.

“Sao bố có thể làm thế?” Bis khóc và nước mắt tuôn ra từ đôi mắt con bé.

“Bố chỉ muốn con có thời gian để chỉ hưởng thụ mùa hè thôi.”

“Nhưng con thích làm việc,” Bis trả lời một cách cáu giận.

Đối với tôi, làm việc là thứ một người phải làm chứ không phải thứ mà họ nên làm. Tôi ngưỡng mộ những người không phải làm việc … và thèm khát những khoản quỹ tín thác khổng lồ mà vài người bạn giàu có của tôi có. Tôi nghĩ tôi đã giúp Bis khi bảo vệ con bé khỏi phải làm việc. Nhưng tôi đã sai.

Bis luôn muốn làm việc và hoạt động bên ngoài ngôi nhà. Thậm chí khi còn bé, con bé đã yêu thích việc đến trường. Bởi vì nó là đứa con đầu tiên của tôi nên tôi đã không biết thái độ đó là hiếm có cỡ nào. Thậm chí trước ngày đầu tiên đi học, con bé đã tự học đọc. Một ngày khi tôi đang ngồi đọc ở cái ghế bành yêu thích, Bis trèo lên lòng tôi và bắt đầu đọc những câu chữ trong một câu chuyện huyền bí của Dick Francis mà tôi đang say mê. Lúc đó con bé mới chỉ có ba tuổi và tôi đã rất ngạc nhiên! Con bé học đọc thế nào chứ? Nó tự học ư? Rồi tôi nghĩ đến một điều: Bis đã học đọc bằng việc xem Phố Sesame. Chương trình này đã dạy con bé. Tất nhiên sau này khi những đứa trẻ khác ra đời tôi mới biết rằng không phải chương trình Phố Sesame đã dạy Bis đọc – con bé chỉ đơn giản là được sinh ra với khả năng đọc phi thường cái mà nó tất nhiên không di truyền từ tôi.

Bis còn rất may mắn vì con bé xinh đẹp. Thậm chí khi còn là một đứa bé gái, khi tôi đi bộ với con bé trên đường phố New York thì có những tay nhiếp ảnh nhiệt tình quá mức sẽ dừng tôi lại và hỏi xin chụp ảnh con bé. Một người bạn đã cho con bé tham gia một bộ phim vì anh ta nói con bé là “người được tán thưởng”. Bis có mái tóc vàng óng và đôi mắt xanh. Nhưng chính sự thông minh và sự chăm chỉ muốn hoàn thành mọi việc mới là điểm đáng chú ý ở con bé. Sau tốt nghiệp trung học và cao đẳng, con bé đã theo học ở trường NYU Film và sau đó làm việc như một trợ lý cho Martin Scorsese… một ông chủ khó tính. Sau đó con bé làm việc cho Harvey và Bob Weinstein – một thách thức còn lớn hơn. Nhưng Bis dường như thích mọi công việc khó khăn mà họ giao cho nó. Và sự chăm chỉ đó đã được đền đáp. Con bé đã giúp quảng bá bộ phim Trò chơi than khóc. Nhà sản xuất đã rất ấn tượng với con bé và đề nghị nó làm đạo diễn cho một bộ phim truyện. Đây chính là giấc mơ của con bé – trở thành đạo diễn phim. Thậm chí khi còn đang làm việc cho Scorsese và Miramax con bé vẫn có thời gian hoàn thành vài bộ phim ngắn. Giờ con bé đã có cơ hội đạo diễn hẳn một bộ phim dài. Bộ phim, Vàng trên đường phố được ghi hình ở New York và Ai-len. Bis phát hiện ra rằng Ai-len là thị trường cởi mở hơn cho các nữ đạo diễn và con bé chuyển đến đó để tiếp tục công việc của mình.

Làm việc chăm chỉ là bản tính tự nhiên của con bé… Mà tại sao tôi lại không nhận ra lợi ích gì từ tấm gương của con bé nhỉ? Thái độ của con bé lý ra đã phải giúp tôi học về phẩm giá trong công việc – thậm chí khi còn làm việc như một trợ lý pha cà phê thì Bis cũng làm việc một cách nhiệt tình. Tôi giờ mới nhận ra Bis là một điều kỳ diệu – con bé không những không giống tôi ở khả năng đọc kém cỏi mà nó còn không giống tôi ở việc coi công việc như tiếng gọi thay vì một trách nhiệm.

