You dont have javascript enabled! Please enable it! Starbucks đã cứu cuộc đời tôi như thế nào - Chương 1 - Rừng hổ phách

Starbucks đã cứu cuộc đời tôi như thế nào – Chương 1

Chương 1: Từ việc thưởng thức ly Latte đến việc phục vụ thứ đồ uống đó

“Sự trưởng thành khiêm tốn”

Đây là câu truyện đầy bất ngờ và có thật về một người đàn ông trung niên da trắng từng bị đá ra khỏi vị trí hàng đầu trong một tập đoàn của Mỹ đã tình cờ gặp một người phụ nữ Mỹ gốc Phi trẻ tuổi đến từ một tầng lớp khác và biết được điều gì mới thực sự quan trọng trong cuộc sống. Người đàn ông sinh ra trong tầng lớp đặc quyền ở Bờ Đông khu thượng Manhattan, nơi chỉ dành cho giới thượng lưu trong khi người phụ nữ sinh ra trong gia đình nghèo khó ở khu ổ chuột Brooklyn. Ông ta đã từng có một công việc đầy quyền lực trong ngành quảng cáo và giờ chẳng còn gì; còn người phụ nữ đi lên từ vỉa hè và giờ đã thành công – đến nỗi cô ấy có thể trao cho một người xa lạ cơ hội để tự cứu bản thân mình.

Đây là câu truyện của chính tôi. Và giống như những câu truyện đầy ngạc nhiên khác, nó cũng bắt đầu bằng một biến cố.

Thực ra tôi chả có lý do gì để ló mặt ở bất kỳ chỗ nào gần cái nơi xảy ra sự việc thay đổi cuộc đời mình ấy. Nhưng mà vào cái ngày mưa tháng Ba năm ngoái đó, cái ngày mà tôi cũng không thể ngăn được ý nghĩ thôi thúc phải nhớ lại.

Khi cuộc đời khiến bạn mệt mỏi, bạn có từng muốn quay trở lại ngôi nhà ấu thơ đầy yên ổn? Tôi là con trai duy nhất trong gia đình và rất được cưng chiều mặc dù bố mẹ tôi hay vắng nhà. Và giờ tôi chỉ muốn níu giữ lại chút cảm giác ở nơi tốt nhất mà tôi từng trú ngụ trong thế giới này. Tôi trở lại con phố Bảy mươi tám phía Đông và nhìn sang ngôi nhà bốn tầng bằng đá xám mà tôi đã lớn lên.

Tôi lập tức mường tượng ra hình ảnh cây gậy chống của chiếc đàn piano hiệu Steinway to lớn trong phòng khách trên tầng hai. Hồi nhỏ mẹ tôi đã quyết định rằng tôi nên học chơi piano và bố tôi cũng tham gia vào dự án đó. Với ông thì chẳng có gì là quá khi nói đến con trai mình nên ông đã ngay lập tức đặt mua mẫu đàn to nhất, đắt nhất. Thế nhưng sau khi mua chiếc đàn Steinway khổng lồ đó thì lại nảy sinh vấn đề là làm thế nào để đưa lọt nó vào ngôi nhà đã cả trăm tuổi với những bậc thang hẹp và dốc của chúng tôi.

Cha tôi thế mà đã giải quyết được thử thách đó. Ông thuê một chiếc xe cần cẩu và để cái xe nâng chiếc đàn lên tầng hai, nơi mà chỉ cần mở những cánh cửa sổ kiểu Pháp và nghiêng cái đàn theo cạnh bên của nó thì thì đúng vừa khít để đưa vào phòng. Cha tôi cảm thấy tự hào kinh khủng về việc này còn mẹ tôi thì vô cùng hạnh phúc. Tất nhiên tôi cũng vui một cách âm thầm bởi lẽ tất cả những ồn ào không tưởng này đều là vì tôi.

Ngày hôm nay, khi tôi nhìn vào ngôi nhà trang nghiêm từng là nhà của mình, tôi nghĩ tất cả những nỗ lực đó đã tốn bao nhiêu tiền. Tôi đã rời khỏi những ngày tháng hạnh phúc đó bao xa. Tôi đã trải qua một quãng đường quá dài từ thời ấu thơ, khi mà tiền chưa bao giờ là vấn đề. Mà tôi bây giờ thì gần như sắp phá sản.

Thoát ra khỏi những ký ức ấm áp của quá khứ, tôi cố tìm chút yên ổn bên một cốc cà phê Latte. Đây là một trong những thứ cuối cùng mà tôi có thể tự thưởng cho mình. Một quán Starbucks đang ngự trị ở góc đường Lexington và đường Bẩy mươi tám, nơi mà trong những năm tháng tuổi thơ của tôi từng là một cửa hàng bánh ngọt. Trong cơn hoang mang chán nản của bản thân, tôi đã không để ý đến một tấm biển trước cửa có ghi “Ngày hội tuyển dụng” – dù sao thì đó cũng không phải loại biển báo mà tôi sẽ để ý đến. Sau này tôi mới biết rằng Starbucks có sự kiện tuyển dụng ở các cửa hàng khác nhau ở New York mỗi tuần. Quản lý của các cửa hàng trong khu vực sẽ đến để phỏng vấn các ứng viên tiềm năng. Bây giờ nghĩ lại, vận may đã rời bỏ tôi cuối cùng cũng trở lại ngay cái giây phút tôi quyết định bước vào cửa hàng nơi góc đường Bẩy mươi tám đó.

Vẫn tự bọc mình trong sự tự thương cảm và những hồi tưởng về vận may và gia đình đã mất, tôi gọi một ly Latte và đi đến một cái bàn nhỏ. Tôi ngồi xuống và chẳng buồn nhìn ai xung quanh đó. Tôi tự chìm vào không gian của riêng mình và cố gắng cắt nghĩa cái cuộc sống mà dường như đã hoàn toàn rời bỏ tôi.

“ Anh có muốn một công việc không?”

Tôi choảng tỉnh khỏi cơn mơ. Người vừa mới nói ngồi ở cái bàn bên phải tôi, sắp xếp lại một vài giấy tờ với một sự nhanh gọn chuyên nghiệp. Đó là một người phụ nữ Mỹ gốc Phi trẻ và hấp dẫn đang mặc đồng phục của Starbucks. Trước đó tôi còn chẳng nhìn thấy cô ấy, nhưng giờ tôi để ý thấy cô ấy đang đeo một cái vòng bạc và một cái đồng hồ khá đẹp. Cô ấy trông thật đáng tin cậy và tự tin.

Tôi đã bị choáng. Tôi không quen với việc tiếp xúc với bất kỳ ai ở Starbucks.

Trong suốt vài tháng qua tôi đã lê la ở nhiều quán Starbucks trong thành phố, mà với tôi chúng không phải nơi để thư giãn hay nói chuyện phiếm mà là văn phòng nơi tôi gọi điện cho các khách hàng tiềm năng của mình – những người mà giờ chẳng còn thèm nhận điện thoại của tôi nữa. Cái công ty tư vấn bé nhỏ của tôi đã nhanh chóng đổ bể. Tiếp thị và quảng cáo là công việc chỉ dành cho những người trẻ tuổi và ở cái tuổi sáu mươi ba thì tôi nhận ra rằng những nỗ lực của mình chỉ nhận được sự giả câm giả điếc của người khác.

“Một công việc”, người phụ nữ nhắc lại, mỉm cười như thể tôi không nghe thấy cô ấy. “Anh có muốn một công việc không?”

Chả lẽ mình lại thể hiện rõ ràng đến thế? Mặc dù tôi đang mặc bộ vest kẻ sọc mảnh của Brook Brothers và có phong thái của một ông lớn  – Tôi còn để chiếc điện thoại bên trên chiếc cặp da đắt tiền hiệu T. Anthony như thể tôi đang chờ một cuộc gọi quan trọng – thì chả nhẽ cô ấy vẫn nhận ra tôi là một trong những kẻ thất bại đáng thương trong cuộc đời này? Tôi, cựu giám đốc sáng tạo của công ty J. Walter Thompson, đơn vị quảng cáo lớn nhất trên thế giới, liệu có muốn một công việc tại Starbucks hay không ư?

Có vài lần trong đời, tôi đã không thể nghĩ được một lời nói dối lịch sự hoặc bất kỳ câu trả lời nào ngoài việc nói sự thật.

“Có”, tôi nói mà không nghĩ, “Tôi mong muốn có một công việc”.

Trước đây tôi chưa từng phải tìm kiếm công việc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1963, tôi nhận được một cuộc gọi từ James Henry Brewster, Đệ tứ, một người bạn của tôi tại Câu lạc bộ Skulls & Bones.

“Gates”, anh ta nói một cách ngang ngược, “Tôi đã bán cậu cho J. Walter Thompson rồi”.

Jim ở thời điểm đó đang làm việc cho Pan Am Airways, công ty hàng không lớn nhất thế giới lúc đó và là một khách hàng của J. Walter Thompson’s, công ty quảng cáo được biết đến với cái tên JWT trên thị trường. Cả hai chúng tôi đã có quãng thời gian đẹp đẽ cùng nhau tại trường đại học – vậy nên sẽ thật tuyệt vời nếu lại được làm việc cùng nhau!

Jim sắp xếp cuộc phỏng vấn. Khi tôi tới để gặp những người tại JWT, tôi đã rất tự tin vào những lợi thế mà mình có. Không những tôi có sự “đảm bảo” của Jim mà còn vì ông chủ của JWT, Stanley Resor cũng tốt nghiệp Đại học Yale. Con trai ông ta, Stanley Resor Jr., còn ở chung phòng với một người chú của tôi tại Yale. Tôi đã đến thăm gia đình Resor tại trang viên rộng hai ngàn mẫu Anh của họ bên ngoài Jackson Hole vào mùa hè trước.