Ý nghĩ về Bis khiến tôi thấy thoải mái hơn khi tôi mở cánh cửa và đi về phía sau cửa hàng Starbucks để chào đón thêm nhiều công việc khó khăn hơn.

Tôi đã hy vọng Crystal sẽ ở đó và giao cho tôi làm một việc gì mà không liên quan đến công việc tính tiền đáng sợ kia. Dù vô cùng lo lắng và muốn chứng minh bản thân như một Cộng sự mới của Starbucks, tôi vẫn lưỡng lự khi phải ra ngoài cùng những người khác để tiếp đón khách hàng. Tôi vẫn chưa tiếp nhận quầy tính tiền nhưng ý nghĩ đó thôi cũng khiến tôi sợ hãi. Vì vậy tôi thường đứng ở đó trong phạm vi trung lập nơi “văn phòng” của Crystal. Đó là một khoảng nhỏ với một cái bàn, ghế và một cái máy tính. Trong vài tuần trở lại đây, Crystal thường quay ra nhìn tôi sau khi tôi đứng ở đó được một lúc và hỏi, “Anh thấy công việc cọ rửa thì thế nào?”

Tôi thì thường trả lời, “Tôi sẽ không mong gì hơn!”

Cọ rửa, tôi nghĩ sẽ giúp tôi tránh được những quầy tính tiền kinh dị kia. Tôi nghĩ mình sẽ thua, thua thảm hại nếu bị bắt thanh toán tiền và nói chuyện với khách hàng cùng một lúc vì thế tôi muốn nhận được sự kính trọng của Crystal và sự phụ thuộc của cô ấy vào tôi trong một lĩnh vực mà tôi có thể học để làm được.

Tất nhiên tôi không có kinh nghiệm về cọ rửa. Ở nhà, vợ trước của tôi làm mọi công việc lau chùi và chúng tôi có người dọn dẹp tới để làm những công việc nặng nhọc như lau dọn nhà tắm và nhà bếp. Và tôi khi đó là một giám đốc điều hành cấp cao nên tôi cũng chả bao giờ dọn dẹp văn phòng của mình. Những người dọn dẹp đem theo những cái túi rác và máy hút bụi sẽ làm việc đó vào tối muộn, đôi khi vào lúc tôi chuẩn bị rời đi. Tôi tự hào là bản thân luôn lịch sự với họ nhưng thực chất chả để ý mấy đến việc làm thế nào mà họ giữ cả văn phòng sạch sẽ.

“Đây là bã kẹo cao su,” Crystal nói vào ngày đầu tiên làm việc của tôi. “Mất rất nhiều công sức để loại bỏ đám này. Chúng ta có gạch và chúng ta có cả vấn đề bã kẹo cao su. Hoặc tôi nên nói là chúng ta có cơ hội mang tên bã kẹo cao su.”

Đây đích thực là một cơ hội cho tôi.

Crystal đưa cho tôi một cái chổi chà bã kẹo. Và cô ấy chỉ cho tôi cách đổ đầy cái thùng lau dọn với nước nóng và hỗn hợp nước cọ rửa. Tôi sẽ lau và chà rồi đào cái đống bã kẹo đó bằng cái chổi và lại chà lần nữa. Chỉ vài một mét sàn cũng tốn khá nhiều thời gian. Và tôi phải tốn hàng giờ để lau sạch cả cửa hàng. Tôi chiến đấu với công việc lau dọn của mình với một thứ năng lượng điên cuồng.

Có một lần Crystal đi đến chỗ tôi và bật cười.

“Mike, tôi chưa bao giờ thấy ai lau dọn mà lại nhiệt tình đến thế.”

“Tôi thích việc này,” tôi nói và tôi thực sự nghĩ thế. Tôi có thể thấy sự thay đổi tôi đang tạo ra. Ngay cả những người Cộng sự cũng âm thầm dành cho tôi một sự kính trọng. Tôi đoán là họ đã không nghĩ rằng ông già da trắng này sẽ thích thú với công việc dọn bã kẹo cao su.

Kester cũng đến và nở một nụ cười khuyến khích khi nói với tôi, “Cẩn thận với cái nhà vệ sinh đó.”