Những mối quan hệ này đã chứng tỏ rằng chúng là vô giá. Quảng cáo là một ngành nghề hào nhoáng. Lúc đó quảng cáo trên ti vi vừa mới được phát triển và trở nên thú vị và đầy hài hước. Rất nhiều người đã muốn tham gia vào ngành này nơi mà họ có thể kiếm được rất nhiều tiền mà vẫn giữ được sự sáng tạo của công việc. Chương trình đào tạo của JWT được xem là một trong những chương trình tốt nhất trong ngành này, và công ty chỉ tuyển một hoặc hai người viết nội dung quảng cáo mỗi năm.

Tôi chính là một trong những người được chọn đó.

Công việc đó như tiếng sét ái tình. Tất cả những gì tôi phải làm ở đó là nói và viết – những kỹ năng mà tôi bẩm sinh đã sở hữu – và chúng giúp tôi kiếm được rất nhiều tiền. Tôi đã rất thành công trong công việc và khách hàng đều hài lòng với các ý tưởng sáng tạo của tôi.

Tôi cũng nhận thấy bản thân rất thích các bài thuyết trình và tôi đã thực hiện chúng theo một cách đơn giản nhưng vẫn đem lại sức sống cũng như tiếng cười cho những cuộc họp tưởng như rất nhàm chán. Ví dụ, khi tạo ra câu khẩu hiệu “Hải quân đang tìm kiếm những người đàn ông tốt”, chúng tôi đã được yêu cầu làm quảng cáo cho chiến dịch tuyển dụng trị giá hàng triệu đô của Bộ quốc phòng. Bài thuyết trình được tổ chức trong một căn phòng chiến tranh của Lầu Năm Góc. Khi tôi bước vào, tôi nhìn thấy vài người đàn ông mặc quân phục gắn huân chương ngồi thành hàng sau một cái bàn cao. Họ chính là Hội đồng tham mưu chưởng liên quân. Họ ngồi đó như những pho tượng, và rõ ràng là không vui vì bị kéo vào một cuộc họp tiếp thị phù phiếm.

Tôi đi tới phía trước căn phòng, mang theo cái cặp của mình. Tôi thò tay vào trong và lôi ra một cái cung tên và mũi tên. Một người trong nhóm của tôi bước về phía ngược lại của căn phòng với một tấm xốp mà tôi đã vẽ mục tiêu lên đó bằng bút nhớ không phai mực. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi tin tưởng vào việc quảng cáo nhắm vào mục tiêu. Tôi muốn truyền đạt lời mình bằng thứ công cụ mà những người đàn ông này quen thuộc: một thứ vũ khí. Và vì chúng tôi là đội đầu tiên trong số mười ba công ty sẽ trình bày trong ngày hôm nay, tôi muốn họ sẽ phải nhớ đến chúng tôi.

Tôi kéo dây cung và bắn mũi tên đi. Và nhờ Chúa phù hộ, mũi tên trúng vào tâm. Cả căn phòng lặng đi trong khoảng một phút. Không ai di chuyển. Không ai nói gì. Và rồi cả bốn vị lãnh đạo cấp cao của quân đội đều vỗ tay, thậm chí còn hoan hô và cười. Tất nhiên chúng tôi đã thắng gói thầu đó.

Ngoài yêu thích công việc, tôi cũng làm việc rất chăm chỉ. Có một tờ điểm danh được dán ở hành lang của tòa văn phòng công ty JWT tại New York và tôi luôn cố gắng là một trong những người đầu tiên ký điểm danh đầu giờ và một trong những người cuối cùng ký điểm danh khi kết thúc ngày làm việc. Tôi được thăng chức khá nhanh và thường xuyên, từ người viết nội dung quảng cáo tới giám đốc sáng tạo và Phó Chủ tịch điều hành chịu trách nhiệm hành loạt những gói thầu quảng cáo chính cho các thương hiệu bao gồm Ford, Burger King, Christian Dior, hải quân Hoa Kỳ, và IBM.

Tôi sẵn lòng đi bất kỳ nơi nào để giúp đỡ khách hàng. JWT là một công ty mang tầm quốc tế và yêu cầu bạn phải di chuyển trong nước và cả nước ngoài. Tôi chưa bao giờ ngần ngại khi phải chuyển nhà mặc cho gia đình riêng ngày càng có nhiều thành viên – bằng cách nào đó, tôi đã có thể kết hôn, có  một tuần trăng mật hai tuần và bốn đứa con trong khoảng thời gian giữa những hợp đồng quảng cáo – để đến làm việc tại các văn phòng ở Toronton, Washington, D.C., và Los Angeles. Với tôi, công việc đóng vai trò lớn trong việc giúp tôi thành công chu cấp cho gia đình mình. Khi nói đến gia đình thì chẳng có sự hy sinh nào là quá lớn lao. Vì thế tôi coi JWT là ưu tiên hàng đầu của mình.

Thế nhưng, thật mỉa mai, tôi đã bay hàng ngàn dặm để dành thời gian với khách hàng và hầu như chẳng gặp con mình. Khách hàng của tôi trở thành con tôi và con tôi thì lớn lên mà không có tôi. Đứa con gái Annie bé bỏng mũm mĩm của tôi đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp và đã tốt nghiệp cấp ba rồi ư? Tôi đã khóc khi thấy con bé nhận bằng tốt nghiệp, trông thật trưởng thành và đã sẵn sàng rời khỏi nhà và rời khỏi tôi. Tôi nhận ra sự thật một cách đau đớn rằng tôi đã lỡ rất nhiều khoảng khắc quan trọng của con bé và cả của những đứa con khác.

Nhưng tôi – thậm chí lúc đó vẫn tự thuyết phục bản thân rằng sự hy sinh đó là đáng giá, bởi vì JWT đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Lương của tôi rất cao và các phúc lợi cũng rất tốt vì vậy giờ đây khi mà bọn trẻ chuẩn bị học đại học và các loại hóa đơn ngày càng trở nên khủng khiếp thì tôi cũng chẳng cần phải quá quan tâm. Trong tâm trí của mình, tôi thậm chí còn tự hoan hô bản thân rằng: Mày đã rất thông minh khi cống hiến cho một công ty duy nhất – đổi lại là mức lương hàng tháng và sự ổn định. Giống như nhiều người đàn ông của thế hệ mình, với vai trò là “những kẻ chiến đấu vì bánh mì”, tôi hợp lý hóa sự tận tụy với công việc và niềm tin với JWT.

Đặt niềm tin nhầm chỗ, tôi tiếp tục làm việc nhiều giờ hơn, luôn sẵn sàng điều chỉnh lịch trình cá nhân vì nhu cầu của khách hàng. Tôi còn nhớ lúc con tôi còn bé, tôi đã nhận được một cuộc gọi của khách hàng từ hãng Ford vào đúng ngày Giáng sinh. Khi đó tôi đang sẵn sàng dành một ngày nghỉ hiếm hoi ở nhà, chơi với Elizabeth, Annie, Laura và Charles, cũng như tận hưởng một vài khoảng khắc thư giãn có đủ cả gia đình như một những người khác. Khách hàng khi đó muốn thực hiện một dự kiện giảm giá vào năm mới và hỏi liệu tôi có thể quay quảng cáo cho họ hay không? Ford nổi tiếng thích hành hạ các đơn vị quảng cáo và vì họ chi hàng triệu đô cho việc này nên chẳng bao giờ họ cho bạn một lựa chọn mà bạn có thể nói không nếu bạn vẫn cần công việc của mình.

“Chắc chắn rồi” tôi trả lời. “Khi nào?”

“Ngay bây giờ”, ông ta nói.

Tôi nghe giọng điệu căng thẳng đó và biết là tôi phải đi, mặc cho các con đang khóc. Quà của chúng vừa mới mở, vẫn bày đầy phòng khách và bọn trẻ vẫn còn đang mặc đồ ngủ. Nhưng tôi là một nhân viên mẫn cán của JWT. Tôi đã gọi taxi để ra sân bay và tới Detroit.

Tôi rất tự hào rằng tôi chưa từng từ chối bất kỳ yêu cầu nào của JWT. Vì thế tôi đã rất sốc khi mà sau hai mươi lăm năm cống hiến cho công việc, lại nhận được một cuộc gọi từ Linda White, một giám đốc điều hành trẻ của JWT.

“Ngày mai hãy cùng ăn sáng với tôi”, cô ta nói thẳng.

Đó chẳng phải là lời tốt đẹp gì từ nếu bạn nghe được từ một đồng nghiệp. Tôi yêu quí Linda. Một vài năm trước, tôi đã thuyết phục những ông bạn già trong ban giám đốc rằng chúng tôi cần một người phụ nữ trẻ thông minh. Linda đã làm rất tốt và tôi đã giúp đỡ để cô ta được tham gia vào Ban giám đốc. Cô ta là thành viên nữ duy nhất trong đó. Thực tế, Linda hiện nay là chủ tịch, thậm chí đã vượt mặt tôi trên nấc thang thăng tiến.

Cô ta là người được ông chủ mới của JWT ưa thích. Đó là một gã người Anh tên là Martin Sorrell. Gã từng là một thủ thư và chính xuất phát điểm đó khiến gã cực kỳ quan tâm đến kết quả kinh doanh. Trước Martin, JWT giống như một tổ chức phi lợi nhuận khi mà mọi người đóng góp hết sức để thực hiện các chiến dịch truyền thông tốt nhất cho khách hàng và chưa bao giờ lo lắng về kết quả kinh doanh. Martin lại có ý tưởng khác.  Gã nói với các cổ đông rằng gã quan tâm đến việc tăng lợi nhuận cho họ hơn là chi tiền để thực hiện những quảng cáo tầm cỡ nhất. Gã đề nghị mua lại công ty của chúng tôi dù chúng tôi không muốn và đã đấu tranh. Thế nhưng gã có được sự ủng hộ của những tay kế toán phố Wall ranh ma và dễ dàng thắng thế.