Chắc chắn rồi vì vào một ngày Crystal nói, “Mike, tôi sẽ chỉ cho anh cách làm thế nào để thực sự lau sạch một cái nhà vệ sinh. Anh chắc cũng biết thỉnh thoảng chỗ rửa xe sẽ nói họ đang “dọn từng ngóc ngách” xe của anh phải không? Chúng ta cũng “dọn từng ngóc ngách’ của một nhà vệ sinh. Chúng ta sẽ cùng làm nó một lần. Sau đó tôi muốn anh đảm bảo là tất cả nhà vệ sinh lúc nào cũng lấp lánh.”

Crystal bảo tôi mang găng tay và đưa cho tôi một chất tẩy rửa cực mạnh. Tôi phải cúi người xuống dưới cái bệ toilet và lôi ra một đống các loại rác rưởi. Tôi ngạc nhiên khi tôi không quá bài xích công việc mà trước đây tôi đã nghĩ là hạ đẳng và là một nỗi sỉ nhục khi phải hoàn thành. Nhưng vì Crystal trông có vẻ tích cực về việc này và sự kính trọng của cô ấy đối với thách thức lau dọn một cái nhà vệ sinh khiến tôi cảm thấy hoàn toàn khác. Đối với cô ấy thì đây là một nỗ lực đáng giá và tôi là ai mà dám tranh cãi về quan điểm của Crystal đối với công việc và thế giới chứ? Tôi cũng cảm thấy một sự dâng trào adrenaline nguyên thủy theo bản năng của loài vật rằng nếu tôi có thể thành công trong việc làm gì đó cho Crystal thì tôi có thể giữ được công việc này – dù cho tôi có gặp phải khó khăn gì với quầy thanh toán hoặc những thách thức khác của môi trường bán lẻ đòi hỏi sự di chuyển nhanh chóng này. Vì vậy tôi rất vui mừng mà đi theo sự quyết tâm lạc quan của cô ấy để làm công việc vĩ đại là cọ nhà vệ sinh.

Rất nhanh, cái toilet đã thực sự lấp lánh.

Cô ấy cười.

“Mike, tôi phải nói là tôi chưa từng thấy ai cọ rửa như anh.”

Cô ấy không biết là tôi đang đánh cược cả tương lai của mình ở Starbucks để làm tốt một việc mà không ai muốn. Bằng cách đó tôi cho cô ấy thấy cô ấy không thể sa thải tôi. Tôi đã sợ mất công việc này đến mức ấy. Tôi không muốn thất bại trong cái cơ hội mà tôi cho là cuối cùng này. Độ tuổi trung bình của các Cộng sự trong cửa hàng là hai mươi. Tôi biết là tôi chả thể nào trẻ ra được thế nên tôi thật may mắn khi có được cơ hội này.

Nhưng không phải vì lớn tuổi mà tôi trở nên thông cảm hơn với người già và những người cần giúp đỡ. Hiểu và áp dụng hành vi của mình ở Starbucks không phải dễ. Nhất là lúc ban đầu.

Vào một buổi chiều, tôi vừa mới hoàn thành việc “dọn dẹp từng ngóc ngách” của nhà vệ sinh cho đến khi nó sáng bóng. Tôi nhìn thấy một người đàn ông người Mỹ gốc Phi lớn tuổi trông như vô gia cư đang hướng về phía nhà vệ sinh. Tôi chặn ông ấy lại và nói nhà vệ sinh đang đóng cửa để lau dọn – một lời nói dối mà tôi nghĩ ra vì sợ phải thu dọn cái đống lộn xộn mà ông ta có thể tạo ra.

Crystal nghe thấy và ra hiệu cho tôi đi vào văn phòng cô ấy – việc này không phải tín hiệu tốt. Tôi biết rằng cô ấy chẳng bao giờ la mắng ai trước mặt khách hay thậm chí những Cộng sự khác. Cô ấy sẽ kéo bạn ra nói chuyện riêng trong văn phòng của cô ấy.

“Mike, đừng bao giờ từ chối khi ai đó muốn dùng nhà vệ sinh,” cô ấy nói bằng giọng trầm và giận dữ.

“Nhưng ông già đó không phải khách hàng, ông ta không thể đủ tiền để trả” –

“Ông ấy có thể không phải là khách hàng nhưng bất kỳ ai bước vào cửa thì đều là khách. Điều này khiến Starbucks khác biệt so với bất kỳ chỗ nào ở New York này. Anh không để ý thấy là chả có cái nhà vệ sinh công cộng nào ở cái thành phố này à?”

Vì một lý do nào đó, có thể là bởi vì tôi đã làm việc rất chăm chỉ để dọn dẹp đống bẩn thỉu đó nên tôi đã cãi lại.

“Nhưng việc cung cấp nhà vệ sinh cho người vô gia cư không phải việc của Starbucks.”

Crystal không nói gì … trong khoảng ba mươi giây. Tôi có thể thấy cô ấy giận điên lên. Mắt cô ấy trừng lớn trong cơn giận dữ.

Tôi im luôn. Thế nào mà tôi lại giẫm lên đám mìn đầy cảm xúc chỉ trực bùng nổ này. Tôi thấy thật kinh khủng và sợ hãi.

“Nghe đây.” Giọng của cô ấy thật xa cách; tôi có thể cảm thấy cô ấy đang đấu tranh để không mắng tôi. “Trong cửa hàng của tôi, cửa hàng của chúng ta, chúng ta … chào đón mọi người. Đừng từ chối bất kỳ ai nếu họ muốn dùng nhà vệ sinh, đặc biệt là những người thật sự cần sự chào đón chứ không phải một kẻ nữa muốn khinh bỉ họ.”

Cô ấy đã không nói “không phải một kẻ da trắng nữa” khinh bỉ họ nhưng tôi có thể hiểu được nó có nghĩa đó. Hoặc có lẽ tôi đã quá nhạy cảm. Tôi hiểu rằng tôi đã mắc một sai lầm lớn. Crystal và Starbucks không đối xử với người ta như thế này.

Tôi đi ra ngoài cửa để cố gắng tìm người đàn ông đó nhưng ông ấy đã đi. Lời từ chối của tôi có lẽ chả phải lạ lẫm gì với ông ấy vì New York không phải là một thành phố thân thiện với những người cố gắng tìm một cái nhà vệ sinh. Nhưng tôi đã học được một bài học đắt giá ngày hôm đó. Sự ngạo mạn của tôi đã quay lại ngay khi tôi nghĩ mình đã làm được một việc ra trò. Thật đáng buồn!

Ngày hôm sau, Crystal cũng không nhắc lại việc đó nữa. Tôi biết được Crystal không để bụng. Cô ấy sẽ nói cho bạn biết khi không thích bạn làm việc gì đó ngay khi bạn làm điều đó. Và cô ấy không bao giờ nhắc lại nó.

“Giờ chúng ta sẽ chuyển ra khu vực bên ngoài,” cô ấy hướng dẫn. Cô ấy giao cho tôi lau sạch hành lang cùng với toàn bộ cửa sổ và cạnh cửa sổ.

Một tuần sau, cô ấy để tôi đứng một bên. “Tôi đã quyết định sẽ chuyển anh thành Giám sát viên của nhiệm vụ cọ rửa,” cô ấy tuyên bố. “Thỉnh thoảng tôi sẽ giao cho những Cộng sự khác giúp đỡ anh và anh có thể giám sát công việc.”

Tôi rất phấn khởi. Được thăng chức! Tôi đã được lập trình ở JWT để cảm thấy phấn khởi mỗi khi được thăng chức. Từ một người viết nội dung đến giám đốc sáng tạo rồi phó chủ tịch và cuối cùng là phó chủ tịch điều hành kiêm giám đốc sáng tạo là những khoảng khắc tuyệt vời. Mỗi lần thăng chức đều được tăng lương, nhận được những lời khen ghi đầy trong những mẩu giấy chúc mừng và những bữa tiệc tối ở nhà hàng sang trọng cùng với sự gia tăng về đặc quyền so với những người cùng trang lứa với tôi. Nhưng rồi tôi điếng người nhận ra rằng tôi không còn ở trong cái thế giới mà những điều đó có ý nghĩa. Đây không phải là một tập đoàn lớn với những nấc thang mà ở đó chức danh của bạn là quan trọng … Mày đang cọ rửa nhà vệ sinh đó, Chúa tôi! Tôi nghĩ và tự cười bản thân … thứ mà tôi chưa bao giờ làm trước đây.