Tôi đã tham dự một cuộc họp mà Martin nói thẳng rằng “Tôi thích làm việc với những người trẻ tuổi”. Tôi đáng lẽ nên nghe ra và dự đoán được cái gì sắp tới.

Bản thân Martin mới đầu bốn mươi tuổi còn Linda thì đầu ba mươi tuổi. Chẳng trách họ có thể hòa hợp đến thế. Những con người trẻ tuổi và thông minh luôn sẵn sàng loại bỏ những kẻ mà có lẽ họ coi là “những lão già cổ hủ”.

Vào bữa sáng mà chúng tôi đã hẹn, Linda đến muộn. Đây lại là một dấu hiệu không tốt khác. Trong các tập đoàn của Mỹ, vị trí của bạn càng cao thì bạn càng đủng đỉnh. Và dù cố ý hay không thì Linda cũng đã học được phong cách đó.

Mắt cô ta đỏ hoe. Trông như thể cô ta đã khóc. Và đó lại là một dấu hiệu tồi tệ khác. Tôi biết Linda cũng yêu quí mình và cảm thấy biết ơn vì tôi đã giúp đỡ cho sự nghiệp của cô ta. Nhưng tôi cũng biết rằng khi làm việc tại các tập đoàn hiện đại thì người ta chẳng có thời gian cho sự thương cảm. Cái thực tế rằng tôi vẫn làm việc tốt và đã dành cả thời trai trẻ của mình để giúp JWT thành công chả có ý nghĩa gì ở đây hết.

Tôi đã gặp Linda trong một bữa tiệc. Cô ta lúc đó mới tốt nghiệp thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Harvard và có bằng đại học về lịch sử nghệ thuật. Tôi đã nói với cô ta rằng đó là một sự kết hợp tuyệt vời trong ngành quảng cáo – cô ta sẽ mạnh về các ý tưởng sáng tạo trong khi vẫn đảm bảo rằng cả quá trình có thể tạo ra lợi nhuận. Và tôi đã đúng. Thế nhưng bằng cấp không thì chẳng giúp cô ta tìm được việc. Tôi đã phải cho mọi người thấy cô ta mạnh mẽ hơn bất kỳ tên đàn ông nào mà chúng tôi có thể tuyển. Để giúp Linda tham gia Ban quản lý cấp cao của JWT, tôi đã phải viết một bản giới thiệu trong đó mô tả cô ta như một “Người đạt được hiệu quả cao đến không thể tha thứ”. Tôi đã cho Linda thấy bản ghi chú đó.

“Tôi thật sự là không thể tha thứ ư?” Linda hỏi tôi, gần như đã bị tổn thương.

“Không, có lẽ không”, tôi nói. “Nhưng là một người phụ nữ thành đạt, cô phải cho người ta thấy mình mạnh mẽ như bất kỳ người đàn ông nào – đặc biệt là trong việc quản lý. Có lẽ cô sẽ phải mạnh mẽ hơn cả bản chất thật sự của mình. Chủ nghĩa nam quyền bao gồm vô số những thời điểm then chốt và chỉ dung nạp những người có thể đảm đương. Đây cũng chính là phong cách quản lý mà Martin thích.”

Tôi giúp Linda tập trung vào những vấn đề khó của công việc: tiền, và một thái độ không khoan nhượng với việc cắt giảm chi phí – cắt giảm trong ngành quảng cáo thì luôn là cắt giảm nhân sự. Và giờ cái chi phí phải cắt giảm đó chính là tôi.

Tôi cười với cô ta. Tôi sẽ không khóc. Nhưng tôi cảm thấy như thể sắp chết. Trái tim tôi rất đau. Liệu có phải tôi đang lên cơn đau tim không? Không, tôi chỉ thấy rất, rất buồn. Và giận bản thân ghê gớm. Tại sao tôi không nhận ra các dấu hiệu chứ? Linda đã có những bước thăng trầm khi làm việc cho JWT; còn tôi thì dậm chân tại chỗ. Linda đã vượt mặt mặt tôi một cách chóng mặt. Martin ưa thích Linda. Theo phong cách Anh lịch thiệp thì rõ ràng là Martin không thể chịu được việc ở cùng một phòng với tôi. Với mái tóc hoa râm, tôi là nỗi xấu hổ đối với một công ty trẻ, đầy tinh anh, quyết đoán và đầy mưu mô mà anh ta muốn vận hành.

“Michael”, Linda nói. “Tôi có vài tin không vui”.  Tôi bồn chồn cầm cái bánh muffin của mình, ép bản thân phải nhìn vào mắt cô ta.

Người bồi bàn đến gần tôi để xem chúng tôi có yêu cầu thêm thứ gì. Những người phục vụ vẫn thường cho rằng những ông già mới là kẻ có tiền và nắm giữ trò chơi.

Tôi lắc đầu và anh ta lùi lại.

“Kể tôi nghe đi”, tôi nói mà không để lộ biểu hiện gì. Tôi không định cầu xin sự thương hại. Tôi biết điều đó chẳng có ích gì. Tôi đã hy vọng là Linda ít nhất cũng phải đấu tranh cho tôi, vì những gì đã cùng trải qua trong quá khứ. Nhưng cái giây phút mà bạn được mời đến một cuộc gặp mặt vào bữa sáng, bên ngoài công ty thì điều đó có nghĩa là mọi thứ đã được quyết định. Tôi biết giờ tôi chỉ còn là lịch sử.

“Chúng tôi phải cho anh nghỉ việc, Michael”. Cô ta nói những từ đó một cách máy móc. Cô ta đã làm tốt khi nghĩ ra được những từ đó, đặc biệt là cụm từ chung “chúng tôi” đầy giả tạo.

“Đây không phải là quyết định của tôi”, cô ta vội vã bổ sung và một giọt nước mắt lăn xuống má cô ta. Cô ta vội gạt nó đi, cảm thấy xấu hổ vì cảm xúc của bản thân – đặc biệt là trước mặt một người đã dạy cô ta phải mạnh mẽ. Tôi không nghĩ cô ta đang giả vờ. Tôi nghĩ là cô ta thực sự cảm thấy buồn khi tôi bị sa thải và cô ta được chọn để thực hiện việc bẩn thỉu này. Từ quan điểm lợi ích kinh doanh, thì việc giữ tôi lại được gọi là “không có đầu óc”. Rất nhiều người trẻ tuổi ngoài kia có thể viết và nói nhanh và tốt như tôi – mà họ chỉ đòi một phần tư số tiền tôi được hưởng. Nếu Linda từ chối sa thải tôi, thì cô ta không thể là một phần của những tay quản lý theo kiểu xã hội đen đó. Đây là một bài kiểm tra về việc lòng trung thành của cô ta đặt ở đâu: một lão già làm công việc sáng tạo đã giúp đỡ cô ta trong quá khứ hay tay phù thủy tài chính trẻ tuổi đang vận hành công ty? Linda phải chứng minh cho Martin thấy cô ta không thỏa hiệp. Bạn cần phải giết người để thành xã hội đen. Linda hôm nay phải nổ súng.

Tôi đã cố gắng tỏ ra dũng cảm nhất có thể. Ít nhất trong vài phút ngồi với Linda.

Linda nói cho tôi biết rằng với mỗi năm tôi làm việc tại JWT, tôi sẽ được hưởng một tuần của mức tiền lương hiện tại. Cô ta xin lỗi vì không thể đòi cho tôi thêm và cô ta tin rằng tôi đã tiết kiệm được chút gì đó trong suốt những năm làm việc.

Tiết kiệm thế quái nào! Tôi tự nhủ. Tôi có những đứa con phải đi học đấy.

Miệng tôi khô lại và tôi không thể nói gì.

“Được rồi,” Linda nói và đứng dậy. “Anh không cần phải quay lại văn phòng gói ghém đồ đạc. Chúng tôi sẽ làm việc đó thay anh.”

Lại là “chúng tôi”. Linda đã sẵn sàng quay lại với công việc bận rộn.

“Tôi muốn tổ chức một bữa trưa chia tay cho anh, Michael, vì anh đã đóng góp rất nhiều cho công ty,” Linda nói, vẫn đứng đó. “Tôi sẽ gọi điện cho anh để sắp xếp. Jeffrey Tobin của phòng nhân sự sẽ gặp anh bất kỳ khi nào anh muốn thảo luận những vấn đề liên quan đến khoản đền bù cắt hợp đồng của anh.”

Ý nghĩ kiện JWT hoặc viết những lá thư tố cáo đến các khách hàng hiện lên trong đầu tôi. Nhưng Martin và Linda đã liệu trước được điều đó. “Anh có thể nghĩ đến việc trở thành cố vấn sáng tạo hay tương tự,” Linda tiếp tục, giọng cô ta giờ đây trở nên tích cực hơn, “Martin và tôi tất nhiên sẽ cho anh những lời giới thiệu tốt nhất. Cá nhân tôi sẽ giúp anh bằng tất cả khả năng của mình,” cô ta nói thêm. Tôi chả còn cơ hội gì ở JWT, nhưng cô ta sẵn sàng hỗ trợ tôi nếu tôi ngoan ngoãn.

Bị đuổi việc không phải là một cách hay để bắt đầu một công ty tư vấn. Nhưng tôi biết, tôi cần sự thiện chí của JWT nếu muốn có bất kỳ công việc nào từ những khách hàng cũ hoặc bất kỳ ai. Nếu tôi gây rắc rối thì tôi sẽ chẳng nhận được gì.

Gã bồi bàn phiền phức lại tiến lên và tôi lại ra hiệu để anh ta đi.

Linda siết hai cánh tay tôi trong một cử chỉ gần như một cái ôm. “Hãy gọi cho Jeffrey, Michael. Anh ta yêu quí anh và sẽ giúp anh.”

Rồi cô ta quay đi và nhanh chóng sải bước ra khỏi nhà hàng.