Giờ đây đứng ở trong văn phòng nhỏ của Crystal, tôi hy vọng được làm nhiều công việc cọ rửa hơn. Như thế nghĩa là tôi lại có một ngày an toàn với cái quầy tính tiền.

“Này, Mike,” Kester nói khi lướt qua, “Anh làm ăn sao rồi?”

“Tốt,” tôi nói, “Tôi hy vọng được làm công việc cọ rửa ngày hôm nay.”

“Con mẹ nó, không đùa chứ,” Kester nói và chúng tôi phá lên cười trước cái kiểu ám chỉ không được phổ biến lắm của anh ấy.

Crystal xoay người trên ghế trước mặt cái máy tính để nhìn chúng tôi.

“Không dùng lời thô tục ở đây,” cô ấy nói, rõ ràng là không vui vẻ gì. Kester nháy mắt với tôi và tiếp tục đi ra ngoài.

“Cậu ta chỉ đùa thôi mà,” tôi nói một cách ngu ngốc. Kester chả cần tôi phải bảo vệ. Và Crystal thì đang cáu. Sao tôi không im miệng đi nhỉ?

“Mike, để tôi giải thích cho anh,” Crystal đẩy ghế lùi lại.

Cô ấy chỉ vào một tờ giấy được đính trên bức tường đằng sau tôi.

“Đó là tờ giấy ghi những quy tắc không thể thỏa hiệp của chúng tôi … hãy đọc cho tôi nghe quy tắc đầu tiên.”

Crystal nghe như một giáo viên đang giận dữ. Vậy thì tôi sẽ cho cô ấy thấy. Giờ tôi có thể đọc được rồi! Tôi đọc “quy tắc không thể thỏa hiệp” đầu tiên với giọng to, rõ và đầy tự tin: “Tạo ra một môi trường làm việc tuyệt vời và đối xử với nhau bằng sự kính trọng và nhân phẩm.”

Crystal đứng lên. Thậm chí khi tôi đã đọc nguyên tắc không thể thỏa hiệp đầu tiên của Starbucks một cách dõng dạc như vậy thì cô ấy vẫn bực bội vì điều gì đó.

“Sự tôn trọng,” cô ấy nói, lướt qua mặt tôi để chỉ vào từ đó. “Tôi không nghĩ sử dụng ngôn ngữ đường phố ở đây là tôn trọng.”

Cô ấy bỏ tay xuống và giọng thì trầm hơn.

“Mike, tôi không có ý định trút giận lên anh như thế này. Điều đó là không tôn trọng!” Cô ấy cười. Crystal có vẻ như đã lấy lại bình tĩnh.

“Đời thế đấy,” cô ấy nói, chậm rãi, kéo dài mỗi từ, “trước khi tôi đến đây, tôi chẳng được ai tôn trọng cả… lúc nào cũng thế. Tôi chưa từng được nghe từ đó. Mẹ tôi là một kẻ nghiện chất kích thích. Bà ấy chết khi tôi mười hai tuổi. Tôi được giao cho một người dì và dì cũng có hai đứa con.” Crystal vung tay lên trong một tư thế khoa trương. “Tôn trọng ư? Trong cái căn nhà điên rồ đó ư? Giờ thì tôi không oán bà ấy nữa vì tôi có thể thấy bà ấy lớn lên như thế nào nhưng tôi đã thực sự bị tổn thương vì bà ấy không cần tôi. Bà ấy chắc chắn là đã chả cho tôi tí tôn trọng nào. Dì tôi ghét tôi. Bà ấy ghét những người da trắng.”

Crystal nhìn tôi như thể muốn nói, Giờ thì anh hiểu ra chưa?

“Bà ấy gọi người da trắng là ‘kẻ thù’”. Có vẻ như Crystal đang cố khiến tôi kinh ngạc khi tiết lộ một người có thể thô lỗ đến mức nào.

Tôi bị sốc. Tôi hoàn toàn im lặng.

“Dì tôi không đối xử với tôi như kẻ thù nhưng bà ấy khiến tôi cảm thấy mình như một người xa lạ không được chào đón trong nhà. Vì tôi đến Starbucks nên tôi mới được chào đón.”

Crystal quay người và ngồi xuống, một lần nữa trở thành quản lý nhà hàng thư thái.

“Tôi xin lỗi,” tôi nói.

“Đừng xin lỗi, Mike. Thứ tôn trọng này có lẽ cũng mới đối với anh.” Cô ấy cười. “Tôi đã ở đây nhiều năm mà tôi vẫn thấy mới với chuyện này. Anh không thể hiểu nó chỉ trong một đêm. Tôi vẫn còn đang học đây này. Nhưng tôi muốn giải thích cho anh hiểu tại sao chuyện này lại quan trọng với tôi đến vậy.”

“Đúng, tôi để ý thấy mọi người ở Starbucks lịch sự hơn.”

Tôi để ý thấy từ ngày đầu tiên bước qua cánh cửa Starbucks tôi đã được đối xử với sự tôn trọng. Khi cần tôi làm điều gì đó, Crystal và các Cộng sự luôn nói, “Mike, anh có thể giúp tôi một việc không?” Chẳng bao giờ có mệnh lệnh nào được đưa ra. Tôi cũng nhận ra mình nhận được sự kính trọng cá nhân bởi vì đã xử lý tốt việc cọ rửa và một vài nhiệm vụ khó khăn hơn của công việc. Nhưng có lẽ Crystal nghĩ là tôi vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của khái niệm tôn trọng.

“Những Cộng sự còn hơn cả lịch sự,” Crystal nói, phản ứng lại cái từ mà tôi đã sử dụng thay thế cho từ tôn trọng. Cô ấy rõ ràng là thất vọng với phản ứng của tôi. Tôi có thể thấy điều đó. Trong mắt Crystal tôi vẫn chưa thực sự hiểu điều đó. Sự lịch thiệp không phải là tôn trọng.

“Rồi anh sẽ hiểu thôi,” cô ấy nói, như thể đọc được ý nghĩ của tôi. “Nó sẽ mất chút thời gian. Này, tôi có một dự án cọ rửa cho anh hôm nay đấy … nếu anh thích? Chính là lau dọn cái văn phòng này.”

Cô ấy chỉ mọi thứ bao phủ bề mặt xung quanh cô ấy.

“Tôi rất sẵn lòng!” tôi hốt hoảng la lên. Lại một ngày dọn dẹp nữa – cách xa khỏi cái quầy thanh toán.

Crystal cười trước sự nhiệt tình của tôi.

“Tốt,” cô ấy nói. “Tôi sẽ chạy ra phía trước để kiểm tra và đảm bảo mọi thứ đều ổn. Và hy vọng lúc tôi quay lại thì chỗ này đã được dọn sạch!”

Crystal đứng lên và đôi giầy đen của cô ấy khiến tôi chú ý.

Cô ấy nhanh chóng đi ra phía ngoài. Cô ấy luôn làm mọi việc với một năng lượng tích cực.

Mình có thể hưởng ké một chút động lực tiến về phía trước đó, tôi tự nhủ.

Đột nhiên tôi nhớ đến người bạn của tôi là Gordon Fairburn, người luôn tràn đầy động lực tiến về phía trước trong cuộc đời quá đỗi ngắn ngủi của mình. Tôi mường tượng lại lần cuối đến thăm Gordon và khoảnh khắc lúc rời đi. Tôi đang ở trên con đường vào nhà cậu ấy và hướng về chiếc xe của mình. Cậu ấy nằm trên giường ở trên lầu, vây quanh bởi vợ và những đứa con và đang chết dần vì căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Cửa sổ phòng ngủ của cậu ấy mở rộng ra phía con đường vào nhà vào ngày xuân đó. Tôi nghe thấy cậu ấy cất giọng hát cao và tuyệt đẹp để hát một bài hát cũ cho tôi: “Mong những con đường hạnh phúc đến với anh … cho đến khi chúng ta gặp lại nhau!”