Gã bồi bàn quay trở lại một lần nữa với hóa đơn trên tay.

Bên ngoài, mặt trời chiếu rực rỡ. Tôi đột nhiên tuyệt vọng nhận ra rằng mình chả có nơi nào để đi. Lần đầu tiên trong hai mươi lăm năm, tôi không có khách hàng chờ đợi mình đưa ra ý kiến cho các chiến dịch quảng cáo. Tôi bắt đầu bước đi và rồi khóc ngay trên đường phố. Điều đó thật nhục nhã. Tôi! Đã khóc! Nhưng ở cái tuổi năm mươi ba, tôi vừa mới nhận được án tử cho sự nghiệp của mình. Sâu trong trái tim, tôi biết mọi thứ sẽ rất tệ nếu như bạn già cả và bị đuổi ra đường.

Nhưng rồi mọi thứ thay đổi.

Có, tôi muốn một công việc. Tôi đã không nói câu đó trong suốt ba mươi lăm năm. Đã ba mươi lắm năm kể từ khi tôi bắt đầu công việc từ cấp thấp nhất tại JWT. Và đã mười năm kể từ khi tôi bị sa thải khỏi vị trí quản lý hàng đầu tại JWT. Tôi đã thành lập một công ty tư vấn và lập tức nhận được vài công việc khá tốt từ khách hàng cũ. Nhưng dần dần, rõ ràng là càng ngày càng ít những cuộc gọi của tôi được hồi đáp. Đã vài tháng trôi qua kể từ dự án gần nhất mà tôi làm. Kể cả một ly latte giờ cũng là thứ xa xỉ mà tôi không thể trả nổi.

Giờ đây khi nhìn vào cô nhân viên Starbucks tự tin đang mỉm cười với mình, tôi thấy tội nghiệp bản thân. Cô ấy trông có vẻ vô lo, trẻ trung và đầy những lựa chọn. Sau này tôi mới biết rằng cô ấy đã trải qua nhiều khó khăn hơn tôi có thể biết đến trong ba đời. Mẹ cô ấy là một kẻ nghiện chất kích thích và đã chết khi cô ấy mới mười hai tuổi. Cô ấy chưa bao giờ biết mặt cha mình. Khi mẹ cô ấy chết vì sốc thuốc, cô ấy được gửi đến ở với một người dì. Người dì này là một bà mẹ đơn thân và cũng có những đứa con không có cha cần phải chăm lo. Dì của cô ấy là một con người kinh khủng. Sau này cô ấy kể với tôi về cái lần kinh hoàng khi cô ấy ngã xuống cầu thang ở khu ổ chuột Brooklyn nơi cô ấy đã sống. Hông cô ấy đã bị vỡ, thế mà người dì quái đản còn mắng cô vì quá vụng về và từ chối đưa cô tới bệnh viện. Xương cuối cùng cũng liền nhưng theo một cách kinh khủng và gây đau đớn lâu dài. Mặc dù cô ấy tỏ ra vô cùng tự tin ngày hôm đó nhưng thực tế là cô ấy đã phải chịu đau đớn cả về thể xác và tinh thần.

Nhưng giây phút đó tôi vẫn đang chìm đắm trong thế giới riêng của mình và các vấn đề của tôi đã chiếm toàn bộ tâm trí tôi.

Với tôi thì người phụ nữ trẻ này có thứ quyền lực rất lớn – quyền tuyển dụng tôi. Có, tôi muốn một công việc. Ngay khi lời thốt ra tôi đã thấy sợ hãi. Tôi đang làm gì vậy? Nhưng cùng lúc đó, tôi biết tôi muốn một công việc. Tôi cần một công việc. Và tôi cho rằng tôi sẽ dễ dàng có được một công việc tại cửa hàng Starbucks này, phải không?

Cô nhân viên Starbucks xắp sếp lại giấy tờ trước mặt mình, nụ cười đã biến mất và cô ấy nhìn tôi một cách nghiêm khắc. “Vậy là anh thực sự cần một công việc?” cô ấy nói một cách hoài nghi và lắc đầu. Cô ấy rõ ràng là đã trở nên mẫu thuẫn hơn về tôi khi mà nhìn nhận đến cái thực tế tôi sẽ làm việc cho cô ấy.

Tôi thấy như bị sét đánh: hóa ra lời mời làm việc của cô ta chỉ là một trò đùa. Có lẽ cô ta chỉ định dành vài phút để đem tôi, một kẻ tẻ nhạt, căng thẳng và trông có vẻ kiêu ngạo ra làm trò đùa. Có lẽ cô ta chỉ đang làm theo một lời thách đố của một nhân viên khác. Thế nhưng tôi lại khiến cô ta ngạc nhiên khi nhận lời mời đó.

Cô ta nhìn tôi một cách soi mói. “Anh có đồng ý làm việc cho tôi không?”

Tôi thấy rõ thách thức trong câu hỏi của cô ta: liệu tôi, một lão già da trắng cho sẵn lòng làm việc cho một người phụ nữ da đen trẻ tuổi hay không?

Sau này cô ấy mới cho tốt biết người dì cau có và cay nghiệt của cô ấy đã lặp đi lặp lại suốt những năm cô ấy trưởng thành rằng, “bọn da trắng là kẻ thù”. Đứng trên quan điểm của mình, cô ấy đang mạo hiểm khi đề nghị thuê tôi. Và cô ấy sẽ không tiến thêm phân nào nếu chưa biết chắc tôi sẽ không gây ra rắc rối cho cô ấy.

Tôi cũng rất mâu thuẫn. Cả quá trình này như một sự thụt lùi với tôi. Trong cái thế giới mà tôi sống thì lý ra tôi mới là người đủ lương thiện và tốt để cho cô ấy một công việc chứ không phải người van xin để có được công việc. Tôi biết đây là một cảm xúc sai trái, vô cùng lệch lạc nhưng nó vẫn ở đó vo ve bên dưới bề mặt của tình huống lúc đó. Người phụ nữ trẻ này rõ ràng là chả quan tâm đến việc tôi trả lời có hay không với lời mời làm việc mà cô ấy đưa ra. Làm thế nào mà cô ấy đã trở thành người chiến thắng vậy? Thế giới của tôi hoàn toàn đảo lộn.

Ở thành phố New York, năm 1945, cha mẹ tôi khi đó lúc nào cũng như đang chuẩn bị đi dự một bữa tiệc cốc-tai hay các bữa ăn tối. Tôi lúc đó là một cậu bé nhỏ cô đơn. Như thường lệ, họ không có ở nhà khi tôi từ trường Buckley về bằng xe buýt. Nhưng Nana thì vẫn luôn ở đó để đón tôi với đôi tay dang rộng và một nụ cười tươi trên khuôn mặt. Tôi lao vào vòm ngực rộng rãi đó.

Người phụ nữ già đã sống với chúng tôi trong ngôi nhà bằng gạch xám trang nghiêm tại đường Bẩy mươi tám phía Đông là người tôi rất yêu quí khi còn bé. Bà ấy là đầu bếp của gia đình tôi và là người bạn đồng hành thân thiết nhất của tôi. Tôi dành toàn bộ thời gian của mình trong căn phòng bếp dưới tầng hầm ấm áp và thơm mùi thức ăn, giả dạng Charlie Chaplin để chọc bà cười. Bà thưởng cho tôi những món quà vặt ngon lành từ hạt khô và nho khô. Khi bố bà ở Virginia bị ốm, tôi đã nói với bà rằng bà có thể về thăm ông ấy. Hai tuần sau, bố bà mất. Nana nghĩ rằng tôi “được Chúa gửi đến”. Bà nói rằng ngày nào đó tôi sẽ trở thành một đứa con ngoan đạo của Chúa, một cha xứ. Tôi có hàm răng hô và đôi tai to nhưng Nana nói rằng “Cháu là một cậu bé đẹp trai”. Bà còn nói rằng tôi sẽ trở thành một kẻ đào hoa thực thụ.

Sau đó tôi tình cờ nghe thấy bố mẹ nói chuyện trong phòng sách. Giọng nói của họ rất nhỏ. Tôi rón rén đến sát cửa để nghe rõ hơn.

“Nana đã quá già để có thể leo cầu thang,” mẹ tôi nói.

Căn nhà bằng gạch xám của chúng tôi có bốn tầng với bảy mươi ba bậc thang – tôi đã đếm chúng nhiều lần để đỡ chán.

“Ừ, anh cũng nghĩ là mọi việc có vẻ đang quá sức của bà ấy”, bố tôi đồng ý.

Trái tim tôi nảy lên sợ hãi. Họ không thể đuổi Nana đi được. Tôi chạy đến với bà và khóc nhưng lại không thể nói cho bà những gì tôi vừa nghe thấy.

Vài tuần sau, khi tôi trở về nhà vào buổi chiều, Nana không còn ở đó để đợi tôi nữa. Bà đã đi. Mẹ đã thuê một người tị nạn người Latvia làm đầu bếp của chúng tôi. Cô ta mới mười chin tuổi và mẹ nói với tôi rằng mẹ đã được lời lớn khi thuê cô ta. Cô gái Latvia làm việc chăm chỉ nhưng hầu như không nói được tiếng Anh và không nói chuyện với tôi hay thậm chí là nhìn tôi. Cô ta sợ đi gần tôi hay bất kỳ người nào và lý do sau này tôi mới biết là bởi vì cô ta từng bị quân phát xít và cả cộng sản cưỡng hiếp.

Nhưng khi đó vẫn còn là một đứa trẻ, tôi chỉ biết rằng Nana đã đi mất và tôi lại thui thủi một mình trong căn nhà rộng lớn này. Căn bếp trở nên lạnh lẽo và trống vắng vì không có bà nhưng tôi lại không muốn rời khỏi căn phòng bà đã từng hiện diện. Tôi ngồi yên lặng bên khung cửa sổ bếp và ngắm những giọt mưa rơi chạy đuổi nhau dọc tấm kính. Tôi chọn một giọt mưa và so sánh nó với một giọt khác để xem giọt nào sẽ đến chân tấm kính trước. Nếu tôi chọn đúng tôi sẽ tự nói với mình rằng tôi xứng đáng có một điều ước trở thành hiện thực. Và tôi đã ước Nana trở lại.

Khi tôi xin việc tại quán Starbucks chỉ cách ngôi nhà bằng gạch xám mà tôi đã sống từ khi một tuổi đến năm tuổi gần một trăm mét, tôi đột nhiên cảm thấy trong trái tim mình có một lỗ hổng dành cho một người phụ nữ tôi đã không gặp trong suốt sáu mươi năm. Nana chắc chắn là già hơn rất nhiều so với cô nhân viên Starbucks đang ngồi đối diện tôi ngày hôm nay. Nana đáng yêu, to lớn và mềm mại. Cô gái trẻ này thì chuyên nghiệp, nhỏ nhắn với thân hình tuyệt vời. Nana mất vài chiếc răng nên khi cười, nụ cười đó lỗ chỗ. Còn cô gái này có nụ cười hoàn hảo sáng bóng. Nana như một người mẹ đối với tôi. Cô gái này đã vạch rõ rằng cô ấy là chủ còn tôi là nhân viên.

Rõ ràng là hai người phụ nữ này chẳng có điểm chung nào – trừ việc họ đều là người Mỹ gốc Phi. Như rất nhiều người da trắng mà tôi biết, tôi cũng ủng hộ ý tưởng hợp nhất. Thế nhưng càng già thì tôi càng thấy rằng dường như trong cái vòng tròn xã hội đầy những người da trắng bảo thủ thì người da trắng vẫn giao lưu với người da trắng và người da đen thì chơi với người da đen. Đối với tôi việc có mối liên hệ với một người phụ nữ Mỹ gốc Phi ở mức độ cá nhân thì chỉ khiến tôi liên tưởng đến mối quan hệ gần gũi chân thật nhất mà tôi từng có với Nana.

Cô nhân viên Starbucks trẻ tuổi không biết rằng bởi vì Nana nên tôi rất sẵn lòng làm việc với cô ấy – tôi không thể không tin tưởng cô ấy. Nó là một cảm giác thật vô lý, tôi tự nhủ với bản thân mình. Làm thế nào mà một người đàn ông sáu mươi ba tuổi lại bị chi phối bởi cảm xúc của một đứa trẻ bốn tuổi – thế nhưng đó lại là sự thật. Anh có sẵn lòng làm việc cho tôi không? Cô ấy đã hỏi như vậy.

“Tôi rất muốn làm việc cho cô”.

“Tốt. Chúng tôi cần người làm. Thế nên chúng tôi mới có một buổi tuyển dụng ngày hôm nay và tôi đến đây để phỏng vấn tìm người làm vị trí pha chế.” Cô ấy hầu như không nhìn tôi khi nói những lời này. Cứ như thể cô ấy đang đọc cho tôi các quyền mà tôi có khi bị bắt giữ chứ không phải là đang muốn giới thiệu một công việc. “Đây là vị trí thấp nhất nhưng lại có nhiều cơ hội. Tôi chưa bao giờ học hết cấp ba và giờ đây tôi đang quản lý một công việc kinh doanh ra trò. Mỗi quản lý nhà hàng đều phải tự điều hành cửa hàng của họ và thuê người làm mà họ muốn.”

Cô ấy đưa cho tôi một tờ giấy.

“Đây là mẫu hồ sơ xin việc. Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu buổi phỏng vấn chính thức.”

Cô ấy chìa tay ra.

“Tên tôi là Crystal.”

Trong suốt khoảng thời gian đó tôi vẫn đang ngồi ở cái bàn trong góc với ly Latte và đống giấy tờ. Cái cặp của tôi rơi xuống đất khi tôi đứng lên và vươn nửa người ra khỏi chỗ ngồi trong một tư thế kỳ cục để bắt tay cô ấy và nói, “Tên tôi là Mike.”

Tôi đã đặt tên cho công ty của mình là Michael Gates Gill và Những người bạn bởi vì tôi thích âm thanh vang dội của từng chữ trong tên của tôi. Nhưng ở đây tôi lại cảm thấy rằng “Mike” vẫn là cách gọi tốt hơn. Có lẽ là cách duy nhất.

“Mike”, Crystal nói một lần nữa sắp xếp giấy tờ trước mặt cô ấy mà vẫn không nhìn vào tôi, “tất cả các nhân viên của Starbucks đều được gọi bằng tên và họ nhận được lợi ích tuyệt vời.”

Cố ấy đưa cho tôi một tờ rơi lớn.

“Đọc qua tài liệu này và anh sẽ thấy tất cả những lợi ích về chăm sóc sức khỏe.”

Tôi nhận lấy tờ giấy một cách hào hứng. Tôi đã không biết là vị trí này có bảo hiểm y tế. Mức phí bảo hiểm y tế đã trở nên quá cao để tôi có thể tự chi trả cho mình. Tôi phải từ bỏ nó và đây là một lỗi lầm mà tôi đã nhận ra sẽ có hậu quả nghiêm trọng thế nào đối với mình. Bất kỳ mâu thuẫn nào mà tôi có đối với công việc này đều đã bay qua cửa sổ.

Chỉ một tuần trước tôi có làm kiểm tra tổng thể với bác sĩ của mình. Thông thường thì ông ấy sẽ cho tôi một báo cáo sức khỏe tốt. Nhưng lần này ông ấy lắc đầu nhẹ và nói, “có lẽ không có vấn đề gì đâu nhưng để chắc thì anh nên đi chụp cộng hưởng từ.”

Tại sao?”

“Tôi chi muốn chắc chắn. Anh nói là anh thấy ù tai phải không?”

Chỉ hơi ù thôi,” tôi vội trả lời. Tôi chưa bao giờ cho bác sĩ Cohen cơ hội để nghi ngờ về các vấn đề sức khỏe của mình. Tôi chưa bao giờ nói với ông ấy rằng tôi đang cảm thấy ốm. Ông ấy là một bác sĩ tận tâm và điều đó có nghĩa là ông ấy không mệt mỏi trong việc tìm ra các vấn đề sức khỏe của tôi.

Hơi ù vẫn là ù” ông ấy nói bằng cái giọng bực bội thường ngày của mình. Ông ấy thấy mất kiên nhẫn với sự né tránh khéo léo của tôi. “hãy đi chụp cộng hưởng từ sau đó gặp bác sĩ Lalwani.”

“Bác sĩ Lalwani?”

“Michael, anh là một kẻ kiêu ngạo,” bác sĩ Cohen nói với tôi “và một ngày nào đó điều này sẽ giết chết anh. Bác sĩ Lalwani là bác sĩ hàng đầu về tai. Anh ấy có bằng tiến sĩ ở Stanford. Giờ thì anh hài lòng chưa?”

Sau khi đã khám bệnh cho tôi trong suốt nhiều năm, bác sĩ Cohen hiểu tôi rất rõ.

Thế là tôi đi chụp cộng hưởng từ. Bác sĩ Cohen đã nói với tôi rằng việc đó chỉ mất “vài phút”.

Tôi đã nằm đó ít nhất là nửa giờ. Và tôi cũng không thích cái thực tế là tôi có thể nghe thấy các bác sĩ khác ra vào phòng.

“Chuyện gì xảy ra vậy?”

“Chẳng có việc gì cả,” vị bác sĩ trẻ tuổi nói như ra lệnh với tôi. “Chúng tôi sẽ gửi kết quả đến bác sĩ Lalwani. Anh ấy muốn gặp ông.”

Tôi đã rất tức giận. Tôi giận bác sĩ Cohen chứ không phải cái việc chụp cộng hưởng từ ngu xuẩn này. Trước giờ tôi vẫn khỏe mạnh. Và tôi vẫn sẽ khỏe mạnh bởi vì tôi không thể ốm bây giờ được.

Bác sĩ Lalwani bắt tôi phải chờ gần cả buổi chiều. Tôi thấy người ta ra vào phòng anh ta. Cuối cùng thì bác sĩ Lalwani cũng xuất hiện, tươi cười đến tận mang tai. Liệu đó có phải là dấu hiệu của hy vọng? Lalwani ra hiệu cho tôi đi vào phòng. Căn phòng nhỏ, chật chội và chất đống giấy tờ. Tôi thấy không yên tâm tí nào. Tôi thích một góc văn phòng rộng lớn với ghế sofa thoải mái. Anh ta rõ ràng là đã không làm tốt lắm trong chuyên môn của mình.

“Ông Gill,” anh ta nói.

“Michael,” tôi nói với anh ta và cố tỏ ra thật thân thiện.

Nhưng anh ta vẫn cố chấp và cười tươi hơn. “Ông Gill, tôi có vài tin xấu cho ông … nhưng có lẽ ông đã biết rằng có gì đó không ổn rồi … tôi nói đúng không?”

Tôi đã biết có cái đó không ổn rồi ư? Anh ta bị điên à? Tôi nghĩ mọi việc đều ổn thì có.

“Anh đang nói gì?” tôi cố gắng kiềm giữ sự lo lắng và tức giận của mình trước thái độ bình tĩnh của anh ta.

“Ông có một căn bệnh hiếm gặp. May mắn thay, cái đó lại đúng là chuyên môn của tôi.”

“Vấn đề gì?” tôi gần như hét lên, nhưng bác sĩ Lalwani lại như chẳng vội vàng gì.

“Một vấn đề rất, rất hiếm.” Anh ta lại cười. “Chỉ có một trong số mười triệu người Mĩ mới mắc phải.”

Tôi đợi chờ đầy tức giận nhưng với bản năng động vật, tôi biết tôi phải để cho vị bác sĩ tài giỏi đó làm những gì anh ta muốn. Tôi đã quá hoảng sợ để có thể hét lên về cái kiểu cách học giả của anh ta.