Tôi hát đoạn cuối với cậu ấy. Chúng tôi đã hát bài hát cuối cùng đó với nhau. Rồi tôi lên xe, giơ tay ra vẫy và lái đi. Chúng tôi đã cùng hát rất nhiều bài hát khi còn ở Buckley. Gordon là người bạn duy nhất của tôi ở đó. Chúng tôi còn học chung lớp ở Yale. Rất nhiều đêm ở New Haven đã kết thúc bằng cảnh Gordon ngồi bên chiếc đàn piano còn tôi và những đứa bạn khác thì tựa vào cây đàn và hát những bài hát cũ. Ngay cả khi đã tốt nghiệp chúng tôi cũng thích gặp nhau để cười và để hát. Gordon là người bạn lâu năm nhất của tôi. Cái ngày mùa xuân của vài năm trước, cậu ấy đang hấp hối. Giờ cậu ấy đã qua đời.

Tại sao tự nhiên tôi lại nghĩ đến cậu ấy sau khi Crystal nói chuyện với tôi chứ?

Một năm trở lại đây, khi mà cuộc đời tôi tan nát, tôi đã rất nhớ cậu ấy. Gordon luôn có khiếu hài hước thậm chí trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Cậu ấy thích dẫn lời một cô gái Áo mà cậu ấy yêu vào cái mùa hè chúng tôi tốt nghiệp. Khi chia tay, cô gái đã nói, “Đây là một bi kịch nhưng không quá nghiêm trọng.”

Gordon có cái nhìn rất tốt về mọi thứ. Tôi đi theo hướng quảng cáo còn cậu ấy thì theo học Thần học ở Yale và trở thành một bác sĩ trị liệu thành công, điều mà cậu ấy thích.

Gordon cũng giống Crystal khi cùng có tuổi thơ cơ cực. Bố cậu ấy là kẻ nghiện rượu và ly hôn với mẹ cậu ấy khi Gordon còn bé. Cậu ấy dễ bị tổn thương về thể chất. Nhưng cậu ấy luôn thích hát và yêu đời. Gordon sẽ thích biết mấy nếu vẫn còn sống! tôi nghĩ. Cậu ấy chắc sẽ thích giúp tôi giải quyết vấn đề, định hướng lại để thấy ánh sáng hy vọng. Cậu ấy sẽ thích có cơ hội để trải nghiệm những vấn đề của tôi ấy chứ.

Tôi bật cười. Âm thanh đó vang dội trong không gian nhỏ. Crystal và Kester vẫn ở phía trước với những Cộng sự khác. Đã đến lúc tôi mặc cái tạp dề xanh của mình, và bắt đầu giúp Crystal với dự án cọ rửa của cô ấy.

Có lẽ đã đến lúc tôi biết ơn khoảng thời gian có thêm này. Tôi vẫn còn sống chứ chưa qua đời như người bạn thân yêu của tôi. Tôi vẫn có thể hát và cười. Có lẽ, tôi nghĩ, tôi nên dành nhiều thời gian hơn để hát và cười và dành ít thời gian để khóc than về quá khứ.

Kỷ niệm của tôi về Gordon đã dũng cảm hát vang như thế nào ngay cả khi phải đối mặt với cái chết mười mươi đã khiến tôi hiểu ra mình ngu xuẩn đến thế nào. Tôi phải dừng việc quá xem trọng bản thân. Đúng vậy, tôi đã mất nhiều thứ. Tôi đã trải qua nhiều việc. Nhưng tôi vẫn còn sống và ở quán Starbucks này tôi được Crystal đối xử với sự tôn trọng. Tôi đã học được rằng có rất nhiều phẩm giá trong công việc vất vả này. Thậm chí là việc cọ rửa nhà vệ sinh! Tôi nên hát và cười nhiều hơn. Vì niềm kính trọng đối với Gordon và cuộc đời kỳ diệu đầy đầy sức sống của cậu ấy. Vì sự tôn trọng của Crystal và những gì cô ấy đã dạy tôi. Vì sự tôn trọng cho bản thân tôi và cuộc đời mới này.

 

Ủng hộ Rừng Hổ Phách

Mong các bạn ủng hộ để Amber duy trì trang web. Nếu không có Paypal thì có thể:
1. Chuyển khoản tới: Hoang Mai Nhung - 0021002033624 - Vietcombank.
2. Chuyển qua Momo
3. Gửi thẻ cào điện thoại Viettel
Chân thành cảm ơn!

Rừng Hổ Phách

Lịch

Tháng bảy 2018
H B T N S B C
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  
DMCA.com Protection Status