“Ông mắc phải bệnh gọi là ung thư âm thanh. Đúng chuyên ngành của tôi. Nhưng rất hiếm. Nó là một khối u nhỏ trên sàn não của ông … ảnh hưởng đến việc nghe của ông.”

Trong một giây tôi không thể nhìn hoặc nghe bất kỳ điều gì. Nó như thể là tôi bị bắn ngay giữa đầu và tim. Tôi nghĩ tôi chắc là đã nín thở.

Bác sĩ Lalwani có vẻ như cảm nhận được sự căng thẳng của tôi nên vội nói.

“Bệnh này không chết người đâu,” anh ta nói. “Tôi có thể phẫu thuật. Nhưng tôi phải nói với ông rằng cuộc phẫu thuật rất nguy hiểm.”

Tôi đã hồi phục lại khả năng nghe và nhìn đúng lúc nghe được những từ ngữ đáng ngại đó. Từ “Nguy hiểm” được thốt ra từ miệng bác sĩ phẫu thuật thì không phải là thứ mà tôi muốn nghe.

“Ý anh là gì?”

“Chúng tôi khoan vào xương sọ, và mọi thao tác đều diễn ra trong não. Đúng ra thì tôi là một bác sĩ thần kinh … nó là một cuộc phẫu thuật não.”

Anh ta cực kỳ tự tin vào bản thân. Tôi thì ghét anh ta vì sự sẵn lòng thực hiện phẫu thuật đó.

“Khả năng nghe của ông có thể không hồi phục. Khối u gây ra tiếng ù. Nó sẽ mất một hoặc hai tuần trước khi ông có thể rời bệnh viện,” anh ta nói.

“Trước khi tôi có thể rời bệnh viện,” tôi lặp lại một cách máy móc.

“Và sẽ mất vài tháng để ông hồi phục hoàn toàn. Nhưng tỉ lệ hồi phục là rất lớn. Khả năng tử vong rất thấp. Chỉ có vài trường hợp tử vong thôi.”

Một vài … đã chết? Anh ta bị điên à?

“Khi nào thì tôi phải phẫu thuật?” tôi lắp bắp. Miệng tôi khô đắng.

“Tôi sẽ thực hiện nó ngay… nhưng ông có thể sẽ muốn đợi vài tháng, quay trở lại và chúng ta sẽ chụp cộng hưởng từ lần nữa để xem liệu khối u có to lên hay không. Có thể ông có một khối u phát triển rất chậm.”

Cuối cùng cũng có một tia hy vọng. Giống như tất cả mọi người, tôi ghét cái ý tưởng về bệnh viện. Bạn bè tôi có người đã chết trong viện. Chưa kể đến hiện nay tôi gần như là phá sản. Thế nên mọi sự trì hoãn đều là một phần thưởng của Chúa.

Tôi đứng dậy nhanh chóng, bắt tay anh ta, rời văn phòng đó và ngay lập tức gọi cho bác sĩ Cohen.

Ông ta không yên tâm lắm.

“Nghe có vẻ như anh cần làm phẫu thuật ngay,” anh ta nói với tôi.

“Đúng,” tôi nói, giả vờ đồng ý, “nhưng tôi sẽ đợi một vài tháng để chụp cộng hưởng từ lần nữa.”

Tôi đang câu thời gian.

Từ bỏ bảo hiểm y tế đối với tôi đã là việc rất tồi tệ, nhưng không thể trả khoản tiền bảo hiểm y tế cho con mình còn kinh khủng hơn. Tôi tự hỏi liệu khối u có phải là một cái nghiệp để trừng phạt cho hành vi của mình.

Giờ đây khi đang ngồi đối diện với Crystal, tôi đọc tờ quảng cáo của Starbucks về đãi ngộ bảo hiểm với một niềm hứng thú đặc biệt. Những đãi ngộ này có vẻ rộng và bao gồm cả các vấn đề về răng và nghe –  những thứ mà tôi chưa bao giờ được hưởng khi còn là một quản lý cấp cao tại JWT.

Tôi ngước lên nhìn Crystal một cách hy vọng. “Cái này có bao gồm cả con cái không?”

“Anh có bao nhiêu con?”

“Năm đứa”, tôi nói và nghĩ về việc tôi đã từng nói “bốn”. Giờ thì là năm.

Crystal cười lớn. Rồi cô ấy mỉm cười, một cách tử tế.

“Anh chắc đã bận rộn lắm,” cô ấy nói.

“Đúng.”

Tôi không muốn nói gì thêm; nó quá phức tạp để bàn đến chuyện này trong một cuộc phỏng vấn xin việc.

“Được rồi,” cô ấy tiếp tục, vẫn bằng một giọng nói tích cực, “cả năm đứa con của anh đều sẽ được chi trả bảo hiểm chỉ với một khoản trừ thêm nhỏ.”

Thật nhẹ nhõm. Đứa con bé nhất của tôi, Jonathan, là lý do chủ yếu mà tôi cần công việc đến vậy. Mọi việc không phải lỗi của nó. Tất cả đều là lỗi của tôi.

Tôi đã gặp Susan, mẹ của Jonathan tại phòng tập gym, nơi tôi bắt đầu lui tới một thời gian ngắn sau khi bị đuổi việc. Tôi cần một lý do để ra khỏi nhà mỗi ngày và tập thể dục trở thành lý do mới của tôi để thức dậy và ra ngoài.

Một buổi sáng tôi đang nằm trên tấm thảm tập và nghỉ. Tôi tình cờ ở trong một căn phòng trống và nơi đó thỉnh thoảng được sử dụng cho các lớp yoga. Susan đi vào, rõ ràng là không để ý thấy tôi và tưởng căn phòng trống. Cô ấy khóc khi đi đến ngồi dựa vào tường.

“Cô có ổn không?” tôi hỏi. Tôi cảm thấy không thoải mái khi ở cạnh những người đang xúc động.

Cô ấy giật mình nhưng cũng không ngừng khóc.

“Anh trai tôi đang chết dần vì bệnh ung thư … chỉ còn sống được vài ngày…”

“Điều đó thật khó khăn,” tôi nói, ngồi trên tấm thảm xanh của mình, chuẩn bị rời đi.

“Và chỉ mới năm ngoái tôi đã mất bố vì bệnh ung thư phổi.”

“Thật khó khăn,” tôi lặp lại và đứng dậy. Đáng ra tôi nên tiếp tục đi ra cửa nhưng tôi lại nghĩ rằng không nên để cô ấy lại khi đang buồn như thế.

Tôi đến gần cô ấy.

“Đừng lo,” tôi nói mà chẳng biết những từ này ở đâu ra. “Cô sẽ sớm trở nên hạnh phúc hơn trước đây.”

Cô ấy ngước nhìn tôi. Susan nhỏ người, chắc chỉ tầm một mét rưỡi với mái tóc đen dày và mắt màu nâu. Tôi cao hơn mét tám, bị hói và có mắt màu xanh. Chúng tôi là ví dụ trái ngược điển hình trong nghiên cứu và chắc chắn là một cặp đôi kỳ lạ.

Susan lau nước mắt nhưng chúng lại càng chảy ra nhiều hơn.

“Cái gì?” cô ấy nói, không tin tưởng lắm việc mình đã nghe chính xác.

Tôi không thể tin được mình vừa nói gì. Những từ ngữ điên rồ này đến từ đâu vậy?

Nhưng tôi đã lặp lại chúng.

“Cô sẽ trở nên hạnh phúc hơn bao giờ hết.”

Cô ấy gật đầu như thể đã hiểu được ở một mức độ nào đó.

Tôi chuẩn bị đi.

“Tôi thích đàn ông tập yoga,” cô ấy nói. “Nó thể hiện sự linh hoạt.”

Susan và tôi bắt đầu mối quan hệ với những giả thuyết sai lầm. Cô ấy cho rằng tôi thích yoga. Trong khi tôi chả có tí hứng thú nào với yoga cả. Tôi không thích việc kéo căng người: nó khiến tôi cảm thấy càng ít linh hoạt hơn. Tôi cứng nhắc trong rất nhiều thứ. Thể chất. Tinh thần. Cảm xúc. Tôi thích các bài hát cũ, cách thức cũ. Cho đến giờ, quá khứ của tôi đều rất ổn. Susan không biết gì về thứ mà tôi thực sự thích. Gặp tôi trong phòng tập yoga và cô ấy nghĩ tôi là người linh hoạt, nhạy cảm, có thể hiểu sự uyên thâm mang tính tích cực và sâu sắc của cuộc sống. Giống như tôi là một bậc thầy khôn ngoan.

Thỉnh thoảng nó cũng thú vị khi mà người ta có thể nhầm lẫn đến thế.

Susan đã quá sai về tôi và tôi cũng đã nhầm về Susan. Tôi cho rằng cô ấy là một đứa trẻ bơ vơ cần sự an ủi và bảo vệ. Nhưng sau đó tôi biết rằng cô ấy là một bác sĩ tâm lý thành công với một lượng lớn bệnh nhân yêu quí.

Tôi nghĩ là cô ấy cần tôi.

Cô ấy nghĩ tôi có thể giúp cô ấy.

Cả hai chúng tôi đều sai.

Nhưng có một sự hấp dẫn ngay tức thì giữa chúng tôi. Có phải phản ứng hóa học mạnh mẽ giữa chúng tôi là mình chứng cho câu nói những gì ngược nhau thì sẽ hút nhau? Đặc biệt là buổi sáng sớm tại phòng tập gym. Tôi chẳng có gì tốt hơn để làm cả. Còn cô ấy có hai giờ rảnh rỗi trước cuộc hẹn với bệnh nhân tiếp theo.

Từ khi tôi bị đuổi việc, tôi đã nhận ra rằng tôi không thể làm tình với vợ mình được, và chúng tôi cũng chẳng thử thường xuyên cho lắm. Giống như nhiều cặp vợ chồng, chúng tôi thỉnh thoảng mới làm tình. Nhưng tôi vẫn thấy sợ hãi khi mà lần gần đây nhất tôi đã cố thử nhưng thất bại. Thất bại về thể chất đó làm tệ hơn thất bại trong công việc gần đây của tôi. Mà tôi thì luôn coi tình dục như một cách hứng khởi để giải tỏa căng thẳng. Giờ thì nó lại trở thành một dấu hiệu nữa của việc tuột dốc không thể đảo ngược được của tôi.

Cho đến khi tôi gặp Susan.

Nhưng mặc cho sự hấp dẫn đó, tôi vẫn đi ra phía cửa. Tôi là người không linh hoạt, và không ngoại tình … đặc biệt là với người tôi gặp ở một phòng gym hạng thường.

“Anh có muốn uống một tách cà phê không?” Susan hỏi một cách lịch sự khi tôi di chuyển ra cửa. Tôi gần như không nghe thấy cô ấy. Cô ấy nói rất nhẹ.

Tôi thấy bản thân mình trả lời, “Chắc chắn rồi, cùng uống một tách cà phê nhé.”

Có thể có điều gì xấu xảy ra khi uống một tách cà phê với một cô gái bé nhỏ đang đau khổ chứ? Chúng tôi có thể gọi một ly latte ở Starbucks và tôi có thể khiến cô ấy vui vẻ hơn.

Nhưng thay vì Starbucks thì cô ấy lại gợi ý đi đến căn hộ của cô ấy. Tôi đã đi cùng cô ấy và tôi đã bị mắc kẹt. Sau đó tôi gặp Susan mỗi buổi sáng khi cô ấy rảnh – khoảng hai hoặc ba lần một tuần.

Susan cũng không phải trẻ. Ở giữa tuổi bốn mươi. Bác sỹ phụ khoa của cô ấy nói rằng cô ấy không thể có con. Vì vậy cô ấy nói chẳng có lý do gì để kết hôn cả.

“Kết hôn là để sinh con,” cô ấy nói. “Rất không may là em lại chẳng thể có con.”

“Đó là chưa kể đến việc anh đã kết hôn rồi,” cô ấy nhắc nhở tôi, nhìn lướt nhẫn cưới trên tay tôi để xác nhận lại.

Tôi công nhận ý kiến của cô ấy với một cảm giác tội lỗi lớn. Mỗi ngày tôi lại yêu Susan hơn nhưng tôi cũng muốn giữ gia đình mình và tận hưởng cuộc sống hiện tại. Tôi yêu vợ và muốn bốn đứa con được sống trong điều kiện gia đình ổn định.

Rồi có một ngày Susan gọi tôi khi tôi đang ở nhà – một việc mà cô ấy chưa bao giờ làm.

“Em phải gặp anh.”

“Khi nào?” lúc đó là bẩy giờ rưỡi sáng. Tôi thậm chí còn chưa ăn sáng.

“Ngay bây giờ.”

Cô ấy đứng lặng lẽ trong căn hộ của mình; rèm cửa mở rộng về phía Sông Đông. Đó là một buổi sáng tháng ba nhưng mặt trời chiếu sáng lấp lánh trên mặt nước.

“Michael,” cô ấy thì thầm. “Em có thai. Và Chúa đã nói với em rằng em phải sinh đứa bé này.”

Trái tim tôi ngừng đập. Cái này không có trong kế hoạch của tôi. Tôi đã mất công việc và đang phải vật lộn để nuôi sống gia đình mình. Tôi không cần một đứa con nữa.

“Anh nghĩ gì thế?” cô ấy hỏi.

“Em phải lựa chọn,” tôi nói.

“Nói em nghe.”

“Không,” tôi nói và đứng dậy. Tôi định bảo cô ấy phá thai. Nhưng đây có thể là cơ hội duy nhất của cô ấy để có một đứa con.

“Đây là một điều kỳ diệu, Michael, nhưng em cần sự hỗ trợ của anh.”

“Anh đã phá sản.”

Cô ấy cười. Susan còn có một sự hiểu nhầm khác: cô ấy nghĩ rằng vì tôi ăn mặc lịch sự và trông có vẻ giàu có thì có nghĩa là tôi giàu. Cô ấy không biết rằng đằng sau cái thái độ đứng trên cả thế giới của tôi thì mỗi ngày tôi lại càng nghèo đi.

Tôi đã giữ mối quan hệ với Susan trong bí mật nhưng khi Jonathan được sinh ra, tôi đã nói với vợ mình. Cô ấy không thể chịu đựng được việc đó.

“Ngoại tình là một chuyện,” cô ấy nói. “Một đứa con thì lại là chuyện khác.”

Betsy là người tỉnh táo.

“Tôi không thể làm được việc đó,” cô ấy nói với tôi. “Tôi không được sinh ra để làm việc này.”

Thế là chúng tôi ly dị trong “hòa bình”, mặc dù cô ấy có quyền tức giận với tôi vì đã ngu ngốc như vậy.

“Tôi đã nghĩ là chúng ta sẽ sống với nhau suốt quãng đời còn lại,” cô ấy nói. Tôi cảm thấy thật kinh khủng.

Con tôi, giờ đã trưởng thành thì hiểu mọi chuyện theo cách trưởng thành nhưng vẫn thấy bị tổn thương và giận dữ. Tôi đã để lại cho Betsy ngôi nhà lớn và cô ấy có đủ tiền để dành để lo cho cuộc sống nhưng tôi biết mọi thứ không phải chỉ liên quan đến tiền. Tôi đã phá hỏng cuộc đời cô ấy.

Và tôi cũng tự phá hỏng cuộc đời mình.

Tôi thuê một căn hộ nhỏ tại khu ngoại ô New York. Tôi tuyệt vọng muốn sửa sai sau khi đã làm những việc tồi tệ đó nên tôi đã cố gắng để ở bên Susan và đứa bé mới sinh, Jonathan. Tôi sẽ đến vào lúc bốn hoặc năm giờ sáng để chơi với Jonathan và để Susan có thể ngủ một chút.

Tôi làm việc này chỉ vì trách nhiệm. Nhưng một việc không mong muốn đã xảy ra. Tôi càng ngày càng cảm thấy gắn bó với Jonathan. Và thằng bé cũng thế. Tôi và Jonathan thường cùng nhau ngắm mặt trời mọc. Khi những đứa con khác của tôi còn nhỏ, tôi đã không có thời gian để cùng trải qua những khoảng khắc thay đổi cuộc đời của chúng. Tôi lúc đó làm việc mười hai tiếng mỗi ngày tại JWT.

Lúc này, tôi có cơ hội nữa được làm một người cha – theo nhiều cách, một cơ hội mà tôi không xứng đáng. Tôi thích nhìn Jonathan lớn lên trước mắt mình; nhìn thằng bé khua khoắng bàn tay bé nhỏ như thể đang điều khiển dàn nhạc khi tôi hát một bài hát nhẹ nhàng hoặc nghe con cười với một niềm vui sướng không bị kìm nén khi tôi ném một con thú nhồi bông lên trên không.

Một ngày, khi tôi bế thằng bé đã ngủ say đặt vào cũi, Jonathan mở mắt và cười với tôi. Thằng bé mở miệng và những âm thanh tuyệt vời phát ra “Da da.” Chỉ hai từ đơn giản nhưng khiến trái tìm tôi rung động. Khi tôi nghĩ đến việc tôi đã để lỡ khoảng khắc kỳ diệu này của những đứa con khác, tim tôi nhói đau. Và tất cả vì điều gì chứ? Vì một công ty đã đuổi việc tôi để trả cho sự trung thành của tôi. Tôi muốn ngồi xuống và nói với những đứa con của mình rằng: Con chỉ sống một lần và hãy nhìn gương bố để sống một cách khôn ngoan. Hãy cân nhắc các ưu tiên của mình.

Tôi dành ngày càng ít thời gian để tìm khách hàng mới và ngày càng nhiều thời gian với Jonathan. Thằng bé yêu tôi và cần tôi. Trong mắt thằng bé thì tôi là một người tuyệt vời.

Những ngày này, có lẽ Jonathan là người duy nhất cảm thấy thế. Susan đã dần mất hứng thú với tôi, bắt đầu bằng việc cô ấy không thích nói chuyện với tôi. Cô ấy bảo tôi “nhàm chán”. Tôi thì không quá cởi mở với các ý tưởng mới. Và rồi cô ấy chán tôi với tư cách một người tình. Cô ấy nói tôi quá “khuôn mẫu”. Theo một cách kì quặc thì tôi càng xuất hiện trước mặt cô ấy nhiều – sau khi ly hôn vợ, có ít khách hàng và công việc để làm, tôi có nhiều thời gian hơn – tôi càng trở nên ít hấp dẫn với cô ấy. Cô ấy tưởng tượng ra tôi là một người đàn ông ở trên đỉnh của nước Mỹ, đầy đủ, năng suất, thành công và hạnh phúc. Giờ thì cô ấy đã nhìn thấy mặt thật của con người tôi: một cậu bé không có cảm giác an toàn và không giỏi đối mặt với thực tế.

Jonathan là người duy nhất yêu thích và người bạn duy nhất của tôi lúc đó. Nhưng giờ thằng bé bắt đầu đi học và tôi bị bỏ lại với quá nhiều thời gian, ít lý do hơn để trốn tránh làm việc và nhu cầu lớn hơn bao giờ hết cho một công việc chỉ để sống sót. Chết tiệt, tôi còn không thể đóng tiền bảo hiểm y tế cho đứa con bé bỏng của mình.

Làm thế nào mà tôi lại có thể vô dụng như vậy trong cả mối quan hệ công việc và cá nhân? Tôi cố gắng rũ bỏ những ý nghĩ tiêu cực và tội lỗi ra khỏi đầu và tập trung vào Crystal và cuộc phỏng vấn đáng ngạc nhiên này. Không biết do may mắn hay một sự bất thường nào đó mà Crystal đã cho tôi cơ hội này – có lẽ là cơ hội cuối cùng của tôi – để giúp tôi không tiếp tục tuột dốc. Tôi không muốn vuột mất nó.

Tôi ngước nhìn Crystal và cố gắng cho cô ấy thấy một nụ cười tự tin.

Cô ấy lại chẳng để ý đến. Rõ ràng là Crystal đang cố gắng cân bằng giữa cảm giác chán ghét cá nhân đối với tôi và cam kết để giữ sự chuyên nghiệp. Cửa hàng của cô ấy đang rất cần nhân công. Và tôi thì rất cần một công việc. Thuyết phục cô ấy đi, tôi tự nói với bản thân mình. Hãy thuyết phục cô ấy rằng đây là một sự kết hợp hoàn hảo. Tôi ép bản thân phải thật tích cực.

“Giờ tôi muốn hỏi anh vài câu hỏi về kinh nghiệm làm việc của anh,” Crystal nói với một giọng điệu chuyên nghiệp.

Đột nhiên tôi cảm thấy rất lo lắng. Sau khi nhìn thấy những phúc lợi về y tế mà Starbucks đưa ra, tôi thực sự muốn công việc này. Liệu Crystal có phải là một người phụ nữ trẻ như Linda White, người mà cuối cùng đã kết thúc sự nghiệp của tôi không? Tôi không quan tâm, miễn là cô ấy cho tôi công việc.

“Anh đã bao giờ làm việc trong ngành bán lẻ chưa?”

Câu hỏi của cô ấy khiến tôi giật mình.

Tôi cố gắng suy nghĩ một cách tuyệt vọng… Nhanh lên, bán lẻ là cái gì?

“Giống như làm việc tại Wal-Mart?” cô ấy gợi ý. Tôi cảm nhận được đây là lần đầu tiên trong cuộc phỏng vấn này, Crystal có vẻ như lựa chọn ủng hộ tôi. Tất cả những thứ này bắt đầu như một trò đùa hoặc một lời thách đố với cô ấy nhưng có lẽ, chỉ là có lẽ thôi, cô ấy đã nhìn thấy tôi  một người thật sự cần giúp đỡ.

Đột nhiên tôi nhận ra rằng cuộc sống đầy đặc quyền trước kia đã bảo vệ tôi khỏi cái thực tế mà những người khác hiểu rõ hơn tôi nhiều.  Crystal có lẽ có thể giúp tôi có được một sợi dây nhưng tôi có lẽ chẳng thể nắm được sợi dây mà cô ấy đã đã ném cho tôi trong cuộc phỏng vấn này: tôi chưa bao giờ bước vào một cửa hàng Wal-Mart cả.

Crystal đánh một cái dấu nhỏ trên tờ giấy của cô ấy và tiếp tục. Tôi cảm thấy rất căng thẳng. Cái này có vẻ không tốt lắm.

“Anh đã bao giờ đối mặt với khách hàng trong các tình huống khó khăn chưa?” Crystal đọc câu hỏi trong tờ phiếu và ngẩng đầu nhìn tôi. Đôi mắt của cô ấy trở nên dịu dàng hơn; giờ đây cô ấy dường như sẵn sàng là tôi sẽ trả lời đúng câu hỏi này.

Nhưng tôi vẫn chẳng nghĩ ra gì cả. Liệu nói chuyện với CEO của Ford được coi là khó khăn? Đúng, nhưng điều đó có lẽ chẳng giúp tôi có được công việc này. Tôi nhớ tôi đã làm nhiều quảng cáo cho Burger King và đã làm việc ở một cửa hàng của họ trong một buổi sáng để tìm kiếm cảm giác cho công việc đó.

“Tôi đã làm việc ở Burger King,” tôi nói.

Crystal nở một nụ cười lớn.

“Tốt,” cô ấy nói. “Và anh đã đối mặt với khách hàng như thế nào khi mọi thứ trở nên tồi tệ?”

“Tôi lắng nghe cẩn thận những gì mà họ nói, cố gắng sửa lỗi sai và sau đó tôi hỏi họ rằng tôi có thể làm gì nữa.” Tôi phun ra những lời vô nghĩa từ một tờ rơi mà tôi đã viết về việc làm thế nào để giải quyết vấn đề trong hoàn cảnh khó khăn.

Crystal lại cười và đánh một cái dấu trên tờ phiếu.

“Anh đã từng làm việc với rất nhiều người trong một khoảng thời gian eo hẹp chưa?” cô ấy hỏi.

“Rồi,” tôi nói, giữ cho câu trả lời có vẻ mông lung. Làm việc muộn cho một chiến dịch quảng cáo của Christian Dior rất khác với việc phục vụ latte cho hàng trăm người đang trên đường đi làm.

Crystal lại đánh dấu trên tờ phiếu. “Anh biết gì về Starbucks? Anh đã từng đến quán của chúng tôi chưa?”

Tôi đã chạy đây chạy đó. Trong suốt nhiều tháng, nhiều tuần tìm kiếm công việc, tôi đã đến nhiều quán Starbucks ở New York. Tôi chớp lấy cơ hội được thể hiện kiến thức của mình. “Các cửa hàng của Starbucks ở Grand Central luôn bận rộn và chẳng chỗ nào có ghế ngồi cả, vì vậy tôi không thể ngồi xuống nhưng cửa hàng ở Đại lộ số 5 đường 45 thì lại khá thoải mái và cửa hàng ở Đại lộ Công viên thì có tầm nhìn đẹp, và ..”

“Được rồi Mike,” cô ấy ngắt lời tôi. “Tôi biết rồi.” Cô ấy cười. “Có vẻ như anh là fan của cửa hàng nên tôi nghĩ anh sẽ thích câu hỏi này: đồ uống yêu thích nhất của anh là gì?”

Một lần nữa tôi có thể thật sự nhiệt tình mà trả lời vì tôi thích cà phê ở nhiều dạng khác nhau, và Starbucks là nơi tốt nhất để thưởng thức chúng.

“Điểm khác biệt giữa latte và cappuccino là gì?” Crystal hỏi.

Cô ấy tóm được tôi rồi. Tôi thích cả hai loại đồ uống này nhưng lại chẳng biết chúng khác nhau ở chỗ nào. “Tôi không biết … cappuccino có ít sữa hơn và gì đó nữa?”

“Anh sẽ biết thôi,” cô ấy nói, lại đánh dấu vào phiếu của tôi nhưng tôi nghĩ phản ứng có vẻ tích cực. Chỉ nghe cô ấy nói “Anh sẽ biết thôi” đã khiến tôi trở nên tự tin hơn. Tôi gần như đã từ bỏ ý nghĩ rằng mình sẽ học thêm cái gì đó mới mẻ hoặc ai đó sẽ dành thời gian để giúp tôi học về một công việc mới.

Crystal đứng lên. Rõ ràng là cuộc phỏng vấn đã kết thúc.

Tôi cũng đứng lên, gần như làm đổ cốc latte vì sự vồn vã của mình. Chúng tôi bắt tay.

“Cảm ơn, Crystal,” tôi nói, cảm thấy biết ơn hơn bao giờ hết trong đời mình. Cô ấy có vẻ như cảm nhận được sự biết ơn chân thành đằng sau câu nói đơn giản của tôi.

Cô ấy cười. Có cái gì thú vị trong những lời tôi nói sao? Cô ấy rõ ràng là bây giờ mới có cái nhìn thật sự về toàn bộ tình huống. Và tôi, có lẽ đã cho cô ấy thấy rằng “kẻ thù” là người mà cô ấy có thể xử lý một cách dễ dàng. Hoặc, thậm chí tốt hơn, có lẽ cô ấy đã phát hiện ra tôi không chỉ là một lão già người da trắng mà còn là một con người thực sự mà cô ấy có thể giúp. Cho dù lý do là gì thì cô ấy có vẻ như thoải mái hơn với tôi.

Nhưng rồi cô ấy lại trở nên nghiêm túc. “Công việc không dễ dàng đâu, Mike.”

“Tôi biết. Nhưng tôi sẽ làm việc chăm chỉ. Tôi xin hứa.”

Cô ấy cười và có lẽ hơi tự hào về điều đó. Sau này tôi mới biết lý do. Tám năm trước, khi cô ấy còn lang thang trên phố, cô ấy chưa bao giờ nghĩ rằng trong tương lai cô ấy sẽ gặp một gã đàn ông da trắng, một kẻ đúng như tục ngữ nói, mặc bộ comple giá hai ngàn đô đi xin xỏ cô ấy một công việc.

Crystal chắc đã nhận ra sự chân thành trong việc tôi sẵn sàng vượt qua ranh giới – từ việc thưởng thức những ly latte tới việc phục vụ chúng. Nhưng tôi nhận ra rằng cô ấy thấy tôi còn phải học nhiều và phải phá bỏ nhiều định kiến.

Mặc cho điều này, cô ấy sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, vượt qua tầng lớp xã hội, dân tộc, và lằn ranh giới tính để cân nhắc cho tôi một công việc.

“Tôi sẽ gọi cho anh trong vài ngày tới, Mike,” cô ấy nói, “và cho anh biết quyết định.”

 

Ủng hộ Rừng Hổ Phách

Mong các bạn ủng hộ để Amber duy trì trang web. Nếu không có Paypal thì có thể:
1. Chuyển khoản tới: Hoang Mai Nhung - 0021002033624 - Vietcombank.
2. Chuyển qua Momo
3. Gửi thẻ cào điện thoại Viettel
Chân thành cảm ơn!

Rừng Hổ Phách

Lịch

Tháng bảy 2018
H B T N S B C
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  
DMCA.com Protection Status